Điểm thi không đánh giá đúng chất lượng thí sinh: Nên bỏ thi tốt nghiệp THPT?
Điểm chuẩn một số trường đại học vượt ngưỡng 30 điểm khiến các chuyên gia lo lắng về chất lượng, và vấn đề đặt ra là có nên duy trì thi tốt nghiệp THPT vào năm sau?
TS Phạm Hiệp, Giám đốc nghiên cứu, Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển giáo dục Edlab Asia nêu, việc điểm chuẩn đẩy tăng vọt là do đề thi tốt nghiệp THPT phân hoá không tốt, không phân loại được thí sinh xuất sắc, giỏi, khá, trung bình.
Đặc biệt từ năm 2020, sau khi Bộ GD&ĐT đổi tên từ thi THPT quốc gia sang thi tốt nghiệp THPT, kỳ thi không còn thể hiện rõ mục tiêu 2 trong 1 (vừa xét tốt nghiệp, vừa xét tuyển đại học). Gần đây, kỳ thi chỉ đáp ứng được mục tiêu phục vụ xét tốt nghiệp và phần nào không đảm bảo việc xét tuyển đại học. Đã đến lúc Bộ GD&ĐT, các trường đại học lên phương án nghiên cứu và thay đổi mô hình kỳ thi như hiện nay để đánh giá đúng thực chất, thực học và đúng năng lực của học sinh phổ thông.
Nên bỏ thi tốt nghiệp THPT?
GS.TS Đào Trọng Thi, nguyên Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội cho rằng, thi tuyển đại học và thi tốt nghiệp THPT là hai kỳ thi khác nhau với mục đích khác nhau, việc tổ chức một kỳ thi mà sử dụng cho hai mục đích như hiện nay không còn phù hợp.
Thi tốt nghiệp THPT nhằm mục đích kiểm tra năng lực học sinh và chất lượng dạy học theo chương trình phổ thông. Trong khi đó, thi tuyển đại học là chọn lọc, so sánh năng lực giữa các thí sinh phù hợp với từng phân khúc trường nên độ phân loại cao hơn với thi THPT. Nếu kết hợp 2 kỳ thi này với nhau sẽ rất khó để đánh giá đúng thực chất học sinh. Điều này đã được chứng mình rất rõ ở mùa tuyển sinh năm 2021, lạm phát điểm chuẩn ở các trường đại học đến mức bất thường.
Bộ GD&ĐT từ lâu đã biết điều này, nên quy định kỳ thi tốt nghiệp THPT nhằm mục đích chính là xét tốt nghiệp, giao quyền chủ động cho các địa phương nhiều hơn. Còn việc sử dụng kết quả này để tuyển sinh đại học là quyền tự chủ của các trường đại học.
“Dù nói rằng không còn kỳ thi 2 trong 1, nhưng kỳ thi tốt nghiệp THPT hiện vẫn mang tính bình mới rượu cũ, vương vấn nhiều cái cũ. Lỗi do cả Bộ GD&ĐT và các trường đại học. Bộ GD&ĐT ra đề thi, tổ chức thi vẫn là tính chất của kỳ thi tốt nghiệp, nhưng các trường sử dụng kết quả này để xét tuyển thì dùng sai mục đích” , TS Đào Trọng Thi thẳng thắn nêu quan điểm.
Thí sinh tham gia thi tốt nghiệp THPT 2021. (Ảnh minh hoạ)
TS Thi đề xuất, trước hết cần xác định mục đích của kỳ thi là gì, khi chưa xác định được mục đích thì rất khó xác định được phương thức tổ chức ra sao.
“Theo quan điểm của tôi, để xét tuyển đại học, tương lai cần xây dựng các trung tâm khảo thí độc lập, đánh giá khách quan, Bộ GD&ĐT chịu trách nhiệm xây dựng các bộ đề thi chuẩn hóa, giao cho các trung tâm sử dụng trong kỳ thi. Các trường đại học sử dụng kết quả của kỳ thi đánh giá năng lực này để tuyển sinh” , ông nhấn mạnh.
Video đang HOT
Về kỳ thi tốt nghiệp THPT, ông cho rằng vẫn nên duy trì và giao cho các địa phương tổ chức như hiện nay. Bởi, dựa vào kết quả thi tốt nghiệp có thể đánh giá được chất lượng học sinh giữa các địa phương, các cơ sở giáo dục khác nhau.
Đồng thời, điểm thi tốt nghiệp THPT được sử dụng để đối sánh với điểm học bạ, từ đó phát hiện tiêu cực hay không trong quá trình cho điểm học bạ. Một số nơi, một số trường vẫn còn hiện tượng xin điểm, chạy điểm, làm đẹp học bạ. Nếu đề thi được chuẩn hóa, điểm thi phản ánh đúng năng lực của học sinh thì sẽ nhìn thấy những bất cập trong việc cho điểm thường xuyên tại các trường.
Đề thi tốt nghiệp THPT cũng nên nhẹ nhàng, phù hợp với mục đích của kỳ thi, không quá khó cũng không quá dễ, học sinh trung bình phải đạt được mức điểm trung bình, như vậy kỳ thi mới đạt yêu cầu. Thi tốt nghiệp THPT là một biện pháp để giám sát quá trình học tập của học sinh, do đó tôi cho rằng, không nên bỏ hẳn kỳ thi này trong bối cảnh hiện nay, ông chia sẻ.
Đổi mới đề thi để sàng lọc thí sinh
Đồng quan điểm, TS Lê Đông Phương, Giám đốc Trung tâm nghiên cứu giáo dục đại học, Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam cho rằng, nên tách bạch hai kỳ thi xét tuyển sinh và thi tốt nghiệp THPT vì mục đích quá khác nhau. Kỳ thi tốt nghiệp mang tính đại chúng, còn xét tuyển sinh đại học lại mang tính chuyên sâu nên không thể dùng 1 kết quả để đạt được 2 mục tiêu như những năm vừa qua.
Thí sinh tham gia thi tốt nghiệp THPT 2021. (Ảnh minh hoạ)
Hiện kỳ thi đánh giá năng lực của một số cơ sở giáo dục đại học hay bài kiểm tra tư duy của Đại học Bách khoa Hà Nội là hướng đi đúng đắn để chọn được sinh viên vào học phù hợp.
“Nếu tháo khoán cho các trường tổ chức kỳ thi sẽ dẫn đến tình trạng giống như trước đây là “3 chung”, nhà nhà tổ chức luyện thi, trường nào cũng tổ chức thi. Vì vậy, cần sự định hướng của Nhà nước để không có quá nhiều kỳ thi. Chỉ cần 4 đến 5 bài thi nhưng đủ đa dạng đáp ứng yêu cầu khác nhau của các trường” , ông Phương nêu quan điểm.
Trước mắt, Bộ GD&ĐT nên điều chỉnh lại kỳ thi tốt nghiệp THPT theo hướng trước sàng lọc những thí sinh khá, giỏi, xuất sắc để các trường có căn cứ xét tuyển. Cùng với đó, Bộ cần xây dựng các trung tâm khảo thí để 3 đến 4 năm tới đại trà hóa các bài thi, khuyến khích nhóm các trường đại học sử dụng các kỳ thi phù hợp với yêu cầu ngành nghề đào tạo, tách bạch hai kỳ thi tuyển đại học và thi tốt nghiệp THPT.
Ông cho rằng, các trường đại học top giữa của Việt Nam đang tối đa hóa các hình thức tuyển sinh để thu hút thí sinh. Vì vậy, điều chỉnh bài thi tốt nghiệp THPT là để giảm áp lực tuyển sinh cho các trường top trên.
Ngày 28/9, Bộ GD&ĐT gửi công văn đề nghị các Sở GD&ĐT xây dựng kế hoạch tổ chức kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2022 theo phương án tổ chức kỳ thi tốt nghiệp THPT giai đoạn 2022-2025 mới, bảo đảm kết quả thi phản ánh trung thực, khách quan, đúng trình độ, năng lực học sinh, độ tin cậy và sự phân hóa để xét công nhận tốt nghiệp THPT cho thí sinh và cung cấp thông tin để đánh giá chất lượng giáo dục, điều chỉnh quá trình dạy học nhằm nâng cao chất lượng dạy học trong các trường phổ thông.
"Lạm phát" điểm chuẩn, xét tuyển đại học bằng kết quả thi tốt nghiệp có còn phù hợp?
"Lạm phát" điểm chuẩn, điểm chuẩn cao trên ngưỡng 30, thí sinh trên 29,25 điểm nhưng vẫn trượt đại học sau khi "soi" điểm học bạ chỉ đạt dưới 6,5, dưới 7 là những điểm đáng chú ý của mùa xét tuyển đại học năm nay.
Mùa thi tốt nghiệp THPT và xét tuyển đại học năm nay khiến không ít thí sinh hoang mang khi điểm chuẩn tăng chóng mặt, một số ngành điểm chuẩn vượt mức trần 30. Còn theo thống kê mới đây của ĐH Bách khoa Hà Nội, toàn trường có đến 67 thí sinh "đỗ hụt", bởi dù đủ điểm thi tốt nghiệp THPT, nhưng những em này lại không đáp ứng tiêu chí về điểm học bạ từ 7,0 các môn xét tuyển theo quy định của trường. Thậm chí có thí sinh điểm học bạ môn Tiếng Anh chưa đến 6,0, trong khi điểm thi lại đạt 9, 10 điểm.
Tương tự, Cục Đào tạo Bộ Công an cũng đã lý giải về việc 55/58 thí sinh từ 29,25 điểm trở lên vẫn trượt nguyện vọng vào các trường khối ngành Công an do có môn trong tổ hợp xét tuyển dưới 6,5 điểm.
Việc chênh lệch quá lớn giữa điểm thi và điểm học bạ của thí sinh cũng đặt ra không ít câu hỏi về kỳ thi năm nay, đặc biệt là việc sử dụng kết quả thi tốt nghiệp để xét tuyển đại học liệu có còn phù hợp?
GS.TS Đào Trọng Thi, nguyên Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội đã có trao đổi với VOV.VN về vấn đề này.
GS Đào Trọng Thi nguyên Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội. (Ảnh: KT)
PV: Thưa ông, ông có nhận định gì về hiện tượng "lạm phát" điểm chuẩn các trường đại học như năm nay, đặc biệt là sự chênh lệch lớn giữa điểm thi và điểm học bạ ở một số thí sinh như ĐH Bách khoa Hà Nội và Bộ Công an đã công bố?
GS.TS Đào trọng Thi: Trước tiên, nói về sự chênh lệch giữa điểm thi và điểm học bạ, khi đánh giá qua 1 bài thi của một kỳ thi, rất khó để phản ánh được thật chính xác năng lực của thí sinh, nên sẽ không thể tránh khỏi sự chênh lệch giữa điểm học bạ và điểm thi. Đó là về mặt lý thuyết, khách quan, nếu có những yếu tố chủ quan khác thì lại càng khó để 2 mức điểm này tương đồng nhau. Ví dụ 2 trường khác nhau, giáo viên khác nhau thì điểm học bạ giữa các trường đã có thể khác nhau. Có rất nhiều yếu tố để dẫn đến sự chênh lệch của điểm học bạ và điểm thi, 2 loại điểm này đối sánh phản ánh lẫn nhau.
Chưa cần nói đến những lý do khác, thì khi điểm thi tốt nghiệp quá cao, điểm học bạ lại thấp, có thể thấy đề thi quá dễ so với mức chung. Việc so sánh phải dựa trên đề thi có chuẩn hóa hay không. Trong các kỳ thi đánh giá năng lực trên thế giới đều nhấn mạnh đến yếu tố chuẩn hóa đề thi, đề thi mỗi năm khó dễ khác nhau như tại Việt Nam hiện nay thì chưa thể đạt đến độ chuẩn hóa đó. Nếu như vậy có lẽ điểm học bạ còn phản ánh thực chất năng lực học sinh hơn điểm thi, nhưng điểm học bạ của ta cũng chưa chuẩn ở chỗ sẽ có sự chênh lệch giữa các cơ sở giáo dục khác nhau, vùng miền khác nhau...
Còn điểm chuẩn đại học tới mức 30, hoặc trên 30, tức thí sinh đạt 10 điểm một môn vẫn trượt thì có nghĩa đề thi không phù hợp. Trong một kỳ thi tuyển, đề thi để so sánh năng lực của thí sinh này với thí sinh khác, nhưng nếu cả học sinh trung bình lẫn học sinh giỏi điểm đều cao như nhau thì đề thi không còn đạt được vai trò chọn lọc, so sánh thí sinh.
PV: Từ thực tế này, theo ông, tổ chức kỳ thi tốt nghiệp THPT như hiện nay và các trường đại học sử dụng kết quả này để xét tuyển liệu còn phù hợp?
GS.TS Đào Trọng Thi: Quan điểm của tôi, thi tuyển đại học và thi tốt nghiệp là 2 kỳ thi khác nhau với mục đích khác nhau, nên không thể tổ chức 1 kỳ thi mà sử dụng cho 2 mục đích như hiện nay. Thi tốt nghiệp để kiểm tra học sinh có đạt trình độ, năng lực của chương trình phổ thông hay không. Trong khi đó, đề thi tuyển đại học phải có tính phân loại cao, để so sánh, chọn lọc những thí sinh phù hợp với từng trường.
Thường đề thi tốt nghiệp phải dễ hơn đề thi tuyển sinh đại học, nên nếu kết hợp 2 kỳ thi này với nhau là rất khó. Bộ GD-ĐT cũng đã nhận thức ra điều này, nên quy định kỳ thi tốt nghiệp THPT nhằm mục đích chính là xét tốt nghiệp, giao quyền chủ động cho các địa phương nhiều hơn, việc sử dụng kết quả này để tuyển sinh đại học là quyền tự chủ của các trường đại học.
Trên thực tế, nếu các trường đại học tự tổ chức 1 kỳ tuyển sinh riêng theo đúng tinh thần tự chủ đòi hỏi rất nhiều sự cố gắng, đầu tư. Nhiều trường ĐH lớn như 2 ĐH Quốc gia đã đầu tư tổ chức thi đánh giá năng lực riêng, nhưng cũng có nhiều trường khi được giao quyền tự chủ tuyển sinh, vẫn không thực hiện hết trách nhiệm của mình.
Dù đã nói rằng không còn kỳ thi 2 trong 1, nhưng kỳ thi tốt nghiệp THPT hiện nay vẫn mang tính "bình mới rượu cũ", vương vấn nhiều cái cũ. Lỗi do cả Bộ GD-ĐT và các trường đại học. Bộ GD-ĐT ra đề thi, tổ chức thi vẫn là tính chất của kỳ thi tốt nghiệp, nhưng các trường đại học sử dụng kết quả này để xét tuyển thì đã dùng sai mục đích.
PV: Hiện nay kết quả của kỳ thi tốt nghiệp THPT vẫn được sử dụng để xét tuyển đại học, nhưng lại giao về cho địa phương tổ chức, liệu có đáng ngại, thưa ông?
GS.TS Đào Trọng Thi: Bộ GD-ĐT giao quyền nhiều hơn cho các địa phương trong kỳ thi này vì quan niệm đây là kỳ thi tốt nghiệp, phục vụ mục đích xét tốt nghiệp. Nhưng nếu các trường đại học sử dụng kết quả này để tuyển sinh thì lại là chuyện khác. Đại học tuyển sinh thì chính những trường này phải đứng ra tổ chức, được giao quyền nhiều hơn trong kỳ thi, bởi kết quả thi ảnh hưởng trực tiếp đến chất lượng tuyển sinh của các trường. Do đó, cần xem xét đến mục đích của kỳ thi là gì để giao quyết định giao cho ai tổ chức. Như hiện nay mục đích của kỳ thi đang không được xác định rõ ràng.
PV: Vậy trong thời gian tới, theo ông, kỳ thi này cần thay đổi ra sao?
GS.TS Đào Trọng Thi: Trước hết cần xác định mục đích của kỳ thi là gì, khi chưa xác định được mục đích thì rất khó xác định được phương thức tổ chức ra sao. Theo quan điểm của tôi, để xét tuyển đại học, tương lai cần xây dựng các trung tâm khảo thí độc lập, đánh giá khách quan, Bộ GD-ĐT chịu trách nhiệm xây dựng các bộ đề thi chuẩn hóa, giao cho các trung tâm sử dụng trong kỳ thi. Các trường đại học sử dụng kết quả của kỳ thi đánh giá năng lực này để tuyển sinh.
Các trung tâm khảo thí có thể do các trường đại học hoặc chính Hiệp hội Các trường đại học thành lập, hoạt động độc lập.
Về kỳ thi tốt nghiệp, nên giao cho các địa phương tổ chức như hiện nay. Nhiều ý kiến cho rằng, nên bỏ kỳ thi tốt nghiệp khi tỷ lệ đỗ tốt nghiệp hầu hết trên 90% nhưng học sinh vẫn có tâm lý không thi, không học.
Hơn nữa, dựa vào kết quả thi tốt nghiệp cũng có thể đánh giá được chất lượng học sinh giữa các địa phương, các cơ sở giáo dục khác nhau. Hay như hiện nay điểm thi tốt nghiệp được sử dụng để đối sánh với điểm học bạ, từ đó phát hiện ra có tiêu cực hay không trong quá trình cho điểm học bạ. Một số nơi, một số trường vẫn có hiện tượng xin điểm, chạy điểm, làm đẹp học bạ. Nếu đề thi được chuẩn hóa, điểm thi phản ánh đúng năng lực của học sinh thì sẽ nhìn thấy những bất cập trong việc cho điểm thường xuyên tại các trường.
Đề thi tốt nghiệp cũng nên nhẹ nhàng, phù hợp với mục đích của kỳ thi, không quá khó cũng không quá dễ, học sinh trung bình phải đạt được mức điểm trung bình, như vậy kỳ thi mới đạt yêu cầu. Thi tốt nghiệp là một biện pháp để giám sát quá trình học tập của học sinh, do đó tôi cho rằng, không nên bỏ hẳn kỳ thi này trong bối cảnh hiện nay. Nếu tương lai, những yêu cầu trên không còn cần thiết có thể cân nhắc tới việc bỏ thi.
PV : Xin cảm ơn ông./.
TS Phạm Hiệp: Kỳ thi 'hai trong một' không còn phù hợp TS Phạm Hiệp cho rằng sau 7 năm tổ chức, kỳ thi "hai trong một" vẫn chưa thể đáp ứng được mục tiêu đề ra và nên có thay đổi. TS Phạm Hiệp, Giám đốc nghiên cứu, Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển giáo dục Edlab Asia, cho rằng những bất cập về điểm chuẩn năm 2021 một lần nữa cho thấy...