Hà Nội không còn ổ dịch: Vẫn phải giữ tâm thế cảnh giác
Kể từ 0h00 ngày 14-5, xóm Trên, thôn Đông Cứu ( xã Dũng Tiến , huyện Thường Tín ) kết thúc cách ly y tế sau 28 ngày phòng, chống dịch Covid-19 .
Như vậy, Hà Nội đã không còn bất kỳ ổ dịch nào. Trước kết quả này, trao đổi với phóng viên Báo Hànộimới, Giám đốc Sở Y tế Hà Nội Nguyễn Khắc Hiền , Phó Trưởng ban Chỉ đạo công tác phòng, chống dịch Covid-19 thành phố Hà Nội cho rằng, dịch Covid-19 trên địa bàn thành phố đang được kiểm soát tốt, nhưng nguy cơ dịch xâm nhập còn rất cao, người dân vẫn phải giữ vững tâm thế cảnh giác.
Thời gian qua, Hà Nội đã thành công trong việc kiểm soát dịch Covid-19. Trong ảnh: Lấy mẫu xét nghiệm cho người dân tại thôn Đông Cứu , xã Dũng Tiến ( huyện Thường Tín ). Ảnh: Quang Thái
- Ổ dịch cuối cùng của Hà Nội là xóm Trên, thôn Đông Cứu đã kết thúc thời gian cách ly. Cảm xúc của ông lúc này như thế nào?
- Tôi rất vui mừng. Nhân đây, tôi cũng xin thay mặt ngành Y tế Thủ đô chuyển lời cảm ơn tới hệ thống chính trị và các tầng lớp nhân dân Thủ đô trong thời gian qua đã chung sức, đồng lòng cùng ngành Y tế trong công tác phòng, chống dịch bệnh.
Từ một địa bàn nóng với số ca nhiễm Covid-19 dẫn đầu cả nước, được xếp vào nhóm nguy cơ cao, thế nhưng, đã qua 28 ngày, Hà Nội không ghi nhận thêm ca mắc mới. Đây là một kết quả rất đáng tự hào.
Cũng phải nói thêm, trên địa bàn thành phố thời gian qua có cả ổ dịch tại các khu dân cư như ổ dịch ở thôn Hạ Lôi (xã Mê Linh, huyện Mê Linh), rồi ổ dịch thôn Đông Cứu (xã Dũng Tiến, huyện Thường Tín), đến ổ dịch tại một bệnh viện lớn nhất cả nước: Bệnh viện Bạch Mai, với đầy đủ yếu tố phức tạp, nguy cơ lây nhiễm và bùng phát cao. Trước thực tế đó, thành phố đã có những giải pháp quyết liệt từ rất sớm.
Một trong những biện pháp hiệu quả để ngăn chặn dịch lây lan ra cộng đồng, đó là “rà soát càng nhanh càng tốt, xét nghiệm càng nhanh càng tốt” để khoanh vùng, cách ly kịp thời. Hoạt động rà sát được triển khai với các nhóm nguy cơ như người có triệu chứng cảm, cúm, ho, sốt tại cơ sở y tế; những nơi có đông người lao động; khu vực có nguy cơ dịch tễ…
Nếu phát hiện ca nhiễm, sẽ khoanh vùng từng đốm nhỏ, không để bùng thành mảng lớn. Và biện pháp này đã phát huy tác dụng, khi một số ổ dịch đã lập tức được khoanh vùng dập dịch. Cùng với đó, thành phố đã triển khai quyết liệt từ rất sớm việc hạn chế tụ tập đông người, như dừng các hoạt động lễ hội, hạn chế hội họp, làm việc trực tuyến…
Đặc biệt, khi thành phố thực hiện cách ly xã hội theo Chỉ thị số 16/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ, từ người dân đến các cơ sở sản xuất, hộ kinh doanh đã bỏ qua lợi ích kinh tế, tự giác, nghiêm túc chấp hành… Cuộc chiến chống dịch Covid-19 thể hiện rõ sức mạnh của tinh thần đoàn kết, ý thức chống dịch của mỗi người dân, sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị thành phố.
Đến thời điểm hiện tại có thể khẳng định, thành phố đang kiểm soát tốt và làm chủ được tình hình, không còn ổ dịch nào trên địa bàn thành phố.
- Với kết quả này, thành phố đã có thể công bố hết dịch được chưa, thưa ông?
- Thủ tướng Chính phủ đã ký quyết định công bố dịch Covid-19 trên toàn quốc vào ngày 1-4. Theo quy định hiện hành, dịch Covid-19 thuộc nhóm A, thời gian ủ bệnh trung bình 14 ngày, thời gian không phát hiện thêm trường hợp mắc bệnh mới là 28 ngày (thời gian được tính từ ngày trường hợp mắc bệnh gần nhất được cách ly tại cơ sở y tế). Đây là cơ sở pháp lý làm căn cứ công bố hết dịch đối với dịch bệnh lần đầu tiên xuất hiện. Việc công bố hết dịch Covid-19 thuộc thẩm quyền của Thủ tướng Chính phủ, của Ban Chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch Covid-19. Để công bố hết dịch hay không, Chính phủ còn phải xem xét, phân tích kỹ lưỡng trên mọi khía cạnh. Theo tôi được biết, hiện Ban Chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch Covid-19 vẫn chưa tính đến thời điểm công bố hết dịch, không thể chủ quan, vì số ca mắc mới ghi nhận trên thế giới vẫn còn cao.
- Ông có thể nói rõ hơn về điều này?
- Bài học của một số nước cho thấy, khi xóa bỏ quy định cách ly xã hội , cho phép các hoạt động kinh doanh được hoạt động trở lại, người dân đã chủ quan trong phòng dịch. Cụ thể, ngay tại Hàn Quốc, do sự chủ quan của một bộ phận người dân ở các quán bar khiến số ca nhiễm Covid-19 tăng trở lại trong nước và xuất hiện ổ dịch mới.
Do đó, dù Hà Nội đang kiểm soát tốt dịch Covid-19, nhưng chúng ta vẫn phải giữ tâm thế hết sức cảnh giác. Bởi, tình hình dịch trên thế giới vẫn diễn biến phức tạp, nên nguy cơ xuất hiện ca mắc mới trên địa bàn thành phố vẫn còn rất cao. Nếu người dân chủ quan không đeo khẩu trang ở nơi công cộng, vẫn tụ tập đông người và không giữ khoảng cách 1m tại các quán ăn…, thì khó tránh khỏi nguy cơ dịch quay trở lại.
- Vậy người dân Thủ đô cần làm gì để phòng, chống dịch Covid-19 khi thành phố chuyển sang trạng thái “bình thường mới” như hiện nay?
- Dù đã khởi động lại các hoạt động kinh tế – xã hội , song từng người, từng cơ sở sản xuất, kinh doanh vẫn phải bảo đảm các biện pháp phòng, chống dịch trong phạm vi của mình bằng cách tuân thủ theo hướng dẫn của Bộ Y tế, như: Đeo khẩu trang khi ra đường, giữ khoảng cách tối thiểu 1m khi tiếp xúc, hạn chế tụ tập đông người… Đặc biệt, khi học sinh đã đi học trở lại, các nhà trường cần tuân thủ các biện pháp chống dịch theo hướng dẫn chuyên môn của Bộ Y tế.
Thời điểm hiện tại, thành phố vẫn duy trì các biện pháp phòng dịch, kiên quyết ngăn chặn triệt để dịch từ bên ngoài, đồng thời phát hiện càng sớm càng tốt các ca bệnh đầu tiên để khoanh vùng, cách ly, dập dịch từ bên trong, trong đó tập trung vào một số đối tượng có nguy cơ, như: Các cơ sở y tế, khu công nghiệp, khu nhà trọ công nhân…
Lực lượng phòng, chống dịch ở tất cả các cấp, các ngành luôn đặt trong tình trạng sẵn sàng, không chủ quan, không lơ là để bảo đảm công tác phòng, chống dịch có hiệu quả.
- Trân trọng cảm ơn ông!
Chuyên gia lưu ý “5 an toàn” phòng Covid-19 khi nới lỏng giãn cách xã hội
Ngày 23/4, cả nước cơ bản dừng cách ly xã hội trừ một số vùng có nguy cơ cao. Để phòng bệnh Covid-19, người dân vẫn cần đeo khẩu trang, tránh tiếp xúc gần, không tụ tập đông người...
Theo kết luận của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, từ ngày 23/4, 28 tỉnh thành thuộc nhóm "nguy cơ cao" và "có nguy cơ" bùng phát dịch Covid-19 như danh sách đưa ra ngày 15/4 sẽ dừng thực hiện cách ly xã hội như quy định của Chỉ thị 16, trừ một số huyện của Hà Nội, Hà Giang và Bắc Ninh.
Như vậy trên cả nước cơ bản dừng cách ly xã hội. PGS.TS Trần Đắc Phu, Cố vấn cao cấp Trung tâm Đáp ứng khẩn cấp sự kiện y tế công cộng Việt Nam cho rằng nới lỏng giãn cách xã hội nhưng người dân không được chủ quan. Dịch Covid-19 còn kéo dài.
Trong bối cảnh đó, PGS Phu lưu ý áp dụng "5 an toàn":
Thứ nhất, tất cả người dân phải đeo khẩu trang. Đeo khẩu trang vô cùng quan trọng trong việc phòng chống những bệnh lây qua đường hô hấp trong đó có Covid-19.
Thứ 2, tránh tiếp xúc, giao tiếp gần dưới 2m.
Thứ 3, không nên tụ tập đông người, sẽ có một số loại hình vẫn chưa được thực hiện như karaoke, massage, một số loại hình vui chơi giải trí khó có khả năng kiểm soát sự lây lan dịch bệnh.
Thứ 4 là hạn chế đi ra khỏi nhà nếu như không cần thiết, đặc biệt lưu ý tới đối tượng người cao tuổi, người có bệnh mạn tính- đối tượng có bệnh nền.
Thứ 5 là khai báo y tế. Đây là vấn đề rất quan trọng. Nếu có triệu chứng như sốt, ho, khó thở- triệu chứng điển hình của bệnh có thể là Covid-19, nếu không phát hiện do nguyên nhân khác, kể cả mệt mỏi thì cũng phải khai báo cho cơ sở y tế, để được tư vấn, cần thiết làm xét nghiệm chẩn đoán.
Theo PGS Phu, đây là những nguyên tắc chung của việc phòng bệnh. Ngoài ra, người dân phải lưu ý vấn đề khử khuẩn, rửa tay thường xuyên bằng xà phòng hoặc dung dịch sát khuẩn. Đây là việc hết sức cần thiết.
Đảm bảo an toàn khi học sinh đi học trở lại
Sau một thời gian dài nghỉ học, sắp tới học sinh sẽ đi học trở lại. Vì thế, điều quan trọng là phải đảm bảo trường học an toàn để phụ huynh yên tâm.
Ban chỉ đạo quốc gia phòng chống dịch bệnh Covid-19 đã chỉ đạo Bộ Y tế cùng với Bộ Giáo dục và Đào tạo xây dựng những quy định làm thế nào để trường học an toàn. Bộ Giáo dục sẽ có hướng dẫn chi tiết cụ thể cho các trường áp dụng. Trong đó quy định trường học phải làm gì, giáo viên, học sinh làm gì và cha mẹ cũng phải làm cái gì để đảm bảo trường học an toàn.
PGS Phu cho biết, nguyên tắc bắt buộc là học sinh phải đeo khẩu trang, ngồi giãn cách, vệ sinh khử khuẩn hằng ngày bàn ghế. Có cháu nào bị sốt, triệu chứng bệnh (thông qua đo nhiệt độ tại trường và khai báo của gia đình) thì đều báo cáo y tế, cho học sinh nghỉ học.
"Lưu ý việc khử khuẩn vệ sinh là vô cùng cần thiết với trường học, rửa tay, lau chùi bàn ghế. Tôi cũng khuyến cáo các bà mẹ nên mua cho con em mình một lọ dung dịch rửa tay sát khuẩn, nhà trường phải bố trí điểm rửa tay với xà phòng, dung dịch rửa tay sát khuẩn hướng dẫn cho các em", PGS Phu nhấn mạnh.
Nam Phương
Cách ly với những người có liên quan đến Covid-19: Hiểu sao cho đúng? Đối với các trường hợp được xác định là F0, F1 sẽ thực hiện cách ly tại các cơ sở y tế. Các trường hợp F2 được cách ly tại nhà, nơi cư trú. BS Khổng Minh Tuấn, Phó Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP Hà Nội chia sẻ, đối với các trường hợp được xác định là F0, F1...