Điện Biên: Không để thí sinh nào vì thiếu ăn, ngộ độc… mà không thể dự thi
Kỳ thi tốt nghiệp THPT 2021 diễn ra trong bối cảnh Điện Biên vừa thi, vừa đối phó với dịch bệnh, thiên tai. Địa phương này đang quyết tâm không để thí sinh nào vì thiếu ăn, ngộ độc thực phẩm… mà không thể dự thi.
Hình minh họa
Chiều 10/5, Ban chỉ đạo (BCĐ) thi tốt nghiệp THPT năm 2021 tỉnh Điện Biên đã họp bàn về công tác chuẩn bị. Ông Vừ A Bằng – Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng BCĐ chủ trì.
Ông Nguyễn Văn Kiên – Giám đốc Sở GD&ĐT tỉnh Điện Biên cho biết, kỳ thi tốt nghiệp THPT 2021, tỉnh Điện Biên có 6.300 thí sinh tham gia. Trong đó, 5.303 thí sinh hệ THPT; 435 thí sinh hệ Giáo dục Nghề nghiệp – Giáo dục Thường xuyên và 562 thí sinh tự do. Toàn tỉnh là 1 hội đồng thi với 20 điểm thi, trong đó: 14 điểm thi liên trường và 6 điểm thi độc lập. Điện Biên dự kiến lựa chọn 990 cán bộ, giáo viên trực tiếp tham gia làm thi tại các Điểm thi.
Ông Vừ A Bằng chủ trì hội nghị
Ngành GD&ĐT Điện Biên đang kiểm tra, rà soát, lắp đặt mới hệ thống camera giám sát tại các điểm thi, dự kiến hoàn thành trước 25/6.
Về cơ bản, công tác chuẩn bị cho kỳ thi tốt nghiệp THPT ở Điện Biên được triển khai đảm bảo đúng tiến độ.
Theo ông Nguyễn Văn Kiên, ngay từ đầu năm học Sở đã chỉ đạo các trường tổ chức vừa dạy học, vừa ôn thi theo hình thức cuốn chiếu với phương châm “học đâu chắc đó”. Bởi vậy, khi dịch bệnh vừa bùng phát cũng không ảnh hưởng nhiều đến việc ôn luyện của thí sinh.
Ông Nguyễn Văn Kiên, Giám đốc Sở GD&ĐT Điện Biên phát biểu tại hội nghị
“Rất mong các đồng chí ở cơ sở, cấp ủy chính quyền địa phương chỉ đạo các trường tăng cường phối hợp truyền thông để tạo tâm lý tốt giúp các em bước vào kỳ thi an toàn, nghiêm túc, đúng quy chế. Kỳ thi tốt nghiệp THPT 2021 diễn ra vào thời điểm dịch bệnh diễn biến phức tạp, mưa ống, lũ quét thường xuyên xảy ra gây khó khăn đến việc tham gia thi của thí sinh. Vì vậy tôi đề nghị các đồng chí theo nhiệm vụ được phân công hãy làm hết sức mình. Mong các đồng chí cố gắng bảo vệ quyền lợi của các cháu. Làm sao không để cháu nào vì thiếu ăn, vì ngộ độc thực phẩm… mà không thể đến được trường thi”, ông Nguyễn Văn Kiên nhấn mạnh.
Video đang HOT
Cũng theo ông Kiên, Sở GD&ĐT Điện Biên đã chủ động xây dựng các phương án dự phòng, đảm bảo khi có tình huống dịch bệnh, thiên tai xảy ra thì tất cả thí sinh cũng đều được dự thi an toàn.
Đại tá Giàng Páo Sính – Phó Giám đốc Công an tỉnh Điện Biên phát biểu
Phát biểu tại hội nghị, ông Vừ A Bằng – Phó Chủ tịch UBND tỉnh Điện Biên đã giao BCĐ phòng chống Covid-19 các huyện, thị, thành phố chủ động phương án, bố trí phương tiện di chuyển, chỗ ăn, ở cho thí sinh thuộc diện F1, F2 trong quá trình dự thi. Việc sắp xếp chỗ ăn, ở cho thí sinh từ các xã xa về phải hoàn thành chậm nhất là ngày 5/7. Ông Bằng cũng yêu cầu ngành Y tế chủ động phối hợp với các địa phương bố trí cán bộ y tế, nhân lực để theo dõi sức khỏe cho thí sinh trong suốt kỳ thi. Các điểm thi phải chủ động phân đường đi riêng cho những thí sinh thuộc diện cách ly.
Ông Vừ A Bằng cũng đặc biệt lưu ý tới thành viên BCĐ phải quán triệt đến cán bộ được phân công làm thi, tuyệt đối không lơ là, mất cảnh giác để xảy ra gian lận, tiêu cực.
“Tôi đề nghị bên phía Bưu điện tỉnh phải quán triệt anh em ở tuyến huyện, xã phải nghiêm túc thực hiện nhiệm vụ. Nói vậy bởi thời điểm đó là mưa lũ, đi lại khó khăn. Nếu như cán bộ đưa thư mà ngại đi, găm thư vài ngày mới đi chuyển thông báo đến các cháu là không được vì các đồng chí chỉ cần chậm một ngày là các cháu sẽ lỡ cả một năm. Vì vậy, tất cả đều phải cố gắng để đảm bảo quyền lợi cho các cháu, nhất là học sinh dân tộc thiểu số”, ông Vừ A Bằng nói.
Ôn thi THPT: Rèn tinh thần "thép" cho sĩ tử vùng cao
Việc tổ chức ôn thi tốt nghiệp THPT được các trường ở Điện Biên chủ động ngay từ đầu năm học theo hình thức cuốn chiếu. Các trường đều có chung quan điểm sẽ rèn cho sĩ tử tinh thần "thép" trước cửa trường thi...
Một buổi ôn tập ngoài giờ cho học sinh nội trú của trường THPT Nậm Pồ, Điện Biên
Sát sao từng học sinh...
Năm học 2020 - 2021, trường THPT huyện Nậm Pồ (huyện Nậm Pồ, tỉnh Điện Biên) có 122 học sinh theo học tại 4 lớp thuộc Khối 12. Số này hầu hết là con em đồng bào dân tộc thiểu số sống rải rác ở các xã biên giới trên địa bàn.
Cũng bởi nhận thức của học sinh ở đây hạn chế hơn so với các vùng thuận lợi như thị trấn, thị xã và thành phố nên việc bồi dưỡng kiến thức căn bản để các em có đủ điều kiện tốt nghiệp là mục tiêu ban đầu của Nhà trường. Sau khi tốt nghiệp, tùy năng lực mỗi học sinh và điều kiện hoàn cảnh của gia đình, mỗi em sẽ lựa chọn các trường mà mình mong muốn theo đuổi.
Xác định rõ điều này, ngay từ đầu năm học, Trường THPT Nậm Pồ đã đồng thời vừa tổ chức dạy học, vừa tổ chức ôn luyện theo phương châm "học đâu chắc đó".
"Cứ buổi sáng học kiến thức như thế nào thì buổi chiều chúng tôi cho các em ôn lại những kiến thức đó như một hình thức nhắc lại. Việc làm này duy trì từ đầu năm học chứ không phải bây giờ mới thế.
Bởi vậy mà ngay từ đầu, chúng tôi đã sàng lọc và phân loại chất lượng học sinh. Từ đó có kế hoạch dạy học phù hợp với trình độ của mỗi đối tượng học sinh", thầy giáo Lương Đình Tuấn - Hiệu trưởng Trường THPT Nậm Pồ cho biết.
Thầy trò Trường THPT Nậm Pồ miệt mài ôn luyện
Theo thầy Tuấn, ngay sau khi Bộ GD&ĐT công bố đề minh họa và hướng dẫn ôn thi tốt nghiệp THPT thì Nhà trường đã chỉ đạo điều chỉnh kế hoạch ôn thi đối với các tổ chuyên môn để phù hợp với thực tiễn.
"Cuối tháng 4 chúng tôi sẽ kết thúc giai đoạn 2 của đợt ôn thi, cũng là lúc kết thúc năm học. Ngay sau đó sẽ tổ chức ôn thi đợt 3. Qua 3 lần thi thử, nhận thấy kết quả cơ bản đảm bảo theo mục tiêu phấn đấu của Nhà trường. Chiều 14/4, trường tổ chức hội thảo ôn thi tốt nghiệp lần thứ 2, đánh giá lại toàn bộ quá trình ôn tập trong 2 giai đoạn vừa qua; đồng thời định hướng cho giai đoạn sắp tới", thầy giáo Lương Đình Tuấn chia sẻ.
"Ở đây học sinh của chúng tôi lực học yếu hơn so với các nơi khác. Vì vậy, theo kinh nghiệm của bản thân tôi thì phương pháp hiệu quả nhất phải là bám sát đối tượng học sinh của mình. Từ đó, đưa ra giáo trình dạy học phù hợp. Qua mỗi bài dạy mới, đến tiết ôn tập sẽ có định hướng riêng cho từng đối tượng học sinh. Với những em có học lực yếu thì sẽ có những giáo án riêng, trình độ riêng, học sinh khá sẽ có giáo án riêng", cô giáo Nguyễn Thị Thuận, giáo viên trường THPT Nậm Pồ nói.
"Từ việc phân loại đối tượng học sinh, tôi sẽ chia nhóm với các thành viên phù hợp. Mỗi một nhóm sẽ có nhiều đối tượng. Ví dụ như trên lớp sẽ quan tâm đặc biệt đến những em có học lực yếu. Còn ở nhà thì trong 1 nhóm sẽ có những cấp bậc khác nhau, có cả học sinh khá, yếu, trung bình để các em có sự tương tác hỗ trợ nhau.
Theo giai đoạn nhất định, các nhóm phải báo cáo kết quả hoạt động của nhóm mình. Mục tiêu làm sao học sinh yếu cũng phải hoàn thành được những kiến thức căn bản mà thầy cô giao", cô Thuận nói thêm.
Trường THPT Nậm Pồ khen thưởng, động viên những học sinh có kết quả cao sau mỗi đợt thi thử. Phần thưởng là những túi xà phòng, bánh kẹo, mì tôm... (đồ dùng thiết yếu với học sinh) để động viên các em học tốt
Để học sinh "không sợ" trường thi...
Trường THPT Tủa Chùa (thị trấn Tủa Chùa, huyện Tủa Chùa, Điện Biên) có 279 học sinh lớp 12. Các em đang trong giai đoạn 2 của quá trình ôn thi tốt nghiệp. Nửa tháng nữa các em bước vào giai đoạn "nước rút" của quá trình ôn tập. Sau 3 đợt thi thử nghiêm túc, khách quan, học sinh trong trường phần nào cũng vững tin hơn để bước vào kỳ thi THPT năm nay.
"Quá trình tổ chức các đợt thi thử, chúng tôi làm rất gắt, nghiêm túc như kỳ thi thật. Làm vậy để các em không thể chủ quan khi đi thi được. Thực tế có những năm, ở một số nơi có trường hợp thí sinh mải ôn bài ngày hôm trước, hôm sau đi thi thì mệt quá, ngủ quên không đến được trường thi.
Lại có những em cũng chủ quan không đặt chuông báo thức, khi tỉnh dậy, đến trường thi thì đã muộn. Như vậy cơ hội thi đã bị trượt mất, đành phải chờ đến năm sau", thầy giáo Nguyễn Văn Huynh, Hiệu trưởng Trường THPT Tủa Chùa chia sẻ.
Ôn thi tại trường THPT Tủa Chùa
Chỉ thời gian ngắn nữa là Hoàng Ngọc Sen (HS lớp 12 trường THPT Tủa Chùa) bước vào kỳ thi THPT. Sen vẫn thầm khát khao được học dưới mái trường Đại học Điện lực hoặc trường Đại học Quốc gia Hà Nội nên em đã chủ động đăng ký nguyện vọng vào hai ngôi trường này. Hàng ngày, Sen vẫn miệt mài ôn luyện, song là lần đầu đi thi cũng không khỏi bỡ ngỡ.
"Càng gần đến kỳ thi thì em càng lo lắng và đôi lúc còn sợ hãi bởi vì mình không biết lúc thi thật sẽ như thế nào. Nhưng sau khi được thầy cô động viên, an ủi và hướng dẫn tận tình thì bản thân em đã tự tin hơn.
Qua các đợt thi thử, em thấy các thầy cô nghiêm khắc như vậy nên cũng quen và nghĩ rằng có làm được bài hay không là do mình chứ không phải do áp lực khi đi thi. Em sẽ cố gắng thi tốt, có kết quả tốt, đạt được nguyện vọng để khỏi phụ lòng bố mẹ và thầy cô", em Hoàng Ngọc Sen bộc bạch.
Nhiều học sinh có tâm thế tốt, sẵn sàng bước vào kỳ thi
Thầy giáo Lê Trường Giang - Hiệu trưởng trường Phổ thông Dân tộc Nội trú -THPT huyện Mường Nhé (Điện Biên) cho biết, việc tổ chức các đợt thi thử cũng được thực hiện nghiêm túc bởi các thầy cô luôn e ngại tâm lý rụt rè, nhút nhát của học sinh dân tộc thiểu số. Từ đó sẽ ảnh hưởng đến chất lượng của bài thi.
Vì thế, cùng với việc đẩy mạnh các phương pháp ôn luyện phù hợp, quá trình tổ chức thi thử Nhà trường đã nghiêm túc ngay từ đầu như một kỳ thi thật. Điều này vừa để các em làm quen mới quy chế thi, vừa là cách đánh giá thực lực của mỗi học sinh. Trên cơ sở đó, Nhà trường đề ra giải pháp và lượng kiến thức phù hợp để phụ đạo, bồi dưỡng cho học sinh ở giai đoạn cuối của đợt ôn tập.
"Chúng tôi chủ động phân loại học sinh để giúp cho việc tổ chức các lớp ôn tập phù hợp. Do một số học sinh còn hạn chế về năng lực nên chúng tôi đang tổ chức các buổi ngoài giờ để phụ đạo, làm sao có thể đảm bảo chuẩn kiến thức kỹ năng để đạt được mục đích đặt ra.
Với những học sinh yếu, nhà trường tư vấn cho gia đình và bản thân các em nên đi học nghề, hoặc vừa học vừa làm. Còn những học sinh có năng lực thực sự thì tư vấn định hướng cho các em thi các trường Cao đẳng, Đại học phù hợp với năng lực, sở trường của các em. Có mục tiêu rồi thì các em sẽ cố gắng, không chịu áp lực nhiều", thầy Lê Trường Giang chia sẻ.
Ôn thi tốt nghiệp THPT: Chủ động tạo tâm thế tốt cho sĩ tử Kỳ thi tốt nghiệp THPT 2021 ổn định về quy chế đã giúp cho các trường nắm thế chủ động trong ôn luyện. Thầy trò các trường ở Điện Biên đang nỗ lực không ngừng để tạo tâm thế tốt bước vào kỳ thi. Thí sinh phấn khởi rời trường thi với tâm lý thoải mái (ảnh minh họa) Học đâu chắc đấy...