Đề phòng “người anh em” của SARS
Hiện thế giới chưa có vắc-xin và cũng không có thuốc điều trị đặc hiệu để chống lại virus Corona gây hội chứng viêm đường hô hấp cấp ( MERS-CoV) giống với bệnh SARS.
Virus Corona đang hoành hành ở khu vực Trung Đông, có nguy cơ xâm nhập Việt Nam qua những du khách quá cảnh và người lao động trở về từ khu vực này.
Gần 500 người mắc bệnh và tử vong
Mới đây, Bộ Y tế đã có văn bản khẩn gửi giám đốc sở y tế các địa phương yêu cầu tăng cường kiểm tra, giám sát chặt chẽ đối với người nhập cảnh Việt Nam tại tất cả cửa khẩu, trong đó đặc biệt chú ý những người gần đây đi du lịch hoặc trở về từ các quốc gia đang có dịch bệnh.
Kiểm tra thân nhiệt hành khách nhập cảnh tại sân bay quốc tế Nội Bài (Hà Nội)
Theo PGS-TS Trần Đắc Phu, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế), cảnh báo này được đưa ra sau khi số ca mắc và tử vong do bệnh MERS-CoV liên tục tăng lên ở khu vực này. Virus Corona được phát hiện tại Ả Rập Saudi vào đầu năm 2012. Đến thời điểm này, thế giới đã ghi nhận gần 500 trường hợp mắc MERS-CoV, trong đó có hơn 100 người tử vong.
Video đang HOT
Báo cáo mới nhất của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cho thấy chủng virus này đã lan tới 16 quốc gia thuộc các khu vực Trung Đông, châu Âu, Bắc Phi, châu Á và Mỹ. Tất cả các trường hợp mắc MERS-CoV đều có liên quan và xuất phát từ 6 nước tại bán đảo Ả Rập. Đã ghi nhận một số trường hợp là nhân viên y tế trong nhiều chùm ca bệnh ở Ả Rập Saudi và Jordan. Phần lớn các ca bệnh đều có viêm phổi cấp tính nặng, sốt, ho và khó thở. WHO nhận định trong thời gian tới, có thể sẽ ghi nhận thêm nhiều trường hợp mắc MERS-CoV tại các quốc gia khác do có giao lưu về đi lại và du lịch với các quốc gia hiện đang có dịch bệnh.
Ông Trần Đắc Phu cho biết hiện chưa phát hiện ca bệnh tại Việt Nam nhưng không thể loại trừ các trường hợp du khách quá cảnh đi qua khu vực Trung Đông rồi vào nước ta. Bên cạnh đó, một số lượng lớn người Việt Nam xuất khẩu lao động tại khu vực này, khi trở về có thể mang theo mầm bệnh. Đáng ngại là ở khu vực Đông Nam Á, Malaysia và Philippines đã ghi nhận các trường hợp mắc MERS-CoV sau khi trở về từ khu vực Trung Đông. Ngày 8-5, Indonesia công bố một người đàn ông 54 tuổi trở về từ Ả Rập Saudi nghi mắc MERS-CoV và tử vong tại bệnh viện ở nước này.
Khó khăn trong ứng phó
MERS-CoV được coi là “người anh em” của SARS – căn bệnh đã cướp đi sinh mạng của hơn 800 người khi dịch bùng phát năm 2003. Cũng giống như SARS, phần lớn bệnh nhân mắc MERS-CoV thường có biểu hiện nhiễm trùng đường hô hấp gây viêm phổi, sốt cao, ho và khó thở. Đây là bệnh có tỉ lệ tử vong cao trong nhóm bệnh truyền nhiễm, thời gian ủ bệnh có thể kéo dài đến 2 tuần, lâu hơn cả SARS. Các nghiên cứu mới nhất đã ghi nhận 75% ca lây truyền từ người sang người qua tiếp xúc gần hoặc giọt nước bọt nhỏ. Ngoài ca bệnh có biểu hiện, virus Corona cũng đã tìm thấy ở những người lành mang trùng. Nguy hiểm hơn, virus Corona có thể gây suy thận và tỉ lệ tử vong ở người nhiễm bệnh lên tới hơn 50%.
PGS Trần Đắc Phu cho rằng khó khăn trong việc ứng phó với bệnh viêm đường hô hấp cấp tính do virus Corona gây ra là chưa có vắc-xin và cũng không có thuốc điều trị đặc hiệu để chống lại nó. Trong khi đó, việc xuất hiện các trường hợp không có triệu chứng, dẫn đến khó kiểm soát và làm tăng khả năng lây lan trong cộng đồng. Hiện nay, sự hiểu biết của thế giới về nguồn lây của chủng virus này còn rất hạn chế. Mới đây, WHO công bố một nghiên cứu của các nhà khoa học cho rằng ổ chứa virus Corona chính là lạc đà nhưng cách thức lây truyền như thế nào vẫn là dấu hỏi lớn. “Chủng virus này cũng là mối đe dọa với tất cả mọi người. Trong đó, người già, nam giới, những người có bệnh mạn tính kèm theo thường có nguy cơ cao hơn” – ông Phu nhấn mạnh.
Theo Bộ Y tế, hiện tại, các sân bay và cửa khẩu, máy đo thân nhiệt đã được lắp đặt nhằm tăng cường kiểm tra, giám sát tất cả du khách nhập cảnh Việt Nam, đặc biệt là những người đến từ các quốc gia vùng Trung Đông… Riêng với các du khách bị sốt, viêm đường hô hấp không rõ nguyên nhân sẽ được lực lượng y tế sân bay khám bệnh, lấy mẫu xét nghiệm tại chỗ và tổ chức cách ly khi có dấu hiệu nghi ngờ.
Giới chuyên môn cảnh báo những người có biểu hiện sốt hoặc các triệu chứng của bệnh viêm đường hô hấp như: ho, khó thở ít nhất 14 ngày sau khi đến các vùng đang có dịch cần phải đến cơ sở y tế khám, tư vấn và điều trị kịp thời.
Nhiều khuyến cáo
Cục Y tế dự phòng khuyến cáo các biện pháp để phòng hộ cho cá nhân và nhân viên y tế trước dịch bệnh nguy hiểm này là: rửa tay thường xuyên bằng xà phòng và dung dịch sát khuẩn; che mũi và miệng khi ho và hắt hơi; tránh tiếp xúc với mắt, mũi, miệng khi tay chưa được rửa sạch; tránh tiếp xúc gần (ăn, uống chung ly, chén với người nhiễm bệnh); thường xuyên khử khuẩn các bề mặt tiếp xúc như: đồ chơi, sàn nhà, tay nắm cửa. Ngoài ra, WHO khuyến cáo khách du dịch khi đến khu vực có người mắc MERS-Cov cần phải biết các biện pháp phòng ngừa đặc biệt.
Theo Ngọc Dung (Người lao động)
Đã có vắc xin thủy đậu ở miền Bắc và miền Nam
Ngày 8/5, trong buổi họp báo về phòng, chống các bệnh mùa hè, PGS TS Trần Đắc Phu - Cục trưởng Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế cho biết đã có vắc xin tiêm phòng thủy đậu ở ngoài thị trường để người dân có thể tiêm phòng.
Bệnh thủy đậu lành tính nhưng mắc rải rác, dễ lây nhiễm
Hiện nay, bệnh thủy đậu cũng đang mắc rải rác ở nhiều nơi. Từ đầu năm đến nay, cả nước ghi nhận hơn 16 nghìn người mắc bệnh thủy đậu xảy ra ở các tỉnh, thành phố. Đến nay, chưa ghi nhận trường hợp nào tử vong nhưng so với cùng kỳ năm 2013, số bệnh nhân mắc thủy đậu tăng cao hơn 7900 trường hợp. Tuy nhiên, so với dịch năm 2008 thì thấp hơn gần 6.500 trường hợp mắc bệnh.
Một số tỉnh có tỷ lệ bệnh nhân mắc bệnh thủy đậu cao nhất là Hà Nội, Khánh Hòa, Bà Rịa Vũng Tàu, Nghệ An.
Ông Phu cho biết bệnh thủy đậu là bệnh lành tính, không có triệu chứng nặng nề ngoài những mụn nước nhưng cũng có thể gây ra biến chứng từ nhiễm trùng da nơi mọc mụn nước đến nhiễm trùng huyết, viêm não. Phụ nữ mang thai mắc bệnh thủy đậu sẽ rất nguy hiểm cho thai nhi, có thể gây sẩy thai hoặc để lại dị tật cho thai nhi.
Tất cả những người chưa bị mắc bệnh hoặc chưa được tiêm vắc xin đều có thể mắc bệnh. Thông thường người lớn mắc bệnh nặng hơn ở trẻ em. Mọi người đều phải chủ động phòng bệnh thủy đậu bằng cách tránh tiếp xúc với người bị bệnh và tiêm vắc xin phòng bệnh. Không tiêm vắc xin thủy đậu khi đang sốt hoặc bị bệnh nhiễm khuẩn cấp tính, người mẫn cảm với các thành phần của vắc xin, người bị thiếu hụt miễn dịch bẩm sinh hoặc mắc phải, phụ nữ đang mang thai.
Thời gian qua, nhiều người lo ngại dịch bệnh nên dẫn đến tình trạng thiếu vắc xin cục bộ. Nhưng ông Phu cho biết Cục Y tế dự phòng đã liên hệ với Công ty nhập khẩu vắc xin thủy đậu và đến nay toàn bộ lô vắc xin gần 80.000 liều đã đưa ra ngoài thị trường để người dân có thể đi tiêm.
Để phòng lây lan bệnh thủy đậu trong cộng đồng, người lớn mắc bệnh phải nghỉ làm tránh tiếp xúc với người khác, trẻ nhỏ mắc bệnh phải nghỉ học từ 7 đến 10 ngày từ lúc bắt đầu phát hiện bệnh cho đến khi các nốt bọng nước khô vảy hoàn toàn; sử dụng các vật dụng sinh hoạt cá nhân riêng như khăn mặt, ly, chén, muỗng, đũa; vệ sinh mũi họng hàng ngày bằng dung dịch nước muối sinh lý 90/00, tăng cường vệ sinh cá nhân; vệ sinh phòng ở của người bệnh, đồ vật nhiễm mầm bệnh hàng ngày bằng dung dịch sát khuẩn thông thường.
Khánh Ngọc
Theo Infonet
'Chặn' bệnh viêm đường hô hấp cấp tại các cửa khẩu Ông Trần Đắc Phu - Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) cho biết, dù đến nay, Việt Nam chưa ghi nhận trường hợp nào nhiễm virus Mers-CoV, nhưng để ngăn chặn căn bệnh viêm đường hô hấp cấp đang diễn biến phức tạp ở nhiều nước trên thế giới này, Việt Nam cần tăng cường giám sát tại các...