Dạy học trực tuyến – xu thế tất yếu
Dạy học trực tuyến không những chỉ được thực hiện khi thiên tai, dịch bệnh xảy ra khi học sinh, sinh viên (HS, SV) không thể đến trường; mà còn bổ trợ cho dạy học trực tiếp nhằm duy trì thói quen học tập và nâng cao chất lượng học của người học.
Trong tương lai không xa, đây là hình thức dạy – học có thể trở thành chủ đạo, nhất là ở bậc đại học.
Công cụ hỗ trợ đắc lực cho dạy học trực tiếp
Khi dịch bệnh Covid-19 cơ bản được kiểm soát, nhiều địa phương đã cho phép HS, SV quay trở lại trường học và thực hiện nghiêm thông điệp 5K. Dù HS, SV đến trường học trực tiếp, nhưng phần mềm dạy học trực tuyến vẫn được nhiều trường phổ thông, đại học áp dụng, nhất là những trường thực hiện dạy học trực tuyến mang lại chất lượng tốt.
Một tiết dạy trực tuyến tại Hà Nội. Ảnh: Công Hùng
Là trường đi đầu trong quận Đống Đa và TP Hà Nội về công tác dạy học trực tuyến từ năm 2020, biến nguy thành cơ, đến thời điểm này trường THCS Thái Thịnh (quận Đống Đa) đã đạt được kết quả rất tốt. Chia sẻ về hoạt động dạy học trực tuyến sau thời gian nghỉ Tết, Hiệu trưởng trường THCS Thái Thịnh Nguyễn Cao Cường, cho hay: Ngay từ đầu năm học mới 2020 – 2021, chúng tôi đã xác định dạy học trực tuyến là một kịch bản của nhà trường khi xảy ra thiên tai, dịch bệnh. Khi Hà Nội có ca F0 trong cộng đồng, HS, SV tạm thời dừng đến trường chúng tôi đã chuyển sang dạy học trực tuyến hết sức nhẹ nhàng.
Đến thời điểm này, kết quả học trực tuyến rất tốt trên hệ sinh thái bền vững đó là phần mềm Teams của Micrsoft Office 365 Online (được cấp gói A1 miễn phí dành cho giáo viên, HS) nên nhà trường tiếp tục duy trì vĩnh viễn hệ thống này trong việc bồi dưỡng HS yếu kém, bồi dưỡng HS giỏi, họp phụ huynh trực tuyến.
Không ít trường THCS và THPT khác, sau khi chuyển sang dạy học trực tiếp vẫn sử dụng song song hệ thống phần mềm dạy học trực tuyến vào các hoạt động hỗ trợ để tạo điều kiện cho HS được bổ sung kiến thức, kỹ năng.
Theo quan điểm của thầy Hà Xuân Nhâm – Hiệu trưởng trường THPT Phan Huy Chú (quận Đống Đa), dạy học trực tuyến là xu thế, các nội dung và hoạt động giáo dục ngày càng đa dạng và phong phú nên nhà trường tạo ra nhiều kênh để hỗ trợ các em thì càng tốt.
Mặt khác, công cụ công nghệ thông tin có nhiều hỗ trợ, giảm thời gian, tăng hiệu quả, vì thế dù HS đã đi học trở lại nhưng nhà trường vẫn dùng hệ thống dạy học trực tuyến vào các nội dung hỗ trợ, tương tác với HS, giải đáp thắc mắc, hệ thống tự ôn tập, tự kiểm tra đánh giá.
Trường THPT Đông Mỹ (huyện Thanh Trì) cũng triển khai dạy học trực tuyến từ những ngày đầu năm 2020 khi HS phải nghỉ phòng chống dịch Covid-19 và trước, sau Tết Nguyên đán 2021, kết quả cho thấy chất lượng dạy học ngày càng được nâng lên, kéo gần hơn so với dạy học trực tiếp.
Về lâu dài, nhà trường sẽ sử dụng phần mềm dạy học trực tuyến trong các hoạt động trao đổi giữa giáo viên bộ môn và HS. Nhà trường đã cử một giáo viên dạy Tin học có trách nhiệm tham mưu cho hiệu trưởng ứng dụng CNTT thường xuyên trong các hoạt động giáo dục, chứ không phải chỉ khi có dịch bệnh.
Nỗ lực chuyển đổi số
Video đang HOT
Dạy – học trực tuyến là một khâu trong nỗ lực chuyển đổi số của ngành giáo dục trong nước và quốc tế. Việc tổ chức dạy học trực tuyến đã được triển khai bởi nhiều trường đại học quốc tế và trong nước từ vài thập kỷ trước và ngày càng hiện đại hơn. Tại Việt Nam, việc dạy học trực tuyến trong thời gian dịch bệnh năm 2020 và đầu năm 2021 cho thấy, chất lượng chưa ngang bằng với dạy học trực tiếp, nhưng nó là giải pháp hữu hiệu khi HS không thể đến trường. Thực tế cho thấy dạy học trực tuyến có những bất cập, khó khăn.
Từ thực tế dạy HS học trực tuyến, thầy Trần Mạnh Tùng – giáo viên Toán trường THPT Lương Thế Vinh (Hà Nội) cho biết, một trong những trở ngại, khó khăn khi dạy học trực tuyến đó là sự tương tác giữa giáo viên và HS thua kém hơn rất nhiều so với dạy học trực tiếp. Thứ hai là sự không ổn định của ứng dụng và công nghệ, của đường truyền; trong khi đó kỹ năng xử lý kỹ thuật của giáo viên, HS còn hạn chế. Cộng với, đa phần giáo viên thiết kế giáo án theo hình thức dạy học trực tiếp.
Lãnh đạo các trường tiểu học cho biết, đối với các em HS tiểu học, hoạt động học trực tuyến trên điện thoại còn ảnh hưởng đến đôi mắt. Nhiều trường sử dụng phần mềm dạy học trực tuyến miễn phí, tính bảo mật không cao nên đã có tình trạng kẻ lạ xâm nhập vào… Những khó khăn, trở ngại đó đã khiến cho hoạt động dạy học trực tuyến trở nên nặng nề.
Trao đổi về vấn đề làm sao để đảm bảo an toàn khi dạy học trực tuyến, đảm bảo an toàn, theo quan điểm của thầy Hà Xuân Nhâm thì nó có nhiều yếu tố, không chỉ phần mềm mà còn là kỹ năng sử dụng phần mềm của đội ngũ cán bộ, giáo viên, nhân viên và HS. Khi mình sử dụng phần mềm nào để dạy học trực tuyến thì phải có kỹ năng sử dụng tốt hệ thống đó.
Do đó, trường THPT Phan Huy Chú đã sử dụng phần mềm bản quyền để có tính bảo mật tốt hơn. Theo ông Hà Xuân Nhâm, dạy học trực tuyến có nhiều điểm khác biệt so với dạy học trực tiếp, đòi hỏi các nhà trường tập huấn cho đội ngũ giáo viên, soạn bài giảng phù hợp, chứ không phải bên nguyên bài giảng trực tiếp lên dạy trực tuyến.Các giáo viên phải thấy được ưu điểm, hạn chế của từng kiểu dạy để soạn bài cho phù hợp.
Ví dụ, dạy học trực tuyến có lợi thế CNTT, giúp nhúng các tư liệu điện tử một cách dễ dàng, HS không nhất thiết phải học ngay thời điểm đó mà hôm sau có thể xem lại bài giảng đã được thầy cô ghi lại một cách dễ dàng.
Trước những trở ngại trong việc dạy học trực tuyến, Vụ trưởng Vụ Giáo dục trung học, Bộ GD&ĐT, Nguyễn Xuân Thành đã có phản hồi: Thực tế năm ngoái, còn mấy nghìn trường học điều kiện kinh tế khó khăn, internet chưa đáp ứng, Bộ GD&ĐT đã làm việc với Bộ TT&TT và chủ động hợp tác với nhà cung cấp dịch vụ. Năm nay, Bộ GD&ĐT vẫn tiếp tục có giải pháp và chính sách hỗ trợ các trường khó khăn về đường truyền internet, sự kết nối để đáp ứng được yêu cầu.
Theo ông Nguyễn Xuân Thành, việc sử dụng phần mềm dạy học trực tuyến phải đáp ứng được yêu cầu. Đặc biệt, các nhà trường, giáo viên, tăng cường giao cho HS nghiên cứu bài học sắp dạy trong sách giáo khoa, để dành thời gian vào mạng để trao đổi, như thế thời gian học trực tuyến sẽ ít hơn. “Ta hình dung vào học trực tuyến 45 phút – 1 tiếng, HS chỉ nghe cô giảng thì không hiệu quả. Nếu HS được giao nghiên cứu bài trước, khi vào học trực tuyến, thầy cô sẽ nói ít hơn, HS hỏi được nhiều hơn…”.
Để việc dạy học trực tuyến trở thành thường xuyên, các nhà trường mong muốn Bộ GD&ĐT sớm ban hành khung pháp lý rõ ràng, cụ thể, minh bạch về hệ thống phần mềm dạy học để đảm bảo an toàn thông tin cho người học; về những quy định liên quan đến dạy học trực tuyến như số tiết dạy/1 buổi học, thời gian dạy, cách đánh giá người học, sổ điểm, mức học phí để không còn những tranh cãi như thời gian qua.
Vụ trưởng Vụ Giáo dục Tiểu học, Bộ GD&ĐT Thái Văn Tài: Ứng dụng dạy học trực tuyến theo từng độ tuổi
Dạy học trực tuyến, là quá trình bổ trợ song song với dạy học trực tiếp. Tức là sẽ có những nội dung mang tính chất bổ trợ cho hoạt động dạy học trực tiếp. Việc này chúng ta thực hiện thường xuyên liên tục trong quá trình dạy học, thông qua phần mềm zalo, email, facebook, hay những ứng dụng trên điện thoại thông minh, máy tính để tương tác với HS hoàn thành một số nhiệm vụ, nhằm duy trì thói quen học tập và nâng cao chất lượng học tập.
Trong trường hợp vì điều kiện bất khả kháng nào đó mà không thể đến trường thì hình thức dạy học trực tuyến sẽ thay thế một số bài học của dạy học trực tiếp. Đối với từng độ tuổi người học, chúng ta ứng dụng ở mức độ dạy học trực tuyến phù hợp để đảm bảo được yếu tố an toàn và phù hợp với điều kiện thực tế ở địa phương.
Phó Hiệu trưởng phụ trách trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn GS.TS Hoàng Anh Tuấn: Sử dụng nền tảng chuyên nghiệp để đi xa và lâu dài
Tùy thuộc vào đặc thù ngành học, hệ đào tạo, chất lượng hạ tầng cơ sở, nhận thức của nhà quản lý và giảng viên… mức độ ứng dụng dạy – học trực tuyến ở mỗi đơn vị cũng khác nhau. Tại trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn – Đại học Quốc gia Hà Nội, mục tiêu tăng cường “công nghệ hóa” hoạt động dạy – học đã được đề ra từ cuối năm 2019. Bên cạnh sự sẵn sàng thúc đẩy hình thức dạy học trực tuyến của giảng viên, việc Bộ GD&ĐT cũng như Đại học Quốc gia Hà Nội ban hành văn bản để thể chế hóa hoạt động dạy học – trực tuyến, thời gian tới nhà trường sẽ tăng tỉ lệ các học phần được giảng dạy online.
Để dạy – học trực tuyến đạt chất lượng, trước hết là tư tưởng phải “thông”, “thông” từ nhà quản lý đến nhà giáo và sinh viên. Thứ đến là đơn vị đào tạo cần phải sử dụng một nền tảng dạy học trực tuyến chuyên nghiệp mới có thể đi xa và lâu dài. Tiếp theo là hệ chính sách đồng bộ, hợp lý, mang tính khích lệ giảng viên và sinh viên. Cùng với đó, trang thiết bị (phòng dạy học trực tuyến, mạng internet mạnh, máy tính tốt, camera, loa…) cũng góp phần vào việc quyết định chất lượng của hoạt động dạy – học trực tuyến…
Hiệu trưởng trường THCS Thái Thịnh (quận Đống Đa) Nguyễn Cao Cường: Ban giám hiệu nhà trường phải thực sự vào cuộc
Thực tế nhiều trường học còn lúng túng trong hoạt động dạy học trực tuyến có nhiều lý do. Một là họ chưa có sự tiếp cận đối với cái mới, do chưa chứng kiến, chưa đi vào cụ thể việc vận hành dạy học trực tuyến có đối tượng ra sao.
Theo kinh nghiệm của tôi, vai trò quan trọng ở đây là Ban giám hiệu phải thay đổi cách quản lý bằng quản trị nhà trường, vào cuộc cùng giáo viên, tham gia mọi khâu như đi tìm công cụ dạy học trực tuyến, chỗ nào khó thì có giải pháp.
Ban giám hiệu phải xác định được đối tượng HS của mình, tìm được phần mềm dạy học trực tuyến phù hợp đối với giáo viên và HS.
Về phía giáo viên, các trường nên thực hiện theo hai bước, bước 1 lựa chọn các phần mềm dạy học trực tuyến đơn giản, dễ thao tác như phần mềm zoom hiện giờ có bảo mật rất tốt, có phòng chờ để giáo viên xác định được HS mới cho vào phòng học.
Bước 2 là tập huấn kỹ thuật nâng cao hơn (chuẩn bị bài, lựa chọn và chắt lọc kiến thức dạy cho HS, phương pháp dạy tạo cho HS hứng thú, điểm danh HS, ôn lại bài cũ, kiểm tra bài mới, giao bài cho HS, chữa bài). Sau đó, nhà trường trao đổi với cha mẹ HS việc học trực tuyến; có khuyến cáo thiết bị phù hợp, thời gian học, phối hợp quản lý với nhà trường để giúp HS hiểu rõ học trực tuyến là nhiệm vụ có sự tự giác nhất định.
Bước 3, nhà trường là rút kinh nghiệm. Bước 4, sau mỗi tiết dạy, tuần dạy, các thầy cô và Ban giám hiệu phải có kênh phản hồi ngược từ HS, phụ huynh xem quá trình dạy đó có những vấn đề gì khó khăn thì có giải pháp ngay.
Sau khi giáo viên hiểu thế nào là giáo dục trực tuyến, nhà trường đi đến bước chuyên nghiệp hơn. Đó là sử dụng phần mềm dạy học trực tuyến ở mức độ cao hơn như trường THCS Thái Thịnh đang dùng, đó là Phần mềm Teams của Micrsoft Office 365 Online. Ở hệ thống phầm mềm này, có ứng dụng dạy bài, giao bài tập cho HS, HS chụp gửi bài đã làm, giáo viên chấm chữa.
Bước 5 là tổ chức tập huấn cho giáo viên để họ vào cuộc luôn. Khi các trường có lộ trình và bước đi trong giáo dục trực tuyến như thế, cho giáo viên, HS sẽ cảm thấy tự tin và coi hoạt động này hết sức bình thường như dạy học trực tiếp. Khi những trở ngại về công cụ, phương tiện đã qua, giáo viên sẽ điều chỉnh lại phương pháp giảng dạy, hình ảnh của mình xuất hiện trước màn hình trau chuốt, mô phạm sẽ gây dựng được hình ảnh của mình rất tốt trước mắt học sinh và phụ huynh.
Sinh viên ĐH Quốc gia Hà Nội, Bách Khoa HN có thể trở lại trường sau 15/3
Mặc dù dịch Covid-19 đã được khoanh vùng, kiểm soát chặt chẽ, bớt "nóng" hơn trước nhưng nhiều trường đại học ở Hà Nội vẫn e ngại chưa cho sinh viên trở lại trường học, vẫn tiếp tục học trực tuyến.
Ảnh minh họa
ĐH Quốc gia Hà Nội: Có thể cho sinh viên trở lại trường từ ngày 15/3
PGS.TS Đinh Văn Hường - Trưởng ban Chính trị và Công tác Học sinh Sinh viên, Thường trực Ban Chỉ đạo phòng, chống Covid-19 của ĐHQGHN cho biết, ĐHQGHN đóng trên địa bàn thành phố Hà Nội và rất gần với các địa phương có dịch diễn biến phức tạp là Hải Dươnưg. Nhiều sinh viên của ĐHQGHN đến từ các tỉnh, thành, địa phương có dịch và vùng lân cận, những nơi tiềm ẩn nguy cơ cao trong việc lây lan dịch bệnh.
Trong bối cảnh ấy, ĐHQGHN cân nhắc và thận trọng trong các quyết định cho sinh viên trở lại Trường. Thời gian qua, ĐHQGHN đã thực hiện nghiêm túc chỉ đạo của Chính phủ, Bộ Y tế, Bộ Giáo dục và Đào tạo và thành phố Hà Nội.
Với tình hình kiểm soát dịch bệnh cơ bản tốt như hiện nay, ĐHQGHN sẽ bám sát thưc tiễn với bối cảnh chung của Hà Nội, có thể sẽ cho sinh viên, học viên sau đại học trở lại học trực tiếp từ ngày 15/3/2021.
Ông Hường thông tin, trong đợt Covid - 19 bùng phát trở lại lần này, ĐHQGHN có 3 sinh viên là đối tượng F1, do lây lan từ bạn bè, gia đình, theo đó hàng trăm người trở thành đối tượng F2, F3, tuy nhiên với sự vào cuộc đồng bộ của ngành y tế và các đơn vị trong ĐHQGHN thì tính đến hiện tại không có trường hợp nào trở thành F0 và các F2, F3 trở lại trạng thái sức khỏe bình thường. Đây là một điều may mắn và hạnh phúc cho cán bộ, giảng viên và sinh viên ĐHQGHN.
Đến thời điểm này, gần 50 nghìn học sinh, sinh viên và hơn 4 nghìn cán bộ ĐHQGHN tiếp tục thực hiện nghiêm túc các chỉ đạo của Chính phủ và hướng dẫn của ngành y tế, thành phố Hà Nội, bảo đảm các hoạt động bình thường của ĐHQGHN trong điều kiện mới.
Trường ĐH Bách khoa Hà Nội: Sinh viên học online đến hết ngày 21/3
Với diễn biến tình hình dịch Covid-19, Hiệu trưởng trường ĐH Bách khoa Hà Nội đã yêu cầu tất cả cán bộ viên chức và các đơn vị toàn Trường tiếp tục thực hiện nghiêm các biện pháp phòng, chống dịch với các thông báo trước đây.
Theo đó, sinh viên K64 trở về trước tiếp tục học trực tuyến (online) đối với các lớp học phần lý thuyết/bài tập trên hệ thống MS Teams thêm 02 tuần, từ ngày 08/03/2021 đến hết ngày 21/03/2021;
Sinh viên K65 và các Khóa K64 về trước đăng ký học cùng K65 sẽ thi học kỳ từ ngày 08/03/2021 đến hết ngày 21/03/2021 theo hướng dẫn của Phòng Đào tạo.
Trường ĐH Bách khoa Hà Nội yêu cầu cán bộ viên chức và người học của Trường từ ngày 03/03/2021 quay về Hà Nội cần chủ động khai báo y tế, riêng đối với những người về từ 4 địa phương của Hải Dương gồm: TP Hải Dương, Kinh Môn, Kim Thành, Cẩm Giàng ngoài các biện pháp nêu trên, thực hiện tự cách ly y tế tại nhà trong thời gian 14 ngày kể từ ngày rời Hải Dương, trong trường hợp đã có kết quả xét nghiệm RT-PCR âm tính với SARS CoV-2 trong thời gian 3 ngày trước khi rời Hải Dương thì có thể trở lại học tập, làm việc.
Mách nước gỡ chuyện "mẹ khóc, con mếu" khi học trực tuyến mùa dịch COVID-19 Thực tế cho thấy, do lần đầu tiên được triển khai trên diện rộng nên cách học trực tuyến và truyền hình đã gặp nhiều khó khăn và bộc lộ những hạn chế như: Nền tảng công nghệ chưa đồng bộ, đường truyền còn chậm và yếu, song song với đó là trình độ công nghệ của giáo viên, phụ huynh, học sinh...