Dạy văn bằng ‘cảnh nóng’, nên hay không?
Mới đây, chuyện một thầy giáo dạy Văn bị kỷ luật vì cho học sinh diễn lại cảnh ân ái, cưỡng bức trong tác phẩm văn học, khiến dư luận xôn xao với những ý kiến nhiều chiều. Không ít người khen ngợi cách làm của thầy giáo là “ sáng tạo”, “cách tân”… nhưng một số chuyên gia lại cho rằng nên cẩn trọng.
Học sinh lớp 10 Trường THPT Chuyên Ngoại ngữ, ĐH Ngoại ngữ, ĐHQG Hà Nội đang diễn lại tác phẩm “Vợ nhặt” của Kim Lân
Để giờ học Văn không còn “ngủ gật”
Trong tiết ngoại khóa môn Văn khối 11, thầy Phạm Quốc Đạt (34 tuổi, giáo viên trường THPT Võ Trường Toản, quận 12, TP HCM) đã cho học sinh xây dựng ngoại cảnh, sân khấu và diễn kịch theo một số tác phẩm văn học. Trong đó, có một số “cảnh nóng” từ tác phẩm “Bỉ vỏ”, “Số đỏ” như Xuân Tóc Đỏ và Tuyết ân ái, Tám Bính bị cưỡng bức. Những cảnh này lên mạng và bị rò rỉ ra ngoài. Trường THPT Võ Trường Toản đã ra quyết định kỷ luật cảnh cáo ông Đạt vì có các sai phạm trong hoạt động chuyên môn gây hậu quả nghiêm trọng, tự ý đưa ra kế hoạch dạy hoặc ngoại khóa, sân khấu hóa mà không có kế hoạch gửi nhà trường. Giáo viên này bị đình chỉ giảng dạy 1 năm và chuyển sang làm nhân viên thư viện.
Tiến sĩ Trịnh Thu Tuyết (nguyên giáo viên Ngữ văn, trường THPT Chuyên Chu Văn An, Hà Nội) cho rằng: Không phải tác phẩm văn học nào cũng sân khấu hóa được
Không phục với mức phạt, trong diễn biến mới nhất, ông Đạt đã đâm đơn kiện hiệu trưởng ra Tòa án Nhân dân quận 12, TPHCM. Ông cho biết khi dạy văn, mình thường cho các học trò sân khấu hóa tác phẩm để các em hiểu rõ hơn về nội dung. Với các “cảnh nóng”, học sinh sáng tạo trên hiệu ứng chiếu bóng. Học sinh đứng sau tấm màn, không có sự đụng chạm xác thịt, chỉ dùng kỹ xảo để diễn tả hành động. Ông cũng cho rằng khi bóc tách một chi tiết ra khỏi vở kịch dài 15 phút, sự việc có thể bị bẻ cong theo hướng suy nghĩ khác. Vai trò của bối cảnh rất quan trọng. Nó quyết định đến nội dung ý nghĩa và có dụng ý của người truyền tải thông tin.
Trên trang facebook của một diễn đàn giáo dục, nữ sinh hongvan202 chia sẻ: “Đây là một cách học khá thú vị. Nếu mà sân khấu hóa tất cả các tác phẩm văn học thì chắc chắn chúng em học Văn dễ hơn, qua đó hiểu rõ nội dung và các nghệ thuật đặc sắc”.
Anh Trần Văn Hưng (Đống Đa, Hà Nội) cũng thẳng thắn bày tỏ: “Giáo dục Việt Nam cần phải cởi mở một cách khoa học, phải đề cập đến vấn đề “ân ái” một cách nghiêm túc, không cấm được các em quan hệ vì có cấm trong sáng thì các em lại làm trong tối, cái chúng ta cần giải quyết là hướng các em tới sự an toàn, phải biết các biện pháp tránh thai, truyền đạt cho các em các hệ lụy khi quan hệ lúc còn quá trẻ, nhất là truyền đạt cho các em gái phải đặc biệt chú ý hơn đừng nhẹ dạ rồi ảnh hưởng cả cuộc đời. Thà chỉ đường cho hươu chạy đúng, chứ đừng cấm rồi hươu cũng chạy mà chạy sai”.
Một trong những cảnh sân khấu hóa tác phẩm văn học bị phản ứng (Ảnh cắt từ clip)
Video đang HOT
Ranh giới mong manh
Việc sáng tạo, đổi mới phương thức giảng dạy, giúp học sinh hào hứng với các bài học là điều cần thiết và xứng đáng được cổ vũ. Tuy nhiên, theo một số chuyên gia, ranh giới giữa sáng tạo và lố bịch, giữa nghệ thuật và phi nghệ thuật luôn là khoảng cách mong manh.
Tiến sĩ Trịnh Thu Tuyết, người từng có nhiều năm giảng dạy môn Ngữ văn tại trường THPT Chuyên Chu Văn An, Hà Nội cho biết, thực tế bao năm nay, học sinh đang chán dần học Văn nói riêng và các môn xã hội nói chung. Bởi vậy, các giáo viên trẻ thường ham tìm tòi các phương thức đổi mới cách dạy, trong đó có phương pháp “Trả tác phẩm cho học sinh” tức là trả tình yêu văn học cho các em, tất nhiên vẫn dưới sự dẫn dắt của thầy cô.
Các phương pháp như diễn kịch, làm thơ, đọc rap… đã thực sự mang đến cho học sinh những cách tiếp cận mới mẻ. Nhưng nó cũng chỉ là thủ pháp phụ trợ chứ không thay thế được bài giảng của thầy. Hơn nữa không phải tác phẩm nào cũng sân khấu hoá được. Cần phải có tiêu chuẩn, bởi mỗi tác phẩm văn học có những giá trị riêng. Khi sân khấu hóa có thể làm đặc sắc hơn nhưng cũng có thể “hại chết” giá trị của nó.
“Khi lựa chọn sân khấu hóa tác phẩm, giáo viên nên chọn lọc những trích đoạn hay để cho các em đóng. Có rất nhiều trích đoạn hay, có giá trị để dàn dựng, giáo viên không nhất thiết phải chọn trích đoạn có cảnh “nóng”. Đặc biệt ở hoàn cảnh đang có nhiều vấn đề phức tạp trong học đường như hiện nay. Đừng nghĩ chỉ cần một lớp vải mỏng che chắn hay không đụng chạm thân thể mà không tác động đến tâm sinh lý học sinh. Văn học là phải hướng đến Chân- Thiện- Mỹ”- TS Trịnh Thu Tuyết phân tích. Tuy nhiên, bà cũng cho rằng hình thức kỷ luật với thầy Phạm Quốc Đạt như vậy là hơi nặng, chỉ nên nhắc nhở rút kinh nghiệm về chuyên môn.
Tiến sĩ Vũ Thu Hương (Đại học Sư phạm Hà Nội) cũng ghi nhận cái tâm của thầy Đạt là muốn học sinh hiểu kĩ tác phẩm hơn, về cái thanh lẫn cái tục. “Nhưng việc cho các em xem cảnh nóng, mới chỉ xem thôi cũng có thể làm các em bị kích thích, chứ chưa nói để các em tự nhập vai như vậy. Với lứa tuổi teen, đã dậy thì, nên các em có nhu cầu như người lớn, nếu bị kích thích sẽ khó kiềm chế, từ đó có thể dẫn đến những hành động sai lệch. Theo quy định về dâm ô ở một số nước trên thế giới thì đây được xem là hành động gợi dục và thầy giáo phải chịu trách nhiệm về việc này rồi. Luật ở Việt Nam chưa rõ nên thầy mới không bị xử lý. Ngay trong giáo dục giới tính, tất cả mọi thứ đều phải giải thích theo khoa học, chứ không phải là kích dục trẻ”, chị nhấn mạnh.
Việc sân khấu hóa tác phẩm văn học không phải là một phương pháp giáo dục quá mới mẻ ở Việt Nam mà đã được áp dụng nhiều năm nay tại nhiều trường học trên cả nước. NSND Lê Tiến Thọ, Chủ tịch Hội Nghệ sĩ sân khấu Việt Nam ủng hộ việc đổi mới hình thức giảng dạy để sinh động hơn, dễ tiếp cận hơn. Nhưng đồng quan điểm với các chuyên gia trên, ông cũng cho rằng nên có sự tổ chức, giám sát kỹ lưỡng. “Với những hình ảnh phản cảm thì trên sân khấu cũng cấm chứ không chỉ trong nhà trường. Sân khấu hay văn học đều có tính ước lệ, hoàn toàn có thể tìm những cách thể hiện khác, làm sao phù hợp với lứa tuổi, tâm lý các em”- Chủ tịch Hội Nghệ sĩ sân khấu Việt Nam khẳng định.
Ông cũng đề xuất các trường nên tổ chức những buổi ngoại khoá cho học sinh đến nhà hát xem các tác phẩm văn học được sân khấu hoá như thế nào, được tiếp xúc với diễn viên, nghệ sĩ, đưa ra những câu hỏi, giao lưu. Những năm qua, nhằm thực hiện chủ trương đưa văn hóa nghệ thuật đến với đông đảo người dân thành phố, đặc biệt là đối tượng HS-SV, Sở Văn hóa – Thể thao TPHCM đã giao cho một số nhà hát trên địa bàn xây dựng các chương trình nghệ thuật truyền thống và phối hợp một số trường phổ thông trong thành phố để biểu diễn trong trường học. Các nhà hát cũng đã dàn dựng, tập luyện cho học sinh nhiều tác phẩm, trích đoạn nổi tiếng trong văn học. Theo NSND Lê Tiến Thọ, đây là một cách làm hay, cần phát huy, nhân rộng để giáo dục giới trẻ không chỉ yêu thích tìm hiểu văn chương mà còn thêm hiểu biết về nghệ thuật sân khấu truyền thống.
“Nếu như thầy Đạt có sự giám sát chặt chẽ hơn nội dung của các phân đoạn học sinh thực hiện sân khấu hóa; có sự tư vấn của những người có chuyên môn về sân khấu thì có lẽ thầy và trò sẽ biết sử dụng ngôn ngữ của kịch để truyền tải một cách tối ưu”.
NSND Lê Tiến Thọ, Chủ tịch Hội Nghệ sĩ sân khấu Việt Nam
Theo Tiền Phong
Nhìn nhận sao cho đúng chuyện học sinh đóng cảnh 'nóng' trong giờ Văn?
Khi lên sân khấu hoặc lồng ghép vào tác phẩm văn học, vấn đề "giường chiếu" không nên được đưa ra một cách trần trụi, tả thực... Điều này chưa hẳn giúp các em quan tâm, hiểu sâu sắc hơn về tác phẩm...
Một trong những cảnh sân khấu hóa tác phẩm văn học bị phản ứng. (Ảnh cắt từ clip)
Sân khấu hóa - Nghe lạ nhưng không mới
Mới đây, giáo viên dạy Ngữ văn Phạm Quốc Đạt ở Trường THPT Võ Trường Toản (quận 12, TP HCM) bị nhà trường ra quyết định đình chỉ giảng dạy vì cho học sinh đóng cảnh nóng đưa tác phẩm lên sân khấu trường... Cụ thể là trong các tác phẩm "Bỉ vỏ", "Số đỏ", học sinh đã tái hiện một số cảnh nhân vật Xuân Tóc Đỏ và Tuyết ân ái, cảnh Tám Bính bị cưỡng bức...
Tuy nhiên, thầy giáo nói trên đã phản ứng quyết định kỉ luật vì cho rằng hành động của mình không sai. Theo giải thích của thầy Đạt, đây là cách dạy thể hiện được giá trị nhân văn, nghệ thuật của tác phẩm. Thầy đã có cuộc thảo luận với học sinh, các em cũng cho rằng việc sân khấu hoá những đoạn trích này là cần thiết.
Theo thầy Đạt, khi thực hiện các cảnh nói trên, học sinh đã sử dụng ứng dụng màn bóng chiếu, cùng với các đồ vật hỗ trợ tạo ra hiệu ứng có vẻ thật chứ không có sự tiếp xúc trực tiếp. Cạnh đó, lý giải về một số đoạn cảnh "nóng" được cho là quá mức táo bạo, thầy giáo giải thích là do những phân đoạn này học sinh muốn giữ bí mật để tăng tính bất ngờ nên không kiểm soát kĩ mà chỉ duyệt qua kịch bản...
Sau khi video các vở diễn này được đăng tải trên mạng xã hội, không ít kiến tranh luận xoay quanh cách làm của thầy giáo Đạt. Một bộ phận phụ huynh bức xúc cho rằng, cách làm như thế là phản cảm, khiến tác phẩm văn học bị khai thác ở khía cạnh thô thiển, gieo vào đầu học sinh những suy nghĩ không hay.
Một số ý kiến khác thì nói đây là một phương pháp giáo dục mới, đáng để xem xét và cân nhắc, đồng thời mục đích của thầy Đạt chủ yếu là tìm một cách mới mẻ, thu hút hơn để học sinh tiếp cận tác phẩm văn học.
Tuy nhiên, ở góc độ nhất định, việc sân khấu hóa tác phẩm văn học hoàn toàn không phải là một phương pháp giáo dục quá mới mẻ hay sáng tạo. Sân khấu hóa tác phẩm văn học đã được áp dụng tại rất nhiều trường học ở TP HCM nhiều năm nay.
Một tiết học sân khấu hóa tại Trường THPT Phú Nhuận, TP HCM. ( Ảnh Thu Hương)
Có những trường như Nguyễn Thượng Hiền, Lê Quý Đôn đã áp dụng từ những thập kỉ trước. Có thể nói đây là cách thức "học thực nghiệm" sinh động, hấp dẫn, dễ tiếp cận đồng thời khiến học sinh tăng tương tác, yêu mến và cảm nhận tốt về tác phẩm hơn.
Theo một giáo viên đồng nghiệp của thầy Đạt tại Trường PTTH Võ Trường Toản, sân khấu hóa tác phẩm văn học đã được một số thầy, cô dạy Văn khác thực hiện chứ không riêng gì thầy Đạt. Thầy Đạt cũng là thầy giáo nhiệt tình, luôn muốn tạo ra cách thu hút học sinh cảm thụ, yêu thích môn Văn. Tuy nhiên, để xảy ra vấn đề "cảnh nóng" trong việc sân khấu hóa thì các giáo viên đánh giá là đã đi quá đà...
Không cần "cảnh nóng" mới thu hút học sinh
Trao đổi về vấn đề này, một giáo viên (xin giấu tên) giảng dạy tại Trường PTTH Bà Điểm cho biết, phương pháp sân khấu hóa tác phẩm văn học cũng không quá mới mẻ. Khi lựa chọn sân khấu hóa tác phẩm thường giáo viên chọn lọc những trích đoạn hay, có giá trị để cho các em đóng. Có rất nhiều trích đoạn hay, có giá trị để dàn dựng, giáo viên không nhất thiết phải chọn nhiều trích đoạn có cảnh "nóng" như thế.
Theo giáo viên này, việc thầy Đạt giải thích không kiểm soát kĩ cách các em dàn dựng sân khấu liên quan đến cảnh nóng là điều khá vô lý. Vì hầu hết các em chưa nắm rõ kịch bản và cách thức, nên khi sân khấu hóa giáo viên phải theo rất sát để tránh các em dàn dựng sai lệch, hiểu sai tinh thần tác phẩm...
Trong ý kiến đưa ra của mình, thầy giáo Phạm Quốc Đạt cho rằng cần xem xét các phân đoạn nói trên trong bối cảnh của tác phẩm văn học. Đồng thời, các "cảnh nóng" này có tác dụng lột tả chân thực số phận, hoàn cảnh của nhân vật để các em cảm thụ rõ ràng, sâu sắc hơn. Tuy nhiên, một số giáo viên Ngữ văn không cho rằng đây là cách hiệu quả nhất để bộc lộ tính cách, thân phận nhân vật văn học.
Đưa ra nhận định chung của mình về phương pháp sân khấu hóa tác phẩm văn học, cô Đặng Thị Huy Lam, Giáo viên chuyên văn Trường THPT Nguyễn Hữu Huân chia sẻ: Sân khấu hóa tác phẩm văn học là một trong nhiều phương pháp giáo dục đổi mới, sáng tạo nhằm giúp học sinh tiếp cận với bài học tốt hơn.
Ngay cả trong bản thân phương pháp sân khấu hóa cũng có rất nhiều cách làm giúp bài học trở nên thú vị, sinh động và dễ hiểu. Ví dụ, nếu muốn lột tả thân phận hay bi kịch của nhân vật thì có thể chọn rất nhiều cách thức thể hiện, không nhất thiết phải đưa cảnh nóng lên sân khấu, như thủ pháp biểu tượng hoặc diễn tả nỗi đau khắc họa từ nét mặt...
"Có khá nhiều cách, nhiều phương pháp khác nhau tùy vào sự nhạy bén và sáng tạo của giáo viên chứ không cần phải dùng đến "cảnh nóng", vì "lợi bất cập hại". Đành rằng các em học sinh cấp 3 cũng không còn nhỏ, các em không quá xa lạ với các vấn đề giới tính, tình dục.
Nhưng đó là chuyện của giáo dục giới tính. Khi lên sân khấu, khi lồng ghép vào tác phẩm văn học, vấn đề tình dục không nên được đưa ra một cách trần trụi, tả thực như thế, điều này chưa hẳn giúp các em quan tâm, hiểu sâu sắc hơn về tác phẩm mà có khi lại phân tán suy nghĩ của các em, đọng lại ấn tượng không hay...", cô Đặng Thị Huy Lam nhìn nhận.
Ngọc Mai
Theo baophapluat
Tranh cãi xung quanh việc thầy giáo bị kỷ luật do để học sinh diễn cảnh 'nóng' Sự việc một thầy giáo bị kỷ luật khi cho học sinh tái hiện một số cảnh nhạy cảm khi tham gia sân khấu hóa các tác phẩm văn học "Bỉ vỏ", "Quan Âm Thị Kính", "Số Đỏ" đã khiến dư luận có nhiều ý kiến trái chiều. Thầy Nguyễn Quốc Đạt. Ảnh: PLO Nói 'ngành giáo dục ngày càng bê bối' là...