Dịch tay chân miệng vẫn dễ vào trường học
Mặc dù ngành y tế đã tuyên truyền các biện pháp phòng chống dịch tay chân miệng nhưng nhiều trường học tại TPHCM đang đồng nhất việc phòng bệnh chỉ đơn giản lau sàn nhà, lớp học.
Dù đã tổ chức tập huấn cho cán bộ y tế trường học ngay từ đầu mỗi năm và cả trong dịp hè nhưng sau việc một loạt trường mầm non tại quận 8 phải tạm đóng cửa vì dịch tay chân miệng, lãnh đạo của các phòng GD – ĐT thừa nhận nhiều trường học đang rất chủ quan và lúng túng.
Trong khi khá nhiều trường mầm non công lập lo dọn dẹp và vệ sinh, khử trùng chuẩn bị cho ngày chính thức đón trẻ (29-8) thì nhiều trường mầm non tư thục lại tỏ ra thờ ơ với dịch bệnh tay chân miệng hoặc chủ quan cho rằng dịch đang xảy ra ở quận khác, chưa chắc đã di chuyển đến trường mình.
Lau chùi sàn nhà là đủ?
Chủ cơ sở Mầm non tư thục Sơn Ca, phường Hiệp Bình Phước, quận Thủ Đức, nói: “Giáo viên và bảo mẫu đều biết cách vệ sinh trường, lớp sạch sẽ. Sử dụng dung dịch tẩy sàn được cấp để lau chùi sàn nhà. Dịch bệnh chắc không thể xảy ra ở trường mình được”. Cách đó không xa, chủ Trường Mầm non tư thục Ánh Dương, cùng ở quận Thủ Đức, cũng tỏ ra rất yên tâm với việc dịch bệnh tay chân miệng khó xảy ra vì trường luôn dọn dẹp vệ sinh sạch sẽ. Nhưng cách đây không lâu, một trẻ ở cơ sở này đã có dấu hiệu nhiễm bệnh phải cách ly.
Mặc dù ngành y tế khuyến cáo việc phòng chống dịch tay chân miệng và sốt xuất huyết không phải chỉ là lau chùi sàn nhà, lớp học mà còn phải lau chùi đồ chơi, rửa tay sạch, không cho trẻ ngậm các vật dụng, mút tay… nhưng nhiều trường học đang đồng nhất việc phòng bệnh chỉ bằng cách lau sàn nhà, lớp học.
Video đang HOT
Lúc chúng tôi đến, Trường Mầm non tư thục Sơn Ca có gần 50 trẻ nằm la liệt trên nền nhà chờ phụ huynh tới đón; nhà vệ sinh không được tách riêng mà là một góc rất nhỏ được bố trí ngay trong lớp học. Trường Mầm non tư thục Ánh Dương có số trẻ ít hơn nhưng khu đồ chơi cho trẻ lại bố trí rất gần với đường quốc lộ, rất dễ bám bụi và mất vệ sinh; hai lớp mầm và chồi chung nhau một nhà vệ sinh dọc hành lang.
Dịch bệnh tay chân miệng sẽ lây lan rất nhanh trong môi trường trẻ nằm, ngồi chen chúc giữa nền nhà như thế này. Ảnh chụp tại quận Thủ Đức – TPHCM, ngày 17-8
Tập huấn thì có, tủ thuốc thì không
Quận Gò Vấp cũng là một trong những điểm nóng về nguy cơ nhiễm bệnh tay chân miệng vì có nhiều nhóm trẻ gia đình, mầm non ngoài công lập đang hoạt động.
Ông Đặng Thanh Tuấn, Trưởng Phòng GD – ĐT quận Gò Vấp, cho biết: “Các trường đều được tập huấn từ đầu năm về phòng chống dịch bệnh. Y tế dự phòng cấp phát thuốc đầy đủ cho các trường. Phòng GD- ĐT cũng luôn theo dõi để phát hiện sớm những trường hợp nào nhiễm bệnh thì cách ly. Đến nay, dịch bệnh tại quận đã diễn biến chậm lại”.
Không biết điều ông Tuấn nói có hoàn toàn đúng hay không nhưng khảo sát của chúng tôi tại một số trường mầm non trên các đường số 11, Nguyễn Văn Lượng, Phan Văn Trị thì các giáo viên đều trả lời có được tập huấn nhưng tủ thuốc y tế và cán bộ y tế thì nhiều trường chưa có. Cách đây không lâu, chính tại quận Gò Vấp đã ghi nhận không ít trường hợp trẻ nhiễm tay chân miệng.
Lại điệp khúc… tập huấn
Trong những ngày này, Sở GD – ĐT cùng với Sở Y tế đang liên tục mở các chương trình tập huấn cho cán bộ y tế trường học. Điệp khúc tập huấn, hướng dẫn mỗi khi dịch bệnh bùng phát khiến nhiều người quan ngại, vì bệnh tay chân miệng hay sốt xuất huyết đều không phải là những bệnh mới và hiếm gặp, tại sao cứ phải đến lúc phát dịch mới tập huấn?
Bà Phạm Thúy Hà, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Nguyễn Văn Trỗi, quận 4, chia sẻ: “Việc phòng chống dịch bệnh diễn ra theo quy trình: Nhân viên y tế của trường được trung tâm y tế dự phòng hướng dẫn, sau đó sẽ hướng dẫn lại cho các giáo viên khác trong buổi họp hội đồng sư phạm. Còn cán bộ của trung tâm y tế không trực tiếp đến trường tập huấn cho toàn bộ giáo viên. Cũng may đến tháng 9 mới có học sinh học bán trú nên trường có thời gian để vệ sinh chu đáo hơn”.
Lực bất tòng tâm Bà Nguyễn Thị Minh Nguyệt, Phó Phòng GD – ĐT quận 3, cho biết: “Các trường cũng lo lắng vô cùng nhưng lực bất tòng tâm. Mỗi khi có đoàn y tế xuống kiểm tra định kỳ hoặc đột xuất với những câu hỏi như: Bệnh tay chân miệng là gì? Cách pha dung dịch khử khuẩn như thế nào… là giáo viên thêm vô vàn áp lực. Lý do vì giáo viên không phải là nhân viên y tế chuyên nghiệp nên để nhận biết bệnh và xử lý là rất khó. Nguyên nhân chính của tình trạng này là do chỉ có một vài trường mầm non của quận có cán bộ y tế chuyên môn còn hầu hết đều thiếu do không ai chịu về làm. Khi có dịch bệnh, hiệu trưởng cũng đi tập huấn rồi tập huấn lại cho các giáo viên nên rất mất thời gian, qua nhiều công đoạn, trong khi dịch bệnh xảy đến bất kể thời gian hay địa điểm.
Một cán bộ Sở GD – ĐT TPHCM thừa nhận dịch bệnh lây lan rất nhanh, trong khi chờ giáo viên hay nhân viên tập huấn xong rồi về chỉ lại cho giáo viên trong trường thì có khi bệnh đã không còn. Cũng khó đòi hỏi đối với các cơ sở mầm non ngoài công lập vì họ chẳng được hỗ trợ gì. Đội ngũ cán bộ y tế trường học thiếu và yếu chuyên môn cũng là một nguyên nhân khiến các trường lúng túng khi có dịch bệnh.
Theo PNO
Quá tải trường lớp, giáo viên gồng mình
Việc thiếu trường lớp và phòng học ở các vùng ven của TP.HCM trước thềm năm học mới rất căng thẳng. Không những thế, việc thiếu giáo viên vẫn tiếp diễn làm cho tình trạng lớp học còn bị quá tải về sĩ số.
HS Trường Tiểu học Nguyễn Bỉnh Khiêm trong ngày tựu trường. Ảnh: Hương Giang
Quá tải lớp học vì người nhập cư
TP.HCM có gần 1 triệu HS phổ thông bước vào năm học mới, thế nhưng thành phố vẫn thiếu trường học, lớp học và giáo viên.
Lý giải về điều này, ông Lê Hồng Sơn, Giám đốc Sở GD- ĐT TPHCM cho biết trên Người lao động: Do dân số TP.HCM tăng khá nhanh, trong đó phần lớn là dân nhập cư, khiến việc xây dựng thêm trường, lớp dù khá nhiều nhưng vẫn chưa đủ để đáp ứng nhu cầu nâng cao chất lượng dạy và học, giảm sĩ số học sinh/lớp.
Việc thiếu phòng học chủ yếu diễn ra ở các quận vùng ven như Quận 6, Bình Tân, Gò Vấp, huyện Bình Chánh...Cụ thể, quận Gò Vấp vẫn còn thiếu gần 500 phòng học cho ba khối mầm non, tiểu học, THCS, mặc dù đã xây dựng gần 1.600 phòng. Tất cả các lớp học ở quận này đều vượt quá quy định. Sĩ số lớp học bình quân 48,7 HS/lớp. Một số trường tiểu học, THCS có sĩ số HS lên đến 48-55 HS/lớp. Riêng có 3 phường của Q.Gò Vấp "trắng" trường mầm non, báo Thanh Niên cho biết.
Tính đến tháng 4 năm nay, dân số quận Bình Tân tăng hơn gấp đôi so với thời điểm tách quận. Trên địa bàn TPHCM hiện có 14 phường, xã chưa có trường mầm non công lập trong năm học này.
Bà Phan Thị Phượng, Trưởng phòng GD-ĐT Q.6, chia sẻ trên Thanh Niên: Tại Q.6, mạng lưới trường lớp chưa đủ để huy động trẻ ra lớp đồng đều giữa các phường. Số lượng trường công lập của cả quận chỉ đáp ứng thu nhận 91,25% trên tổng số trẻ 5 tuổi, số còn lại phải học trường tư thục. Có phường ở trong quận còn "trắng" trường mầm non công lập. Bên cạnh đó, sĩ số HS trong lớp còn quá cao. Lớp 5 tuổi bình quân sĩ số lên đến 55,6 trẻ/lớp.
Ông Trần Trọng Tuấn, Chủ tịch UBND huyện Bình Chánh, cho biết: Mỗi năm, quận tăng thêm khoảng 30.000 người, đồng nghĩa với việc mỗi năm huyện tăng thêm một xã. Điều này kéo theo sự căng thẳng trong việc giải quyết hết chỗ học cho con em các hộ dân sinh sống tại huyện.
Nói với Tuổi Trẻ, ông Trần Hữu Vĩnh, trưởng Phòng GD-ĐT quận Bình Tân, cho biết. Tính đến thời điểm này, Bình Tân đã có gần 700 HS tiểu học ở các tỉnh khác chuyển về.
Dự án xây trường chậm
Tại Hội nghị chuẩn bị năm học mới 2011-2012 của HĐND TP.HCM diễn ra hôm 16/8, các đại biểu cho rằng, các dự án xây dựng trường học có tốc độ còn chậm so với nhu cầu nâng cao chất lượng GD. Đặc biệt, TP.HCM phải "gánh" tỷ lệ tăng dân số cơ học quá cao.
Nhiều dự án trường học tại TP.HCM bị ngưng vốn kéo theo những khó khăn trong giải quyết chỗ học đầu năm học mới.
Ông Đặng Thanh Tuấn, Trưởng phòng GD-ĐT Q.Gò Vấp, cho biết trên Thanh Niên: Năm 2010, UBND TP.HCM đã có quyết định bố trí kế hoạch vốn chuẩn bị đầu tư cho 6 dự án bồi thường giải tỏa và 12 dự án xây dựng trường học tại quận. Nhưng đến năm 2011, một số dự án này bị ngưng vốn nên khó khăn cho ngành GD giải quyết chỗ học cho HS.
Trước bức xúc về chỗ học trên cho HS TP, ông Hứa Ngọc Thuận, Phó chủ tịch UBND TP.HCM khẳng định: TP không cắt giảm đầu tư đại trà. UBND TP đang xem xét thứ tự ưu tiên đối với các công trình cấp bách, quyết tâm đẩy mạnh tiến độ xây dựng các công trình trường học nhằm đảm bảo đủ chỗ học cho HS.
Giáo viên phải "gồng mình"
Việc thiếu giáo viên trên toàn địa bàn thành phố khiến các giáo viên hiện đang phải phụ trách những lớp sĩ số quá đông đang cảm thấy quá tải.
Báo Người lao động cho biết: Năm học vừa qua, ngành giáo dục TP.HCM phải sử dụng hơn 1.500 bảo mẫu thay thế giáo viên trong các cơ sở mầm non ngoài công lập.
Theo bà Chung Thị Bích Phượng, Phó trưởng Phòng GD-ĐT quận Tân Phú, "Qua nhiều đợt rà soát, tuyển dụng, tính đến thời điểm này, các trường công lập ở quận Tân Phú đang thiếu 7 giáo viên. Nguyên nhân do năm học vừa qua có tới 27 giáo viên xin chuyển công tác. Đó là chưa tính đến số giáo viên các trường tư thục luôn biến động trong dịp hè".
Ông Trần Trung Hiếu, Trưởng Phòng GD-ĐT quận 12 nói với Người lao động: Hiện quận đang thiếu 7 giáo viên ở bậc tiểu học trong khi năm nay, riêng bậc học này đã tăng hơn 2.000 học sinh.
Ông Trần Hữu Vĩnh, Trưởng Phòng GD-ĐT quận Bình Tân, thông tin thêm, hiện quận vẫn còn thiếu tới 394 giáo viên. Trong khi chờ kết quả từ các đợt tuyển dụng, ngành giáo dục quận Bình Tân vẫn phải áp dụng các giải pháp như mọi năm là mời giáo viên đến tuổi nghỉ hưu tại các trường tiếp tục giảng dạy và mời giáo viên đã nghỉ hưu đang cư trú tại địa bàn quận tham gia dạy học...
Mặc dù đã tựu trường, đến thời điểm này, nhiều quận, huyện vẫn chỉ mới tuyển được khoảng 50% số lượng giáo viên (GV) theo yêu cầu.
Trả lời trên Tuổi Trẻ, ông Lê Hồng Sơn cũng cho biết: TP.HCM sẽ tuyển giáo viên quanh năm, đồng thời tuyển cả giáo viên có KT3 vào giảng dạy, một số trường còn thỉnh giảng cả giáo viên ngay khi họ có quyết định về hưu.
"Đời sống của GV còn chưa ổn định, còn chênh lệnh thu nhập giữa các nơi thì GV còn phân vân lựa chọn địa bàn để làm việc. Vì vậy, với các quận khó khăn thì tuyển GV rất khó", bà Cao Thị Tuyết Mai, Phó phòng GD-ĐT Q.4 cho biết trên Thanh Niên.
Theo Dân Trí
TPHCM: Căng thẳng trường lớp vì số học sinh tăng Năc ny,c TPHCM lên hơn 30.000 em nên tì trng quá tảip vẫn xảy ra ởun, huyện. Đ chỗc choc sinh nên cácum p hayi/ngy khng thảm bảoc.