Dạy tích hợp: Có giáo viên tuần 30-40 tiết, tuần không tiết nào
Để GV có thể dạy trọn vẹn môn tích hợp lớp 7, Hiệu trưởng 1 trường THCS cho biết phải năm sau mới thực hiện được, còn cần thời gian cho GV tự bồi dưỡng.
“Dạy được” và “dạy tốt” là khoảng cách khác nhau
Năm học 2022-2023 đã diễn ra gần 2 tháng, tình trạng thiếu giáo viên vẫn tồn tại ở nhiều địa phương như một bài toán khó tìm lời giải. Đáng nói, nhiều giáo viên, nhiều nhà trường vẫn đang loay hoay với việc giảng dạy các môn tích hợp: Khoa học tự nhiên, Lịch sử và Địa lý.
Chia sẻ với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, bà N.T.H. – Hiệu trưởng một trường trung học cơ sở tại Hà Nội không giấu được nỗi lo lắng: “Biên chế của nhà trường hiện vẫn chưa đáp ứng nhu cầu người học, nên trường phải hợp đồng thêm giáo viên. Yêu cầu của Sở Nội vụ hiện nay là giảm định biên dần, cũng đang gây thêm một phần khó khăn cho các trường.
Với chương trình giáo dục phổ thông mới, giáo viên rất vất vả, bởi vì ngoài công tác giảng dạy như trước đây, các thầy cô phải tự bồi dưỡng chuyên môn, tự học thêm rất nhiều, đặc biệt với những môn học mới, chẳng hạn như các môn tích hợp (Khoa học tự nhiên, Lịch sử và Địa lý), hay những nội dung mà các thầy cô cũng chưa được đào tạo bao giờ như Hoạt động trải nghiệm, Giáo dục địa phương… Thực tế, dù đã tập huấn cho giáo viên, song, từ tập huấn đến thực tiễn triển khai vẫn còn nhiều “khoảng trống”.
Vậy nên, khó khăn là điều không thể tránh khỏi!”.
Bà N.T.H. cũng giải thích thêm: “Một số trường vẫn dạy theo tiến trình như đã được vạch ra, thậm chí một số giáo viên có thể khẳng định ” Tôi dạy được“, nhưng đó sẽ chỉ là với lớp 6, lớp 7; còn đến khi lên lớp 8, lớp 9, kiến thức đi vào chuyên sâu thì chắc hẳn để “dạy tốt” là chuyện không dễ dàng, thậm chí khó mà làm được.
Giáo viên dạy môn tích hợp cần có thêm tiến trình tự học và bồi dưỡng kiến thức để đáp ứng chương trình (Ảnh minh họa: Bảo Thanh).
Bởi vì, một giáo viên chuyên giảng dạy môn Vật lý, hoặc Hóa học hay bất kỳ môn học nào, có thể 10-20 năm đứng lớp còn chưa chắc đã trở thành giáo viên giỏi, mà bây giờ yêu cầu giáo viên phải tự học thêm 1-2 môn nữa với những kiến thức thời phổ thông đã trôi qua nhiều năm. Thật sự là “đánh đố”!
Đáng lẽ, ngay từ đầu, chúng ta phải xác định rõ lộ trình, nếu đã biên soạn và phát hành sách giáo khoa mới thì phải đảm bảo đào tạo được giáo viên đáp ứng chương trình mới, sách mới.
Thứ hai, phải nghiên cứu tích hợp kiến thức thực sự, phân chia theo từng chủ đề, chuyên đề…, chứ không phải chỉ là sự lắp ghép cơ học như hiện nay”.
“Nếu trường nào “áp” cho giáo viên thực hiện theo đúng quy định, thì sẽ xảy ra nhiều vấn đề. Một là, nếu dạy theo tiến trình, sẽ có giáo viên một tuần phải dạy 30-40 tiết mà tuần khác lại không có tiết nào. Thứ hai, dạy theo cách chia từng phân môn, tức là giáo viên Vật lý sẽ dạy kiến thức Lý, giáo viên Hóa học sẽ dạy kiến thức Hóa, giáo viên Sinh học sẽ dạy kiến thức Sinh, như vậy, lại không thực hiện đúng tinh thần của chương trình tích hợp” – vị Hiệu trưởng phân tích.
Nữ Hiệu trưởng cho hay: “Cũng có ý kiến rằng sẽ “dạy được”, tất nhiên là sẽ dạy được, kể cả đưa giáo viên dạy Vật lý sang dạy Ngữ văn, hay đưa giáo viên Ngữ văn sang dạy Toán cũng vẫn được, vì có sách giáo khoa rồi, cứ theo đó mà hướng dẫn, nhưng kiến thức ngoài sách thì sao?
Có rất nhiều cách dạy để nói rằng “dạy được”, nhưng quả thực, nếu như giáo viên mà không có kiến thức, sẽ không mang lại hiệu quả, nếu không muốn nói rằng, sẽ làm hỏng cả một thế hệ học sinh”.
Để một giáo viên dạy trọn vẹn môn tích hợp, phải có độ “trễ” một năm
Vị nữ Hiệu trưởng cũng cho biết: “Trong một cuộc họp với lãnh đạo Sở, Phòng, tôi đã đứng lên thú nhận rằng: ” Tôi không cho giáo viên dạy theo đúng trình tự sách giáo khoa…“.
Video đang HOT
Tôi lấy ví dụ, hiện tại, việc tích hợp môn Khoa học tự nhiên vẫn chỉ là sự lắp ghép cơ học, các kiến thức vẫn bị rời rạc từng chương, ứng với các môn khác nhau về Hóa học, Vật lý hay Sinh học.
Vì vậy, nếu bây giờ, bắt giáo viên phải dạy theo đúng trình tự sách giáo khoa (dạy nối tiếp), sẽ xảy ra tình trạng, một giáo viên có thể tuần này dạy 30 tiết, 40 tiết, nhưng tuần sau lại không dạy tiết nào”.
Trước đây, có thời điểm quy định giáo viên không được dạy chéo môn, nhưng cách “tích hợp” như hiện tại đang biến là giáo viên trở thành dạy chéo môn. (Ảnh minh họa: Bảo Thanh).
Theo vị Hiệu trưởng, năm học 2021-2022, nhà trường không triển khai môn tích hợp theo hướng đó: “Năm học trước, tôi phân công giáo viên dựa trên thời lượng số tiết của 3 bộ môn Lý – Hóa – Sinh, để làm sao cân đối được giáo viên. Mỗi giáo viên của phân môn nào dạy phân môn đó, đảm bảo dạy được số tiết tương ứng với nhau trong một tuần.
Như vậy, trong năm học 2021-2022, các giáo viên phụ trách môn tích hợp vừa tiến hành dạy song song, vừa kết hợp đi bồi dưỡng thêm, thậm chí, giáo viên trong các tổ bộ môn sẽ dạy nhau. Để đến năm học này, khi chương trình giáo dục phổ thông 2018 triển khai đến lớp 7, thì nhà trường qua quá trình làm quen một năm trước, đã có thể cho một giáo viên dạy cả 3 phân môn của môn tích hợp, nhưng chỉ mới áp dụng được với khối lớp 6.
Đặc biệt, chúng tôi cũng để giáo viên các môn Vật lý, Hóa học, Sinh học, tự xung phong. Thầy cô nào tự tin có thể dạy cả 3 phân môn, sẽ xếp vào dạy môn tích hợp.
Nhưng với lớp 7, nhà trường vẫn chưa thể thực hiện được một giáo viên dạy trọn vẹn cả môn tích hợp. Nhà trường vẫn xếp riêng từng phân môn, sau đó, căn cứ theo thời lượng của các phân môn để thay đổi, điều chỉnh thời khóa biểu, tức là, giáo viên môn nào, vẫn đảm nhiệm nội dung phân môn đó.
Nói chung, độ “trễ” với mỗi khối lớp là một năm. Như năm nay chương trình giáo dục phổ thông mới triển khai đến lớp 7, chúng tôi mới bố trí được giáo viên tích hợp khối 6, các năm sau với từng khối cũng sẽ có thời gian trễ như vậy”.
6 giải pháp gỡ rối cho các môn học tích hợp ở cấp trung học cơ sở
Các môn học tích hợp đã thực hiện gần một nửa chặng đường mà giáo viên chưa được bồi dưỡng kiến thức dạy tích hợp là một bất cập rất lớn.
Từ năm học 2020-2021, ngành Giáo dục bắt đầu triển khai giảng dạy lớp đầu tiên đối với Chương trình giáo dục phổ thông 2018.
Nếu so với cấp tiểu học, trung học phổ thông thì cấp trung học cơ sở có nhiều thay đổi nhất và tất nhiên cũng dẫn đến những khó khăn cho cấp học này.
Hàng loạt các môn học tích hợp được Bộ chủ trương đưa vào cấp trung học cơ sở, đó là: Khoa học tự nhiên; Lịch sử và Địa lý; Nội dung giáo dục địa phương; Nghệ thuật.
Chính vì thế, ngay từ khi triển khai giảng dạy ở lớp 6 trong năm học trước đã xảy ra nhiều bất cập trong việc thực hiện.
Tuy nhiên, những khó khăn càng nhiều hơn khi năm học này triển khai thêm lớp 7 và 2 năm học tới là lớp 8 và lớp 9.
Trước thực trạng này, ngành Giáo dục cần phải làm gì để tạo sự yên tâm cho giáo viên và các nhà trường khi phân công, sắp xếp nhân sự và những nhà giáo dạy các môn học này không còn phải lên tiếng than vãn? Giải quyết các vấn đề này có thực sự khó khăn hay không?
Ảnh minh họa trên giaoduc.net.vn
Các môn học tích hợp đã tạo sự hoài nghi cho nhiều người trong thời gian qua
Hiện nay, ngành Giáo dục đã triển khai chương trình mới năm thứ 2 ở cấp trung học cơ sở và đến năm học 2024-2025 là hoàn tất lộ trình cuốn chiếu chương trình mới ở cấp học này.
Tất nhiên, việc Bộ chủ trương đưa môn tích hợp vào giảng dạy đến thời điểm này đã gần như hoàn tất. Bởi lẽ, chương trình tổng thể, chương trình môn học đã thông qua, sách giáo khoa thì Bộ đã thẩm định đến lớp 8 và có lẽ sách giáo khoa lớp 9 cũng đã được các nhà xuất bản đang biên soạn.
Vì thế, những công việc cơ bản đã được thực hiện và xét về mặt pháp lý thì Bộ chỉ còn thẩm định các bộ sách giáo khoa còn lại và tiến hành giảng dạy theo lộ trình.
Điều còn lại bây giờ là giáo viên dưới cơ sở vẫn còn nhiều ý kiến trái chiều bởi những môn học này đang khiến cho họ thêm phần vất vả và hiệu quả giảng dạy như hiện nay khó có thể đạt được theo kỳ vọng.
Bởi lẽ, chương trình hướng tới môn học tích hợp nhưng với nhân sự hiện có, các trường đang phải bố trí dạy theo đơn môn. Vì lẽ này, khiến cho công việc thực hiện chương trình mới theo lộ trình gặp nhiều chông chênh và dẫn đến hoài nghi cho xã hội.
Nhiều người lập luận rằng môn Lịch sử ở cấp trung học phổ thông lúc đầu được Bộ chủ trương đưa vào môn học lựa chọn nhưng sau đó cận thời điểm triển khai lại chuyển sang môn học bắt buộc thì các môn học khác cũng có thể thay đổi như vậy.
Tuy nhiên, chúng tôi cho rằng việc chuyển các môn học tích hợp về đơn môn như trước sẽ rất khó xảy ra bởi những môn học này hoàn toàn khác với môn Lịch sử. Cái khác ở đây là các môn học này đơn giản là những môn học cung cấp kiến thức phổ thông đơn thuần.
Hơn nữa, muốn góp ý được các môn học tích hợp đòi hỏi những người lên tiếng phải có chuyên môn chứ không thể lên tiếng khơi khơi được nên về cơ bản không có nhiều áp lực như môn Lịch sử vừa qua.
Vì thế, vấn đề còn lại bây giờ là Bộ cần có những giải pháp căn cơ; có những hướng dẫn phù hợp, cẩn thận trong câu chữ trong các văn bản ban hành; những tác giả môn học tích hợp và ngay cả thầy Tổng chủ biên cũng cần có những giải đáp để giáo viên và các nhà trường yên tâm thực hiện các môn học này.
Giải pháp nào cho các môn học tích hợp ở cấp trung học cơ sở?
Để tiếp tục triển khai các môn học tích hợp ở cấp trung học cơ sở một cách hiệu quả và giúp cho giáo viên yên tâm, chúng tôi cho rằng Bộ và các sở giáo dục cần có sự phối hợp chặt chẽ để triển khai và thực hiện các vấn đề sau:
Thứ nhất: Khi chưa có giáo viên tích hợp, Bộ và các sở cần chỉ đạo cho các trường bố trí linh hoạt giáo viên giảng dạy theo đơn môn nhằm hướng tới hiệu quả giảng dạy cao nhất cho học trò.
Việc thanh tra, kiểm tra, dự giờ chuyên môn của cấp sở, phòng, hội đồng bộ môn trên cơ sở tư vấn, rút kinh nghiệm chứ không phải là về dự trường để "vạch lá tìm sâu", để quở trách và phê bình nhà trường và giáo viên.
Thứ hai: Bộ cần đốc thúc các địa phương triển khai nhanh chóng Quyết định số 2454/QĐ-BGDĐT (Chương trình bồi dưỡng giáo viên trung học cơ sở dạy môn Khoa học tự nhiên) và Quyết định số 2455/QĐ-BGDĐT (Chương trình bồi dưỡng giáo viên trung học cơ sở dạy môn Lịch sử và Địa lý).
Bởi lẽ, khi chương trình, sách giáo khoa các môn học tích hợp đã thực hiện gần một nửa chặng đường mà giáo viên chưa được bồi dưỡng kiến thức dạy tích hợp là một bất cập rất lớn, không thể bào chữa được.
Một khi chưa được bồi dưỡng, chưa được hướng dẫn cặn kẽ những kiến thức mới thì việc giáo viên lên tiếng là điều hiển nhiên.
Song, việc triển khai kế bồi dưỡng theo Quyết định số 2454/QĐ-BGDĐT và Quyết định số 2455/QĐ-BGDĐT phải có chiều sâu, bồi dưỡng để giáo viên lấy kiến thức chứ không bồi dưỡng chỉ để hoàn thiện về mặt chứng chỉ.
Việc bồi dưỡng kiến thức tích hợp cho các giáo viên ở các địa phương đòi hỏi các sở giáo dục cần tham mưu tốt với các Ủy ban nhân dân tỉnh (thành phố) để bố trí nguồn tài chính và sở cần chủ động liên kết với các trường sư phạm để mở lớp nhanh chóng nhằm hoàn thiện việc bồi dưỡng cho giáo viên tích hợp.
Để tránh những xáo trộn trong năm học, các sở cần thực hiện việc bồi dưỡng vào dịp hè và đảm bảo quyền lợi cho các giáo viên. Đặc biệt, kinh phí đào tạo phải do ngân sách địa phương, nhà trường chi trả.
Nếu yêu cầu giáo viên cùng đóng góp học phí sẽ tạo nên sự bất an và phản đối từ phía đội ngũ nhà giáo vì đây là chủ trương của Bộ chứ không phải nguyện vọng của giáo viên.
Thứ ba: việc bồi dưỡng kiến thức tích hợp chỉ nên tập trung vào đội ngũ giáo viên còn nhiều năm công tác, những thầy cô trên ngưỡng 50 tuổi không nhất thiết phải bồi dưỡng vì thực tế có tổ chức bồi dưỡng thì những nhà giáo này cũng rất khó lĩnh hội được những kiến thức của các phân môn khác.
Hiện nay, cấp trung học cơ sở vẫn có nhiều môn, phân môn không đòi hỏi kiến thức quá khó như môn tích hợp có thể bố trí đúng chuyên môn cho những thầy cô lớn tuổi giảng dạy các môn học này bởi thực tế những nhà giáo lứa tuổi này trong các nhà trường thường chiếm tỉ lệ rất ít.
Đó là, trong tổ Khoa học tự nhiên có môn Công nghệ lớp 7 (35 tiết/lớp/năm), lớp 8 (52 tiết/lớp/năm) và lớp 9 (52 tiết/lớp/năm) nên những trường hạng II, hạng I có tổng số tiết môn Công nghệ thường rất lớn.
Môn Lịch sử và Địa lý cũng sẽ thực hiện tương tự như vậy, những thầy cô không có khả năng dạy tốt cả môn Lịch sử và Địa lý thì nhà trường có thể bố trí dạy phân môn của mình trong Nội dung giáo dục địa phương vì 2 phân môn này có 12 tiết/ lớp/năm.
Thứ tư: trong năm học tới đây, một số trường sư phạm sẽ có lớp sinh viên tích hợp đầu tiên ra trường. Nếu được tuyển dụng luôn, những lớp giáo viên này sẽ là những người gánh trọng trách dạy chính các môn học tích hợp, các giáo viên đã tuyển dụng lâu nay có thể chuyển dần sang dạy các môn Công nghệ, Nội dung giáo dục địa phương như chúng tôi đã đề cập ở phần trên.
Thứ năm: công tác truyền thông của Bộ và các sở cần thực hiện liên tục để chia sẻ những trường, những cá nhân dạy môn tích hợp hiệu quả nhằm chia sẻ kinh nghiệm và cũng là cách để động viên giáo viên thực hiện.
Bên cạnh đó, Bộ cũng cần lắng nghe, thấu hiểu để mỗi khi giáo viên phản ánh những khó khăn, bất cập trong giảng dạy thì sẽ cùng với giáo viên tháo gỡ, tránh những phát biểu trịnh thượng làm tổn thương giáo viên dưới cơ sở.
Thứ sáu: mỗi khi Bộ ban hành văn bản cũng cần cẩn thận trong câu chữ để sau này khi đã đi vào triển khai tránh những thắc mắc từ phía cơ sở.
Chẳng hạn, Quyết định số 2454/QĐ-BGDĐT và Quyết định số 2455/QĐ-BGDĐT được Bộ ban hành năm 2021 đã hướng dẫn: " Chương trình bồi dưỡng này được coi là điều kiện tối thiểu để mỗi giáo viên có thể bắt đầu triển khai dạy học môn Khoa học tự nhiên; Lịch sử và Địa lý" dẫn đến việc khó khăn cho Bộ sau này khi bị giáo viên bắt bẻ.
Vẫn biết, phương án nào cho các môn tích hợp ở cấp trung học cơ sở trong bối cảnh hiện nay cũng đều có những khó khăn nhất định. Tuy nhiên, Bộ và đội ngũ nhà giáo cần cùng nhìn vào vấn đề để chia sẻ và tìm ra phương án tháo gỡ. Và, chúng tôi tin những giải pháp nêu trên sẽ tháo gỡ được phần nào khó khăn cho các môn học tích hợp hiện nay.
(*) Văn phong, nội dung bài viết thể hiện góc nhìn, quan điểm của tác giả.
Môn tích hợp: 2-3 giáo viên dạy cùng 1 sách, mỗi tuần thay thời khóa biểu 1 lần "Ghép các môn đơn thành môn tích hợp nhưng lợi ích chưa thấy trong khi đó lại ghi nhận nhiều bất cập", thầy Lê Vĩnh Hiệp nói. Đây là năm thứ hai Chương trình giáo dục phổ thông 2018 triển khai với cấp trung học cơ sở. Các môn học tích hợp đang khiến giáo viên và nhà trường gặp khó mọi bề...