Đề phòng tăng cholesterol “xấu”
Nhận được thông báo “ mỡ máu cao”, “tăng cholesterol”, cần phải chú ý đến nguy cơ phát triển các bệnh về tim mạch
Cảm thấy trong người không khỏe, ông Trần Văn Q. (53 tuổi; ngụ quận Gò Vấp, TP HCM) đã đi khám sức khỏe tổng quát, bác sĩ cảnh báo: mỡ máu tăng vọt. Còn bà Trần Thị Uyên (49 tuổi, TP HCM) hơi đau cột sống nên đi khám. Làm xét nghiệm thì mới biết cholesterol “xấu” tăng vọt, cholesterol “tốt” dưới mức cần thiết.
Tiền đề của nhiều bệnh
Cholesterol không hoàn toàn là chất có hại. Nó là phần chất béo thiết yếu mà tế bào trong cơ thể cần. Cholesterol có thể được tạo ra từ gan hoặc được thu nạp từ thức ăn. Cholesterol được vận chuyển trong máu nhờ chất trung gian, đó chính là lipoprotein.
PGS-TS-BS Trần Phủ Mạnh Siêu, Phó Giám đốc Bệnh viện Nguyễn Trãi, giải thích về 2 loại cholesterol thường thấy trên phiếu xét nghiệm: LDL cholesterol (Low – density lipoprotein – Lipoprotein có trọng lượng phân tử thấp), còn gọi là cholesterol xấu. Thành phần này chính là tác nhân gây xơ vữa, xơ cứng, tắc hẹp, tắc nghẽn động mạch, nhất là động mạch vành (dẫn đến thiếu máu cơ tim) và nhiều động mạch lớn khác như động mạch cảnh trong, động mạch não, động mạch chủ bụng, động mạch chân tay… Còn HDL cholesterol (High-density lipoprotein – Lipoprotein có trọng lượng phân tử cao), còn gọi là cholesterol tốt, có vai trò vận chuyển chất béo dư thừa từ mạch máu đến gan để chuyển hóa, làm giảm nguy cơ xơ vữa động mạch, giảm nguy cơ tai biến, nhồi máu cơ tim…
Video đang HOT
Một số loại rau, củ, quả trong đó có thanh long được xem là “khắc tinh” của cholesterol xấu (Ảnh: HOÀNG TRIỀU)
Theo BS CK II Trương Quang Anh Vũ, Trưởng Phòng Kế hoạch tổng hợp Bệnh viện Thống Nhất, ngoài cholesterol “xấu”, 2 chỉ số khác cũng nên lưu ý nếu bị tăng đó là cholesterol toàn phần và triglycerides. Chúng đều là các thành phần lipid (mỡ). Rối loạn lipid máu (tăng các thành phần lipid xấu nói trên; giảm thành phần lipid tốt như HDL) chính là tình trạng dân gian gọi là “mỡ máu”, “máu nhiễm mỡ”.
Đây chưa phải là bệnh mà chỉ là triệu chứng nhưng là triệu chứng đáng báo động. Bởi đó là khi các mảng xơ vữa đã xuất hiện và bám dọc theo lòng mạch máu, làm hẹp lòng mạch, giảm lưu lượng máu đến nuôi các cơ quan.
Nhận được thông báo “mỡ máu cao”, “tăng cholesterol”, tức là bạn rất cần chú ý đến nguy cơ phát triển các bệnh về tim mạch. Nếu kéo dài, mảng xơ vữa ngày một nhiều sẽ gây thiếu máu cơ tim; tắc mạch do mảng xơ vữa bong ra tạo lập huyết khối, gây nhồi máu cơ tim; nếu xơ vữa động mạch xảy ra ở não và gây tình trạng bong mảng xơ vữa, tắc mạch tương tự thì sẽ dẫn đến đột quỵ.
Cân đối việc vận động
Theo PGS Trần Phủ Mạnh Siêu, điều chỉnh lối sống rất quan trọng để đẩy lùi các vấn đề về cholesterol, đừng bao giờ nghĩ có thể phụ thuộc vào thuốc. Thuốc chỉ dùng khi các biện pháp điều chỉnh lối sống không hiệu quả và khi uống thuốc vẫn phải sống lành mạnh.
Đầu tiên là kiểm soát chế độ ăn: ít mỡ, ít đạm, ít thịt nhưng nhiều cá, nhiều rau xanh, chất xơ… Tiếp theo là tăng cường tập thể dục, thể thao. Thể dục vừa làm tăng cholesterol tốt (HDL) vừa thúc đẩy quá trình đào thải cholesterol xấu (LDL). Ngoài ra, ngưng hoặc hạn chế sử dụng các chất kích thích như rượu, bia, thuốc lá… vì chúng làm cholesterol xấu tăng cao.
BS Trương Quang Anh Vũ cho rằng giải pháp đẩy lùi các vấn đề về cholesterol không khó, chỉ cần sống lành mạnh, năng động, tích cực, tăng cường vận động mọi lúc, mọi nơi. Mỗi ngày cần dành thời gian cho việc tập thể dục, nếu không tiện ra công viên thì có thể tập tại nhà, tự tay nấu ăn để có những bữa ăn lành mạnh, giảm tối đa đồ ăn sẵn. Thường xuyên dọn dẹp nhà vừa sức cũng là cách chống lại việc thiếu vận động.
Lương y Đinh Công Bảy, Tổng Thư ký Hội Dược liệu TP HCM, tư vấn thêm đa số rau, củ, quả đều có thể giúp giảm cholesterol xấu. Tuy nhiên đối với rau, những thứ có chứa chất xơ hòa tan sẽ phát huy tác dụng tốt nhất, đó là các loại có chất nhầy như mướp hương, mồng tơi, đậu bắp, rau đay, rau dền…
Với trái cây, có thể kể đến các “khắc tinh” đầu bảng của cholesterol xấu là thanh long, táo, kiwi, hạt óc chó. Thức uống thì có trà hoa cúc, trà sen… Ngoài trà, các món ăn nấu từ hạt sen, củ sen, lá sen cũng có lợi bởi toàn bộ cây sen gần như là “khắc tinh” của cholesterol xấu.
Theo các chuyên gia, ngoài việc phòng các bệnh lây nhiễm (trong đó có Covid-19), cần phải chú ý đến việc kiểm soát cân nặng, chế độ sinh hoạt và ăn uống hợp lý để đối phó với các bệnh không lây.
Nhiều tác dụng đáng ngạc nhiên của cây sả
Sả chứa chất chống ôxy hóa mạnh, giúp tăng khả năng miễn dịch và cải thiện sức khỏe tổng thể.
Sả có đặc tính chống ôxy hóa mạnh, giúp tăng khả năng miễn dịch và cải thiện sức khỏe tổng thể. Loại thảo dược này cũng được khá nhiều người sử dụng trong chế biến các món ăn. Theo The Healthsite, dưới đây là những tác dụng đáng ngạc nhiên của sả:
Sả có đặc tính chống ôxy hóa mạnh, giúp tăng khả năng miễn dịch. Ảnh: Internet
Làm giảm mức cholesterol xấu: Sả chứa các đặc tính chống tăng lipid máu, chống tăng cholesterol trong máu và điều chỉnh mức cholesterol. Chúng có thể duy trì mức chất béo trung tính lành mạnh và giảm cholesterol xấu. Điều này làm ngăn chặn sự tích tụ lipid trong các mạch máu. Ngoài ra, sả còn có thể ngăn ngừa các bệnh tim mạch.
Đặc tính chống ung thư: Sả có thể ngăn chặn sự phát triển của các tế bào ung thư. Hợp chất citral trong sả đặc biệt tốt cho việc ngăn ngừa ung thư da. Hợp chất hóa học này còn ức chế sự phát triển của tế bào ung thư gan cũng như tế bào ung thư vú .
Giúp giảm đau: Sả có đặc tính giảm đau rất tốt. Chúng có chứa phytonutrients, giúp cải thiện lưu thông máu. Điều này giúp loại bỏ co thắt, chuột rút cơ bắp, bong gân và đau lưng. Ngoài ra, sả cũng có thể giúp đỡ trong chấn thương và trật khớp.
Giúp ngủ ngon hơn: Với những người bị mất ngủ, uống một tách trà sả trước khi đi ngủ có thể sẽ giúp có giấc ngủ ngon. Các đặc tính an thần của trà sả cũng sẽ giúp ngủ lâu hơn.
Theo plo.vn
Những thông tin không thể bỏ qua cho người thiếu máu cơ tim Đẩy lùi thiếu máu cơ tim là một hành trình gian nan đòi hỏi sự kiên trì và ý chí quyết tâm của người bệnh. Vậy thiếu máu cơ tim có xử lý được không và làm thế nào để sống lâu sống khỏe dù đã mắc bệnh lâu năm? Bệnh thiếu máu cơ tim có chữa được không? Thiếu máu cơ tim...