Đề thi THPT quốc gia sẽ căn cứ vào chương trình đã tinh giản vì Covid-19
Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Hữu Độ cho biết, căn cứ vào chương trình đã tinh giản do phải nghỉ học vì dịch Covid-19, Bộ sẽ xây dựng và công bố đề thi tham khảo cho kỳ thi THPT quốc gia 2020.
Bộ GD-ĐT khẳng định sẽ xây dựng đề thi căn cứ vào chương trình đã tinh giản – Ảnh NGỌC THẮNG
Do diễn biến phức tạp của dịch Covid-19, học sinh từ mầm non tới THCS trên toàn quốc phải nghỉ học. Riêng cấp THPT, theo thống kê của Bộ GD-ĐT đến nay, trên toàn quốc có 29/63 tỉnh, thành phố tiếp tục cho học sinh THPT đi học.
Trước đó, tính đến ngày 9.3, toàn quốc đã có 48/63 tỉnh, thành phố cho học sinh THPT hoặc riêng lớp 12 đi học. Như vậy, do diễn biến phức tạp của dịch bệnh, có tới 19 tỉnh, thành phố đã phải tiếp tục cho học sinh nghỉ sau một vài tuần trở lại trường.
Ông Nguyễn Hữu Độ, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT, cho biết trước diễn biến khó lường của dịch bệnh, thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, để chủ động thực hiện chương trình giáo dục trong thời gian còn lại của năm học 2019 – 2020, Bộ GD-ĐT đang thực hiện đồng bộ các giải pháp, như:
Rà soát, tinh giản nội dung dạy học thuộc chương trình học kỳ 2 để hướng dẫn các địa phương, cơ sở giáo dục xây dựng kế hoạch dạy học bảo đảm thực hiện chương trình trong thời gian còn lại của năm học 2019 – 2020.
Video đang HOT
“Căn cứ vào chương trình đã tinh giản, Bộ sẽ xây dựng và công bố đề thi tham khảo cho kỳ thi THPT quốc gia 2020 để tạo thuận lợi cho học sinh lớp 12 trong quá trình học tập, ôn luyện, chuẩn bị tốt cho kỳ thi sẽ được tổ chức từ ngày 8 đến 11.8.2020″, ông Độ cho biết.
Ông Nguyễn Hữu Độ (bìa phải) trò chuyện với thí sinh dự thi THPT quốc gia năm 2019 – Ảnh: Tuệ Nguyễn
Cũng theo ông Độ, Bộ đã ban hành quy định về dạy học trực tuyến qua internet, trên truyền hình làm cơ sở cho các địa phương, cơ sở giáo dục tổ chức dạy học, kiểm tra, đánh giá kết quả dạy học trực tuyến theo chương trình giáo dục đã được tinh giản.
Đồng thời, chỉ đạo các địa phương tổ chức dạy học trên truyền hình, đồng thời đề nghị các địa phương gửi các bài giảng đã tổ chức dạy học trên truyền hình của địa phương về Bộ GD-ĐT để lựa chọn, phối hợp với Đài truyền hình Việt Nam phát sóng trên toàn quốc để các địa phương tổ chức cho học sinh học qua truyền hình, từ đó rút ngắn được thời gian hoàn thành chương trình theo khung thời gian năm học đã điều chỉnh.
Ông Độ khẳng định, Bộ GD-ĐT sẽ tiếp tục bám sát tình hình diễn biến và kiểm soát dịch bệnh để hướng dẫn kịp thời các địa phương trong quá trình triển khai thực hiện kế hoạch năm học 2019 – 2020 và tổ chức thi THPT quốc gia năm 2020.
Bộ GD-ĐT đã 2 lần điều chỉnh kế hoạch thời gian năm học
Để phòng chống dịch Covid-19, Bộ GD-ĐT đã điều chỉnh thời điểm kết thúc năm học đến trước ngày 30.6, thi THPT quốc gia từ ngày 23 – 26.7; đồng thời đề nghị chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố xem xét, quyết định cho học sinh đi học trở lại từ đầu tháng 3.
Tuy nhiên, khi dịch bệnh lại có diễn biến phức tạp, Bộ GD-ĐT lại phải điều chỉnh thời điểm kết thúc năm học trước ngày 15.7, thi THPT quốc gia từ ngày 8 – 11.8; đề nghị UBND các tỉnh, thành phố quyết định cho học sinh đi học trở lại phù hợp với tình hình dịch bệnh tại địa phương.
Sẽ tích hợp kiến thức giao thoa giữa các môn để tinh giản chương trình
Bộ GD-ĐT đang tính toán để có các phương án tinh giản chương trình học cho học sinh, đảm bảo hoàn thành chương trình trước ngày 15/7.
Trao đổi với báo chí ngày 22/3, ông Nguyễn Xuân Thành, Vụ trưởng Vụ Giáo dục trung học, Bộ GD-ĐT cho biết, do ảnh hưởng của dịch Covid-19, việc dạy và học bị gián đoạn, Bộ sẽ tinh giản nội dung năm học 2019-2020 với tất cả các khối lớp, chỉ tập trung vào chương trình học kỳ II.
Ông Nguyễn Xuân Thành cho hay, việc cắt giảm chương trình không thể làm một cách cơ học mà phải có rà soát và ra phương án cụ thể, đảm bảo chuẩn đầu ra, chuẩn chất lượng.
Ông Nguyễn Xuân Thành, Vụ trưởng Vụ Giáo dục trung học, Bộ GD-ĐT
Theo ông Thành, việc tinh giản chương trình có thể triển khai theo hướng xem xét những kiến thức lặp lại giữa các môn học, các lớp học (nghĩa là những phần kiến thức lặp lại ở mức cao hơn so với năm học trước). Việc tinh giảm sẽ tính toán đến kiến thức ở lớp dưới đã học thì sẽ cắt đi ở lớp trên. Khi học sinh đã nắm được kiến thức cơ bản ở lớp dưới, các thầy cô chỉ hướng dẫn cho các em tham khảo tự học; vừa tiết kiệm được thời gian trên lớp, vừa đảm bảo chương trình năm học.
Việc tinh giản chương trình cũng sẽ lấy chương trình giáo dục làm cơ sở, từ đó rà soát các nội dung trong sách giáo khoa môn học. Với những nội dung vận dụng nâng cao vượt quá chuẩn thì sẽ được tinh giản. Chỉ dạy học ở ba mức độ đọc - hiểu - vận dụng thấp nhằm giảm bớt thời lượng môn học, đảm bảo cho học sinh hoàn thành chương trình năm học trước ngày 15/7.
"Ngoài ra Bộ cũng đang tính toán tinh giảm theo hướng tích hợp những nội dung giao thoa giữa các môn học như môn Khoa học - Công nghệ, môn Lịch sử - Địa lý... Những nội dung này sẽ thiết kế để tổ chức tích hợp vào một môn chủ đạo và chỉ bổ sung yêu cầu cần đạt ở những môn còn lại, không dạy lặp lại kiến thức đó nữa. Như vậy, sẽ tiết kiệm được lượng thông tin, tiết kiệm được đối tượng nghiên cứu khảo sát cho học sinh nhưng vẫn đảm bảo được yêu cầu về kiến thức, kỹ năng của chương trình", ông Thành cho hay.
Vụ trưởng Vụ Giáo dục trung học cho biết, Bộ chủ trương chỉ tinh giản về mặt nội dung, không giảm về yêu cầu đạt được của học sinh theo chương trình giáo dục. Nội dung tinh giản theo hướng phát triển năng lực và kiến thức cơ bản. Đảm bảo thống nhất chung trong toàn quốc, không phụ thuộc vào từng trường như trước kia. Những nội dung được tinh giản, chắc chắn sẽ không đưa vào nội dung kiểm tra, đánh giá, thi cử.
Ông Nguyễn Xuân Thành cho biết thêm, Bộ GD-ĐT đang đẩy mạnh việc triển khai rà soát dự kiến trong tháng 3 sẽ phải hoàn thành công bố phương án giảm tải để áp dụng khi nhà trường mở cửa trở lại, hy vọng khi tháng 4, dịch bệnh đẩy lùi, học sinh sẽ trở lại trường./.
Nguyễn Trang
Trường đại học duy nhất ở Hà Nội không cho sinh viên nghỉ vì dịch Đại học Y Hà Nội vẫn duy trì việc học bình thường vì ngoài đến lớp, sinh viên, giảng viên còn là nguồn nhân lực quan trọng trong việc phòng chống dịch Covid-19. Trong khi các trường từ mầm non đến đại học đều nghỉ vì dịch Covid-19, Đại học Y Hà Nội duy trì việc dạy học bình thường, kể từ sau...