Dạy toán, học toán ở Việt Nam khác gì ở Mỹ, Singapore?
Xin thưa bài viết được trình bày ở dạng tranh biện, chỉ phản ánh quan điểm cá nhân của riêng tôi, có thể “gây choáng” một số người và làm một số người khác khó chịu.
Tôi là một người học chuyên Toán từ bé, tham gia rất nhiều những kỳ thi học sinh giỏi Toán, tốt nghiệp đại học sư phạm Toán loại giỏi, thạc sĩ Toán, làm nghiên cứu sinh ở Pháp, nhiều năm giảng dạy Toán, sau đó từ bỏ nghề thầy giáo, lao vào môi trường doanh nghiệp để trải nghiệm, 5 năm làm cho các công ty nước ngoài (Úc, Singapore), hơn 1 năm nghiên cứu về giáo dục Mỹ, Singapore, vừa làm cho một tập đoàn Singapore vừa đang trực tiếp dạy Toán tiếng Anh buổi tối cho học sinh từ lớp 1 đến lớp 10, mỗi ngày 2 ca, tuần 10 ca liên tục.
Tôi suy nghĩ, trăn trở rất nhiều và hôm nay quyết định viết bài này nói về việc dạy và học Toán ở Việt Nam, đối chiếu với dạy và học Toán ở Mỹ và Singapore, hai cường quốc về Giáo dục và Kinh tế của thế giới.
Bài viết được trình bày ở dạng tranh biện, chỉ phản ánh quan điểm cá nhân của tôi, có thể “gây choáng” một số người và làm một số người khác khó chịu! Tôi sẵn sàng đón nhận tất cả những thái độ và những tranh luận khác nhau đối với bài viết này.
ĐẶT VẤN ĐỀ
Ngày 9/12/2018, nhân ngày hội Toán học ở Việt Nam được tổ chức tại Thành phố Hồ Chí Minh, trường Đại học Sài Gòn tổ chức một buổi tọa đàm với chủ đề Học toán để làm gì?, trong đó có sự chia sẻ của những vị thầy hàng đầu, đáng kính của tôi về Toán học của Việt Nam.
Cứ như những chia sẻ của các thầy, thì bản thân các thầy sau hơn nửa đời người làm Toán vẫn loay hoay với câu chuyện Toán học rất tuyệt vời, rất quan trọng, các thầy rất mê Toán, nhưng phải làm sao để khuyến khích tất cả những người khác cũng mê Toán như các thầy?
Các thầy giáo chia sẻ tại buổi tọa đàm “Học Toán để làm gì?”
Đây là câu hỏi chung cho tất cả những người yêu Toán và đang làm công tác giảng dạy Toán. Đa số những người này (trong đó có tôi) và kể cả các thầy ở trên đều đang đá quả bóng (hay là đổ lỗi) cho người học (học sinh, sinh viên) rằng người học do thiếu nhận thức về Toán học, về tầm quan trọng của Toán học nên thiếu đam mê học Toán, nên không có Toán làm công cụ hỗ trợ cho mọi hoạt động của cuộc sống.
Trong khi đó, những người làm Toán, dạy Toán đã bao giờ tự hỏi rằng “cái thứ mà chúng ta đang gọi là Toán học” đó có gì hấp dẫn không, có lợi gì cho cuộc sống thực tế không, có giúp cho người học tạo giá trị cho cộng đồng và có tiền trả về không? hay chỉ đơn giản là thứ để chúng ta tự sướng với nhau? Bản thân nội dung thứ Toán học mà chúng ta đang nghiên cứu và giảng dạy có vấn đề gì không? Hay chúng ta tự cho rằng Toán học hiện nay như bông hoa tuyệt đẹp rồi, trách nhiệm của người học là phải khám khá ra vẻ đẹp của bông hoa đó để mà ngửi, mà ngắm?
Để trả lời câu hỏi này, tôi sẽ trình bày quy trình hình thành nội dung Toán học và các bài toán, thứ quan trọng nhất tạo ra sự hấp dẫn hay chán ghét trong lòng người học đối với Toán.
DẠY VÀ HỌC TOÁN Ở MỸ VÀ SINGAPORE
Ở Mỹ và Singapore, trong mấy chục năm gần đây, việc hình thành nội dung Toán, các bài Toán và cách dạy và học Toán đi theo quy trình 4 bước:
Bước 1: Quan sát các tình huống thực tế và phát hiện ra vấn đề cần giải quyết.
Video đang HOT
Bước 2: Tìm kiếm một mô hình Toán học thể hiện được bản chất của vấn đề thực tế đó.
Bước 3: Giải quyết mô hình Toán học trên và tìm ra đáp án.
Bước 4: Áp dụng kết quả có được vào tình huống thực tế để giải quyết vấn đề.
Mọi nội dung toán học, mọi bài toán từ lớp 1 đến lớp 12 và cả đại học đều được phát triển theo quy trình 4 bước như trên.
Do vậy, mọi bài Toán được phát biểu dưới dạng 1 tình huống thực tế (họ gọi là word problem) và trông nó chẳng có gì là Toán học cả.
Đứa trẻ học những bài toán kiểu này tất nhiên vẫn phải rèn luyện kỹ năng giải Toán, nhưng có 2 kỹ năng quan trọng hơn là 1- khả năng tìm ra mô hình Toán học phù hợp áp dụng vào tình huống thực tế có vấn đề và 2- khả năng áp dụng kết quả có được vào giải quyết vấn đề mang tính thực tế.
Những bài Toán kiểu này rất hấp dẫn và kích thích người học, nó như thỏi nam châm hút lấy người học.
Như vậy, trẻ em Mỹ/Singapore học Toán thực chất là rèn luyện kỹ năng giải quyết các vấn đề trong thực tiễn, trong tài liệu giáo dục của họ thường viết là: to solve real-world problems.
Trong bản Chiến lược về giáo dục STEM (Science – Technology – Engineering – Mathematics Education) của Mỹ vừa được Tổng thống phê duyệt tháng 12/2018, một trong 4 lộ trình (pathway) được vạch ra là “Tạo cảm hứng và khuyến khích người học bằng cách tập trung vào những vấn đề, những thách thức của thế giới thực phức tạp đòi hỏi sự chủ động và sáng tạo”.
Bản chiến lược này cũng đặt ra vấn đề biến Toán học trở thành Thỏi nam châm bằng cách biến Toán học trở thành công cụ mô hình hóa cho thế giới thực, dạy và học Toán bằng trải nghiệm, bằng các tình huống thực tế đầy ý nghĩa, mang tính ứng dụng ngay trong cuộc sống hàng ngày.
DẠY VÀ HỌC TOÁN Ở VIỆT NAM
Quay lại quy trình 4 bước hình thành một bài toán ở trên, Việt Nam chúng ta đang làm thế nào?
Chúng ta cắt đầu, cắt đuôi, chỉ giữ lại 2 bước giữa: 2 và 3. Bịa đặt ra bài toán và yêu cầu học sinh giải bài toán đó cho ra kết quả. Chấm hết.
Các nhà toán học, các thầy cô dạy Toán ra sức ngồi trong 4 bức tường, phòng lạnh, căn cứ các bài toán có sẵn trong các loại sách, rồi tìm cách thêm bớt giả thiết, kết luận, bịa đặt ra vô số các bài toán khác nhau với độ khó tăng dần để thách thức, đánh đố học sinh của mình thông qua một loạt các kỳ thi như: hỏi miệng, kiểm tra 15p, 1 tiết, học kỳ, cuối năm, học sinh giỏi, thi THPT quốc gia, v.v.
Chúng ta gọi những thứ bịa đặt đó là Toán học, cho rằng nó đẹp như một bông hoa và đòi hỏi người học phải yêu nó, mê nó, học nó và tìm cách giải nó. Người học không mê nó thì chúng ta đổ lỗi cho người học là không có ý thức học tập, lười biếng.
Trong khi, những bài toán được bịa ra đó không hề được sử dụng để mô hình hóa cho bất kỳ tình huống có vấn đề nào đó trong thực tế cuộc sống đầy những sôi động. Những bài toán khô khan, trống rỗng, lý thuyết suông như vậy làm sao hấp dẫn người học được?
Chúng ta biến những đứa trẻ trở thành thợ giải Toán lý thuyết thuần túy. Chúng giải toán giỏi, nhưng chúng chẳng biết sử dụng kỹ năng đó để làm gì và chẳng tạo ra được bao nhiêu giá trị cho cộng đồng.
Nhiều thầy giáo, bạn học của tôi trước đây và hiện nay, các nhà Toán học, tiến sĩ Toán, các thầy dạy Toán bằng kiến thức kỹ năng của mình chẳng tạo ra được bao nhiêu giá trị cho cộng đồng nên nhận về không được bao nhiêu tiền bạc dẫn đến già đi mà chẳng có bao nhiêu tài sản, tiền bạc hoặc phải làm thêm vô số các nghề ngoài chuyên môn để kiếm sống, làm giàu.
Nếu chúng ta cứ tiếp tục như vậy, chúng ta không chỉ làm hại đến các thế hệ học trò mà làm hại chính con em của mình, những đứa trẻ do chính mình đẻ ra và nuôi dạy trong ngôi nhà của mình.
Những đứa trẻ bị nhồi nhét thứ Toán học bịa đặt thuần lý thuyết đó (trong đó có bản thân tôi) bị ám ảnh bởi tư duy đúng tuyệt đối, cái gì cũng đòi hỏi logic chặt chẽ nên thiếu sự đón nhận những ý kiến đa chiều, thiếu sự chấp nhận những người sống bằng cảm xúc, ít lý trí và ít logic.
Những đứa trẻ này thích lý lẽ, thích tranh luận, thích thắng thua mà quên rằng tình thương dành cho đồng loại, động vật, cây cỏ còn vượt lên trên tất cả những lý lẽ, tranh luận, thắng thua đó.
Tạo giá trị cho cộng đồng mới là mục đích sống cao cả của con người chứ không phải hơn thua ở những lần cãi vã.
Sau khi đọc xong bài này, đã có một số người hỏi tôi: Về mặt thực tiễn tôi đang làm gì với Toán học tại Việt nam. Tôi xin trả lời rằng: Tôi đang dạy hàng trăm học trò, các bạn đến với tôi mà chỉ mang bút chì tẩy, không có vở ghi, không có ghi bài, không có bài tập về nhà và các bạn đến học chỉ vì thích và đam mê. Thứ Toán học và Cách thức các bạn ấy làm Toán đã thực sự là Thỏi nam châm hút các bạn ấy đến với Toán.
KẾT LUẬN
Vừa rồi, Bộ giáo dục và Đào tạo đã công bố Chương trình giáo dục phổ thông mới, tôi cũng đã đọc kỹ thì thấy riêng ở môn Toán vẫn chưa có gì đột phá, vẫn là tư duy cũ, vẫn là cái thứ Toán học thuần lý thuyết được “bịa” ra trong phòng lạnh.
Chúng ta vẫn có thể có giải ở các kỳ thi Olympic Toán học quốc tế, nhưng chúng ta sẽ tiếp tục bị Mỹ/Singapore bỏ xa trên con đường vận dụng toán học để Tạo giá trị, con đường Thay đổi thế giới để trở nên thịnh vượng, giàu có hơn.
Và những gia đình có điều kiện kinh tế sẽ tiếp tục gửi con ra nước ngoài để “tỵ nạn” giáo dục.
Tôi có thể khẳng định rằng đa số những tiến bộ hiện nay của đất nước đều có sự đóng góp đáng kể của những người đã từng đi du học ở nước ngoài, những người “tỵ nạn” giáo dục.
Còn nền giáo dục hiện nay của chúng ta muốn có những đóng góp thiết thực, xứng đáng thì cần phải đổi mới tư duy, cải thiện thực thi nhiều lắm; ngay như môn Toán học trong nhà trường phổ thông tưởng đâu chất lượng đã rất gần với mặt bằng quốc tế, song thực ra vẫn còn đang cách xa vời vợi.
Người thầy truyền cảm hứng nghiên cứu Toán học cho nhiều thế hệ học trò
Giáo sư, Tiến sĩ Khoa học (GS ,TSKH) Nguyễn Minh Chương năm nay bước sang tuổi 90.
Ông đã có hàng chục công trình nghiên cứu về Toán học được công bố tại nhiều nước như: Nga, Pháp, Mỹ, Đức... và là người hỗ trợ nhiều học sinh, nhà nghiên cứu thành đạt và có nhiều đóng góp cho lĩnh vực Toán học và các chuyên ngành khoa học khác của nước nhà. Tinh thần say mê khoa học của thầy đã truyền cảm hứng mạnh mẽ đến nhiều thế hệ học trò.
GS, TSKH Nguyễn Minh Chương chủ trì hội thảo khoa học tại Trường đại học Sư phạm Hà Nội 2.
Sinh ra tại Bình Định, một tỉnh giàu truyền thống lịch sử và văn hóa, thầy Nguyễn Minh Chương sớm bộc lộ năng khiếu Toán học và lòng ham học hỏi. Vượt qua bao khó khăn trong học tập, sau khi tốt nghiệp phổ thông, thầy được Ty Giáo dục Liên khu V cử đi học Sư phạm Toán cao cấp tại Nam Ninh, Trung Quốc. Năm 1955, thầy xung phong về Trường Văn hóa Quân đội dạy học.
Năm 1960, thầy là giảng viên Toán tại Trường đại học Sư phạm Hà Nội. Năm 1964, thầy được cử làm nghiên cứu sinh và bảo vệ thành công luận án Phó tiến sĩ tại Trường đại học Tổng hợp Lômônôxốp tại Nga. Năm 1983, TS Nguyễn Minh Chương đã bảo vệ luận án Tiến sĩ Khoa học ở Bộ môn Phương trình vi phân Trường State Moscow Univ.
Với kiến thức phong phú, lĩnh vực nghiên cứu của thầy rất rộng, bao gồm nhiều ngành quan trọng của Toán học như Toán tử giả vi phân, Giải tích điều hòa, Sóng nhỏ và p - adic,... Toán ứng dụng cũng là một ngành được Viện Toán học quan tâm nhằm ứng dụng kiến thức toán học vào thực tiễn. Với cương vị là Trưởng phòng Giải tích số, thầy cùng học trò có nhiều công trình nghiên cứu có ý nghĩa thiết thực.
Thầy đã cộng tác, trao đổi nghiên cứu với các giáo sư toán học hàng đầu trên thế giới. Do vậy, thầy đã tổ chức thành công hai hội thảo quốc tế lớn về Giải tích trừu tượng và ứng dụng năm 2002 tại Viện Toán học và năm 2004 tại Trường đại học Quy Nhơn (Hội thảo quốc tế về Giải tích trừu tượng lần thứ hai). Mỗi hội thảo có sự tham gia đông đảo của các nhà toán học trong nước và thu hút gần 40 nhà toán học nổi tiếng từ Nga, Mỹ, Đức, Australia, Nhật Bản,... tham dự và báo cáo.
Kỷ yếu của hội thảo "Giải tích trừu tượng và ứng dụng" được phát hành bởi Nhà xuất bản World Scientific, Singapore. Hiện nay, thầy đã có hơn 80 công trình nghiên cứu, trong đó có nhiều công trình được công bố trên các tạp chí chuyên ngành quốc tế có uy tín cao của Nga, Mỹ, Pháp như Doklady Akademii Nauk, Uspekhi Matematicheskikh Nauk, Proceedings of the American Mathematical Society, Fractional Calculus and Applied Analysis, Comptes Rendus de l'Acaddémie des Sciences,... Mới đây, ở độ tuổi 90 thầy có cuốn sách giá trị "Pseudodifferential Operators and Wavelets over Real and p - Adic Fields", được Nhà xuất bản có tiếng Springer phát hành năm 2018 và có nhiều công trình nghiên cứu đăng trên các tạp chí SCI-E, Scopus.
PGS, TS Trần Đình Kế, Trưởng Bộ môn Toán Giải tích Trường đại học Sư phạm Hà Nội nhận xét: "Nguồn năng lượng giúp thầy có thể làm nghiên cứu đến năm 90 tuổi xuất phát từ niềm đam mê với Toán học. Những dịp trò chuyện cùng thầy, tôi cảm nhận rõ sự lo lắng của thầy đối với tương lai của nền khoa học và công nghệ nước nhà. Thầy muốn chúng tôi, những học trò của thầy, giữ được niềm đam mê khoa học giữa những bộn bề khó khăn của cuộc sống".
PGS, TS Khuất Văn Ninh, nguyên Phó hiệu trưởng Trường đại học Sư phạm Hà Nội 2 chia sẻ: "Thầy Nguyễn Minh Chương là một nhà khoa học lớn và là chuyên gia về chuyên ngành đạo hàm riêng và giải tích. Thầy là một tấm gương về cống hiến cuộc đời cho khoa học. Thầy thường yêu cầu nghiên cứu sinh phấn đấu để có các kết quả nghiên cứu đạt chất lượng cao. Thầy luôn quan tâm đến giáo dục đại học. Nhiều giảng viên từ các trường đại học sư phạm được thầy hướng dẫn đã nghiên cứu và bảo vệ thành công luận án tiến sĩ. Các học trò luôn học tập ở thầy về đức độ và tinh thần nghiên cứu khoa học".
Tiến sĩ Nguyễn Văn Tuấn, nguyên Hiệu trưởng Trường đại học Thủ đô Hà Nội nói, được học tập tại Viện Toán, mỗi học viên sẽ có điều kiện tham dự các hội thảo hàng tuần. Tại hội thảo do GS, TSKH Nguyễn Minh Chương chủ trì, chúng tôi được báo cáo kết quả học tập, nghiên cứu của mình.
Ngoài ra, chúng tôi còn được tiếp xúc với công trình nghiên cứu mới của các giáo sư nổi tiếng khác của Viện Toán học, Viện Công nghệ thông tin (Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam) cũng như các giáo sư của một số trường đại học lớn. Các báo cáo này đã truyền cảm hứng cho chúng tôi trong nghiên cứu khoa học cũng như bổ sung ý tưởng, phương pháp giải quyết và nhất là quan niệm đúng về học tập và phục vụ.
Không phụ lòng mong đợi của thầy, các thế hệ học trò được thầy hướng dẫn đều cố gắng nghiên cứu và bảo vệ luận án, luận văn đúng hạn. Trong đó, có nhiều người có các công trình được đăng trên các tạp chí khoa học quốc tế có uy tín. Đến nay, nhiều học trò của thầy đã là giảng viên, cán bộ quản lý của trường đại học. Nhân dịp sinh nhật lần thứ 90 cũng là tròn 62 năm tuổi Đảng, những học trò của thầy, những người được GS, TSKH.
Nguyễn Minh Chương dìu dắt, trợ giúp luôn noi gương thầy trong nghiên cứu Toán học và cống hiến cho xã hội ở mỗi lĩnh vực mình công tác góp phần nhỏ bé vào công cuộc công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, nhất là trong bối cảnh hội nhập về phát triển công nghệ hiện nay.
480 học sinh tranh biện đối kháng trực tuyến tại chung kết English Champion 2021 Hôm nay (24/7), 480 gương mặt ưu tú nhất toàn quốc chính thức tranh tài tại vòng chung kết cuộc thi English Champion 2021, được tổ chức theo hình thức trực tuyến trong 2 ngày 24 và 25/7/2021. Các thí sinh tham gia các buổi huấn luyện trực tuyến trước vòng chung kết English Champion 2021. Với tên gọi "We are the changemakers",...