Dạy thêm chỉ đáng lên án khi người dạy chăm chăm moi tiền học sinh chính khoá
Nếu dạy thêm học thêm không chấn chỉnh được để giúp học sinh yếu, nâng đỡ học sinh tốt thì hội chứng “môn phụ”, “môn chính” đầu độc toàn bộ nền giáo dục.
Xung quanh vấn đề dạy thêm học thêm tràn lan, trao đổi với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, Giáo sư Phạm Hồng Tung – Viện trưởng Viện Việt Nam học và Khoa học phát triển (Đại học Quốc gia Hà Nội) cho rằng:
“Trước tiên, tôi phải khẳng định rằng, dạy thêm, học thêm bản chất không xấu cho nên việc đầu tiên chúng ta không ca ngợi nhưng cũng không nên kết án, không chụp mũ tất cả các loại hình học thêm dạy thêm như nhau”.
Theo Giáo sư Phạm Hồng Tung, cái chúng ta cần lên án, buộc phải triệt để chấm dứt, nếu ai vi phạm phải trừng phạt rất nặng đó là việc thầy cô, nhà trường nào đó bớt xén chương trình chính khóa, lúc dạy chính khóa không hết trách nhiệm để đem nội dung tinh túy, mang kiến thức thuộc về ở lớp học chính khóa về để dạy thêm, nhằm mục đích kiếm tiền tức, là thương mại hóa giáo dục.
Để rồi sinh ra chuyện nếu không thực hiện được mục đích thương mại hóa thông qua dạy thêm học thêm thì định kiến trù dập học sinh, áp đặt cha mẹ, học sinh không thích học thêm cũng phải học thêm. Thây cô chỉ chăm chăm moi tiền thì không còn là thầy cô nữa.
Dạy thêm kiểu đó không giúp học sinh giỏi hơn trong phẩm chất năng lực mà đang hủy hoại hình ảnh người thầy, bóc lột học sinh, bán rẻ danh dự nhà giáo và thực chất là không thực hiện đúng yêu cầu của chương trình giáo dục. Đó là cái chúng ta phải lên án.
Giáo sư Phạm Hồng Tung- Viện trưởng Viện Việt Nam học và Khoa học phát triển (Đại học Quốc gia Hà Nội) (ảnh: Thùy Linh)
Thậm chí, Giáo sư Phạm Hồng Tung còn biết nhiều giáo viên có biện pháp tinh vi để ép buộc học sinh phải đi học thêm, ví như nếu không học thêm thì thầy cô ra đề kiểm tra vào đúng phần kiến thức học thêm, học trò nào không đi học thêm thì không làm được hoặc nếu có làm được thì hôm trả bài cô giáo vừa trả bài vừa châm chọc xúc phạm kiểu “bạn A, bạn B thì giỏi rồi, chả cần học thêm cũng giỏi nhỉ…”.
Cái chúng ta phải chống, phải chấm dứt bằng mọi cách đó là hình thức dạy thêm trá hình để thương mại hóa giáo dục một cách trắng trợn.
“Tôi nói như vậy để thấy rằng, dạy thêm học thêm cũng có mặt tốt, từng tham gia phát triển chương trình giáo dục phổ thông tổng thể đến chương trình môn học sau đó là cùng đồng nghiệp biên soạn sách giáo khoa, các học liệu thì chúng tôi nhằm vào phổ học sinh có học lực trung bình đến khá để làm nhóm hướng đích (target group). Đó là cái đích, tuy nhiên thực tế có nhiều học sinh dưới hoặc trên mức trung bình khá”, thầy Tung nói.
Bởi thực tế là, có học sinh giỏi Văn nhưng không giỏi Âm nhạc, có học sinh giỏi Toán nhưng không giỏi Ngoại ngữ… do đó dạy thêm, học thêm để bù đắp những phần kiến thức, những hợp phần năng lực còn khuyết thiếu của các con hoặc có những học sinh ưu trội ở một hoặc một số bộ môn nào đó thì nhà trường, thầy cô bổ trợ để các em phát triển, đạt tới đỉnh cao.
Bởi có những loại hình tài năng chỉ phát triển ở độ tuổi rất sớm, ví dụ Toán học, Ngoại ngữ nếu đợi sau 30 tuổi thì đã đi qua bên kia đỉnh dốc mất rồi.
Video đang HOT
Cũng theo đánh giá của Giáo sư Phạm Hồng Tung: “Nền giáo dục của chúng ta từ lâu rơi vào căn bệnh mà trong quá trình xây dựng chương trình giáo dục phổ thông chúng tôi ra sức để tìm cách loại bỏ nó, giảm thiểu nó nhưng bây giờ pải nói rằng chỉ thành công ở mức độ nhất định. Đó là hội chứng môn chính – môn phụ”.
Từ lâu rồi giáo dục Việt Nam đã coi Toán, Văn, Ngoại ngữ là môn chính, còn lại các môn khác trở thành môn phụ.
Hội chứng này bóp chết các môn phụ và sinh ra học thêm tràn lan những môn chính. Và điều này làm hại nền giáo dục vì thầy Tung biết, từ bậc trung học cơ sở có những thầy cô dạy rất giỏi và dạy thêm chạy xô không hết, thu nhập rất lớn. Mà bây giờ học trò khi lên lớp chúng tinh lắm, nhìn cái quần áo, giày dép, điện thoại, xe cộ mà thầy cô dùng là các em biết cùng là giáo viên mà thu nhập và mức sống khác nhau một trời một vực.
Từ những thứ hiện hữu như vậy sẽ khiến bản thân học trò coi thường thầy cô thu nhập thấp, coi thường các “môn phụ” mà các thầy cô đó đứng lớp. Chỉ các “môn chính” mới là thầy cô dạy tốt, nên thầy cô mà các em coi là dạy môn phụ dù có giỏi đến đâu cũng không thể có học sinh đi học thêm.
Chưa kể vì mục đích bệnh thành tích nên nhiều thầy cô, nhà trường cưỡng chế cắt giảm giờ, số tiết của những “môn phụ” để dành ôn thi học sinh giỏi Toán, Văn, Ngoại ngữ, vì thi học sinh giỏi hay thi đại học cũng trước hết chỉ tập trung hơn vào những môn đó thôi.
“Nếu dạy thêm học thêm không chấn chỉnh được để giúp học sinh yếu, nâng đỡ học sinh tốt thì hội chứng “môn phụ”, “môn chính” đầu độc toàn bộ nền giáo dục, ở đó không phải giáo dục mà đó là cái chợ, người nào buôn may bán đắt thì giàu, người nào không buôn may bán đắt thì tủi hổ.
Trong trường hợp này, thầy cô của những “môn phụ” tủi hổ vì dạy “môn phụ” nên nên mỗi khi học sinh học môn của mình mà mắc lỗi, đi muộn thì bị kỉ luật rất nặng so với các môn khác. Lúc đó thầy cô là những phù thủy hung ác trong lớp.
Do đó, chúng ta cần đồng bộ đổi mới bằng cách trường đại học cần đổi mới tổ hợp tuyển sinh, có rất nhiều tổ hợp khác nhau đáp ứng nhu cầu phát triển của kinh tế xã hội đất nước thì cần có cả Giáo dục công dân, Công nghệ, Lịch sử, Địa lý chứ không chỉ tập trung vào Toán, Lý, Hóa, Văn, Ngoại ngữ.
Giả sử cứ giữ nguyên tổ hợp thì không tuyển sinh được hoặc đào tạo ra không có việc làm thì tự khắc các môn học đều trở nên quan trọng, dẹp được tâm lý “môn chính – môn phụ” thì từ đó sẽ không còn chuyện dạy thêm học thêm tràn lan.
Muốn thầy cô dạy theo nhóm học sinh, cho phù hợp với năng lực, sở trường của từng nhóm được thì phải đảm bảo sĩ số học sinh theo chuẩn, chứ 60-70 học sinh/ lớp thì chẳng khác nào đánh đố thầy cô.
Ngoài ra cần tận dụng tối đa tiến bộ khoa học công nghệ của hôm nay, đó là những khóa bồi dưỡng kiến thức song hành với chương trình chính khóa nhưng dạy trên mạng, trên truyền hình, các con cần gì thì mở ra xem giống như cứ mở tivi, điện thoại là nghe được nhạc Hàn Quốc.
Thay vì bỏ nhiều tiền học thêm thì lên mạng ai cũng có thầy dạy rồi, học sinh không phải chạy đua đi học thêm như con tin của nạn dạy thêm, xã hội không ồ ạt chạy đua tìm thầy cho con học thêm nữa. Và nhà nước đứng ra trả phí, người dùng chỉ phải chi trả tiền vào mạng.
Đó là những vấn đề mà Giáo sư Phạm Hồng Tung cho rằng cần giải quyết tổng thể, nếu không cứ chặt đứt chỗ dạy thêm học thêm này thì sẽ lòi ra chỗ khác.
Đừng vội lên án khi chính tham vọng của phụ huynh đang tiếp tay cho dạy thêm
Đi học thêm, cô dạy các dạng bài mẫu, đến giờ kiểm tra, học sinh chỉ cần thay số phù hợp câu hỏi, cuối cùng các em đạt điểm cao, cả cô, phụ huynh ai cũng vui mừng.
Thời gian qua, dạy thêm - học thêm vẫn luôn là câu chuyện được nhiều giáo viên, chuyên gia, phụ huynh tranh luận mà chưa có hồi kết. Họ "mổ xẻ" mọi lát cắt của vấn đề với hy vọng có thể tìm ra nguyên nhân "vấn nạn" đang tràn lan, gây mất thời gian, công sức và tiền bạc của phụ huynh và học sinh.
Có ba con đang học lớp 6, lớp 8 và lớp 12, tôi thấy, chính những tham vọng của phụ huynh là nguyên nhân chính khiến việc dạy thêm - học thêm luôn tồn tại, thậm chí ngày càng nghiêm trọng. Tham vọng ấy có thể chính đáng, có thể không, nhưng không thể phủ nhận rằng, phụ huynh đã và đang "bắt tay" với nhà trường, giáo viên để ép con cái mình học thêm vô độ.
Dạy thêm như loại hình kinh tế
Có những phụ huynh mong con cái mình chăm học, học giỏi để nâng cao trí thức. Họ mong con sẽ hiện thực hoá ước mơ để thoát nghèo. Cao hơn, thì họ muốn con có thêm cái chữ để thành đạt trong sự nghiệp, tương lai rạng ngời... Đó là lý do ngoài chương trình chính khoá họ muốn các con được học nhiều hơn, hiểu kiến thức sâu hơn để giành tấm vé vào trường chuyên, lớp chọn hay những đại học top đầu. Do vậy, cứ con có chút thời gian rảnh ở nhà là "tống" con đi học thêm.
Chuyện học thêm không chỉ làm "nóng" các mặt báo, các diễn đàn xã hội mà ngay trong chính gia đình, nó luôn là đề tài gây tranh cãi, khiến phụ huynh đau đầu đặt câu hỏi có nên con học hay không, và giáo viên nào dạy, chất lượng ra sao, học phí thế nào....
Phụ huynh như lạc vào ma trận mỗi khi quyết định cho con đi học thêm. Bởi học thêm giờ đây không chỉ đơn thuần là hình thức bồi dưỡng mà nó đang bung ra mạnh mẽ và mang đậm hơi hướng của kinh tế thị trường, "mời chào" học sinh tham gia dưới nhiều hình thức như: Học ở lớp do nhà trường tổ chức, đến nhà thầy hoặc gia đình tự mở lớp rồi thuê thầy về dạy học, trung tâm dạy thêm với nhiều giỏi viên giỏi. Nhiều gia đình khá giả còn thuê hẳn thầy về dạy kèm con mình học.
Lớp học thêm. (Ảnh minh hoạ: N.D)
Cùng với đó, các giáo viên cũng tìm đủ các chiêu trò để "ép" học sinh đến lớp học thêm với hai lý do: Áp lực thành tích và thu nhập hàng tháng.
Nếu số lượng học sinh giỏi trong lớp quá thấp, cô giáo không có cơ hội thành "chiến sĩ thi đua", kéo tụt thành tích "tiên tiến xuất sắc" của nhà trường nên cô cũng đành "bế" học sinh lên lớp. Không thể sửa điểm trong sổ, không thể cho khống điểm, nên cô đành dạy thêm.
Giờ học thêm, cô sẽ cho các học sinh làm những dạng bài mẫu. Đến giờ kiểm tra, các em chỉ việc thay số phù hợp với câu hỏi. Và như thế học sinh được điểm kiểm tra cao, cả cô, cả phụ huynh ai cũng vui mừng.
Sự thật, tiền lương giáo viên khá thấp so với mặt bằng chung của xã hội (xếp thứ 14 trong bảng lương của cán bộ, công, viên chức nhà nước). Có giáo viên gần 20 năm thâm niên đứng lớp mà tiền lương cả tháng không bằng lương thử việc của sinh viên mới ra trường, họ biết sống sau giữa thời bão giá hiện nay. Cứ như vậy, các cô "cực chẳng đã" đành thâm canh gối vụ bằng cách dạy thêm, dạy trước chương trình, cho trước các dạng kiểm tra để "hút" học sinh, nhằm tăng thu nhập hàng tháng, phục vụ cho bản thân và gia đình.
Giáo viên cần tăng thu nhập, phụ huynh cần con học giỏi, mối quan hệ cung - cầu thế mà ra đời, thành thử nhiều người còn nhiệt liệt ủng hộ chuyện học thêm - dạy thêm.
Bên cạnh đó, một phần do phụ huynh không có thời gian dành cho con, phần khác họ đặt quá kỳ vọng vào con và cũng sợ cô giáo sẽ "trù dập" con mình. Thẳng thắn mà nói, chính phụ huynh đang cổ suý mạnh mẽ nhất cho giáo viên dạy thêm.
Ngoài ra, có quan điểm cho rằng nhu cầu học thêm của học sinh là chính đáng, thu nhập dạy thêm của giáo viên cũng chính đáng, không có gì phải cấm? Tôi cho rằng, mỗi em học sinh chỉ cần học thêm 3 môn (Toán- Văn- Anh), lịch học của các em sẽ kín cả tuần, không có thời gian để tự học, tự nghiên cứu, sáng tạo, trải nghiệm cuộc sống.
Sự thụ động, rập khuôn sẽ chiếm chỗ trong tư duy của các em, nhất là những em không đủ sức khỏe hoặc lười biếng. Trong khi đó tinh thần của chương trình giáo dục phổ thông mới là đổi mới phương pháp và ưu tiên phát triển năng lực. Há chẳng phải "vấn nạn" này đang đi ngược với những điều cả ngành giáo dục đang phấn đấu.
Đồng tiền biến dạy thêm thành dạy chính
Về thu nhập dạy thêm, nhiều người cho rằng, giáo viên bỏ chất xám thì tiền họ nhận về là chính đáng. Nhưng sự chính đáng ấy sẽ ra sao khi không ít những phụ huynh nghèo phải gồng gánh, co kéo đủ khoản thu chi mới đủ trả tiền học cho con?
Đành rằng thù lao được hưởng với sức lao động họ bỏ ra là chính đáng, nhưng lại đưa học sinh, phụ huynh vào tình thế "tiến thoái lưỡng nan" phải đi học thêm. Vậy sự chính đáng đó có còn tồn tại và cao thượng như danh hiệu mà xã hội đã đặt cho nghề giáo.
Nực cười nhất là những phụ huynh vì mong muốn con em "bằng bạn, bằng bè", sợ giáo viên "phân biệt đối xử" nên phải cho con đi học thêm. Điều đó vô tình thỏa hiệp với dạy thêm, học thêm.
Nhiều em học không tệ nhưng phụ huynh muốn con mình phải học khá hơn nữa, giỏi hơn nữa; họ ép các con đi học thêm nhiều môn, vô hình trung vừa biến các em thành nạn nhân của bệnh thành tích, vừa tiếp tay cho dạy thêm, học thêm.
Nhiều người biện hộ, nhu cầu học thêm là chính đáng, "có cầu ắt có cung". Tôi cho rằng, đó là xa rời thực tế. Vì học thêm khác học bồi dưỡng, học phụ đạo. Nên nhớ khả năng tự học, tự nghiên cứu là điều rất cần trong giáo dục, bồi dưỡng nhân tài.
Dạy thêm, học thêm vẫn luôn bị xã hội lên án, thế mà có người lại đi so sánh với Hàn Quốc, Trung Quốc, rằng nước họ còn dạy thêm, học thêm nhiều hơn chúng ta; trong khi các nước có nền giáo dục tiên tiến như Anh, Pháp, Mỹ... khái niệm dạy thêm không hề tồn tại.
Đó chỉ là phần nổi của "tảng băng chìm" và còn rất nhiều giáo viên Toán, Lý, Hóa... dạy thêm lén lút hoặc núp bóng "dạy thêm do nhà trường tổ chức", đăng ký dạy thêm ở trường một vài lớp nhưng ở nhà dạy năm, bảy lớp khác. Hiện tượng này không khác gì giáo viên đang "làm kinh tế" với phụ huynh trong việc giáo dục các thế hệ?
Vậy thì dễ có chuyện dạy thêm trở thành dạy chính. Mỗi khi đồng tiền chi phối thì tiêu cực rất dễ nảy sinh, nếu người ta không làm chủ nó. Bao giờ giáo viên chưa "sống được bằng lương", lấy dạy thêm cải thiện thu nhập hoặc lợi dụng dạy thêm để trục lợi thì vẫn còn đó vấn nạn dạy thêm, học thêm.
Cần chấn chỉnh dạy thêm, học thêm Mặc dù ngành giáo dục đã có nhiều văn bản chỉ đạo và tổ chức các cuộc thanh tra, nhưng vẫn không giải quyết dứt điểm tình trạng dạy thêm, học thêm đang gây bức xúc trong dư luận. Học thêm là nhu cầu Dạy thêm, học thêm là nhu cầu có thật và thiết thực của các bậc phụ huynh, học sinh...