Dạy học trực tuyến: Một ‘liều kiến thức’ bao nhiêu là đủ?
Khi đã có máy tính và sóng – những trang thiết bị cần thiết để bắt đầu thực hiện việc dạy học trực tuyến – thì lúc này, sự thay đổi của phương thức dạy và học sẽ quyết định chất lượng dạy học.
Đây là nhận định của PGS.TS Chu Cẩm Thơ, Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam.
PGS Thơ cho rằng để việc dạy học trực tuyến có hiệu quả, học sinh phải có trách nhiệm hơn, tự chủ, tự học hơn, đồng thời sẵn sàng làm việc “cộng tác”.
Phương pháp của giáo viên hướng tới giúp học sinh trở thành người “đồng hành”, “trợ giảng” cho thầy cô, cho bạn bè và cho chính mình.
Giáo viên “gánh” trọng trách lớn
Bên cạnh đó, theo PGS.TS Chu Cẩm Thơ, giáo viên cũng cần phải chuyển mình để “không chỉ sử dụng công nghệ mà còn phải thay đổi cả cách thức tổ chức và cung cấp tài liệu”.
“Sự chuẩn bị của giáo viên cho dạy học trực tuyến không nên được xem nhẹ. Nó còn đòi hỏi sự nghiên cứu rất công phu để chuyển thể nội dung trực tuyến và đặc điểm người học – những thứ rất khó trong điều kiện thiếu vắng những giao tiếp trực tiếp” – PGS Thơ nhấn mạnh.
“Các nghiên cứu khoa học đều khuyến nghị rằng các nội dung dạy học trực tuyến cần được thiết kế theo định hướng chương trình hóa, mà tốt nhất là chương trình phân nhánh, có sự phân hóa tốt đối với khả năng tiếp thu của người học, cùng với nền tảng công nghệ phù hợp để tích hợp đa phương tiện”.
PGS Thơ cũng lưu ý về dung lượng nội dung trong một liều kiến thức.
“Không nên quá 15 phút tương tác trên máy đối với một liều và quá 90 phút cho một buổi học trực tuyến. Đối với nội dung dạy học trực tuyến, cần thiết có phần mềm chuyển hóa nội dung từ trực tiếp sang trực tuyến, để đảm bảo rằng không có tình trạng nội dung học trực tuyến giống nội dung học trực tiếp, giúp học sinh được tương tác nhiều hơn, hoạt động nhiều hơn” – PGS.TS Chu Cẩm Thơ cho hay.
Để giáo viên có thể thực hiện được những yêu cầu nói trên, TS Thơ khẳng định giáo viên cần phải được tập huấn về việc thiết kế nội dung, đồng thời tương thích với phần mềm dạy học; khai thác tài nguyên trên mạng internet hợp lý. Ngoài ra, cũng cần có phần mềm quản lý trước – trong – sau giờ học để đánh giá được quá trình học tập, giảng dạy, giúp người học tự chủ, tự học tốt hơn.
“Chỉ khi có sự chuẩn bị tốt, nội dung, phương pháp dạy học đạt được những yêu cầu thì dạy học trực tuyến mới đảm bảo chất lượng, hiệu quả học tập; đồng thời đó là điều kiện để xác thực, chính thức hóa việc học tập này” – PGS.TS Chu Cẩm Thơ nói.
Video đang HOT
TS Quách Tuấn Ngọc, nguyên Cục trưởng Công nghệ Thông tin (Bộ GD-ĐT), cũng cho rằng khi yếu tố về cơ sở hạ tầng thiết bị và kết nối Internet đã được đảm bảo, điều còn lại phụ thuộc vào đội ngũ giáo viên, nội dung giảng dạy và nền tảng sử dụng để xây dựng bài giảng.
Trong các yếu tố này, theo TS Ngọc, điều quan trọng nhất để đảm bảo hiệu quả của việc dạy và học trực tuyến nằm ở giáo viên.
“Năm ngoái, khi dịch Covid-19 ập đến và phải triển khai dạy học trực tuyến, toàn bộ hệ thống còn lúng túng vì không có gì trong tay. Tuy nhiên, sau thời gian một năm vừa làm, vừa rút kinh nghiệm, giáo viên đã có sự thay đổi nhận thức, chuẩn bị bài giảng kỹ càng hơn”.
Theo ông Ngọc, khi dạy học trực tuyến, nhiều giáo viên mới tiếp cận công nghệ thường phấn khởi, mải mê “trình diễn công nghệ” mà quên đi mục tiêu tối thượng của việc dạy học là làm thế nào để người học tiếp thu bài hiệu quả. Do đó, bên cạnh việc học về công nghệ, giáo viên cũng cần phải rút kinh nghiệm về cách xây dựng nội dung bài giảng.
“Bài dạy không nên kéo dài quá 40 phút. Muốn vậy, giáo viên cần phải xây dựng giáo án kỹ càng, tránh lan man, bê nguyên si nội dung bài giảng trực tiếp vào trực tuyến”. Ngoài ra, cũng cần phải chọn lọc nội dung cần giảng và cần hỏi trong quá trình học trực tuyến. Một số vấn đề học sinh có thể tự nghiên cứu, giáo viên có thể gợi mở và giao lại cho học sinh suy nghĩ sau giờ học.
Giáo viên có thể tương tác với học sinh qua nhóm lớp để trả lời thắc mắc, kiểm tra bài thông qua các câu hỏi trực tiếp hay trắc nghiệm. Giáo viên cũng nên tham gia các nhóm, diễn đàn trên mạng (Facebook, Youtube,…) để chia sẻ, học hỏi kinh nghiệm với các giáo viên khác.
Với cách làm trên, theo TS Ngọc, việc dạy học trực tuyến sẽ ngày càng có chất lượng, trở nên bình thường, đáp ứng nhu cầu dạy và học trong điều kiện đại dịch bùng phát, kéo dài.
Vai trò của những người “đứng sau”
Để cùng giáo viên làm nên hiệu quả của việc giảng dạy trực tuyến còn có vai trò của các nhà quản lý.
PGS.TS Nguyễn Chí Thành – Chủ nhiệm Khoa Sư phạm, ĐH Quốc gia Hà Nội các nhà quản lý giáo dục cần chủ động xây dựng và triển khai thực hiện kế hoạch năm học linh hoạt, tạo điều kiện thuận lợi cho giáo viên, học sinh, vừa bảo đảm sức khoẻ, vừa hoàn thành chương trình giáo dục theo kế hoạch và bảo đảm chất lượng giáo dục.
“Họ cần xác định các yêu cầu, nội dung cốt lõi, căn bản trong chương trình dạy học, làm cơ sở để chủ động triển khai kế hoạch dạy học linh hoạt, phù hợp với tình hình dịch tại địa phương, nhất là ở những địa bàn dịch Covid-19 diễn biến phức tạp.
Tiếp tục rà soát, hoàn thiện phương thức dạy học trực tuyến và đào tạo từ xa; phát triển nguồn học liệu điện tử, nâng cao năng lực đội ngũ giáo viên, đáp ứng yêu cầu của phương thức này” – PGS Thành nói.
Lãnh đạo nhà trường cũng phải có trách nhiệm hướng dẫn các gia đình trong việc phối hợp với nhà trường chăm sóc, giáo dục trẻ em, học sinh, sinh viên bảo đảm an toàn, hiệu quả trong thời gian học trực tuyến.
“Hệ thống đề thi, bài kiểm tra, ngân hàng câu hỏi phục vụ tổ chức thi, kiểm tra đánh giá theo hình thức trực tuyến phải được xây dựng một cách phù hợp.
Ngoài ra, khi dạy học trực tuyến, giáo viên cần có thời gian trả lời, giải đáp câu hỏi liên quan tới bài học với cá nhân mỗi học sinh ở nhiều thời điểm khác nhau ngay cả khi kết thúc bài giảng, vì vậy cần phải có chính sách phù hợp đối với giáo viên” – PGS Thành lưu ý.
Dạy trực tuyến lớp 1: Viết chữ có thể chậm hơn, không nên cứng nhắc lịch học
Chuyên gia cho rằng, việc viết chữ có thể chậm hơn, các trường không nhất thiết áp dụng thời khóa biểu học trực tiếp vào học trực tuyến cứng nhắc.
Trước những ý kiến tranh cãi việc có nên tổ chức dạy học trực tuyến cho học sinh lớp 1 hay không, PGS.TS Chu Cẩm Thơ, Trưởng Ban Nghiên cứu đánh giá giáo dục, Viện Khoa học giáo dục Việt Nam cho rằng, học sinh lớp 1 có thể học trực tuyến theo cách phù hợp. Tuy nhiên, để triển khai được phải có điều kiện cần và đủ như: đường truyền, thiết bị dạy học, bài học hấp dẫn và tạo điều kiện để các em tương tác dựa trên cơ sở vật chất hiện có.
Trong quá trình dạy học, các trường không thể bê nguyên chương trình trực tiếp ở lớp vào dạy trực tuyến, mà cần tiết chế thời gian, thời lượng, nội dung cho đảm bảo hơn. Không nên để học sinh lớp 1 tương tác liên tục hai giờ đồng hồ trên máy tính hoặc điện thoại.
Khi học trực tuyến, tốt nhất nên sử dụng màn hình lớn như máy tính và xen kẽ các hoạt động vận động để tránh ảnh hưởng đến mắt và cột sống của trẻ.
PGS.TS Chu Cẩm Thơ, Viện Khoa học giáo dục Việt Nam.
Các trường nên ưu tiên dạy hoạt động trải nghiệm, kỹ năng, nề nếp. Đối với môn Toán, Tiếng Việt cũng vậy, có thể giúp các em tương tác qua các trò chơi học tập, thực hành với dụng cụ, đồ dùng có sẵn trong gia đình. Tập đọc, rèn kỹ năng nghe, nói là hoàn toàn có thể làm được trong môi trường trực tuyến với sự giúp đỡ của người thân.
Khi đi học trực tiếp, chúng ta có thể tập trung rèn kỹ năng viết cho các em. Việc viết chữ có thể chậm hơn, thầy cô có thể điều chỉnh, các nhà trường không nhất thiết áp dụng thời khóa biểu học trực tiếp vào học trực tuyến một cách cứng nhắc.
PGS Thơ khuyến cáo giáo viên, khi chuyển đổi bài dạy từ trực tiếp sang trực tuyến cần dựa trên ý tưởng sư phạm và công cụ trực tuyến phù hợp. Không tổ chức các hoạt động đòi hỏi học sinh chú tâm, tư duy quá 10 phút khi dạy trực tuyến.
Trong một tiết dạy, giáo viên nên tổ chức tối thiểu 3- 4 hoạt động để học sinh tương tác. Đồng thời, cần khai thác việc tự học của học sinh bằng cách giao các nhiệm vụ: trước và sau giờ học hiệu quả, tránh chỉ tập trung cho giờ học.
Ở độ tuổi lớp 1, các em bắt đầu làm quen với việc học, mục tiêu quan trọng nhất là hình thành nề nếp, thái độ và kỹ năng cơ bản để tự chủ, tự quản, tự chăm sóc bản thân. Trên thực tế, điều kiện học trực tuyến ở các cấp độ gia đình, nhà trường, hệ thống... còn nhiều bất cập, gây ra không ít khó khăn cho đảm bảo chất lượng.
Tuy chúng ta chưa có sự chuẩn bị tốt nhất cho việc dạy học trực tuyến nhưng trong hoàn cảnh hiện nay, vẫn cần nỗ lực để các em có thể duy trì việc học tập. Điều đó phần nào sẽ đáp ứng nhu cầu của các em bằng cách điều chỉnh nội dung, phương pháp, các yêu cầu cần đạt.
Ở trẻ em, nhiều thói quen sẽ dần mất đi nếu bị "bỏ quên" trong khoảng 3 tháng, có nghĩa rằng các nề nếp, kỹ năng liên quan đến việc học khó được duy trì nếu học sinh không rèn luyện thường xuyên. Do đó, việc học trực tuyến trong bối cảnh dịch kéo dài như hiện nay giúp giảm một số nguy cơ gây ra trạng thái tâm lý tiêu cực, đáp ứng nhu cầu giao tiếp, hoạt động.
Với phụ huynh, chúng ta cần xác định "có nhiều sự cố, nhiều điều bất bình thường" khi con học trực tuyến tại nhà. Nhà là lớp học, nên chúng ta có thêm vai trò "trợ giảng"cho các giáo viên. Chăm lo dinh dưỡng, thể chất và cả lối tư duy tích cực rằng: học sẽ là cách thức giúp các con và chúng ta thích nghi với bối cảnh dịch bệnh này. Quan tâm đến việc học của con, học cùng con cũng sẽ giúp chúng ta sống tích cực hơn.
Các gia đình nên chú ý nâng cao trang bị thiết bị, đường truyền và học cùng con. Hãy tổ chức hoạt động sau giờ học cùng với người thân, đưa việc học diễn ra ngay trong chính đời sống gia đình. Như vậy sẽ làm cho việc học gần gũi, dễ triển khai và hạn chế được những bất cập của học trực tuyến đối với trẻ nhỏ.
Không dạy trực tuyến khi chưa đảm bảo
Học sinh học trực tuyến.
Trước khi bước vào năm học mới, dù Bộ GD&ĐT cho phép các địa phương tổ chức dạy học trực tuyến đối với lớp 1, tuy nhiên nhiều nơi chưa vội áp dụng hình thức này với lý do cơ sở vật chất chưa đáp ứng yêu cầu, khó đảm bảo chất lượng dạy và học.
Đại diện Sở GD&ĐT Cần Thơ nêu 3 lý do khi không tổ chức dạy học trực tuyến lớp 1. Thứ nhất, nếu học trực tuyến, yêu cầu cần đạt với học sinh lớp 1, dù chỉ ở mức độ căn bản nhất đọc thông, viết thạo, biết tính toán, sẽ không được như mong đợi, khó đảm bảo chất lượng theo chương trình giáo dục phổ thông mới. Học sinh lớp 1 chưa có kỹ năng cần thiết để học trực tuyến và làm chủ phương tiện công nghệ thông tin. Mặt khác, trẻ nhỏ tiếp cận phương tiện công nghệ thông tin sớm sẽ ảnh hưởng đến sức khỏe tâm sinh lý.
Thứ hai, phụ huynh và giáo viên chưa có mối liên hệ, trao đổi, hợp tác cùng dạy học cho trẻ lớp 1 tại nhà. Do đó phụ huynh không có đủ kiến thức, kỹ năng sư phạm để dạy con học. Nhiều gia đình còn khó khăn trong việc mưu sinh mùa dịch (đặc biệt là vùng nông thôn), chưa thể mua sắm thiết bị cho con học trực tuyến.
Thứ ba, điều kiện nền tảng công nghệ thông tin tại hầu hết các cơ sở giáo dục tiểu học trên địa bàn chưa đáp ứng được yêu cầu dạy học online. Nhiều giáo viên tiểu học chưa được chuẩn bị tốt về kỹ năng dạy học trực tuyến.
Tương tự, ông Nguyễn Tân, Giám đốc Sở GD&ĐT Thừa Thiên - Huế cho biết, địa phương quyết định không xây dựng kế hoạch dạy trực tuyến với lớp 1. Lý do, các em chưa biết chữ nên việc học trực tuyến rất khó khăn và không đảm bảo chất lượng. Nếu dịch bệnh còn diễn biến kéo dài, tỉnh sẽ dạy qua truyền hình nhằm thuận lợi, công bằng cho cả học sinh, phụ huynh và nhà trường.
TPBank trao 10 tỷ đồng ủng hộ chương trình 'Sóng và máy tính cho em' Ngày 12/9, Ngân hàng TMCP Tiên Phong (TPBank) quyết định ủng hộ 10 tỷ đồng cho "Sóng và máy tính cho em" - chương trình hỗ trợ thiết bị học trực tuyến cho HS có hoàn cảnh khó khăn trên cả nước. Trong những ngày đầu của năm học mới 2021-2022, hàng triệu HSSV ở nhiều địa phương trên cả nước đang thực...