Doanh nghiệp dè dặt nhập hàng bán Tết
Trong khi doanh nghiệp cắt giảm đơn hàng thực phẩm, trái cây… nhập từ nước ngoài về bán Tết thì các nhà bán lẻ lại muốn chủ động nhập để giảm chi phí trung gian
Ngày 11-12, trao đổi với phóng viên Báo Người Lao Động, ông Nguyễn Thanh Hùng – chủ một công ty chuyên nhập khẩu các loại quà tặng phong thủy, một số thực phẩm và thực phẩm chế biến theo hướng organic từ Nga – cho biết hiện một số mặt hàng nhập cho mùa Tết 2021 đã về tới TP HCM, số còn lại đang trên đường về. “Dịch Covid-19 khiến mọi thứ đình trệ, thậm chí đảo lộn nên chúng tôi không dám nhập nhiều như mọi năm mà chỉ tính toán số lượng vừa phải để hạn chế rủi ro” – ông Hùng chia sẻ.
Chỉ nhập hàng phổ biến
Theo ông Hùng, hiện chi phí vận chuyển đã tăng nhưng doanh nghiệp (DN) chấp nhận giảm lợi nhuận, giữ nguyên giá bán sỉ cho các đại lý, cũng như để chào bán vào một số siêu thị. “Đơn cử như món patê gan ngỗng nhập khẩu từ Nga, công ty tôi đóng container về Việt Nam và bán sỉ với giá chỉ bằng một nửa giá bán lẻ trên mạng nên tiêu thụ rất tốt. Tình hình chung là người tiêu dùng đang rất quan tâm đến giá cả hàng hóa nên sản phẩm có giá càng cạnh tranh càng dễ bán” – ông Hùng nêu thực tế và dự báo những mặt hàng nhập khẩu ở phân khúc trung bình khá trở xuống sẽ có nhiều lợi thế hơn dòng cao cấp trong Tết này.
Quyết định giảm đến 50% lượng trái cây nhập về bán từ nay đến Tết, một công ty chuyên về nhập khẩu rau quả ở Bình Thuận cho hay mặc dù nguồn hàng dồi dào, giá cả tương đương năm rồi nhưng sức mua trong nước quá chậm nên DN không dám mạo hiểm. “Nhu cầu tiêu thụ trái cây ngoại dịp Tết luôn có nhưng chắc chắn sẽ giảm trong Tết này nên không chỉ DN chúng tôi mà nhiều công ty khác cũng điều chỉnh kế hoạch kinh doanh. Năm nay, chúng tôi chỉ tập trung nhập một số loại trái cây phổ biến và dễ bán như táo, lê, nho…” – đại diện DN này nói thêm.
Cua khổng lồ và các mặt hàng hải sản sẽ được đẩy mạnh nhập khẩu để tiêu thụ trong dịp Tết.
Ông Phạm Thiện Hoàng, Giám đốc Công ty Phạm Hoàng Trang (sở hữu chuỗi cửa hàng GreenSpace Store), cho biết Tết là mùa tiêu thụ các loại trái cây tươi như táo, cherry ở phân khúc cao cấp. Tuy nhiên, năm nay do ảnh hưởng của dịch Covid-19, các nước xuất khẩu lớn như Mỹ, Úc, New Zealand… đều gặp khó về nguồn cung vì chi phí nhân công tại vườn cao gấp 2-3 lần và tình trạng thiếu chuyến bay, thiếu container rỗng… khiến giá bán cao hơn năm rồi khá nhiều. “Cũng vì thiếu trái cây tươi nên Tết năm nay dự báo sẽ bùng nổ của các loại hạt như hạt dẻ cười, hạnh nhân, óc chó, hồ đào… Đây là những loại thực phẩm lành mạnh, nhiều dinh dưỡng và giá bán không quá cao, khoảng 300.000 – 400.000 đồng/kg, nhập khẩu đa dạng từ nhiều nước. Ngoài ra, các loại trái cây sấy khô tự nhiên như: nho, mận, mơ… nhập khẩu cũng được tung ra thị trường để thay thế cho những loại mứt Tết vốn nhiều đường” – ông Phạm Thiện Hoàng dự báo.
Nỗ lực giữ giá
Video đang HOT
Theo khảo sát của Công ty Nghiên cứu thị trường Ipsos, mặc dù trải qua một năm đầy biến động bởi dịch Covid-19 nhưng Tết vẫn là dịp đặc biệt. “So với Tết năm trước, ý định chi tiêu cho Tết này của người tiêu dùng Việt Nam có phần cao hơn trong nhóm có thu nhập cao (hơn 23,5 triệu đồng/tháng/hộ gia đình), giữ nguyên ở nhóm thu nhập trung bình (hơn 7,5-23,5 triệu đồng/tháng/hộ gia đình) và giảm khoảng 15% trong nhóm thu nhập thấp (7,5 triệu đồng/tháng/hộ gia đình trở xuống)” – báo cáo của Ipsos nhấn mạnh.
Công ty này cũng nhận định do việc du lịch nước ngoài gặp khó khăn nên năm nay có khoảng 50% gia đình về quê ăn Tết theo truyền thống. Đây là cơ hội gia tăng mua sắm tiêu dùng cho các sản phẩm ăn uống (bánh kẹo, trái cây sấy khô và các loại hạt). Đặc biệt, việc tặng quà Tết vẫn được người dân duy trì, bất chấp dịch Covid-19. Báo cáo của một số công ty nghiên cứu thị trường khác cũng khẳng định người tiêu dùng Việt Nam vẫn duy trì việc chi tiêu Tết nhưng nhu cầu chắc chắn sẽ có sụt giảm so với mọi năm.
Dựa vào khảo sát và tư vấn của các công ty nghiên cứu thị trường, hầu hết DN bán lẻ đã quyết định đẩy mạnh giảm giá để hỗ trợ khách hàng, đồng thời tăng doanh số mùa Tết. Một trong những giải pháp đang được các nhà bán lẻ tính tới là chủ động nhập khẩu một số mặt hàng để giảm chi phí trung gian, bảo đảm mức giá cạnh tranh nhất. Liên hiệp HTX Thương mại TP HCM (Saigon Co.op), dù có tỉ lệ hàng Việt đang kinh doanh trong hệ thống lên đến hơn 95% nhưng nhà bán lẻ này vẫn đang tích cực nhập khẩu một số mặt hàng để tăng thêm sự lựa chọn cho khách hàng, phòng hờ thiếu hụt nguồn cung nội địa. “Chẳng hạn, thời điểm nguồn cung thịt heo trong nước giảm mạnh, siêu thị phải tìm thêm nguồn thịt đông lạnh nhập khẩu để thay thế. Hay như mặt hàng trái cây, dù hàng nội địa phong phú, tiêu thụ tốt nhưng người tiêu dùng vẫn có nhu cầu với hàng nhập khẩu, nhất là trái cây ôn đới” – một đại diện của Saigon Co.op thông tin.
Tương tự, hệ thống MM Mega Market cũng có kế hoạch đẩy mạnh nhập hàng bán Tết để giảm chi phí, giảm giá bán. Hiện tại, hệ thống này đang gấp rút thực hiện các thủ tục để nhập khẩu trực tiếp một số loại thực phẩm, trái cây tươi. Tuy nhiên, dịch Covid-19 khiến thủ tục nhập khẩu bị ảnh hưởng, khả năng sẽ không kịp để đưa hàng về Việt Nam theo đúng thời hạn. “Dù trực tiếp nhập hay phân phối qua nhà cung cấp, chúng tôi cũng cố gắng giữ giá hàng Tết 2021 tương đương với Tết năm ngoái. Siêu thị cũng đang tích cực liên hệ với các bên, làm việc với nhà cung cấp để thuyết phục họ đồng hành, chia sẻ khó khăn với người tiêu dùng trong một cái Tết quá đặc biệt này” – đại diện MM Mega Market tiết lộ.
Tăng cường nhập hải sản ngoại
Theo ông Trần Văn Trường, Giám đốc Công ty TNHH Thương mại Quốc tế Hải sản Hoàng Gia, công ty đang tăng lượng hàng dự trữ để phục vụ Giáng sinh, Tết dương lịch và sau đó là Tết nguyên đán. “Hải sản là mặt hàng được tiêu thụ mạnh trong dịp này, nhất là khi một số người dân đã ngán những món Tết như thịt, giò, chả, bánh, mứt… Dịch bệnh ảnh hưởng đến thu nhập của người dân nhưng không phải tất cả. Với hải sản cao cấp nhập khẩu tươi sống, chúng tôi chế biến cho khách mang đi với giá cả rẻ hơn rất nhiều so với nhà hàng nên lượng bán ra vẫn tăng. Tết này, DN sẽ nhập thêm sản phẩm mới là cua Úc khổng lồ (từ 4-10 kg/con) để phục vụ thị trường. Tùy theo nhân lực, chúng tôi sẽ mở xuyên Tết khoảng 50% cửa hàng để phục vụ người tiêu dùng” – ông Trường cho biết.
Bán đàn trâu 500 con, thu ngay 300 triệu đồng ăn Tết
Trâu gỗ đang hút khách nên dịp Tết Tân Sửu này, chủ một xưởng gỗ dự kiến bán được gần 500 con lớn nhỏ, thu về khoảng 300 triệu đồng.
Chỉ hơn 2 tháng nữa là đến Tết Nguyên đán 2020, thời điểm này, nhiều làng nghề đã cho ra mắt những sản phẩm độc đáo để trưng bày. Đáng chú ý, những sản phẩm thủ công hình con trâu với mẫu mã, kích thước đa dạng đang là mặt hàng được khá nhiều người ưa chuộng.
Chị Trần Thị Thường, chủ một xưởng chuyên sản xuất các loại tượng, con giáp bằng gỗ ở thôn Thượng Cung (Tiền Phong, Thường Tín, Hà Nội) chia sẻ, đã 20 năm gắn bó với nghề truyền thống, gia đình chị sản xuất mặt hàng này quanh năm chứ không theo mùa vụ. Song cứ vào dịp cuối năm, công việc lại bận bịu hơn cả, có khi sản phẩm làm ra không kịp bán.
Trâu gõ đang là mặt hàng hút khách dịp Tết Tân Sửu tới
Chuẩn bị bước sang năm Tân Sửu nên những con trâu gỗ là mặt hàng khá hút khách, đặc biệt là tượng trâu nằm trên đế tiền vàng mang ý nghĩa nhiều tài lộc, may mắn trong năm mới được nhiều người chọn mua.
Từ tháng 8 âm lịch, xưởng nhà chị đã rục rịch sản xuất theo đơn đặt hàng của khách, mỗi đợt khoảng 50-100 con to nhỏ tùy nhu cầu. Hàng làm ra đến đâu đều được đóng gói chuyển đi luôn, khách lấy sỉ phải đặt trước tầm 1 tuần mới có.
Theo chị Thường, những con trâu này đều được làm từ gỗ hương có mùi thơm nhẹ, vân đẹp, có độ bóng, sắc nét. Trung bình cứ 8-10kg gỗ hương sẽ tạo ra được 1 chú trâu tùy kích thước.
Song, để tạo ra được một con trâu thì phải qua khá nhiều công đoạn như: chọn gỗ, cho vào máy tạo hình, gọt sạch lại, đánh giấy ráp, cuối cùng là khâu phun sơn hoàn thiện. Trong đó, khâu gọt tỉa tạo điểm nhấn phần khuôn mặt, hoa văn là quan trọng nhất, đòi hỏi người thợ có tay nghề, khéo léo, tỉ mỉ và có sự sáng tạo mới đáp ứng được những khách hàng khó tính.
Giá trâu dao động từ 0,4-5 triệu đồng/con tùy loại
Các xưởng sản xuất đang chạy đua để kịp hàng bán Tết
Tùy theo từng mẫu thiết kế kích thước to hay nhỏ, trâu đứng hay nằm, nhiều họa tiết hay mẫu trâu trơn mà có giá khác nhau, dao động 450.000-1.000.000 đồng/con. Đặc biệt, với những con giá từ 1 triệu đồng trở lên thường có kích thước to, hoa văn cầu kỳ, nhiều chi tiết tiểu cảnh.
"Những tháng giáp Tết này, xưởng nhà tôi hoạt động không ngừng nghỉ, máy chạy cả ngày lẫn đêm. Nhiều hôm gia đình tôi phải thức khuya dậy sớm, làm đến 10 giờ đêm mới nghỉ, quên cả ăn trưa để làm hàng cho kịp tiến độ", chị nói.
Dự kiến năm nay, nhà chị sản xuất khoảng 400-500 con trâu gỗ phục vụ thị trường Tết Nguyên đán, ước tính doanh thu được khoảng 240-300 triệu đồng, trừ đi chi phí cũng lãi được một khoản dù không nhiều như sản xuất những mặt hàng khác.
Ngoài ra, chị còn có nhiều mẫu tượng Phật, tam đa, thần tài, tạo hình các con giáp, chậu hoa,... để bày biện, trang trí nhà cửa cho khách hàng lựa chọn, chị Thường cho hay.
Các xưởng dự kiến bán được khoảng 400-500 con trâu trong mùa Tết này
Cách đó không xa, xưởng sản xuất trâu gỗ của chị Thái Thị Dự cũng tất bật không kém. Chị thừa nhận, năm nào trước Tết, vợ chồng chị cũng "đầu tắt mặt tối" làm hàng kịp giao cho các mối buôn quanh Hà Nội và trong TP.HCM. Bởi đến tầm 10/12 âm lịch, khách buôn đã dừng lấy hàng. Theo đó, chị phải thuê thêm 10 người nữa, mỗi người đảm nhận một công đoạn cho kịp tiến độ.
Chị Dự cho biết, để đáp ứng thị hiếu người tiêu dùng, các dòng trâu gỗ có mẫu mã, kiểu dáng, kích thước, hoa văn rất đa dạng như hình chú tiểu đồng ngồi trên lưng trâu, trâu đứng, trâu nằm trên đế tiền vàng, trâu cõng tài lộc,... Ngoài bán theo cặp, chị còn bán lẻ tùy theo yêu cầu sử dụng và biếu tặng của khách.
Giá mẫu trâu này tùy vào kích thước và độ cầu kỳ, tỉ mỉ của họa tiết trên đó. Đơn cử, con có kích thước nhỏ, họa tiết trơn có giá 400.000 đồng/đôi; con to chiều dài khoảng 80cm, chiều rộng 25cm, chiều cao 35cm có giá khoảng 5 triệu đồng/con, song khách đặt đến đâu chị mới làm đến đó. Có người đặt vài chục đôi, khách đặt nhiều khoảng 100 đôi mỗi đợt.
Trung bình mỗi ngày xưởng nhà chị làm được một mẻ gồm 8 con trâu, tính riêng đơn hàng Tết này, cơ sở của chị sản xuất khoảng 400 con. Bên cạnh đó, heo gỗ cũng là măt hàng rất đắt khách, được nhiều người lựa chọn để trang trí trong nhà, có giá dao động 400.000-2.000.000 đồng/cặp tùy loại.
Giá thịt lợn vẫn ngoài vòng kiểm soát Mặc dù Chính phủ đã can thiệp để đưa giá lợn hơi về mức 70.000 đồng/kg từ ngày 1/4, nhưng từ đó cho đến nay giá lợn hơi trên thị trường tự do chưa khi nào giảm và đỉnh điểm là gần đây, giá lợn hơi đã tăng phi mã, sát mức 100.000 đồng/kg... Giá thịt lợn trong nước bất ngờ bùng phát,...