Dạy thêm, học thêm: Quản không được thì cấm!
Thông tư 17 của Bộ GD-ĐT về việc d ạy thêm, học thêm đang làm cho không khí dạy và học trong cả nước căng thẳng. Liệu việc cấm này có hiệu lực, hay chỉ là chạy theo thành tích, hình thức?
Thành tích ở đây là các địa phương biết “nghe lời”, biết chấp hành chỉ đạo của Bộ GD-ĐT. Hình thức vì đây là thông tư rất khó thực hiện bởi căn “bệnh” dạy thêm, học thêm (DTHT) tồn tại từ nhiều năm qua, không thể một sớm một chiều cấm được khi nguyên nhân của nó là do lỗi hệ thống của nền giáo dục.
Minh họa: KHỀU
Cấm kiểu Phú Yên, Quảng Ngãi
Phú Yên là tỉnh mạnh tay siết chặt việc DTHT. Tuy nhiên, nhiều phụ huynh, giáo viên cho rằng kiểu làm này là do “quản không nổi thì cấm”.
Những ngày qua, Trường THPT Lê Hồng Phong (huyện Tây Hòa – Phú Yên) trầm lắng hẳn. Ngôi trường nổi tiếng vì chỉ trong kỳ tuyển sinh ĐH-CĐ năm 2011 đã có 4 thủ khoa ĐH, là trường có học sinh duy nhất của tỉnh Phú Yên đoạt giải Olympic quốc tế nhưng giờ đây đi đâu cũng chỉ nghe chuyện vi phạm dạy thêm. Trong đợt thanh tra về DTHT vừa qua của Sở GD-ĐT tỉnh Phú Yên, trong số 18 giáo viên vi phạm ở huyện Tây Hòa, riêng Trường THPT Lê Hồng Phong đã có 15 giáo viên.
Ông Nguyễn Văn Tá, Giám đốc Sở GD-ĐT tỉnh Phú Yên, cho biết đã đề nghị các đơn vị có hình thức kỷ luật với tất cả số giáo viên này. “Không thể nói là không ảnh hưởng đến tư tưởng, tâm lý của giáo viên” – thầy Nguyễn Hữu Ngôn, Phó hiệu trưởng Trường THPT Lê Hồng Phong, nói. Thầy giáo Nguyễn Sĩ Bảo, giáo viên dạy môn hóa 12 năm ở trường này, là một trong những giáo viên vi phạm DTHT vừa qua, thừa nhận: “Tôi rất buồn và luôn day dứt vì bỗng chốc tên mình bị bêu ra. Điều ấy thật sự ảnh hưởng đến việc giảng dạy của tôi”.
Theo thầy Ngôn, trừ một giáo viên đang có đơn khiếu nại, trường chỉ kỷ luật với hình thức khiển trách 5 giáo viên, 9 giáo viên còn lại chỉ phê bình, vì quan điểm của trường nếu kỷ luật hàng loạt giáo viên thì sẽ ảnh hưởng lớn đến công tác dạy và học.
“Bản án” trên vẫn còn treo lơ lửng trên đầu giáo viên, vì nếu vi phạm lần 2 sẽ bị buộc thôi việc. Hiện Sở GD-ĐT tỉnh Phú Yên đã cấm tiệt dạy thêm tại nhà riêng, không cấp phép dạy thêm cho bất kỳ giáo viên nào. Theo thầy Nguyễn Hữu Ngôn, DTHT là nhu cầu có thực, tự nó có những lợi ích như giúp cho học sinh và cả giáo viên nâng cao kiến thức, giúp học sinh giảm những trò chơi vô bổ. Nhưng thầy Ngôn cũng thừa nhận cũng có những “con sâu làm rầu nồi canh” vì mục đích cá nhân.
Video đang HOT
Theo ông Ngô Ngọc Thư, Phó Giám đốc Sở GD-ĐT tỉnh Phú Yên, ngành giáo dục tỉnh sẽ thực hiện đúng Thông tư 17 của Bộ GD-DT về DTHT.
Quảng Ngãi cũng là tỉnh thực hiện rất “nghiêm” việc cấm DTHT khi yêu cầu tất cả giáo viên ở các bộ môn cơ bản như toán, lý, hóa, văn, tiếng Anh… viết cam kết không được dạy thêm. Hiệu trưởng các trường cũng cam kết với Phòng GD-ĐT không được để giáo viên dạy thêm và sẽ phải chịu trách nhiệm nếu có giáo viên vi phạm. Được biết, từ đầu năm 2012 đến nay, Sở GD-ĐT tỉnh Quảng Ngãi đã phát hiện 2 trường hợp DTHT tại nhà và đang xử lý. Hồi năm 2011, có 13 trường hợp bị xử lý vi phạm…
Ông Nguyễn Ngọc Tựu, Chánh Văn phòng Sở GD-ĐT tỉnh Quảng Ngãi, cho biết: “Đến giờ, quan điểm của chúng tôi không phải là cấm mà đưa việc DTHT hoạt động đúng hướng theo Thông tư 17 của Bộ GD-ĐT!”.
Phụ huynh, giáo viên lên tiếng
Bà Trần Thị Nhị (ngụ xã An Hiệp, huyện Tuy An – Phú Yên), có 2 con đang học bậc THPT, cho rằng việc DTHT đâu phải lỗi của con bà hay lỗi của giáo viên mà là lỗi từ chương trình học và việc quản lý chương trình ấy. Nếu chương trình học trên lớp đủ để con bà thi đại học, nếu việc quản lý chương trình học trên lớp tốt để giáo viên không cắt xén nhằm thu hút học sinh học thêm thì bà đâu cần cho con học thêm làm gì. “Cả nước có thực hiện “nghiêm” như tỉnh Phú Yên không? Vậy hóa ra chỉ có học sinh tỉnh Phú Yên là bị thiệt. Năm tới thi ĐH, con tôi có nhu cầu học thêm thì biết làm sao đây?” – bà Nhị bức xúc.
Ông Nguyễn Cường, trú tại khu vực 9, phường Trần Hưng Đạo, TP Quy Nhơn – Bình Định, cho biết: “Tôi có đứa con học lớp 2, hệ bán trú. Mặc dù cháu học cả ngày nhưng tối đến tôi vẫn muốn gửi con cho cô giáo dạy thêm vì vợ chồng tôi không có nhiều thời gian để dạy cho cháu. Tôi có nhu cầu cho con học thêm, sao lại cấm?”.
Một phụ huynh ở TP Tuy Hòa – Phú Yên cho rằng con ông học lớp 9, muốn sang năm vào trường chuyên và có nhu cầu học thêm. Ông nói nếu tỉnh Phú Yên cấm DTHT thì ông sẽ phải thuê thầy về nhà kèm con học.
Việc “bắt bớ”, kiểm điểm, kỷ luật trong việc DTHT làm nhiều giáo viên chán nản. Một giáo viên dạy vật lý khá nổi tiếng ở TP Quảng Ngãi nói ông dạy thêm không phải vì tiền mà muốn truyền đạt kiến thức cho học sinh, bồi dưỡng cho học sinh giỏi. Và tất nhiên ông không phủ nhận có thêm thu nhập qua dạy thêm bởi điều đó là chính đáng…
Thông tư 17 nhiều bất cập
Các địa phương đều xác định sẽ thực hiện nghiêm Thông tư 17 của Bộ GD-DT nhưng liệu thông tư này có thỏa đáng?
Ông Lê Minh Tuấn, Trưởng Phòng GD-ĐT quận Thủ Đức – TPHCM, cho biết Phòng GD-ĐT không đồng tình với nhiều nội dung trong Thông tư 17 nhưng trước mắt phòng yêu cầu giáo viên các trường phải thực hiện nghiêm túc. Nếu có phản ánh giáo viên nào dạy thêm bên ngoài cho học sinh thì phòng sẽ kiểm tra, xử lý. Ông Tuấn cho biết thêm đã phản ánh những nội dung mà phòng không đồng tình lên Sở GD-ĐT TPHCM.
Theo một lãnh đạo Sở GD-ĐT TPHCM, sở cũng đã lấy ý kiến các phòng, ban về Thông tư 17 để tham mưu và trình UBND TP ban hành quy định về quản lý việc DTHT ở TP.
Nhiều nội dung trong Thông tư 17 được lãnh đạo Sở GD-ĐT TP cũng như các giáo viên cho rằng không phù hợp với thực tế.
Cụ thể: không dạy thêm đối với học sinh đã được nhà trường tổ chức dạy 2 buổi/ngày (khoản 1, điều 4) không dạy thêm đối với học sinh tiểu học (khoản 2, điều 4). Cả hai nội dung này được hiểu là không được dạy thêm trong trường lẫn ngoài trường. Quy định này là không phù hợp bởi có thể không dạy thêm trong trường chứ không thể cấm giáo viên dạy thêm ngoài trường.
Thông tư 17 có nội dung cơ bản là cấm dạy thêm nhưng ở khoản 1, điều 5 lại quy định học sinh có nguyện vọng học thêm thì phải có đơn xin học thêm và phụ huynh ký vào, sao lại có mâu thuẫn như vậy? Nhiều giáo viên cũng cho rằng việc cấm họ dạy thêm ngoài trường là phi lý. Họ bán chất xám, sức lao động của chính họ, sao lại cấm?
Theo người lao động
Cho học dự thính nhưng không... cấp bằng tốt nghiệp
18 sinh viên lớp kế toán 03CD3 liên kết giữa Trường Trung cấp KTKT Việt - Anh (Nghệ An) và Trường CĐ KTCN Bách Khoa được cho vào học dù không thi đầu vào. Thế nhưng số sinh viên này lại bị từ chối cấp bằng tốt nghiệp sau khi đã hoàn thành chương trình học.
Trường Trung cấp Kinh tế Kỹ thuật Việt - Anh (đóng tại phường Quán Bàu, Tp Vinh, Nghệ An).
"Sau khi nhà trường tổ chức thi tuyển đầu vào và có kết quả thì có 22 em học sinh đến bày tỏ nguyện vọng được theo học. Hôm đó, tại lễ khai giảng lớp 03CD3, tôi đã trình bày trực tiếp với thầy Nguyễn Tử Dũng - hiệu trưởng Trường CĐ Kỹ thuật Công nghệ Bách Khoa về việc cho 22 em này tham gia lớp học và được chấp nhận", ông Phan Huy Hoàng - hiệu trưởng Trường Trung cấp kinh tế Kỹ thuật Việt - Anh cho biết.
Dù chỉ được đồng ý bằng miệng nhưng số sinh viên (SV) đều có tên trong danh sách lớp, tham gia đóng nộp học phí, các kỳ thi học phần đầy đủ như những SV bình thường khác.
Trong túi đựng bài thi tốt nghiệp của Trường Cao đẳng Kỹ thuật Công nghệ Bách Khoa vẫn tính 18 thí sinh học dự thính.
Ông Hoàng cũng cho biết, 22 em học viên này do không tham gia thi tuyển nên nợ điểm đầu vào và học theo hình thức dự thính. Trong quá trình học, nhà trường đã tổ chức thi tuyển đầu vào cho các em "trả nợ". Ông cũng khẳng định, hình thức "học nợ" này đã có trong quy định của Bộ GD-ĐT về hình thức liên kết đào tạo liên thông từ trung cấp lên cao đẳng. Thế nhưng khi chúng tôi hỏi được quy định cụ thể trong quy định nào thì ông Hoàng cho biết: "Cái đó các em phải tự tìm hiểu, nhiều quy định quá thầy làm sao mà nhớ hết".
Trong quá trình theo học, có 4 trong tổng số 22 SV học dự thính nghỉ học. Để đảm bảo quyền lợi cho 18 SV này, theo ông Phan Huy Hoàng, trước khi kỳ thi tốt nghiệp diễn ra, Trường CĐ Kỹ thuật Công nghệ Bách Khoa đã cho người về tổ chức thi tuyển đầu vào cho các em. "Sau khi tổ chức thi, họ đưa bài kiểm tra về ngoài Hà Nội để chấm và hiện giờ vẫn chưa thông báo kết quả cho chúng tôi cũng như các em SV", ông Hoàng cho biết tiếp.
Mặc dù chưa biết số SV này có đạt điểm đầu vào hay không nhưng trong danh sách thi tốt nghiệp mà Trường CĐ Kỹ thuật Công nghệ Bách Khoa chuyển về cho Trường Trung cấp KTKT Việt - Anh vẫn có tên của 18 SV này. Các em cũng đã trải qua kỳ thi tốt nghiệp như những SV khác trong lớp. Thế nhưng Trường Cao đẳng Kỹ thuật Công nghệ Bách Khoa chỉ công nhận tốt nghiệp cho 54 SV có điểm thi đầu vào ngay từ đầu và từ chối cấp bằng cho 18 SV dự thính vì "không có trong quy định của Bộ GD-ĐT".
Ông Phan Huy Hoàng - Hiệu trưởng Trường TC KTKT Việt - Anh: "Đây là trách nhiệm của Trường CĐ KTCN Bách Khoa. Chúng tôi đã làm hết trách nhiệm của mình".
Ông Phan Huy Hoàng bức xúc: "Rõ ràng đây là trách nhiệm của Trường CĐ Kinh tế Công nghệ Bách Khoa. Chương trình học của họ, các kỳ thi cũng do họ tổ chức, chúng tôi chỉ là đơn vị phối hợp thôi. Cho người ta vào học, thu học phí của người ta, để các em tham gia các kỳ thi học phần và có tên các em trong danh sách thi tốt nghiệp... Như vậy đã mặc nhiên công nhận số học sinh này đủ điều kiện dự thi và đương nhiên đủ điều kiện để cấp bằng tốt nghiệp. Trường chúng tôi đã làm hết trách nhiệm của mình rồi".
Mặc dù khẳng định trách nhiệm thuộc về Trường CĐ Kỹ thuật Công nghệ Bách Khoa nhưng vì "thương học sinh và phụ huynh", ông Hoàng cùng một số cán bộ của trường và một số em SV đã nhiều lần ra Hà Nội để làm việc và đề nghị cấp bằng cho 18 SV này. "Nội bộ Trường Cao đẳng Kỹ thuật Công nghệ Bách Khoa có vấn đề nên gây khó dễ trong việc cấp bằng tốt nghiệp cho số SV dự thính này. Hiện tại thì mọi việc cũng đã tạm ổn. Ngoài kia bảo sẽ giải quyết vấn đề này trong tháng 10", ông Hoàng khẳng định.
Thế nhưng, sau cú điện thoại gọi cho một cán bộ Trường CD Kỹ thuật Công nghệ Bách khoa, ông Hoàng cho biết, mấy ngày nay ông hiệu trưởng Nguyễn Tử Dũng không đến nhiệm sở nên không thể giải quyết được việc xét cấp bằng tốt nghiệp cho 18 SV dự thính hệ Cao đẳng kế toán liên thông tại Trường Trung cấp Kinh tế Kỹ thuật Việt - Anh.
Không biết đến bao giờ 18 SV dự thính này mới được cầm trong tay tấm bằng tốt nghiệp mà các em đã bỏ rất nhiều công sức, tiền của để theo học trong 2 năm trời?
Hoàng Lam
Theo dân trí
Sinh viên thờ ơ với môn học đại cương Cứ 10 sinh viên (SV) được hỏi thì 4 SV nói không muốn học những môn học đại cương trong chương trình ĐH nếu được lựa chọn. Phải chăng SV đang thờ ơ với những môn học được xem là nền móng này? Để tìm hiểu thực tế việc học đại cương của SV, chúng tôi đã thực hiện cuộc khảo sát trên...