Diễn đàn hợp tác giáo dục Việt Nam – Hoa Kỳ: Mở rộng cơ hội hợp tác giáo dục giữa hai nước
Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn nhấn mạnh: Để thực hiện mục tiêu tạo bước chuyển mạnh mẽ về phát triển nguồn nhân lực, Việt Nam xác định cần tăng cường hội nhập quốc tế trong giáo dục, đẩy mạnh thu hút đầu tư của nước ngoài trong lĩnh vực giáo dục để nâng cao chất lượng giáo dục Việt Nam.
Chiều 21/9, tại Hoa Kỳ, Diễn đàn hợp tác giáo dục Việt Nam – Hoa Kỳ đã được tổ chức. Đây là một trong những hoạt động quan trọng trong khuôn khổ chuyến công tác của Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn và đoàn công tác Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) Việt Nam tới Hoa Kỳ.
Diễn đàn có sự tham dự của hơn 150 đại biểu là các nhà quản lý giáo dục, đại diện cơ sở giáo dục, tập đoàn, doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực giáo dục của hai nước Việt Nam và Hoa Kỳ.
Phát biểu khai mạc diễn đàn, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn nhấn mạnh: Giáo dục đóng vai trò quan trọng đối với sự phát triển của mọi quốc gia, mọi dân tộc trong mọi thời đại. Giáo dục phát triển đem lại sự phát triển con người của các quốc gia; tạo ra nguồn nhân lực có trình độ đáp ứng nhu cầu phát triển nền kinh tế của mỗi nước.
Thấu hiểu điều này, thời gian qua, Việt Nam coi giáo dục là quốc sách hàng đầu. Phát triển giáo dục được xác định đóng vai trò là một trong 3 khâu đột phá để thực hiện chiến lược phát triển kinh tế- xã hội của Việt Nam giai đoạn 2021-2030.
Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn và đại diện Viện Khảo thí Giáo dục Hoa Kỳ (ETS) trao thỏa thuận hợp tác tại Diễn đàn. Ảnh: TT
Chia sẻ Việt Nam đã tích cực thúc đẩy hợp tác giáo dục với hơn 100 quốc gia, vùng lãnh thổ và tổ chức quốc tế như SEAMEO, ASEAN, ASEM, APEC, UNESCO, UNICEF…, Bộ trưởng thông tin: Tính đến nay, Việt Nam đã thu hút được khoảng 500 dự án hợp tác đầu tư của nước ngoài trong lĩnh vực giáo dục, với tổng số vốn đầu tư trên 4 tỉ USD.
Đã có hơn 600 chương trình liên kết đào tạo giữa các cơ sở giáo dục đại học của Việt Nam với các cơ sở giáo dục đại học của các nước, trong đó có 50 chương trình liên kết đào tạo với Hoa Kỳ.
Video đang HOT
Trước khi đại dịch COVID-19 bùng phát, có khoảng hơn 20.000 du học sinh nước ngoài học tập tại các trường đại học của Việt Nam và gần 200.000 du học sinh Việt Nam học tập tại nước ngoài. Trong đó, tại Hoa Kỳ có gần 30.000 du học sinh, đứng đầu trong các quốc gia, lãnh thổ mà du học sinh Việt Nam lựa chọn học tập.
Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn cũng cho biết: Để thực hiện mục tiêu tạo bước chuyển mạnh mẽ về phát triển nguồn nhân lực, Việt Nam xác định cần tăng cường hội nhập quốc tế trong giáo dục, đẩy mạnh thu hút đầu tư của nước ngoài trong lĩnh vực giáo dục để nâng cao chất lượng giáo dục Việt Nam.
Vừa qua, Quốc hội Việt Nam đã ban hành Luật giáo dục đại học sửa đổi bổ sung năm 2018 và Luật giáo dục năm 2019. Hai Luật này là tiền đề để thúc đẩy hợp tác và đầu tư của nước ngoài trong lĩnh vực giáo dục. Theo đó, các cơ sở giáo dục đại học của Việt Nam đã được tự chủ rất cao về hợp tác quốc tế.
Bên cạnh đó, Chính phủ Việt Nam đã ban hành Nghị định quy định về hợp tác và đầu tư với nước ngoài – mở ra nhiều cơ hội để các đối tác nước ngoài hợp tác với Việt Nam trong lĩnh vực giáo dục. Ví dụ như việc thành lập phân hiệu cơ sở giáo dục đại học nước ngoài tại Việt Nam, việc các tổ chức kiểm định chất lượng giáo dục quốc tế hoạt động tại Việt Nam…
Riêng về hợp tác giáo dục Việt Nam – Hoa Kỳ, Bộ trưởng cho hay, Hoa Kỳ là đất nước có nền giáo dục phát triển, có nhiều trường đại học có chỉ số xếp hạng cao. Trong những năm qua, chúng ta chứng kiến sự phát triển mạnh mẽ hợp tác giữa các trường đại học Việt Nam và Hoa Kỳ trong lĩnh vực đào tạo và nghiên cứu.
10 thỏa thuận hợp tác được trao giữa đại diện cơ quan quản lý giáo dục, đại diện các cơ sở giáo dục, tập đoàn giáo dục hai nước Việt Nam – Hoa Kỳ. Ảnh: TT
Chính phủ Hoa Kỳ đã dành cho Việt Nam hàng trăm suất học bổng đại học và sau đại học thông qua Qũy VEF, hỗ trợ nâng cao năng lực tiếng Anh thông qua các chương trình Fellowship và Fulbright, hỗ trợ thiết thực nhằm tăng cường năng lực giáo dục đại học thông qua các dự án BUILT-IT, FURTHER do Cơ quan phát triển quốc tế USAID tài trợ.
Vừa qua, Bộ GD&ĐT và Cơ quan phát triển quốc tế Hoa Kỳ (USAID) đã ký Bản Ghi nhớ hợp tác nâng cao chất lượng giáo dục đại học. Đây là minh chứng rõ ràng cho những cam kết nhằm phát triển giáo dục và trao đổi hợp tác giữa hai nước về phát triển giáo dục đại học, nâng cao chất lượng hệ thống giáo dục đại học.
Bên cạnh đó, đầu tư của Hoa Kỳ trong lĩnh vực giáo dục còn thể hiện qua việc thành lập các cơ sở giáo dục có vốn đầu tư của Hoa Kỳ tại Việt Nam (6 cơ sở giáo dục phổ thông và 1 trường đại học Fulbright tại TP Hồ Chí Minh). Ngoài ra, các doanh nghiệp của Hoa Kỳ đang hoạt động và đầu tư tại Việt Nam cũng đã phối hợp tốt với các bộ, ngành, thể hiện trách nhiệm xã hội, thúc đẩy hợp tác giáo dục…
“Vì vậy, Diễn đàn ngày hôm nay với chủ đề là “hợp tác giáo dục giữa Việt Nam và Hoa Kỳ” với mong muốn kết nối các nhà đầu tư, các cơ sở giáo dục của hai bên để chia sẻ cơ hội hợp tác trong lĩnh vực giáo dục”, Bộ trưởng nhấn mạnh, đồng thời tin tưởng Diễn đàn này sẽ đẩy mạnh hoạt động hợp tác trong lĩnh vực giáo dục vào Việt Nam, góp phần tăng cường mối quan hệ hợp tác chiến lược giữa Việt Nam và Hoa Kỳ.
Diễn đàn hợp tác giáo dục Việt Nam – Hoa Kỳ mở ra một cơ hội mới của hợp tác và triển vọng trong lĩnh vực giáo dục giữa hai nước sau những ảnh hưởng nặng nề của đại dịch COVID – 19 vừa qua.
Tại Diễn đàn, các đại biểu đã có những trao đổi, chia sẻ nhằm phát triển hợp tác giáo dục giữa Việt Nam và Hoa Kỳ; đồng thời thảo luận một số vấn đề như: Chuyển đổi số trong giáo dục đại học; xây dựng tiếp cận quốc gia về giáo dục thông qua ứng dụng số đến chuyển đổi kinh tế và xã hội; hợp tác quốc tế và mô hình đầu tư thành công tại Việt Nam; chính sách đầu tư tại Việt Nam…
Cũng tại Diễn đàn, đã có 10 thỏa thuận hợp tác được trao giữa đại diện cơ quan quản lý giáo dục, đại diện các cơ sở giáo dục, tổ chức, tập đoàn giáo dục hai nước Việt Nam – Hoa Kỳ.
Thúc đẩy hợp tác giáo dục Việt Nam - Anh
Ngày 5/4, tại Nhà xuất bản và Hội đồng Khảo thí Đại học Cambridge, Hội thảo bàn tròn về hợp tác giáo dục giữa Việt Nam và Nhà xuất bản và Hội đồng Khảo thí Đại học Cambridge được tổ chức trong khuôn khổ Chương trình Những ngày Việt Nam tại Vương quốc Anh năm 2022.
Bà Francesca Woodward, Tổng Giám đốc toàn cầu khối tiếng Anh, Nhà xuất bản và Hội đồng Khảo thí Đại học Cambridge, phát biểu khai mạc Hội thảo. Ảnh: Đình Thư/PV TTXVN tại Vương quốc Anh
Theo phóng viên TTXVN tại London, tham dự hội thảo có Đại sứ Việt Nam tại Anh Nguyễn Hoàng Long; bà Francesca Woodward, Tổng Giám đốc toàn cầu khối tiếng Anh, Nhà xuất bản và Hội đồng Khảo thí Đại học Cambridge; bà Luisa Edves, phụ trách khu vực Đông Nam Á-Thái Bình Dương, Bộ phận Đối tác giáo dục Đại học Cambridge và các giáo sư, chuyên gia giáo dục Cambridge.
Các đại biểu tham dự hội thảo đã thảo luận về tiềm năng và cơ hội hợp tác giữa Việt Nam và Nhà xuất bản và Hội đồng Khảo thí Đại học Cambridge trong lĩnh vực đào tạo tiếng Anh và kỹ năng cho giáo viên Việt Nam, phát triển và cung cấp giáo trình cùng chương trình đào tạo bậc phổ thông và đại học cho Việt Nam, đánh giá chất lượng và công nhận chứng chỉ toàn cầu.
Phát biểu tại hội thảo, Đại sứ Nguyễn Hoàng Long nhấn mạnh giáo dục là lĩnh vực hợp tác quan trọng giữa hai nước và Anh là đối tác hàng đầu của Việt Nam trong lĩnh vực này, đặc biệt trong hợp tác giáo dục đại học. Anh là quốc gia có số lượng nhiều nhất các trường đại học có quan hệ đối tác với các trường đại học tại Việt Nam. Học sinh, sinh viên Việt Nam du học tại Anh cũng là một trong những cộng đồng sinh viên nước ngoài lớn nhất tại Anh.
Đại sứ khẳng định tiềm năng hợp tác giáo dục giữa hai nước còn rất lớn, đặc biệt trong dạy và học tiếng Anh, đào tạo kỹ năng, giáo dục bậc phổ thông và đại học. Là quốc gia với dân số trẻ, ham học và các bậc phụ huynh sẵn sàng đầu tư vào giáo dục, Việt Nam có nhu cầu lớn về giáo dục. Hợp tác giáo dục song phương ghi nhận những dấu hiệu tích cực. Không chỉ các trường đại học, mà gần đây nhiều trường phổ thông của Anh đã ký thỏa thuận hợp tác với các trường Việt Nam như trường Reigate Grammar School, Uppingham School nhằm nâng cao chất lượng giáo dục ngay tại Việt Nam.
Đại sứ Việt Nam tại Vương quốc Anh Nguyễn Hoàng Long phát biểu tại Hội thảo.Ảnh: Đình Thư/ PV TTXVN tại Vương quốc Anh
Đại sứ đánh giá cao hợp tác giữa Việt Nam và Nhà xuất bản và Hội đồng Khảo thí Đại học Cambridge, đặc biệt trong lĩnh vực khảo thí, công nhận chứng chỉ. Ông bày tỏ hy vọng hợp tác giữa hai bên sẽ có những bước phát tiến mới và khẳng định Đại sứ quán Việt Nam tại Anh sẽ hỗ trợ hết sức để thúc đẩy quan hệ hợp tác này.
Bà Francesca Woodward cho biết trong những năm gần đây hợp tác giữa Nhà xuất bản và Hội đồng Khảo thí Đại học Cambridge với Bộ Giáo dục và Đào tạo Việt Nam ghi nhận nhiều tiến bộ, đặc biệt sau khi Nhà xuất bản và Hội đồng Khảo thí Đại học Cambridge ký Biên bản hợp tác với Bộ Giáo dục và Đào tạo Việt Nam, Dự án Ngoại ngữ quốc gia, Nhà Xuất bản giáo dục Việt Nam và Đại học Bách khoa Hà Nội vào năm 2019 và gia hạn thỏa thuận này vào tháng 3/2021.
Bà cho biết Nhà xuất bản và Hội đồng Khảo thí Đại học Cambridge đã hỗ trợ việc dạy tiếng Anh, dạy Toán và Khoa học bằng tiếng Anh và đào tạo theo các chương trình bằng cấp, chứng chỉ quốc tế cho giáo viên và học sinh, sinh viên Việt Nam.
Trong 15 năm qua, Nhà xuất bản và Hội đồng Khảo thí Đại học Cambridge cũng hợp tác chặt chẽ với Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức các hội thảo về nhiều lĩnh vực, bao gồm các tiêu chuẩn quốc tế về trình độ tiếng Anh. Chương trình phát triển năng lực giáo viên chuyên nghiệp hiện nay của Nhà xuất bản và Hội đồng Khảo thí Đại học Cambridge đã hỗ trợ hơn 600 giáo viên ở 63 tỉnh thành Việt Nam trong hai năm đại dịch COVID-19 hoành hành. Bộ Giáo dục và Đào tạo Việt Nam cũng công nhận các bằng cấp, chứng chỉ tiếng Anh quốc tế Cambridge và một số sách giáo khoa Cambridge. Nhà xuất bản và Hội đồng Khảo thí Đại học Cambridge cũng hỗ trợ về chương trình giảng dạy và các khóa đào tạo cho hàng nghìn giáo viên Việt Nam mỗi năm.
Bà Francesca Woodward cho biết hiện Nhà xuất bản và Hội đồng Khảo thí Đại học Cambridge đang xây dựng chương trình IGCSE (chứng chỉ giáo dục Trung học phổ thông phổ quốc tế) bằng tiếng Việt. Giáo trình chương trình học này dự kiến sẽ hoàn thành vào năm 2023 và kỳ thi IGCSE đầu tiên có thể bắt đầu vào năm 2026. Bà hy vọng rằng với chuyên môn trong dạy và học, khảo thí và nghiên cứu, Nhà xuất bản và Hội đồng Khảo thí Đại học Cambridge có thể hỗ trợ nhằm nâng cao tiêu chuẩn chất lượng giáo dục Việt Nam.
Việt Nam - Hàn Quốc thúc đẩy hợp tác trong lĩnh vực giáo dục Bộ trưởng Bộ Giáo dục & Đào tạo Nguyễn Kim Sơn đề nghị phía Hàn Quốc tiếp tục hỗ trợ Việt Nam trong lĩnh vực giáo dục & đào tạo (GD&ĐT). Ngày 20/4, Bộ trưởng GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn đã có buổi tiếp ông Park Noh-wan, Đại sứ Hàn Quốc tại Việt Nam. Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Kim Sơn tiếp ông Park...