Độc đáo những món ngon từ núi rừng
Gỏi cà đắng, cơm lam, nộm bắp chuối rừng… là những món ăn độc đáo trong những bữa cơm hàng ngày của người đồng bào vùng cao.
1. Gỏi cà đắng
Đây là món ăn độc đáo của người dân tộc Ê đê ở Tây Nguyên, thành phần chính là quả cà đắng có màu xanh, lớn hơn quả cà pháo và cá khô. Chế biến món ăn này rất đơn giản, chỉ cần rửa sạch quả cà còn tươi sống, có thể đập dập hoặc thái thành từng lát tùy theo ý thích. Sau đó ngâm vào nước giấm pha loãng để cà bớt đắng và giòn.
Gỏi cà đắng ngày nay đã trở thành món ăn đặc sản trong các nhà hàng Tây Nguyên.
Vớt cà ra, cho vào một cái thố, cho cá cơm khô vào trộn đều với lá lốt thái nhỏ, nước mắm ớt tỏi. Ăn gỏi cà đắng vừa có vị đăng đắng của cà, cái mằn mặn của cá khô, vị cay của ớt cùng hương thơm thoang thoảng của lá lốt làm cho món ăn dân dã này trở nên độc đáo, lạ miệng.
2. Cơm lam
Cơm lam là món ăn quen thuộc của người dân tộc thiểu số, nó có mặt ở các tỉnh miền núi phía Bắc hay các tỉnh Tây Nguyên. Cơm lam là một món ăn đặc sản dùng để đãi khách phương xa, cũng là một món ăn không thể thiếu trong các dịp lễ hội.
Video đang HOT
Cơm lam là món ăn rất độc đáo của người đồng bào vùng cao.
Chế biến món ăn này đỏi hỏi sự khéo léo và tỉ mỉ. Gạo là nguyên liệu quan trọng, khi nấu cơm lam, người ta lựa chọn loại gạo đặc trưng của vùng núi, hạt nhỏ, thuôn dài, khi chín tỏa mùi thơm nức. Gạo vo sạch, cho vào ống nứa cùng ít nước, nén chặt nhưng không quá đầy, dùng lá chuối nút đầu nứa lại và đem nướng. Ống nứa dùng để nướng cơm phải là ống nứa tươi, hơi non để khi nướng, hương thơm của ống nứa tươi hòa quyện vào hương nếp mới tạo nên một hương vị rất riêng của cơm lam.
Thịt heo rừng nướng thướng được ăn kèm với cơm lam và muối vừng.
Người dân vùng cao thường ăn cơm lam với muối vừng, muối riềng cùng thịt heo rừng, thịt gà nướng trong ống nứa. Cơm lam chín dẻo, trắng trong và thơm ngon, ăn một miếng cơm lam chấm với muối vừng, thêm một lát thịt heo rừng nướng. Vị thơm thơm của vừng, cái đậm đà của thịt heo rừng nướng hòa quyện với hương thơm của cơm lam tạo nên một món ăn hấp dẫn mang thấm đẫm hương núi rừng làm say lòng người thưởng thức.
3. Nộm bắp chuối rừng
Bắp chuối rừng là thực phẩm rất quen thuộc của đồng bào dân tộc thiểu số ở các vùng núi cao xứ Quảng. Để chế biến món ăn ngon, người ta thường chỉ chọn những bắp chuối vừa ra hết buồng, vì khi đó bắp chuối giòn, có vị bùi lại không đắng khi ăn. Để làm món nộm, bắp chuối được bào thành từng sợi mỏng, ngâm trong nước có pha chanh cho trắng và loại bớt mủ.
Nộm bắp chuối rừng với hương vị độc đáo đem lại cho người ăn sự ngon miệng khó quên.
Trộn chung với bắp chuối là tôm, thịt heo thái nhỏ. Cho tất cả các nguyên liệu đó vào chiếc thố lớn, trộn thật đều với nước mắm chanh tỏi ớt, thêm ít đậu phộng rang, hành ngò thái nhỏ cho món ăn dậy mùi thơm. Nộm bắp chuối rừng là món ăn thanh mát, với hương vị thơm ngon mà bạn không thể bỏ qua trong những ngày trời nắng nóng.
Theo Vnexpress
Đậu Mơ - món ngon dân dã Hà thành
Vốn là món ăn dân dã, phổ biến ở Việt Nam, nghề làm đậu phụ hầu như ở vùng miền nào cũng có, nhưng đậu phụ làng Mơ vẫn nổi tiếng hơn cả. Những ai đã từng ở đất Hà thành hẳn không còn lạ lẫm với món ăn mềm mượt thơm ngon này.
Người xưa truyền lại rằng nghề làm đậu phụ vốn xuất xứ từ làng Mơ - Mai Động (quận Hai Bà Trưng, Hà Nội), do chính ông tướng Tam Trinh từ thời Hai Bà Trưng sáng chế ra và truyền lại cho dân chúng trong làng, rồi lưu giữ cho đến tận ngày nay.
Nói đến đậu Mơ, ta nghĩ ngay đến những bìa đậu nhỏ xinh, có màu vàng nhạt và thơm ngậy. Cũng những công đoạn và cách làm đậu phụ như rất nhiều vùng miền khác nhưng đậu làng Mơ được lọc kỹ, gói khéo nên ăn mềm và béo hơn rất nhiều so với đậu phụ những nơi khác. Cũng có tương truyền rằng đậu Mơ nổi tiếng là do từ xưa đậu được nấu bằng nước giếng làng Mơ có mùi vị đặc biệt nên đậu mới thơm ngon.
Người làm đậu thường dậy từ rất sớm, khoảng 3 giờ sáng để bắt đầu công việc của mình. Để có được mẻ đậu ngon thì việc chọn đậu tương là giai đoạn quan trọng đầu tiên, đậu tương phải được chọn kỹ, hạt tròn đều, vàng mẩy rồi phơi khô, xay vỡ đôi cho tróc vỏ mới đem ngâm để lấy nước cốt rồi mới cho vào túi vải thô, thưa sợi, vắt bớt chất xơ, lọc ra nước đậu sống đem nấu chín. Đây là khâu quyết định chất lượng của đậu phụ, bởi đậu chín non hay quá lửa đều không đạt chất lượng. Phần nước tinh chất này sau khi chín tới thì được đổ ra chum đất lớn, để nguội bớt rồi hòa với phần nước chua sao cho đậu tương kết tủa thành bánh, có ánh vàng nhạt, người ta vẫn hay gọi là "óc đậu". Người làm đậu sẽ dùng một chiếc thìa kim loại có dạng hình tròn, đáy lõm vớt "óc đậu" cho vào chiếc khăn xô nhỏ, tiếp đó đặt vào khuôn gỗ. Đậu vào khuôn xong sẽ chuyển sang ép, thời gian cho công đoạn này thường mất khoảng ba mươi phút. Sau khi ép xong, đậu được dỡ ra để nguội và bóc lớp "áo" vải xô. Quá trình này được gọi là lột đậu. Chiếc đậu thành phẩm vừa lột ra vẫn còn nóng hổi, được xếp lên sàng. Nếu bán ngay người ta sẽ mang thẳng ra chợ, còn để đến chiều bán thì đậu sẽ được thả vào nước lạnh để bảo quản.
Chế biến công phu, nhưng món đậu phụ xưa nay vẫn là một trong những món ăn bình dân nhất. Và với người sành ăn Hà Nội, từ một thức bình dân ấy đã cho ra đời biết bao món đặc trưng đất kinh kỳ. Người Hà Nội có rất nhiều cách biến tấu đậu Mơ cho hợp với khẩu vị. Có thể ăn nóng khi vừa mới cắt từ khuôn ra, chấm với mắm tôm, mắm tép hoặc nước mắm tỏi hay đơn giản hơn là chấm muối chanh. Đây là món ăn đơn giản lại mát, rất thích hợp cho những ngày hè nóng bức.
Còn đậu rán là món ăn phổ biến nhất. Người ta rán đậu trong mỡ sôi già để có miếng đậu với lớp vỏ vàng, ròn và ngậy. Đậu rán có thể ăn với cơm hoặc bún. Món bún đậu mắm tôm với rau kinh giới là món ăn rẻ, ngon và hấp dẫn rất nhiều người.
Ngoài ra, người Hà Nội còn có món đậu nướng thơm lừng, nóng hổi, khi ăn phải dùng tay bẻ từng miếng đậu, chấm mắm tôm, rồi tay kia nhón vài cọng kinh giới, cắn một miếng ớt bỏ vào miệng cay nồng.
Quen thuộc và dễ làm như đậu chao, bún đậu ốc, các món canh đậu, đậu sốt cà chua... Mỗi cách làm lại mang lại những cảm nhận thú vị khác nhau, nó gần gũi và gắn bó như một phần không thể thiếu trong ẩm thực Hà thành. Không chỉ có trong bữa cơm gia đình, các thức ấy còn đến nhà hàng, khách sạn qua bàn tay của những người đầu bếp tài hoa, những thanh đậu trắng ngần nhỏ bé lại như được lột xác làm nên những món ăn thật ấn tượng với những cái tên mới nghe thôi cũng đã thấy hấp dẫn: đậu phụ om nấm, đậu phụ xào xả ớt, súp đậu phụ hải sản, nộm hoa chuối đậu phụ... Dù chế biến đơn giản hay cầu kỳ, đậu Mơ đã trở thành một "thương hiệu" nổi tiếng của người Hà Nội.
Dân dã, bình dị là thế mà từ lâu món đậu Mơ đã đi vào lòng người. Du khách ghé thăm Hà Nội đều muốn thử món đậu ấy để rồi cứ mang theo cái hương vị ngọt, mát trong lòng mà chẳng nỡ rời đi.
Theo Tuoitre
Món mới miền Tây: Cá lóc hấp bồn bồn Cá lóc đồng thịt ngon, hiền, giàu dinh dưỡng nên được ưa chuộng và chế biến thành nhiều món như: nướng trui, kho, nấu canh chua, nấu cháo, nhúng giấm... Gần đây, một số đầu bếp lại biến tấu thêm "cá lóc hấp bồn bồn", được xem là món ngon đặc trưng tại các nhà hàng, quán ăn ở miệt Cà Mau, Kiên...