Đẩy lùi cholesterol để có trái tim khỏe
Tình trạng người Việt Nam thừa cholesterol ( chất béo) trong cơ thể đang ở mức báo động. Điều đáng nói, việc thừa cholesterol là nguyên nhân trực tiếp làm gia tăng và trẻ hóa các bệnh tai biến mạch máu não (đột quỵ), nhồi máu cơ tim, bệnh mạch vành, tăng huyết áp…
Điều chỉnh chế độ ăn uống, tăng cường các hoạt động thể lực là biện pháp hữu hiệu để đẩy lùi tình trạng thừa cholesterol, giảm nguy cơ mắc bệnh về tim mạch và có trái tim khỏe.
Bác sĩ Bệnh viện Hữu nghị Việt – Đức thăm khám một bệnh nhân bị béo phì kèm tăng huyết áp, thừa cholesterol.
Trẻ hóa người mắc bệnh về tim mạch, huyết áp
Từ đầu năm đến nay, trường hợp đột quỵ não nhỏ tuổi nhất được ghi nhận ở Trung tâm Đột quỵ não (Bệnh viện trung ương Quân đội 108) là 12 tuổi. Ngoài ra, bệnh viện cũng phải điều trị cho nhiều trường hợp bị đột quỵ não ở độ tuổi thanh, thiếu niên.
Bác sĩ Phạm Văn Cường, Trung tâm Đột quỵ não (Bệnh viện trung ương Quân đội 108) cho biết, đột quỵ là nguyên nhân tử vong đứng thứ 3 trên thế giới, sau bệnh tim mạch, ung thư và là nguyên nhân hàng đầu để lại di chứng tàn tật. Đặc biệt, tỷ lệ đột quỵ ở người trẻ tuổi ngày càng tăng. Theo Tổ chức Đột quỵ Hoa Kỳ, số lượng bệnh nhân đột quỵ ở những người trẻ đã tăng hơn 44% trong 10 năm gần đây và khoảng 15% bệnh nhân đột quỵ có độ tuổi từ 18 đến 50 tuổi. Ở Việt Nam, tỷ lệ đột quỵ ở người trẻ tuổi cũng có xu hướng tăng, trung bình khoảng 2% mỗi năm và số lượng nam giới cao gấp 4 lần nữ giới.
Theo nghiên cứu của Hội Tim mạch học Việt Nam, hiện nước ta có khoảng 25% dân số mắc bệnh về tim mạch, tăng huyết áp. Đáng chú ý, các ca mắc đang ngày càng trẻ hóa, với rất nhiều đối tượng còn đang trong độ tuổi lao động.
Phó Giáo sư, Tiến sĩ Phạm Mạnh Hùng, Phó Chủ tịch Hội Tim mạch học Việt Nam, Viện trưởng Viện Tim mạch Việt Nam cho biết, trước đây, tỷ lệ bệnh nhân mắc tăng huyết áp chủ yếu ở độ tuổi từ 60 đến 70 tuổi. Thế nhưng, hiện nay, số người dưới 40 tuổi chiếm tới 20% trong tổng số các trường hợp bị tăng huyết áp và các bệnh tim mạch (ngày càng xuất hiện nhiều ở lứa tuổi từ 25 đến 40 tuổi).
Việc thừa cholesterol trong cơ thể là nguyên nhân trực tiếp làm gia tăng tỷ lệ các bệnh tai biến mạch máu não (đột quỵ), nhồi máu cơ tim, bệnh mạch vành, tăng huyết áp… Tuy nhiên, kết quả một cuộc điều tra quốc gia gần đây cho thấy, tỷ lệ người Việt Nam rơi vào tình trạng thừa cholesterol ở mức báo động và có xu hướng gia tăng. Trung bình cứ 10 người trưởng thành, thì có 3 người thừa cholesterol. Ngoài ra, hơn 50% phụ nữ trung niên ở độ tuổi từ 50 đến 65 tuổi có tình trạng thừa cholesterol.
Phó Giáo sư, Tiến sĩ Lê Bạch Mai, nguyên Phó Viện trưởng Viện Dinh dưỡng quốc gia cho rằng, nguyên nhân chính gây ra tình trạng thừa cholesterol xuất phát từ thói quen ăn uống, sinh hoạt không lành mạnh: Ăn ít rau, sử dụng thực phẩm chứa nhiều cholesterol, như nội tạng động vật, thịt vịt, ngỗng nuôi công nghiệp, các loại đồ ăn nhanh; ít vận động; thường xuyên hút thuốc, sử dụng nhiều rượu, bia…
“Có tới 51% phụ nữ và 63% nam giới tiêu thụ ít rau, quả. Việc ăn ít chất xơ không chỉ gây ảnh hưởng đến chế độ dinh dưỡng, mà còn tích lũy choles terol xấu. Ngoài ra, béo phì cũng là một trong những yếu tố nguy cơ làm tăng cholesterol trong máu”, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Lê Bạch Mai cho biết.
Video đang HOT
Thay đổi chế độ dinh dưỡng, tăng vận động
Tăng cường đạp xe góp phần giúp giảm cholesterol trong cơ thể. Ảnh: Nguyễn Quang
Theo Phó Giáo sư, Tiến sĩ Lê Bạch Mai, nếu một người được chẩn đoán thừa cholesterol, mà không phải do bệnh nền và yếu tố tiền sử gia đình, thì điều trước tiên cần làm là thay đổi chế độ dinh dưỡng cho hợp lý hơn. Cụ thể, có 11 nội dung cần điều chỉnh chế độ dinh dưỡng, bao gồm: Bổ sung kiến thức về tháp dinh dưỡng, tăng tiêu thụ rau, quả, giảm muối, giảm đường tinh chế, bổ sung chất béo hợp lý, sử dụng nguồn đạm phù hợp, phòng chống thiếu vi chất, suy dinh dưỡng thấp còi, hạn chế tác hại của rượu, bia, kiểm soát cân nặng và uống đủ nước. Điều quan trọng là tăng cường ăn rau, quả để “quét” cholesterol xấu khỏi cơ thể…
Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn cho rằng, người dân chưa nhận thức đúng về hậu quả của việc thừa cholesterol đối với sức khỏe. Để người dân tự nhận thức và điều chỉnh thói quen ăn uống, lối sống, nhằm kiểm soát tình trạng thừa cholesterol, ngày 16-10 vừa qua, Bộ Y tế đã phát động “Tháng hành động đẩy lùi tình trạng thừa cholesterol trong cơ thể”. Trong tháng hành động diễn ra các hoạt động khám, tư vấn miễn phí về cholesterol cho người dân tại các bệnh viện: Đại học Quốc gia Hà Nội, Chợ Rẫy (thành phố Hồ Chí Minh), Đa khoa Đà Nẵng, Đa khoa trung ương Cần Thơ…
“Mọi người nên hạn chế ăn, uống các thực phẩm chứa nhiều cholesterol và cần bổ sung vào chế độ ăn uống chất béo có lợi (nhóm chất béo không bão hòa) như omega 3-6-9 được tìm thấy nhiều trong các loại cá biển, như: Cá hồi, cá trích và các loại dầu thực vật như dầu gạo lứt, dầu đậu nành, dầu hướng dương… Đồng thời, tăng cường các hoạt động thể chất: Đi bộ, đạp xe, bơi lội… và không hút thuốc, hạn chế rượu, bia… Tất cả mọi người hãy đẩy lùi thừa cholesterol để có một trái tim khỏe mạnh”, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn nhấn mạnh.
6 sai lầm khiến người Việt dù ăn ít chất béo nhưng lại thừa cholesterol
Ở Việt Nam, trung bình cứ 10 người trưởng thành thì có 3 người thừa cholesterol trong cơ thể. Đáng chú ý, có hơn 50% phụ nữ trung niên trong độ tuổi 50-65 đang trong tình trạng thừa cholesterol.
Đây là thực trạng đáng báo động vì thừa cholesterol trong cơ thể chính là một trong những nguyên nhân trực tiếp làm gia tăng tỷ lệ các bệnh tai biến mạch máu não, nhồi máu cơ tim, bệnh mạch vành, tăng huyết áp...
Đáng nói, theo PGS.TS Lê Bạch Mai - nguyên Phó viện trưởng Viện Dinh dưỡng quốc gia, thực tế, người Việt không ăn nhiều chất béo cũng không ăn quá ngấy. Tuy nhiên, chúng ta lại chưa biết cách sử dụng, lựa chọn chất béo chuẩn xác, dẫn đến tình trạng thừa cholesterol ở mức cao.
PGS.TS Lê Bạch Mai - nguyên Phó viện trưởng Viện Dinh dưỡng quốc gia
PGS Mai phân tích: "Chất béo đóng một vai trò rất quan trọng trong cơ thể. Để có chế độ dinh dưỡng chất béo hợp lý, chúng ta cần quan tâm đến số lượng và chất lượng chất béo như thế nào cho phù hợp, chứ không phải là từ chối hoàn toàn chất béo vì lo sợ bệnh tật".
Theo chuyên gia này, có 6 vấn đề trong việc sử dụng chất béo mà người Việt Nam thường mắc phải, dẫn đến hiện tượng mất cân bằng:
Chưa biết cách lựa chọn loại chất béo khi chế biến
Theo PGS Mai, có một thực tế dễ nhận thấy là trong nhà bếp của nhiều gia đình chỉ có 1 loại dầu ăn duy nhất. Các bà nội trợ sẽ dùng nó cho tất cả các món như chiên, xào, trộn salad. Cách chế biến như vậy sẽ không thể khai thác tối đa lợi ích của chất béo, và thậm chí còn ảnh hưởng đến sức khỏe.
"Mỗi loại chất béo đều có điểm bốc khói khác nhau. Khi chiên, xào cần chọn loại chất béo có điểm bốc khói cao. Giả sử chúng ta sử dụng dầu olive để chiên rán thì tất cả các liên kết đôi ở dầu olive sẽ bị bẻ gãy. Chất béo của dầu olive bị chuyển thành chất béo không tốt cho cơ thể".
Ăn nhiều thịt gia súc
Khi nghĩ đến nguồn cung cấp protein trong bữa ăn, người Việt thường lựa chọn các loại thịt đỏ (thịt heo, thịt bò) đầu tiên. Tuy nhiên, theo PGS Mai, những loại thịt này chứa nhiều axit béo bão hòa, có hàm lượng cholesterol cao nên không tốt cho quá trình chuyển hóa cholesterol của cơ thể. Cần lưu ý rằng, ngay cả các phần thịt nạc cũng có chứa chất béo, chứ không riêng gì thịt mỡ.
PGS Mai chia sẻ: "Trong khi đó, các nguồn cung cấp protein có lượng chất béo cân đối hơn và nhiều chất béo tốt như thịt gia cầm, thịt cá, trứng lại chiếm tỷ lệ tương đối ít trong bữa ăn của người Việt".
Ăn ít rau
Theo khuyến cáo, mỗi người trưởng thành nên ăn 400g rau quả/ngày. Tuy nhiên, số liệu điều tra chỉ ra rằng, 60% nam giới và 50% nữ giới ở Việt Nam không đạt được mục tiêu này.
Theo PGS Mai, chất xơ trong các loại rau củ quả có tác dụng như một chiếc chổi giúp quét các cholesterol thừa ra khỏi cơ thể. Thiếu chất xơ khiến cholesterol và các axit béo bị tích tụ. Bên cạnh đó, quá trình chuyển hóa cholesterol cũng bị rối loạn vì lười ăn rau.
Thích ăn các loại phủ tạng động vật
Lòng, dồi, phao câu,... là những món ăn ưa thích của người Việt Nam. PGS Mai nhận định, đây là những thực phẩm chứa rất nhiều cholesterol xấu, dẫn đến rối loạn chuyển hóa cholesterol, gây tình trạng cholesterol trong máu cao.
Nhiều thói quen phá hủy lá gan
Gan là cơ quan sản sinh cholesterol nội sinh. Tuy nhiên, người Việt lại có nhiều thói quen xấu tàn phá lá gan như lạm dụng rượu bia, ít ăn rau. Khi chức năng gan không còn tốt, nó sẽ sản sinh ra các cholesterol có hại cho sức khỏe.
Lười uống nước
70% cơ thể chúng ta là nước. Không cung cấp đủ nước sẽ dẫn đến nhiều vấn đề sức khỏe. Một trong số đó là gây rối loạn quá trình chuyển hóa cholesterol trong cơ thể.
"Ngoài ra, uống ít nước khiến cặn bã trong ruột bị tồn đọng. Khi cholesterol không được đào thải, sẽ dễ dẫn đến quá trình tái hấp thu cholesterol vào cơ thể", PGS Mai nhấn mạnh.
7 thực phẩm giúp đốt cháy mỡ bụng hiệu quả Mỡ nội tạng trong gan, dạ dày, ruột, khiến vòng 2 mất cân đối và tiềm ẩn nhiều nguy hại tới sức khỏe, thậm chí gây tử vong. Chất béo tích trữ dưới da có nhiệm vụ giúp chúng ta sinh nhiệt, giữ ấm cơ thể. Không giống vậy, mỡ nội tạng là chất béo tích tụ sâu bên trong khoang bụng, bao...