Đi tìm sự thật: Liệu máy bay có thực sự là nguồn lây lan virus với rủi ro cực cao?
WHO cho rằng rủi ro lây nhiễm virus nằm ở 2 hàng ghế, nhưng thực tế có thể rất khác, vì hành khách thường không ngồi im. Dẫu vậy, rủi ro đến đâu thì cần phải nhìn lại.
Khi máy bay đã trở thành phương tiện quá phổ biến, thì chuyện một người nhiễm bệnh có mặt trên máy bay ở thời điểm một dịch bệnh nào đó lan rộng là điều cũng cực kỳ dễ xảy ra.
Dịch Covid-19 do virus corona chủng mới (SARS-CoV-2) cũng tương tự như vậy. Ở thời điểm hiện tại, virus đã lan ra hơn 100 quốc gia và vùng lãnh thổ, khiến hơn 3600 người tử vong. Và một phần câu chuyện đưa virus lan ra nằm ở việc các nước không thể kiểm soát hoàn toàn người nhiễm virus đến đất nước của mình.
Kể từ khi dịch bệnh nổ ra, đa số các sân bay đã tiến hành rà soát, quét thân nhiệt hành khách để giảm thiểu nguy cơ, thậm chí là hủy chuyến và chặn nhập cảnh đối với những người đến từ vùng dịch. Nhưng trong trường hợp người bệnh lọt được lên máy bay thì sao? Virus sẽ lây lan thế nào trong một môi trường kín như máy bay?
Để có câu trả lời, chúng ta sẽ phải xét đến nhiều vấn đề.
Cách một dịch bệnh lây lan
Cách lây lan cơ bản của một căn bệnh, có lẽ nhiều người trong chúng ta cũng nắm được. Đó chính là ho và hắt hơi. Khi người bệnh ho, nước bọt, dịch nhầy và các dịch thể khác sẽ văng ra. Nếu bạn chạm vào đó rồi đưa tay lên mặt, khả năng lây bệnh là cực kỳ cao.
Đa số các trường hợp, các giọt dịch này rất khó lan tỏa qua không khí mà thường rơi ở rất gần nơi ho. Theo Emily Landon, chuyên gia kiểm soát dịch bệnh từ ĐH Y Chicago (Mỹ), bệnh cảm cúm thông thường có khả năng lây lan trong phạm vi 2m và 10 phút tiếp xúc.
“Thời gian và khoảng cách có ảnh hưởng rất lớn,” – Landon cho biết.
Một dịch bệnh hô hấp cũng có thể lây lan thông qua các bề mặt vật thể bị dịch thể của người bệnh văng lên. Thời gian lây nhiễm kéo dài vài giờ đến hàng tháng, phụ thuộc vào vật liệu của bề mặt, và việc dịch thể ấy là gì (nước bọt hay đờm, nước mũi…).
Đối với dịch Covid-19, có một số bằng chứng cho thấy virus này lây được qua không khí bằng những phân tử nước siêu nhỏ – hay còn gọi là khí dung (aerosol). Tuy nhiên, Arnold Monto – giáo sư dịch tễ từ ĐH michigan cho biết đó không phải là cơ chế truyền bệnh chính.
“Khả năng lây qua khí dung là không cao, vì môi trường ấy sẽ khô rất nhanh. Bản thân virus lại cần độ ẩm, nên nó sẽ nhanh chóng ngưng hoạt động khi môi trường quá khô.”
Dịch bệnh trên máy bay thì sao?
Video đang HOT
Tổ chức Y tế thế giới WHO định nghĩa, đối tượng có khả năng lây nhiễm trên máy bay là những người ngồi trong khoảng 2 hàng ghế trên và dưới người bệnh. Tuy nhiên, con người ta chưa chắc đã ngồi im một chỗ – đặc biệt là với các chuyến bay kéo dài nhiều giờ đồng hồ. Họ có thể đi vệ sinh, duỗi chân, lấy đồ, ăn uống… nghĩa là đi qua nhiều nơi nữa.
Thực tế thì khi dịch SARS bùng nổ vào năm 2003, một hành khách từ Hong Kong (Trung Quốc) tới Bắc Kinh đã lây nhiễm cho những người ở ngoài phạm vi 2 hàng ghế của WHO. Một nghiên cứu trên tạp chí khoa học New England Journal of Medicine thậm chí còn đề cập rằng tiêu chuẩn của WHO “có thể để lỡ 45% bệnh nhân nhiễm SARS.”
Lấy cảm hứng từ sự việc này, một nhóm các chuyên gia từ ĐH Emory (Mỹ) đã quyết định tìm hiểu xem khả năng hành khách nhiễm bệnh trên máy bay có thể lây nhiễm ra đến phạm vi nào. Nhóm nghiên cứu đã thử nghiệm trên 10 chuyến bay xuyên lục địa của Mỹ, quan sát hành vi của phi hành đoàn và hành khách. Họ đánh giá quá trình di chuyển của mọi người, và sự ảnh hưởng của điều đó đến thời gian và số người tiếp xúc trên máy bay.
“Giả sử bạn ngồi ở hàng ngoài cùng hoặc hàng giữa, còn tôi thì đi ngang qua đó để đến toilet,” – Weiss, giáo sư sinh học từ ĐH Bang Pennsylvania cho biết. “Rõ ràng, chúng ta sẽ có tiếp xúc rất gần – nghĩa là trong vòng chưa đầy 1m. Nếu tôi nhiễm bệnh, bạn có thể bị lây. Và chúng tôi làm nghiên cứu để xác định điều này.”
Ảnh minh họa
Trong một nghiên cứu công bố vào năm 2018, hầu hết các hành khách trên chuyến bay dài sẽ rời khỏi ghế ngồi vào giữa chuyến – chủ yếu là đi vệ sinh hoặc lấy đồ trên khoang hành lý. Tổng cộng, 38% rời khỏi ghế 1 lần, và 24% nhiều hơn 1 lần. 38% ngồi im tại chỗ trong suốt chuyến bay.
Chính quá trình quan sát này đã giúp các nhà khoa học xác định được vị trí ngồi có rủi ro tiếp xúc thấp nhất. Theo đó, những người ngồi cạnh cửa sổ chỉ có 43% đứng dậy di chuyển, trong khi hàng giữa và hàng ngoài lên tới 80%.
Ảnh: ĐH Emory
Qua biểu đồ trên, có thể thấy vị trí ngồi gần cửa sổ là ít có khả năng tiếp xúc với người bệnh nhất. Tuy nhiên cũng theo biểu đồ, các vị trí ngồi giữa và ngồi ngoài ngay cả trong phạm vi “2 hàng trên và dưới” của WHO cũng có tỉ lệ tiếp xúc khá thấp (khoảng 50%). Theo Weiss, lý do là vì hầu hết các pha tiếp xúc như vậy là trong thời gian quá ngắn, nên ảnh hưởng cũng không có nhiều.
“Nếu bạn ngồi ở hàng ngoài cùng, sẽ có khá nhiều người đi qua, nhưng người ta bước đi rất nhanh,” – Weiss cho biết. “Xét về tổng thể, khả năng lây lan cho họ là thấp.”
Ảnh: ĐH Emory
Tuy nhiên, câu chuyện sẽ thay đổi nếu bệnh nhân lại là một thành viên của phi hành đoàn. Một tiếp viên sẽ phải đi dọc theo cabin khá nhiều lần với tốc độ chậm, tương tác với hành khách, và thậm chí tiếp xúc gần với những ai có nhu cầu cần phục vụ đồ ăn và thức uống. Cũng trong nghiên cứu trên, một thành viên tổ bay có nguy cơ lây nhiễm cho ít nhất 4,6 người, vậy nên các hãng hàng không luôn có quy định cấm tiếp viên không được bay khi tình trạng sức khỏe không tốt.
Với virus corona chủng mới thì sao?
Weiss cho biết, hiện tại chúng ta vẫn chưa thể biết chính xác cách dịch Covid-19 lây lan. Có thể qua dịch thể – nước bọt, nước mũi, qua đường bài tiết (tiêu chảy), hay thậm chí có thể là khí dung. Bản thân các nhà nghiên cứu cũng cho biết báo cáo này khó áp dụng cho các chuyến bay với thời gian quá dài (hơn 10 tiếng), hoặc với máy bay cỡ lớn với 3 dãy ghế chẳng hạn.
Landon lại nghĩ khác. Dù đồng tình rằng chúng ta chưa biết rõ về cách virus lây lan, nhưng cô tin rằng kết quả nghiên cứu này có tính ứng dụng cao. Hầu hết các loại virus corona trước kia (kể cả SARS) cũng lây lan thông qua giọt bắn, nên nhiều khả năng Covid-19 cũng vậy vì cả hai có nhiều điểm tương đồng.
Quan trọng nhất, Landon cho rằng ai cũng cần phải tự bảo vệ mình khi ở trên máy bay, bằng những quy tắc giữ vệ sinh do cơ quan y tế ban hành. Ví dụ như rửa tay bằng xà phòng hoặc dung dịch khử trùng bất kỳ khi nào chạm vào các bề mặt nơi công cộng – đây là điều quan trọng, vì virus mới được chứng minh có khả năng tồn tại trên các bề mặt vật thể trong thời gian lên tới 12 tiếng.
Nguồn: National Geographic
Theo toquoc.vn
Bác sĩ ơi: Có thể tự đi xét nghiệm nCoV không?
Tôi đang có dấu hiệu ho, đau họng. Một tháng qua, tôi không đến khu vực nào có dịch Covid-19. Tuy nhiên, do phải đi công tác thường xuyên, thường đi máy bay, ngồi chờ sân bay... nên tôi cũng hơi lo lắng. Tôi muốn xét nghiệm xem có nhiễm nCoV không thì có thể tự đi xét nghiệm ở đâu? Khi nào cần xét nghiệm này?
(T.T.Anh, 38 tuổi, ngụ TP.HCM)
Khu vực cách ly bệnh nhân nhiễm nCoV tại Bệnh viện Chợ Rẫy, TP.HCM - Ảnh: Duy Tính
Tiến sĩ - bác sĩ Nguyễn Văn Vĩnh Châu, Giám đốc Bệnh viện Bệnh nhiệt đới TP.HCM:
Để xác định một người có nhiễm nCoV không, cần phải làm xét nghiệm PCR. Xét nghiệm PCR là kỹ thuật được dùng để chẩn đoán một số bệnh đặc hiệu, liên quan đến các loại vi rút mà các phương pháp xét nghiệm truyền thống không thể làm được.
Muốn làm xét nghiệm PCR, bệnh nhân phải được thăm khám lâm sàng, có các yếu tố dịch tễ nghi nhiễm, bệnh viện phải hội chẩn và điền đầy đủ yếu tố dịch tễ của bệnh nhân. Sau đó, bệnh nhân mới được lấy mẫu bệnh phẩm gửi đi xét nghiệm.
Hiện nay, xét nghiệm nCoV không được thực hiện đại trà, không phải ai muốn làm xét nghiệm nCoV bác sĩ cũng đồng ý thực hiện. Việc xét nghiệm nCoV không giống như các xét nghiệm thông thường khác. Người bệnh được thực hiện xét nghiệm phải có đầy đủ các yếu tố dịch tễ, lâm sàng nghi ngờ mắc bệnh.
Đồng thời, các trường hợp làm xét nghiệm buộc phải vào khu cách ly riêng biệt cho đến khi có kết quả.
Hiện nay, theo quy định của Bộ Y tế, chỉ có 3 cơ sở y tế được thực hiện và công bố kết quả xét nghiệm PCR xác định nCoV là: Viện Vệ sinh dịch tễ T.Ư, Viện Pasteur Nha Trang, Viện Pasteur TP.HCM.
Bộ Y tế hướng dẫn người dân nếu có dấu hiệu sốt, ho, khó thở phải đeo khẩu trang, đến ngay cơ sở y tế gần nhất để được tư vấn, khám, điều trị kịp thời. Gọi điện cho cơ sở y tế trước khi đến để thông tin về các triệu chứng và lịch trình đã di chuyển trong thời gian gần đây nhằm có biện pháp hỗ trợ đúng.
Đối tượng nào cần được cách ly tại nhà?
Theo hướng dẫn của Bộ Y tế, những người không có các triệu chứng nghi nhiễm nCoV (như ho, sốt, khó thở) nhưng có một trong những yếu tố liên quan với người đã xác định bệnh hoặc nghi nhiễm (trong thời gian mắc bệnh) thì cần tự cách ly tại nhà, bao gồm: Người sống trong cùng nhà, nơi lưu trú, cùng làm việc với người đã xác định bệnh hoặc nghi nhiễm; cùng nhóm du lịch, đoàn công tác, nhóm vui chơi. Hoặc những người có tiếp xúc gần trong vòng 2 m với người bệnh hoặc nghi nhiễm trong thời gian mắc bệnh ở bất kỳ tình huống nào; ngồi cùng hàng hoặc trước sau hai hàng ghế trên cùng một chuyến xe/toa tàu/máy bay với người bệnh hoặc nghi nhiễm.
Bên cạnh đó, những người nhập cảnh vào Việt Nam từ Trung Quốc hoặc từng đi qua Trung Quốc (trừ tỉnh Hồ Bắc, đã được cách ly bắt buộc tại cơ quan y tế) trong vòng 14 ngày kể từ ngày nhập cảnh cũng cần tự cách ly tại nhà.
Thời gian cần cách ly tối đa 14 ngày tính từ ngày có tiếp xúc lần cuối với người bệnh hoặc người nghi nhiễm; hoặc từ ngày nhập cảnh vào Việt Nam.
Khi người nghi ngờ mắc bệnh được chẩn đoán không mắc bệnh thì những người được cách ly có liên quan sẽ kết thúc việc cách ly.
Người được cách ly tại nhà sẽ có cán bộ y tế xã, phường, thị trấn được phân công theo dõi tình hình sức khỏe và phải thực hiện đúng theo các hướng dẫn cách ly, theo dõi sức khỏe, thông báo cho cán bộ y tế theo dõi sức khỏe về nhiệt độ (2 lần mỗi ngày), khi có các triệu chứng nghi ngờ mắc bệnh như sốt, ho, khó thở.
Người được cách ly không được tự động rời khỏi nhà, nơi lưu trú.
Theo Thanh niên
Bác sỹ chỉ cách chống mụn và dị ứng do đeo khẩu trang Trước diễn biến phức tạp của dịch Covid-19, nhiều người đã sử dụng khẩu trang để bảo vệ bản thân khỏi những nguy cơ lây nhiễm virus. Tuy nhiên, với một số người thì việc đeo khẩu trang liên tục như vậy có thể khiến làn da bị kịch ứng hoặc nổi mụn. Ảnh minh họa: Internet Lý giải nguyên nhân dẫn đến...