Điểm mặt ‘kẻ thù’ với người bệnh đái tháo đường ngày Tết
Ăn nhiều đồ nếp, uống rượu, bỏ quên thuốc điều trị… là những vấn đề sẽ gây ra tình trạng bệnh lý nghiêm trọng và biến chứng với người bệnh đái tháo đường dịp Tết Nguyên đán.
Ảnh minh họa.
Những biến chứng dễ gặp ngày Tết với người bệnh đái tháo đường
Tết nguyên đán là lễ hội truyền thống lớn nhất trong năm của người Việt, đây là dịp để các thành viên trong gia đình trở về đoàn tụ, quây quần bên nhau. Những bữa tiệc ngày Tết không thể thiếu bánh chưng, thịt mỡ, thịt đông, dưa hành, xôi nếp và còn rất nhiều loại ăn vặt bánh kẹo. Những món khoái khẩu ngày Tết luôn hấp dẫn nhưng lại là “kẻ thù” với người bệnh đái tháo đường.
Tiến sĩ, bác sĩ Nguyễn Quang Bảy, Trưởng Khoa Nội tiết-Đái tháo đường, Bệnh viện Bạch Mai cho biết, Tết là thời điểm có nhiều nguy cơ với người bệnh mắc đái tháo đường. Khoảng mùng 2 Tết trở đi, Khoa sẽ tiếp nhận nhiều trường hợp nhập viện với 4 tình trạng chủ yếu.
Một là, bệnh nhân bị hôn mê do tăng đường huyết, tăng lực thẩm thấu do bỏ quên không uống thuốc đúng giờ. Hai là, bệnh nhân bị hạ đường huyết do thay đổi chế độ ăn và uống rượu.
Thứ ba, bệnh nhân viêm tụy cấp do uống nhiều rượu và chế độ ăn nhiều thịt. Cuối cùng, bệnh nhân bị nhiễm trùng do nhiễm lạnh, chủ yếu là viêm phổi hoặc bị chấn thương nhiễm trùng bàn chân nặng lên dịp tết do không được chăm sóc kịp thời.
Tết là thời điểm nhiều tiệc tùng, thay đổi chế độ ăn, quên uống thuốc, thời tiết diễn biến thất thường, người bệnh có thể đi chơi xa… nên khả năng tiếp cận y tế hạn chế người bệnh có nguy cơ biến chứng dịp tết.
“Chúng tôi tiếp nhận rất nhiều bệnh nhân đái tháo đường nhập viện cấp cứu vì những lý do hoàn toàn tránh được”, bác sĩ Bảy cho hay.
Chuyên gia này cho biết, tết là thời điểm mọi người bị đảo lộn sinh hoạt và thói quen ăn uống. “Bệnh nhân thức khuya, dậy sớm hoặc ngủ suốt ngày; có người đi chơi xa, vận động thể lực nhiều; có người uống thuốc không đầy đủ… Đặc biệt, bệnh nhân đái tháo đường còn có nhiều yếu tố ảnh hưởng như ăn đồ nếp, ăn đồ lạ khiến làm tăng lượng đường; uống nhiều rượu có thể gây ra hạ huyết áp.
Để người bệnh đái tháo đường yên tâm đón Tết
Video đang HOT
Theo chuyên gia này, việc điều trị đái tháo đường có 3 trụ cột là lối sống, chế độ ăn và dùng thuốc. Với chế độ luyện tập, mọi người cần duy trì hoạt động thể lực như thông thường. Đồng thời, cần phải kiểm soát tình trạng bệnh bằng việc theo dõi huyết áp thường xuyên, chuẩn bị đầy đủ thuốc, thiết bị đo tiểu đường, giữ liên hệ với bác sĩ điều trị để liên hệ ngay khi có tình huống phát sinh.
Về chế độ ăn, người bệnh cần cố gắng duy trì ăn uống bình thường. Về điều trị, cần tuân thủ uống thuốc theo chỉ định của bác sĩ, không được bỏ thuốc. Bệnh nhân phải theo dõi đường huyết thường xuyên, đo ít nhất 1 lần/ngày vào sáng. Nếu thấy mệt, ăn món lạ, mất ngủ hay có vấn đề về sức khỏe thì cần đo thêm một lần trước bữa tối.
Món bánh chưng có mặt trong các mâm cơm ngày Tết cũng là thủ phạm gây ra biến chứng với người bệnh tiểu đường. Được chế biến từ gạo nếp có chỉ số đường huyết cao, bánh chưng còn được luộc kỹ nên khi ăn người bệnh hấp thu rất nhanh, làm tăng nguy cơ tăng đường huyết, gây ra biến chứng.
Do đó, người bệnh tiểu đường khi đã ăn bánh chưng phải giảm món tinh bột khác. Do bánh chưng hấp thu nhanh nên trước khi ăn món này, mọi người nên ăn món gì đó lót dạ như rau sống, canh, măng ngăn ngừa tình trạng đường huyết tăng lên. 1/8 bánh chưng tương ứng 1 bát cơm nên nếu đã ăn cơm thì người bệnh thôi bánh chưng.
“Bánh chưng tương đối gây no lâu và có ảnh hưởng nên bệnh nhân không nên ăn 1 ngày 3 bữa mà nên bánh chưng cách 8 tiếng. Nếu bệnh nhân ăn bánh chưng nên theo dõi, đo đường huyết để có điều chỉnh tiếp theo phù hợp và an toàn”, bác sĩ Bảy cho hay.
Nếu người bệnh tự chuẩn bị đồ ăn, hãy cắt giảm lượng tinh bột, đồ chiên xào trong công thức nấu ăn. Hãy xếp đồ ăn ra 1 chiếc đĩa nhỏ hơn, trong đó 1/4 đĩa là protein nạc, 1/4 đĩa là carbonhydrat (mỳ, miến, cơm, khoai tây, ngô, xôi, bánh chưng…), 1/2 đĩa là rau xanh, mỗi phần ăn không hơn 1 nắm tay của người bệnh.
Nếu đi du lịch, người bệnh nên mang theo đồ ăn nhẹ dành cho người đái tháo đường, đảm bảo đủ thuốc trong quá trình lưu trú.
Người bệnh không nên vì mải đi chơi, thăm thú ngày Tết mà quên bữa ăn, không nên nhịn ăn để dồn ăn vào bữa khác, bạn có thể sẽ ăn quá nhiều vào 1 bữa hoặc gây tụt huyết áp khi nhịn ăn, khiến đường huyết không ổn định.
Bữa ăn ngày Tết thường có chút rượu vang hoặc bia, nước uống có ga, nước ngọt, tuy nhiên các loại đồ uống chứa nhiều carbonhydrat sẽ gây tăng đường huyết, rượu ảnh hưởng đến quá trình tổng hợp đường ở gan gây hạ đường huyết.
Triệu chứng say xỉn và hạ đường huyết khá giống nhau, do đó, người bệnh đái tháo đường nên hạn chế tối đa việc sử dụng các loại đồ uống nêu trên, nếu có sử dụng thì nên đo đường huyết mao mạch trong và sau uống rượu. Gia đình và bạn bè người bệnh đái tháo đường cũng nên nắm được triệu chứng của hạ đường huyết để sớm phát hiện và có cách xử lý kịp thời.
Những ngày lễ Tết rất dễ làm gián đoạn giấc ngủ, người bệnh phải bảo đảm ngủ đủ 7-9 tiếng mỗi đêm, vì chỉ cần 1 đêm mất ngủ cũng làm tăng tình trạng kháng Insulin.
Dù vui chơi cũng không nên bỏ qua thói quen tập thể dục, người bệnh nên tập ít nhất 30 phút/ngày, 5 lần/tuần. Tập thể dục sẽ giảm tình trạng kháng Insulin, cải thiện đường huyết, giảm nguy cơ tim mạch và giúp giảm cân.
Mặc dù có nhiều lo toan cho dịp Tết nhưng bạn nên tìm niềm vui, tránh căng thẳng vì khi căng thẳng cơ thể sẽ tiết ra Cortisol, Adrelanin, là những hormone gây tăng đường huyết.
Cách kiểm soát căn bệnh hàng triệu người Việt mắc phải
Chế độ ăn ảnh hưởng rất nhiều đến tình trạng của người bệnh đái tháo đường, quan trọng không kém việc tuân thủ dùng thuốc.
Bà Nguyễn Thị Hà (42 tuổi, Đồng Nai) phát hiện bị đái tháo đường type 2 sau một lần khám bệnh vì cơn chóng mặt, choáng váng. Mặc dù tuân thủ uống thuốc đều đặn nhưng đường huyết của bà vẫn ở mức cao.
Qua khai thác thông tin, bác sĩ nhận định chưa tuân thủ chế độ dinh dưỡng là nguyên nhân chính. Bà Hà xác nhận vẫn thèm ăn nhiều, chưa bỏ được thói quen ăn vặt dù đã cố gắng.
Bác sĩ chuyên khoa 1 Trần Thị Ngọc Anh, Khoa Nội tiết, Bệnh viện Nguyễn Tri Phương, cho hay đến hiện tại, đái tháo đường vẫn là một tình trạng bệnh lý bị ảnh hưởng nhiều bởi chế độ ăn, đặc biệt là các thực phẩm ngọt, nhiều đường. Thực tế, có nhiều công thức giúp bệnh nhân điều chỉnh chế độ ăn của bản thân.
Theo bác sĩ Ngọc Anh, người bệnh có thể áp dụng 2 phương pháp dinh dưỡng đơn giản sau để ước lượng phần ăn cho người bệnh đái tháo đường.
Khẩu phần ăn của người bệnh đái tháo đường không thể thiếu các loại rau củ. Ảnh minh hoạ: GL.
Thứ nhất là phương pháp đĩa ăn. Bác sĩ Ngọc Anh cho hay người bệnh có thể sử dụng một đĩa ăn đường kính một gang tay (khoảng 20cm) để ước lượng. Một bữa ăn sẽ bao gồm:
- 1/2 đĩa là rau củ không chứa tinh bột như bắp cải, cải xoong, măng tây, xà lách, củ cải, cà tím, bông cải xanh, cải thảo, su hào, đậu bắp, dưa chuột, rau chân vịt, bông cải Brussel, đậu xanh.
- 1/4 đĩa là chất đạm như gà, trứng, cá, bò, heo hoặc các loại đậu, tàu hũ.
- 1/4 đĩa còn lại là các thực phẩm chứa tinh bột như khoai tây, cơm, mì, trái cây hoặc một cốc sữa.
- Người bệnh dùng kèm với nước lọc.
Thứ hai là phương pháp bàn tay. Theo bác sĩ Ngọc Anh, phương pháp này giúp ước lượng phần ăn đơn giản dựa trên lòng bàn tay. Một bữa ăn sẽ bao gồm:
- Chất xơ như rau củ với lượng vừa 2 lòng bàn tay.
- Tinh bột hoặc trái cây với lượng vừa 1 nắm tay.
- Chất đạm như thịt cá, trứng với lượng vừa 1 lòng bàn tay.
- Chất béo, bơ khoảng 1 ngón tay cái.
- Khoảng 200ml sữa không đường.
Bác sĩ Ngọc Anh lưu ý các loại mỡ giàu axit béo chuỗi dài như mỡ cá và dầu hạt nên được ưu tiên hơn mỡ động vật. Lượng muối nêm nên giới hạn dưới 2,3 g/ngày, do đó người bệnh đái tháo đường không chấm thêm muối, không thêm nước tương hay nước mắm khi ăn.
Người bệnh tránh sử dụng các loại nước ngọt, bánh kẹo hoặc các thực phẩm giàu đường; nên tập trung vào 3 cữ ăn trong ngày, tránh ăn vặt, nhất là những bệnh nhân đang sử dụng thuốc tiêm insulin.
Theo Trung tâm kiểm soát bệnh tật TP.HCM, đái tháo đường là một bệnh lý chuyển hóa, mạn tính, đặc trưng bởi tình trạng tăng đường huyết kéo dài, dẫn đến các tổn thương nghiêm trọng cho các cơ quan trong cơ thể như tim, mạch máu, mắt, thận và thần kinh. Đây là nguyên nhân chính đưa đến tình trạng mù lòa, suy thận, nhồi máu cơ tim, đột quỵ và đoạn chi.
Kiểm soát tốt bệnh đái tháo đường giúp phòng ngừa và làm chậm diễn tiến đến tổn thương các cơ quan. Trong đó, để kiểm soát đường huyết tốt, người bệnh cần phải tuân thủ chế độ ăn cho người đái tháo đường, có chương trình luyện tập thể dục đều đặn và phù hợp, uống thuốc theo toa của bác sĩ.
Giáo sư, Tiến sĩ, bác sĩ Trần Hữu Dàng, Chủ tịch Hội Nội tiết - Đái tháo đường Việt Nam, cho biết hiện có khoảng 5,7% dân số Việt Nam mắc đái tháo đường, tương đương hơn 5 triệu người. Tuy nhiên, điều nguy hiểm là căn bệnh đang lặng lẽ đến với người Việt, rất nhiều người mắc bệnh mà không hay biết.
Cụ thể, khoảng 50% người mắc bệnh nhưng không được chẩn đoán, gần 30% số người được chẩn đoán đang được điều trị; 50% bệnh nhân đái tháo đường lúc phát hiện đã có biến chứng tim mạch.
Đái tháo đường là một trong những bệnh không lây nhiễm phổ biến trên thế giới. Năm 2021, tỷ lệ người lớn mắc bệnh đái tháo đường tăng gấp ba lần so với năm 2000, từ 151 triệu người lên 537 triệu người (chiếm 10,5% dân số thế giới).
Snack, kẹo dẻo - thực phẩm đại kỵ với người đái tháo đường Người bệnh đái tháo đường nên dùng những thực phẩm tốt để ngăn ngừa các biến chứng nguy hiểm liên quan đến tim, thận. Ths.BS Trần Nguyễn Quỳnh Trâm - nguyên bác sĩ khoa Nội tiết - Bệnh viện Chợ Rẫy, TP.HCM, người bệnh đái tháo đường cần chế độ ăn đặc biệt để kiểm soát đường máu. Ngoài thực phẩm trong bữa...