Điểm thi chưa chuẩn, nguy cơ các trường “hứng” thủ khoa rởm?
Những sai phạm có phần tinh vi của hội đồng thi Lạng Sơn, Hòa Bình khiến bài thi gốc khó được trả về.
Đến thời điểm này, các trường vẫn phải công nhận điểm thi của tất các các thí sinh. Tuy nhiên, với việc đa số thủ khoa trường học viện An ninh Nhân dân, học viện Cảnh sát Nhân dân, học viện Hậu cần đều đến từ hai tỉnh có tiêu cực điểm thi khiến nảy sinh không ít tình huống trớ trêu. Những trường lấy điểm thi cao cũng đang đứng ngồi không yên, thậm chí lên phương án dự phòng nếu tìm ra bài thi gốc.
Học viện An ninh đề xuất rà soát lại bài thi gốc của thí sinh trúng tuyển
Theo đại diện học viện An ninh Nhân dân, năm nay trong danh sách trúng tuyển của trường, một số tỉnh như Hòa Bình, Lạng Sơn nổi lên là địa phương có thí sinh trúng tuyển với điểm số cao nhất. Đại diện của trường này cho hay: “Sau khi công bố điểm chuẩn, chúng tôi đã có những phân tích ban đầu. Khó để nói rằng những số liệu này bất thường nhưng chúng tôi đã báo cáo lên lãnh đạo cấp trên vì nó liên quan đến những điểm nóng (Hòa Bình, Sơn La, Lạng Sơn – PV) mà dư luận đang nhắc tới gần đây”.
Danh sách tuyển sinh, số thí sinh trúng tuyển trải đều ở tất cả các tỉnh, tức tỉnh nào cũng có người đỗ, số lượng ít – nhiều phụ thuộc vào năng lực học sinh ở từng địa phương. Tuy nhiên, theo vị này, phía Học viện dành sự “quan tâm đặc biệt” đến những tỉnh “có vấn đề”, mặc dù trước mắt vẫn phải tạm công nhận kết quả này khi chưa có kết quả sau điều tra.
“Ngay từ khi bộ GD&ĐT tiến hành rà soát tại Sơn La và Hòa Bình, chúng tôi mong muốn sớm có kết quả và tìm ra được thí sinh vi phạm để thuận tiện hơn trong quá trình xét tuyển, còn hiện tại bộ GD&ĐT đang chấp nhận kết quả đã công bố ngày 11/7. Học viện mong muốn sớm có kết quả để đảm bảo chất lượng, vì tuyển vào ngành Công an phải là những người trong sạch và có năng lực”, đại diện nhà trường nói.
Ngoài ra, vị này cũng cho biết, hiện học viện An ninh Nhân dân đang làm đề xuất nếu được sẽ rà soát đối chiếu lại bài thi gốc của thí sinh. “Việc này bộ GD&ĐT đã cho chủ trương, bộ Công an cũng đã có sự chủ động, nhưng trước mắt vẫn công nhận kết quả như bình thường. Quan điểm của trường mong muốn sớm có kết quả điều tra, tìm ra những bài thi gốc của thí sinh ở Hòa Bình, Sơn La”, đại diện nhà trường nói.
Video đang HOT
Cơ quan chức năng rà soát bài thi ở Sơn La
Được biết, ở học viện An ninh, thí sinh đạt điểm cao nhất ở khối xét tuyển thì Lạng Sơn và Hòa Bình đang dẫn đầu, cụ thể, 3 thí sinh ở Hòa Bình đạt điểm cao ở khối C03 (29,25 và 28,7), D01 (28,35). Hai thí sinh đến từ Lạng Sơn đạt điểm cao ở khối A01 (31,25) và D01 (30,05). Một thí sinh thủ khoa khối A01 thuộc tỉnh Thái Nguyên.
Trong khi đó tại học viện Cảnh sát Nhân dân, thủ khoa xét theo tổ hợp C03 trường này có mức điểm 29,35 cũng tới từ Sơn La. Cụ thể, môn Ngữ văn thí sinh này được 9 điểm, Toán: 9,6 điểm và Lịch sử 10 điểm. Ngoài ra, thí sinh này còn được cộng điểm ưu tiên 0,75. Còn thủ khoa và á khoa học viện Hậu cần cũng là thí sinh đến từ Hòa Bình với tổng điểm là 28,7 và 28,25.
Trường đại học top đầu có phương án dự phòng
Sau khi các trường công bố điểm chuẩn xét tuyển đại học năm 2018, nhiều trường đại học cho biết vẫn có “phương án B” nếu như cơ quan chức năng tìm được ra các bài thi gian lận ở Hòa Bình, Sơn La.
Phân tích về trường hợp hạ điểm chuẩn nếu như phát hiện thí sinh gian lận, GS. TS Nguyễn Hữu Tú, Hiệu phó đại học Y Hà Nội cho hay: “Trong tuyển sinh việc hạ 0,25 điểm chuẩn sẽ có rất nhiều thí sinh nằm trong diện trúng tuyển. Nên nhà trường phải xem xét vào trường hợp thực tế, nếu số lượng nhiều hơn 3 thí sinh loại vì phát hiện sai phạm thì có khả năng sẽ xem xét tuyển bổ sung”. Ông Tú cũng khẳng định rằng, những thí sinh gian lận để đỗ vào trường đại học Y Hà Nội sẽ không có cơ hội học ra trường cho dù không bị phát hiện gian lận: “Học ở trường Y Hà Nội rất khó với những kỳ thi nghiêm túc. Chính vì thế, nếu không phải là người giỏi sẽ rất khó để trụ lại”.
Đồng quan điểm trên, đại diện trường đại học Kinh tế Quốc dân cho rằng sẽ có khả năng gọi bổ sung nếu như phát hiện nhiều thí sinh trúng tuyển là những thí sinh đã được sửa điểm. “Đây cũng là điều mà nhà trường lo lắng, đã có những phương án được đưa ra, tuy nhiên cũng phải chờ vào tình hình thực tế”, vị đại diện này nêu quan điểm.
Về phía trường đại học Bách khoa Hà Nội cho rằng việc gọi bổ sung là rất phức tạp, rất khó xảy ra điều đó: “Nhà trường sẽ chấp nhận thiếu thí sinh nếu như phát hiện ra người đã được sửa điểm. Bởi nếu gọi bổ sung thì tạo ra một hiệu ứng dây chuyền, ảnh hưởng tới những trường khác nữa. Bởi lẽ, nếu em đó NV1 vào Bách khoa không đỗ và đã chuyển sang NV2 vào trường khác, trong trường hợp Bách khoa gọi em này thì trường kia có khả năng sẽ mất thí sinh, một hiệu ứng dây chuyền rất xấu”.
Vị này cũng lấy ví dụ để nói nên cái khó của việc gọi bổ sung: “Hôm nay chúng tôi đã phải xin ý kiến bộ GD&ĐT về một trường hợp đặc biệt, em thí sinh A đã đỗ NV1 vào học viện Hậu cần và NV2 ở đại học Bách khoa cũng đỗ. Em này đã tới trường để hỏi về việc nếu không vượt qua được khám sức khỏe ở trường Hậu cần thì có được nhập học Bách khoa hay không? Nhà trường sẽ phải xin ý kiến bộ GD&ĐT trường hợp này”.
Còn phía học viện An ninh, một trường có nhiều thí sinh đỗ đến từ “điểm nóng”, nhà trường cho biết, rất muốn cơ quan chức năng sớm có kết quả điều tra tại Sơn La và Hòa Bình, nếu có thí sinh gian lận chắc chắn sẽ xử lý theo quy chế của bộ GD&ĐT. Hiện tại, trường vẫn chấp nhận sử dụng kết quả này và chưa có chủ trương kiểm tra đầu vào của thí sinh vì không có cơ sở pháp lý để thực hiện.
Lùi thông qua luật Giáo dục để cân nhắc về kỳ thi THPT Quốc gia
Chiều 8/8, Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về dự án luật Giáo dục (sửa đổi). Nhiều đại biểu Quốc hội đã góp ý về kỳ thi THPT Quốc gia. Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân chia sẻ sau kỳ thi THPT Quốc gia 2018 với nhiều tiêu cực ở một số tỉnh, người dân rất quan tâm tới luật Giáo dục sửa đổi. “Cử tri cần một nền giáo dục có tính ổn định chứ năm nào cũng thay đổi tùm lum lo lắm. Sách giờ năm nào cũng đổi tốn tiền lắm. Nói chung luật Giáo dục phải cho qua sau ba kỳ họp cho chắc chắn”, bà nói.
Lắng nghe tất cả góp ý, Bộ trưởng bộ Giáo dục và Đào tạo Phùng Xuân Nhạ xin tiếp thu các ý kiến. Cho rằng cần lấy ý kiến nhân dân, tổ chức các cuộc hội thảo, ông Nhạ xin lùi trình dự án luật sang kỳ họp thứ 7 để chuẩn bị.
3 cán bộ, giáo viên ở Hòa Bình tiếp tục bị công an mời lên làm việc
Ông Bùi Trọng Đắc, Giám đốc sở GD&ĐT Hòa Bình cho biết, ngoài 2 người bị bắt thì còn 3 người nữa đã bị công an mời lên làm việc. Những người đó đều là thành viên của tổ Chấm thi trắc nghiệm, ngoài ra có một người được tăng cường. Đó là ông Nguyễn Quang Vinh, Trưởng phòng Khảo thí và Kiểm định chất lượng, sở GD&ĐT, Tổ trưởng tổ Chấm thi trắc nghiệm. Ông Đào Ngọc Thuật, giáo viên trường THPT Mường Bi, Ủy viên tổ Chấm thi trắc nghiệm. Ông Nguyễn Tân Hưng, giáo viên THPT Đại Đồng, Lạc Sơn. Ông Nguyễn Tân Hưng được tăng cường biệt phái từ trường THPT Đại Đồng, huyện Lạc Sơn về phòng Khảo thí và Quản lý chất lượng giáo dục – sở GD&ĐT tỉnh Hòa Bình để làm việc. Ông Hưng không có tên trong danh sách những người chấm thi.
Trước đó, 2 người khác đã bị khởi tố bắt tạm giam là ông Nguyễn Khắc Tuấn – cán bộ sở GD&ĐT, Ủy viên tổ Chấm thi trắc nghiệm và ông Đỗ Mạnh Tuấn, Phó Hiệu trưởng trường THCS & THPT Lạc Thủy, Ủy viên tổ Chấm thi trắc nghiệm.
Nhóm PV
Theo www.doisongphapluat.com
Có những điều không thể lấy lại
Đầu tuần, các trường đại học đồng loạt công bố điểm trúng tuyển. Cũng như mọi năm, báo chí lại đưa tin về các thủ khoa, nhưng năm nay theo một góc độ khác.
Ảnh minh họa
Những thông tin đầu tiên về các thủ khoa không phải là biểu dương những tấm gương hiếu học, những học sinh nghèo vượt khó. Những tin bài đầu tiên về các thủ khoa đại loại như "Thủ khoa Học viện Cảnh sát Nhân dân là người Sơn La" hay "5/6 thủ khoa Học viện An ninh Nhân dân là người Hòa Bình, Lạng sơn", rồi "Thủ khoa, Á khoa Học viện Hậu cần hệ quân sự đều là thí sinh ở cụm thi Hòa Bình"... đã cho thấy một cách nhìn, một sự quan tâm khác.
Chuyện không có gì lạ bởi xã hội vừa chứng kiến một vụ việc đáng buồn, một vết nhơ trong lịch sử giáo dục Việt Nam tại kì thi "2 trong 1" năm nay. Vậy là một vụ việc tưởng như đã qua đi, với động thái nhận trách nhiệm có phần khá nhẹ nhàng của ông Bộ trưởng Bộ GD&ĐT, với các quyết định khởi tố vụ án của cơ quan thực thi pháp luật, cùng những lời tuyên bố mạnh mẽ của những người có trách nhiệm như sẽ xử lý nghiêm, đúng pháp luật, không có vùng cấm... Vậy mà câu chuyện trở lại ở cái góc ít nghĩ tới nhất, với những người ít trách nhiệm nhất, nếu không nói là vô can trong vụ lùm xùm thi cử vừa qua, ấy là các thí sinh, mà ở đây là các thủ khoa. Việc này gợi mấy điều đáng suy nghĩ .
Căn cứ vào cách dư luận và công luận đón nhận, phân tích những thông tin về các thủ khoa năm nay có thể thấy tác hại của những hành vi sai phạm, tiêu cực ở Hà Giang, Sơn La, Hòa Bình... vừa qua không chỉ ở chỗ ảnh hưởng xấu đến chất lượng kỳ thi, đến sự công bằng giữa các thí sinh... Dù rằng công bằng đã và sẽ được lập lại với sự thẩm định các bài thi như ở Hà Giang và hi vọng là ở cả Sơn La, Hòa Bình. Các thí sinh sẽ nhận lại số điểm mà họ xứng đáng được nhận. Song rõ ràng là có những điều không thể sửa sai hay trả lại một cách hoàn toàn. Chưa nói đến những điều to tát, có tầm vĩ mô như lòng tin của xã hội, cộng đồng mà chỉ nói đến cái được, mất của mỗi thí sinh. Suy cho đến cùng, các thí sinh nói chung, các cháu có bài thi được sửa điểm vô can trong các hành vi tiêu cực. Để xảy ra cơ sự, là do những người nhân danh làm cha, làm mẹ, làm thày... mà "lo" cho chúng theo cái cách tồi tệ của họ. Lẽ ra, với cương vị của mình họ phải dạy dỗ, động viên, chăm sóc cho các cháu để học thật, thi thật theo đúng lực học,... thì họ lại lợi dụng chức vụ, quyền hạn của mình để làm trò gian lận. Mà ai có thể nói chắc rằng động cơ của những trò gian lận ấy hoàn toàn vì các cháu mà không phải vì mưu cầu lợi ích cá nhân.
Vô can nhưng hệ lụy mà các cháu phải gánh chịu là không hề nhỏ. Mất mát của các cháu khó mà lấy lại. Sự mất mát có thể thấy ở những góc độ sau. Một là, những cháu có bài thi được sửa điểm, nâng điểm do gian lận. Sự cố về mùa thi này cùng sự lên án, phẫn nộ của cộng đồng sẽ là kí ức xấu với các cháu trước ngưỡng cửa cuộc đời. Đặc biệt là với những cháu có thân phận đặc biệt, tỉ như con, cháu các vị lãnh đạo đã được nêu danh tính trước công luận, dư luận.
Hai là, cho đến nay, trong ba địa phương đã được xác định là có gian lận, chỉ mới có Hà Giang là đưa được kết quả các các bài thi trở về điểm gốc. Còn lại ở Sơn La, Hòa Bình, do những thủ đoạn tinh vi, trắng trợn, việc trả lại điểm gốc cho các bài thi được cho là khó khăn, dù với khả năng khoa học công nghệ hiện đại không phải là không thể. Và trước mắt, việc xét tuyển vào các trường đại học vẫn theo điểm số hiện tại, theo đó là việc xác định các thủ khoa. Điều trớ trêu là một số cháu đạt điểm thủ khoa tại Học viện Cảnh sát nhân dân, Học viện An ninh nhân dân, Học viện Hậu cần quân đội... lại rơi vào những " vùng trũng" gian lận trong kỳ thi vừa qua. Vậy là thật giả lẫn lộn. Chắc chắn là không ít các cháu trong số đó là những học sinh giỏi, học thật, thi thật. Vậy mà điểm số của các cháu bị đem ra mổ xẻ. Điển hình như thí sinh thủ khoa Học viện Cảnh sát nhân dân. Giả dụ, và mong rằng như vậy, khi mọi việc được làm sáng tỏ, cháu là người học thật, thi thật, kết quả với cháu là hoàn toàn xứng đáng thì ai trả lại cho cháu sự công bằng? Và như vậy, đáng ra các cháu phải được hưởng niềm vui của chiến thắng, phải được hân hoan chia sẻ với bạn bè, thày cô, gia đình... thì lại phải chịu sự săm soi, nghi ngờ. Đó là chưa kể sự nghi ngờ của cộng đồng còn hướng vào những thí sinh tại các tỉnh này đã trúng tuyển những năm trước.
Rõ ràng có những cái mất đi không thể lấy lại được. Dù Bộ trưởng đã nhận trách nhiệm, nhưng như một tờ báo có lượng độc giả rất lớn đặt câu hỏi: Bộ tưởng nhận trách niệm, rồi thì sao? Liệu Bộ trưởng và những người có trách nhiệm có trả lại cho các cháu cái cảm giác vỡ òa, thật sự tự hào lúc đón nhận tin vui thi đỗ với danh hiệu thủ khoa? Và khi mọi chuyện đã rõ ràng, ai sẽ là người đứng ra minh oan cho các cháu và trả lại cho các cháu niềm vui, sự tự hào đáng ra phải nhận được ngay từ khi bước chân vào cổng trường đại học mà mình mong ước và đã phấn đấu nỗ lực để đạt được!
Đã đến lúc những ồn ào về sự cố trong kỳ thi vừa qua nên khép lại, mọi việc hãy để cho cơ quan chức năng giải quyết. Và chúng ta những người lớn cũng đừng vì thỏa mãn một điều gì đó mà làm những đứa trẻ mất thêm những điều không đáng mất. Bởi như đã nói ở trên, có những điều đã mất đi không bao giờ có thể lấy lại!
Theo kinhtedothi.vn
Chưa rà soát thí sinh điểm cao ngành công an ở Lạng Sơn, Hòa Bình Ông Trần Anh Tuấn, Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học, Bộ Giáo dục và Đào tạo cho biết, Bộ này không nhận được thông tin chính thức từ Học viện An ninh nhân dân về việc muốn rà soát đối chiếu bài thi gốc của các thí sinh điểm cao. Ảnh minh họa Nếu Học viện An ninh nhân dân muốn...