Điều gì xảy ra khi ăn quá nhiều đạm?
Đạm, hay protein, là một chất dinh dưỡng thiết yếu cho hoạt động của tế bào, xây dựng mô và giúp máu mang oxy đi khắp cơ thể. Tuy nhiên, ăn quá nhiều protein có thể khiến gan và thận bị quá tải.
Không nhận được đủ protein có thể dẫn đến mệt mỏi, đờ đẫn, đói và chậm phục hồi sau bệnh tật và chấn thương. Nó cũng có thể gây mất khối cơ, đặc biệt là ở người cao tuổi.
Mặt khác, bạn có thể gặp các tác dụng phụ khi ăn quá nhiều protein, đặc biệt nếu bạn có vấn đề về thận.
Điều quan trọng là phải biết nguồn protein nào tốt hơn những nguồn khác để tránh các nguy cơ sức khỏe. Hơn nữa, có nhiều cách để đánh giá xem bạn có nhận được đủ lượng protein hay không, cách nhận biết liệu bạn có ăn quá nhiều đạm hay không và khi nào nên đến gặp bác sĩ.
Bạn cần bao nhiêu protein?
Nói chung, một người cần nhận được ít nhất 0,7g protein cho mỗi kg cân nặng mỗi ngày. Tuy nhiên, nhu cầu protein sẽ khác nhau tùy thuộc vào các yếu tố bao gồm tuổi, lối sống và giới tính:
- Tuổi: Người cao tuổi được khuyên nên ăn nhiều protein hơn để ngăn ngừa mất cơ do lão hóa, khoảng 30% lượng calo trong hàng ngày là từ protein.
- Lối sống: Những người năng vận động và vận động viên cần nhiều protein hơn, khoảng 1 đến 1,5g/kg mỗi ngày.
- Cân nặng: Lượng protein bạn cần phụ thuộc vào khối lượng cơ thể. Đây đôi khi là lý do tại sao đàn ông được khuyên nên ăn nhiều đạm hơn phụ nữ, vì họ có xu hướng có nhiều cơ hơn.
Ví dụ, một phụ nữ trưởng thành hoạt động vừa phải, tập thể dục 2-3 giờ một tuần và nặng 58,5kg sẽ cần từ 70 đến 118g protein mỗi ngày để khỏe mạnh.
Ăn quá nhiều protein có hại cho sức khỏe không?
Ăn quá nhiều protein không phải là vấn đề đối với hầu hết mọi người, nhưng nếu bạn thường xuyên ăn quá nhiều trong thời gian dài, cuối cùng nó có thể làm quá tải hệ tiêu hóa, gan và thận, dẫn đến các vấn đề như:
- Mất nước
- Mệt mỏi
- Đau đầu
- Rối loạn tiêu hóa
- Co giật
Bao nhiêu protein là quá nhiều? Nếu hơn 35% lượng calo trong hàng ngày của bạn đến từ protein, thì đã đến lúc bạn nên xem xét lại chế độ ăn uống của mình.
Nghiên cứu gợi ý rằng sẽ an toàn nếu ăn nhiều nhất 2g protein cho mỗi kg cân nặng mỗi ngày về lâu dài. Và một số người (bao gồm các vận động viên) có thể ăn tới 3,2g/kg mỗi ngày. Con số này tương đương với 35% lượng calo trong hàng ngày từ protein, hoặc tương đương với 219g protein mỗi ngày trong chế độ ăn 2.500 calo.
Đối với hầu hết những người khỏe mạnh, quá nhiều protein không phải là một vấn đề.
“Cơ thể sẽ sử dụng những gì nó cần để duy trì cấu trúc và thay thế các mô, và phần còn lại có thể được đốt cháy để tạo ra năng lượng”, chuyên gia dinh dưỡng Georgie Fear nói.
Tất cả protein sẽ được giáng hóa thành các axit amin. Nếu bạn ăn nhiều hơn mức có thể, cơ thể cũng không thể tích trữ thêm, vì vậy protein sẽ được xử lý và đào thải qua nước tiểu. Tuy nhiên, lượng calo thêm vào từ protein có thể được lưu trữ dưới dạng mỡ nếu không được sử dụng.
“Trung bình, hầu hết mọi người sẽ không đến gần mức trần của protein là 35%”.
Tuy nhiên, quá mức này có thể gây ra các vấn đề như mất nước, mệt mỏi, đau đầu, rối loạn tiêu hóa và thậm chí co giật, do làm quá tải hệ tiêu hóa, gan và thận.
Đặc biệt, những người có vấn đề về thận nên tránh dư thừa protein, vì nó có thể gây thêm gánh nặng cho thận do thận phải phân giải và lọc ra những thứ mà cơ thể không thể sử dụng. Nghiên cứu cũng chỉ ra mối liên quan giữa lượng protein thừa với nguy cơ bị sỏi thận cao hơn ở những người có tiền sử gia đình mắc bệnh thận hoặc những người ăn hầu hết protein từ thịt.
Video đang HOT
Dấu hiệu cho thấy bạn đang ăn quá nhiều protein
Hầu hết mọi người không phải lo lắng về các nguy cơ sức khỏe nghiêm trọng do ăn quá nhiều protein, nhưng bạn có thể gặp các tác dụng phụ nhỏ:
Hôi miệng: Lượng protein thừa đôi khi có thể gây hôi miệng, do vi khuẩn phân giải protein và phát ra mùi như mùi bắp cải hoặc trứng thối.
Các vấn đề về tiêu hóa: Ăn quá nhiều thực phẩm giàu protein cũng có thể có nghĩa là bạn đang bỏ lỡ các chất dinh dưỡng thiết yếu khác như chất xơ, vì các sản phẩm động vật giàu protein không chứa chất xơ. Chế độ ăn ít chất xơ có thể gây ra các vấn đề về tiêu hóa, từ táo bón, tiêu chảy, buồn nôn nhẹ hoặc mệt mỏi sau bữa ăn. Nó cũng có thể thay đổi hệ vi sinh trong ruột.
Chán ăn: Ăn nhiều protein cũng có thể làm giảm cảm giác thèm ăn, vì chất đạm khiến bạn cảm thấy no lâu hơn. Điều này có thể hữu ích cho mục tiêu giảm cân.
Tăng cân: Tuy nhiên, ăn quá nhiều bất cứ thứ gì cũng có thể dẫn đến tăng cân, vì vậy nếu tiêu thụ quá nhiều calo dưới dạng protein, lượng calo dư thừa sẽ được lưu trữ dưới dạng mỡ và dẫn đến tăng cân.
Khi nào thì quá nhiều protein có thể gây hại
Ăn quá nhiều chất đạm có thể dẫn đến các tác dụng phụ có hại nếu bạn có các vấn đề về thận hoặc tiền sử gia đình mắc bệnh thận hoặc sỏi thận.
Một số triệu chứng có thể cho thấy khả năng mắc bệnh hoặc suy thận, một vấn đề sức khỏe nghiêm trọng và tiềm ẩn nguy hiểm.
Đi khám bác sĩ nếu bạn gặp một số kết hợp của các triệu chứng dưới đây về thận:
- Mệt mỏi
- Đi tiểu thường xuyên
- Có máu hoặc bọt trong nước tiểu
- Khó ngủ
- Da ngứa, khô
- Chán ăn
- Chuột rút
- Phù chân hoặc mắt cá chân
Cách tốt nhất để nhận được khẩu phần protein hàng ngày
“Không có nguồn protein nào “xấu”, nhưng hãy theo dõi hàm lượng chất béo bão hòa và calo trong nguồn protein để tối ưu hóa sức khỏe tim mạch”, Fear nói.
Các nguồn protein như thịt mỡ và một số thực phẩm chế biến có liên quan đến tăng nguy cơ ung thư, đái tháo đường và bệnh tim..
Ngoài ra, hãy thận trọng với các chế phẩm bổ sung protein, bao gồm cả dạng bánh và bột, vì chúng có thể chứa nhiều chất phụ gia. Một số thương hiệu có nhiều hơn 20g đường trong mỗi phần (tương đương với một muỗng kem) hoặc chứa đường nhân tạo có thể gây hại cho sức khỏe về lâu dài.
Nếu quyết định bổ sung, hãy tìm một thương hiệu tin tưởng, đọc kỹ nhãn và danh sách thành phần, tuân theo khẩu phần được khuyến nghị và sử dụng có chừng mực.
Các chuyên gia nói rằng không có thời điểm lý tưởng để ăn protein, miễn là bạn nhận được đủ, nhưng chia đều lượng ăn ra cả ngày có thể hữu ích.
Cân bằng lượng protein trong các bữa ăn trong ngày đã được chứng minh là có lợi cho quá trình tổng hợp protein cơ bắp và duy trì khối cơ nạc.
Kết luận
Protein là một chất dinh dưỡng quan trọng đối với sức khỏe và hầu hết mọi người không phải lo lắng về việc ăn quá nhiều. Tuy nhiên, bạn nên ăn các nguồn protein lành mạnh hơn như thịt nạc và thực phẩm nguyên từ thực vật để tránh nguy cơ mắc các bệnh mãn tính cao hơn. Những người có vấn đề về thận nên theo dõi lượng protein một cách cẩn thận, vì quá nhiều có thể gây ra các vấn đề sức khỏe nghiêm trọng.
Chăm sóc sức khỏe trẻ nhỏ vào mùa lạnh cần chú ý điều gì?
Thời tiết mùa đông trời lạnh, ẩm, gió, khô hanh là những yếu tố không tốt có thể gây ảnh hưởng đến sức khỏe trẻ nhỏ. Phòng ngừa và chăm sóc sức khỏe trẻ nhỏ giúp bảo vệ trẻ tốt nhất trong mùa lạnh.
Trong thời tiết lạnh, cơ thể bé sẽ phải tiêu hao nhiều năng lượng có thể chống rét nên cũng từ đó mà sức chống đỡ bệnh tật của trẻ giảm nhiều. Vì vậy, chăm sóc sức khỏe trẻ nhỏ mùa lạnh tốt nhất phụ huynh hay người chăm sóc cần biết cách chăm sóc bé đúng cách để bảo vệ sức khỏe bé trong những ngày đông lạnh giá.
1. Chăm sóc sức khỏe trẻ mùa lạnh trong sinh hoạt hàng ngày
- Lưu ý trong việc giữ nhiệt độ phòng cho bé:
Thực tế, việc giữ nhiệt độ phòng cho bé với mức vừa phải trong mùa đông là điều vô cùng cần thiết. Nhiệt độ phòng của trẻ luôn phải kín gió, ấm áp. Tuy nhiên, nếu đóng kín cửa cả ngày cũng gây hại cho sức khỏe trẻ vì điều này gây ra tình trạng không khí trong phòng của trẻ bị ngột ngạt, thiếu oxy.
Tình trạng thiếu oxy, ngột ngạt trong phòng có thể khiến trẻ mệt mỏi, thậm chí còn làm tăng lượng vi khuẩn sinh sôi.
Đặc biệt, nếu để nhiệt độ điều hòa hoặc máy sưởi quá nóng cũng khiến không khí trong phòng khô, cơ thể càng thêm nguy cơ bị mất nước, khô da, khô mũi và gây ảnh hưởng đến hệ hô hấp khiến trẻ bị khó thở.
Nhiệt độ trong phòng của trẻ cần ấm áp nhưng vẫn cần có sự thông thoáng, nhiệt độ nên giao động từ 27 đến 29 độ C. Lưu ý, trước khi cho trẻ ra ngoài trời hoạt động cần mặc thêm áo khoác và đi giày ấm để tránh không bị cảm lạnh đột ngột.
Nhiệt độ trong phòng của trẻ cần ấm áp nhưng vẫn cần có sự thông thoáng - Ảnh Internet
Không ủ ấm quá mức cho trẻ:
Nhiều phụ huynh lầm tưởng rằng cơ thể trẻ cần được ủ thật ấm khi vào mùa đông. Tuy nhiên, ủ ấm quá mức cho trẻ vào mùa đông lại là quan niệm sai lầm. Điều này có thể gây thêm bệnh cho trẻ.
Ngoài ra, phụ huynh có con nhỏ cũng cần biết, thân nhiệt của trẻ nhỏ và của người lớn không giống nhau. Vì vậy, trẻ sẽ cảm thấy quá nóng hoặc lạnh nhanh hơn so với người lớn. Nếu cho trẻ mặc quá ấm dễ khiến trẻ bị ra mồ hôi lưng, đầu và tình trạng này có thể thấm ngược lại dẫn đến cảm lạnh, viêm phổi ở trẻ.
Chưa kể, việc ứ đọng mồ hôi trên da cũng là điều kiện thuận lợi cho các loại virus, vi khuẩn phát triển gây ra các bệnh về da, khiến trẻ ngứa ngáy, khó chịu.
- Không để trẻ mặc bỉm cả ngày dài:
Mùa đông vì không muốn trẻ bị lạnh, nhiều phụ huynh cho trẻ mặc bỉm cả ngày vì cho rằng đây là cách giữ ấm tốt và tiện lợi. Nhưng việc làm này lại không tốt cho sức khỏe trẻ. Mặc bỉm cả ngày cũng có thể là nguyên nhân gây bệnh cho trẻ và làm hại đến da của trẻ.
Đóng bỉm cho trẻ cả ngày là biện pháp chăm sóc sức khỏe trẻ mùa lạnh sai cách - Ảnh Internet
Không chỉ vậy, đối với trẻ đóng bỉm cả ngày khi bỉm bị dính nước tiểu có thể gây ra tình trạng lở loét, điều này cũng gây ảnh hưởng xấu đến da. Vì thế, trẻ bị hăm là một điều khó có thể tránh khỏi nếu đóng bỉm thường xuyên trong thời gian dài.
Ngoài ra, nếu trẻ đi tiểu nhiều nhưng chưa được thay bỉm, nước tiểu có thể ngấm ngược lại gây lạnh cho trẻ nhỏ. Đối với bé trai, nếu mặc bỉm thường xuyên có thể gây hại cho tinh hoàn. Điều này cũng làm ảnh hưởng đến quá trình sản xuất tinh trùng của tinh hoàn khi bé đến tuổi trưởng thành.
- Giữ trẻ trong nhà, không cho ra ngoài trời trong mùa đông:
Tất nhiên, việc giữ ấm cho trẻ và bảo vệ trẻ bằng cách cho trẻ trong nhà ngừa cảm cúm, cảm lạnh đem lại hiệu quả. Tuy nhiên, nếu trong suốt mùa đông để trẻ ở phòng kín mà không cho trẻ ra ngoài trời có thể dễ khiến bé dễ mắc bệnh hơn.
Thực tế, trẻ nhỏ cần được vận động ngoài trời, điều này giúp tăng khả năng thích nghi với môi trường và thời tiết. Chúng làm tăng sức đề kháng, có thể phòng tránh được nhiều bệnh dễ lây nhiễm đối với trẻ.
Đặc biệt, trẻ dưới 5 tuổi cũng cần được tắm ánh nắng mặt trời để cơ thể hấp thụ vitamin D cần thiết cho cơ thể.
Trẻ mùa đông vẫn cần được tắm ánh nắng mặt trời để cơ thể hấp thụ vitamin D cần thiết - Ảnh Internet
Lưu ý, khi cho trẻ chơi ngoài trời cần thường xuyên kiểm tra mồ hôi lưng để kịp thời thay áo cho trẻ. Nên hạn chế để trẻ đến nơi đông người và không cho trẻ tiếp xúc với người bị bệnh cũng như các nguồn ô nhiễm từ khói bụi, thuốc lá,...
2. Hướng dẫn tắm đúng cách cho trẻ không bị ốm khi trời lạnh
Nhiều phụ huynh cho rằng không nên tắm cho trẻ vào mùa lạnh vì trẻ dễ bị cảm lạnh, dễ ốm mà chỉ thay quần áo cho trẻ nhỏ. Tuy nhiên, đây lại là suy nghĩ sai lầm gây hại cho sức khỏe trẻ.
Chăm sóc sức khỏe trẻ vào mùa lạnh là cần tắm rửa sạch sẽ cho trẻ. Nếu trẻ không được tắm, trẻ sẽ khó chịu, ngứa ngáy và quấy khóc. Vì vậy, ngay cả khi trời lạnh vẫn cần tắm rửa sạch sẽ cho bé ít nhất 2 lần mỗi ngày.
Lưu ý khi tắm cho bé vào mùa lạnh:
- Tránh tắm cho trẻ quá sớm hoặc quá muộn trong ngày.
- Không tắm cho trẻ thời điểm từ 11 đến 13h trưa.
- Khoảng thời gian lý tưởng nhất nên tắm cho trẻ từ 10 đến 10h30 sáng và từ 15 đến 16h chiều.
- Không pha nước tắm cho trẻ quá nóng vì có thể làm hại đến da trẻ do da của bé rất mỏng manh.
- Nhiệt độ thích hợp tắm cho trẻ trong mùa đông từ 330 đến 360 độ C.
Tốt hơn hết nên sử dụng nhiệt kế để xác định nhiệt độ nước tắm thích hợp cho trẻ - Ảnh Internet
- Nếu người lớn thử nước để tắm cho trẻ, khi người lớn cảm thấy nước đủ ấm là với mức nhiệt độ trong nước đó đã gây nóng cho trẻ.
- Tốt hơn hết nên sử dụng nhiệt kế để xác định nhiệt độ nước tắm thích hợp cho trẻ.
- Khu vực tắm cho trẻ nhỏ cần kín gió.
- Có thể chuẩn bị thêm quạt sưởi.
- Chỉ tắm cho trẻ từ 5 đến 7 phút, không tắm lâu hơn vì có thể gây cảm lạnh cho trẻ.
- Tuyệt đối không để điều hòa, quạt sưởi chĩa thẳng vào người bé vì có thể khiến trẻ bị khô da, gây bỏng cho trẻ.
3. Chăm sóc giấc ngủ của trẻ
Trẻ nhỏ ngủ có thể đạp chăn khiến trẻ bị hở những vùng như chân, tay, bụng,... Những vùng bị hở có thể khiến trẻ bị lạnh và dẫn đến lạnh bụng, sau đó là rối loạn tiêu hóa.
Trẻ nhỏ ngủ có thể đạp chăn khiến trẻ bị hở những vùng như chân, tay, bụng có thể gây hại cho sức khỏe bé - Ảnh Internet
Vì không thể lúc nào cũng kiểm tra chăn và đắp lại chăn cho trẻ. Phụ huynh nên lựa chọn các loại trang phục quần áo liền cho trẻ hoặc đắp các loại chăn túi riêng cho trẻ, đi tất cho trẻ phòng ngừa trẻ khỏi bị nhiễm lạnh.
Lưu ý, phụ huynh không nên độ mũ ấm cho trẻ khi đi ngủ. Đầu trẻ sơ sinh tạo ra 40% thân nhiệt, nhưng khu vực đầu cũng là nơi giải phóng tới 85% nhiệt độ cơ thể. Do đó, đội mũ và dùng băng quấn chóp là hành động cần thực hiện cho bé mới sinh hoặc trẻ sinh non. Nhưng đối với bé khỏe mạnh và đã được vài tháng tuổi thì việc đội mũ khi đi ngủ là điều không cần thiết. Vì điều này có thể khiến nhiệt độ vùng đầu của bé tăng cao. Đây là nguyên nhân gây ảnh hưởng không tốt đến não bộ của trẻ.
Quan trọng hơn cả, dù thời tiết lạnh cha mẹ cũng không quên lịch tiêm vaccine của trẻ để thực hiện tiêm chủng đầy đủ, đúng lịch để phòng bệnh hiệu quả.
Dùng thuốc mua qua mạng, người phụ nữ sụt còn 36 kg Do nghe lời giới thiệu của người quen, nữ bệnh nhân đái tháo đường chuyển sang uống thuốc mua trên mạng dẫn đến diễn biến xấu. Mới đây, Bệnh viện Nội tiết Trung ương (Hà Nội) tiếp nhận nữ bệnh nhân Nguyễn Thị Bộ (70 tuổi, trú tại Phúc Thọ, Hà Nội) trong tình trạng nồng độ đường huyết cao (hơn 39 mmol/l),...