Dở khóc dở cười dạy online tiểu học
Dạy học trực tuyến với những đứa trẻ 6-7 tuổi không thể nào có ‘kịch bản’ đủ cho mọi tình huống đôi khi dở khóc dở cười.
Cô Nguyễn Phạm Ngọc Hà, giáo viên lớp 1/1 Trường tiểu học Lý Cảnh Hớn, quận 5, TP.HCM, tập thể dục buổi sáng cùng học sinh – Ảnh: SONG NGÂN
“Từ đầu năm học đến nay, tôi chỉ thấy phụ huynh than học sinh lớp 1, lớp 2 học trực tuyến khổ quá. Nhưng giáo viên chúng tôi cũng vất vả không kém khi phải dạy từ xa cho trẻ 6, 7 tuổi” – một giáo viên lớp 1 ở nội thành TP.HCM kể.
Khi học sinh buồn ngủ
Một phụ huynh có con học lớp 2 Trường tiểu học Nghĩa Tân (Cầu Giấy, Hà Nội) kể: “Thỉnh thoảng trong giờ học lại thấy cô cho học sinh ngừng học để… hát khởi động. Một phần để giảm stress cho trò nhưng cũng có khi chỉ để giúp cô gọi một bạn đang ngủ quên dậy học tiếp”.
Cô H., giáo viên lớp 1 của trường, cho biết nếu chỉ nhắc nhở hay mắng thì học sinh sẽ không thể tỉnh ngủ hoặc bị căng thẳng dẫn tới sợ học. Cô và cha mẹ đã phải trao đổi để chọn khung giờ học phù hợp với nếp sinh hoạt của trẻ ở nhà. Nhưng cũng có nhiều trẻ sợ học quá sinh ra buồn ngủ.
Khi học sinh ngủ, cách của cô là cho cả lớp ngừng lại để hát, đánh thức bạn dậy.
Cô Lê Thị Thanh – một giáo viên ở quận Cầu Giấy (Hà Nội) – kể có em đang học thì xin đi thay quần. Có em một tiết học đi vệ sinh mấy lần. Có em thì bỗng dưng òa khóc không hiểu tại sao. Đó mới chỉ là những sự vụ ngoài nội dung học tập. Còn liên quan tới bài học thì khá vất vả.
Cô Thu Hằng – giáo viên chủ nhiệm lớp 2 ở quận Hai Bà Trưng (Hà Nội) – chia sẻ: “Do lớp 1, lớp 2 cần uốn nắn nhiều nên muốn hiệu quả buộc phải chia ca học ở những tiết cần rèn như giờ học ghép âm vần, viết chính tả.
Một ngày dạy nhiều ca đã rất mệt, còn phải soạn bài, chuẩn bị đồ dùng học tập, trao đổi với cha mẹ học sinh. Cô phải hướng dẫn các bố, mẹ cách kèm con, giải đáp những vướng mắc cha mẹ nêu ra.
Đôi khi phải kiên nhẫn chịu đựng sự bức xúc, giận dữ của nhiều phụ huynh vì họ cũng bất lực không thể kèm được con học online”.
Còn cô Nguyễn Phạm Ngọc Hà – giáo viên lớp 1/1 Trường tiểu học Lý Cảnh Hớn, quận 5, TP.HCM – cho biết: “Ông xã tôi cứ thắc mắc sao ôm máy suốt từ sáng đến tối. Lớp tôi có nhiều học sinh thuộc diện hoàn cảnh như ba mẹ là lực lượng tuyến đầu chống dịch nên gửi con về quê cho ông bà.
Ba hoặc mẹ là F0 phải cách ly, ba hoặc mẹ đi làm diện “3 tại chỗ” nên không ở nhà cùng con. Mà học trực tuyến không phải em nào cũng nắm được bài như mong muốn. Thế nên tôi sẽ bù đắp cho các em bằng cách buổi tối sau khi ăn cơm xong thì các em mở máy học riêng với cô.
Tôi phụ đạo cho từng em để bảo đảm các em không bị hẫng”.
Video đang HOT
Tạo hứng thú cho học sinh
“À, cô đã thấy bạn Thiên Ân, bạn Ngọc Bích, bạn Khả Yến…” – cô Nguyễn Phạm Ngọc Hà thường bắt đầu buổi dạy của mình như thế khi thấy các học sinh lần lượt online.
“Sáng nào tôi cũng cho các em tập thể dục đầu giờ. Sau đó là tiết mục chơi “hái sao” nhưng thật ra là kiểm tra bài cũ. Trong tiết học tôi thường xuyên cho các em chơi trò chơi, rồi đưa âm nhạc vào… để tạo hứng thú cho học sinh.
Nhiều bữa thấy học sinh ngồi ngáp ngắn ngáp dài, tôi cho các em múa dân vũ cùng với cô chứ không đợi phải hết tiết mới giải lao” – cô Hà chia sẻ.
Ngoài ra, cô Ngọc Hà còn kể thêm: “Lớp tôi có 36 học sinh lớp 1. Ngay từ đầu năm học, tôi đã chia lớp thành ba nhóm để cô trò làm quen với nhau. Những buổi làm quen này, tôi đề nghị phụ huynh ngồi cùng con để hỗ trợ con tương tác với cô giáo.
Sau khi cho học sinh tự giới thiệu về mình tôi hướng dẫn các em phương pháp học trực tuyến, cách bật/tắt micro, bấm vào biểu tượng giơ tay khi muốn phát biểu, làm quen với những hiệu lệnh của cô giáo. Ngay cả việc gọi học sinh phát biểu cũng vậy.
Thường học sinh lớp 1 rất thích được gọi tên để phát biểu, cô không gọi thì con sẽ buồn. Nhưng học sinh hơi chậm sẽ rất ít khi giơ tay. Tôi phải cân bằng cả hai chứ nếu chỉ gọi những học sinh nhanh nhẹn thì các em còn lại càng mất tự tin”.
Cô M.Q., một giáo viên ở quận Hà Đông (Hà Nội), chia sẻ bí quyết “thu phục” học sinh của mình: “Trước giờ dạy, tôi phải dành thời gian để trò chuyện với học sinh để hiểu về tính cách, những ưu nhược điểm của mỗi em. Như thế mới tìm được cách hỗ trợ, giúp đỡ riêng cho mỗi học sinh.
Đặc biệt trẻ rất thích được khen ngợi kịp thời nên cô thường phải để ý đến từng tiến bộ nhỏ và khích lệ ngay hoặc khen thưởng. Tôi cũng soạn giáo án lồng ghép bài học với trò chơi cùng những hình ảnh bắt mắt thu hút.
Việc dạy phải linh hoạt, không cố ép. Hôm nay dạy chưa hết bài thì thu xếp dạy vào buổi sau. Nhưng cần tính toán khéo léo để không bị quá chậm. Điều lo lắng nhất khi dạy học sinh lớp 1 là viết chữ.
Có trẻ đã làm quen với cách ngồi học, cầm bút nhưng có trẻ chưa biết gì. Việc uốn nắn, hướng dẫn online rất vất vả”.
Theo giáo viên dạy lớp 1 ở Hà Nội, mỗi người sẽ phải loay hoay rồi tìm cho mình một cách rèn chữ cho học sinh trong tình huống hiện tại. Ví dụ cô M.Q. chọn cách vất vả hơn cho mình là chia nhỏ lớp vào các tiết dạy viết chính tả.
Cô sẽ phải dạy nhiều ca/ngày nhưng bù lại cô còn thời gian quan tâm đến từng học sinh. Các cô tìm ứng dụng dạy chữ trên mạng, mua thêm webcam để thu hình ảnh gần vào chữ cô viết mẫu hoặc dùng bảng vẽ điện tử…
Để phụ huynh đồng lòng
Theo một số giáo viên ở TP.HCM, cái khó nhất trong thời điểm đầu năm học chính là tâm lý phụ huynh. “Dịch bệnh căng thẳng như thế này, tại sao không cho các bé ngưng học 1 năm hả cô? Con nít học trực tuyến thì sao mà học được?” – cô M.H., giáo viên ở quận Bình Tân, cho hay cô đã nhận được rất nhiều câu hỏi như thế.
“Tâm lý phụ huynh không muốn cho con em học thì việc đầu tiên tôi phải thuyết phục phụ huynh đồng lòng với ngành giáo dục trước đã. Sau đó mới có thể nhờ họ hỗ trợ con em trong quá trình học tập” – giáo viên này nói thêm.
Trẻ mới vào lớp 1, mẹ ép ngồi tập viết ngày... 5 tiếng
Yêu cầu con ngồi tập viết chữ 4-5 giờ đồng hồ mỗi ngày, chị Hải Anh cũng căng thẳng khi nhìn vào tập vở của cháu.
Gần hai tuần nay, chị Đặng Hải Anh, ngụ ở quận 12, TPHCM "siết" kỷ luật học tập với cô con gái lớp 1. Ngoài giờ học online với giáo viên, mỗi ngày chị yêu cầu con ngồi tập viết 4 giờ đồng hồ, ngày cuối tuần 5 tiếng.
Cháu ngồi viết lâu, rất chậm, có nửa trang cả tiếng đồng hồ chưa xong. Nhiều khi chị phải cầm roi ngồi bên cạnh, con vừa viết vừa khóc.
Nhiều phụ huynh có con vào lớp 1 lo lắng về vấn đề tập viết của con, chia sẻ câu chuyện lên mạng xã hội.
Vậy nhưng mỗi khi nhìn con viết, hay nhìn vào tập của cháu là lại khiến chị căng thẳng.
Chị kể con mình viết đi viết lại chữ vẫn cong vẹo, chữ "b" thì nhìn ra chữ "l", chữ "ơ" loằng ngoằng nhìn như chữ "h"... nét chữ không vào được ô ly như yêu cầu.
Thấy nhiều bé cùng tuổi viết chữ nắn nót, gọn gàng, nên mỗi lần nghe cô nhận xét con mình viết chưa đạt, chị càng sốt ruột và ép con.
Cùng cảnh như chị Hải Anh, mỗi lần nhìn con viết chữ, viết số là chị Trần Hồng Hà, ở quận Bình Thạnh chỉ muốn bật khóc. Con chị có thói quen viết ngược, tập được một lúc rồi lại đâu vào đó.
Theo chị, năm nay con không được kèm chữ trừ trước. Học online ở lớp, các cô chỉ hướng dẫn qua, chủ yếu nghe đọc, chứ không kèm kỹ được phần viết. Trong khi mẹ không có kỹ năng dạy, không biết chỉ dẫn thế nào mới đúng.
Người mẹ căng thẳng: "Mới tối qua, cháu viết số 6 và chữ "m" gần 3 tiếng đồng hồ, đến hơn 10 giờ đêm. Vậy mà khi viết lại, cháu vẫn viết ngược, tôi stress quá!".
Trẻ không viết được, không đọc được... là nỗi lo lắng của nhiều phụ huynh có con vào lớp 1 năm nay. Trên các diễn dành phụ huynh có con lớp 1, liên tục những lời than thở, lo lắng từ bố mẹ về việc con không biết viết, viết chậm, viết xấu... Nhiều gia đình đã lên phương án tìm giáo viên kèm viết chữ cho con.
Học online, vấn đề tập viết của trẻ lớp 1 trở thành áp lực với nhiều gia đình.
"Tôi đang tìm người kèm con viết chữ. Chỉ mong sau 30/9, khi có thể đi lại được sẽ mời cô giáo đến nhà để dạy thêm cho cháu", anh Nguyễn Văn Quang, ở quận Phú Nhuận cho biết.
Tránh gây áp lực cho trẻ
Cô Huỳnh Thị Thanh Phương, giáo viên lớp 1 ở huyện Củ Chi chia sẻ, để giáo viên tổ chức được lớp học online và các em chịu ngồi yên hết tiết là thách thức. Việc dạy viết chữ cho các em rất khó thực hiện.
Để việc học online có kết quả, theo cô Phương phụ thuộc rất lớn vào sự hỗ trợ, kèm cặp của phụ huynh nên bản thân bố mẹ cũng áp lực, căng thẳng, điều này rất cần thông cảm.
"Bản thân tôi là giáo viên, ở nhà kèm con viết một trang cũng toát mồ hôi. Trong khi bố mẹ nhiều người không có kỹ năng, phương pháp sẽ càng mệt hơn", cô Phương chia sẻ.
Việc học online có thể hỗ trợ tốt hoạt động đọc nhưng khá hạn chế với hoạt động viết
Theo nữ giáo viên, ở độ tuổi này các em viết chữ theo trí nhớ về mặt, chữ nên nhiều trẻ viết ngược. Có nhiều chữ, số các em hay viết ngược như số 2, 6, 8... nhưng phụ huynh không nên quá lo lắng, trẻ sẽ điều chỉnh từ từ.
Cô Nguyễn Thị Bé, Phó hiệu trưởng Trường tiểu học Nam Việt, TPHCM chia sẻ việc dạy online có thể thực hiện tốt với hoạt động đọc nhưng sẽ khó khăn trong hoạt động tập viết.
Theo cô, nhà trường, giáo viên cần có hướng dẫn, trao đổi cụ thể với phụ huynh, học sinh và tránh gây áp lực lên bố mẹ.
Hiện nay, các hình thức học tập với trẻ lớp 1 như online, qua truyền hình, bố mẹ kèm cặp, đều không hỗ trợ nhiều việc tập viết của trẻ.
Cô Thanh Phương nêu quan điểm, việc học online với học sinh lớp 1 lúc này cần điều chỉnh mục tiêu, tập trung vào nhận diện con chữ, đọc hiểu nhiều hơn và giảm áp lực về chữ viết.
Các giáo viên cũng lưu ý phụ huynh cần kiên nhẫn, đừng so sánh con mình với trẻ khác. Bố mẹ ép trẻ đọc, viết quá sức, mỗi ngày nhiều trang, thời gian dài... có thể để lại hậu quả với việc học lâu dài của con.
Theo lãnh đạo Sở GD-ĐT TPHCM, vì ảnh hưởng của dịch bệnh nên các trường phải chuyển qua học online, việc này sẽ khó khăn nhất với học sinh lớp 1, 2. Ở bậc mầm non, đa số các em đã không có đủ thời gian học, thời gian làm quen với chữ viết...
Khi thành phố kiểm soát được dịch bệnh, ngành giáo dục sẽ ưu tiên học sinh khối 1 chia nhỏ lớp quay trở lại học trực tiếp đầu tiên.
Giáo viên không thể đơn thương độc mã phụ đạo cho học sinh lớp 1 Hiệu trưởng có vai trò rất quan trọng, từ định hướng, chỉ đạo chuyên môn, tất cả các nội dung đến tháo gỡ giúp giáo viên. Tăng cường, tháo gỡ từ đầu năm học Sau khi rà soát kết quả học kỳ I năm học 2020-2021, một số địa phương còn tình trạng học sinh lớp 1 chưa đạt kỹ năng đọc, viết,...