Dạy học trực tuyến: Áp lực “trăm dâu đổ đầu tằm”!
Giáo viên đã “xoay như chong chóng” cho những bài dạy online lại còn phải chịu vô số áp lực trước cảnh “trăm dâu đổ đầu tằm”.
Thương thay…
Việc dạy học trực tuyến trên các nền tảng công nghệ đang được triển khai ở các cấp học ở nhiều địa phương. Suốt mấy tuần qua, thầy và trò nơi nơi mải miết tập tành sử dụng phần mềm kết nối và thực hành những bài học đầu tiên.
Do không có thiết bị quay phim chuyên dụng nên cô giáo dùng điện thoại để làm video dạy học (Ảnh: Bảo Kỳ).
Sau những trục trặc ban đầu về lỗi kết nối cùng những lao xao cảm xúc trong lần đầu tiên sử dụng Zoom, Google Meet để dạy online, những giờ học kết nối giữa thầy và trò đã dần đi vào khuôn nếp. Nụ cười đã bừng nở trên gương mặt nhà giáo sau những nỗ lực cho bài giảng “êm” và “mượt”.
Dẫu vậy, lòng chúng tôi cũng ít nhiều sóng sánh muộn phiền bởi áp lực “làm dâu trăm họ” trong những giờ học trực tuyến. Hãy thử tưởng tượng bạn đang ngồi trước màn hình kết nối với khoảng bốn chục tài khoản, với hàng trăm đôi mắt, đôi tai quan sát, lắng nghe từng lời giảng của bạn qua lớp học ảo.
Ở đó không chỉ có học sinh đang chăm chú nghe giảng mà còn vô số thành viên trong gia đình các em với nhiều lứa tuổi khác nhau. Rồi Ban giám hiệu dự giờ online, nhắc nhở và góp ý liên tục sau giờ dạy. Dư luận từ các trang mạng xã hội cũng mon men đánh tiếng khen chê khiến những giờ dạy của thầy – trò vượt ra khỏi khuôn khổ ban đầu. Rồi những kẻ “phá rối” tinh vi len lỏi vào kiểm soát quyền điều hành…
Giáo viên không phải ai cũng đều rành công nghệ để xử lý những tình huống bất ngờ trong quá trình online. Thế nên không ít lần trò bị “out”, “đá” ra khỏi lớp rồi mon men vào lại. Lỗi phần mềm rồi những trục trặc do trò quên tắt míc hay thầy chưa trình chiếu bài giảng cứ thế khiến bài học liên tuc đứt quãng. Cảm xúc cho bài dạy cứ hao hụt dần sau mỗi lúc trò vào lớp trễ lại lao xao “Cô ơi…”, “Thầy ơi…”.
Video đang HOT
Thế rồi không ít lần những bình luận kém duyên của phụ huynh tình cờ lọt vào lớp học: “Cô giáo mù công nghệ à?”, “Thầy nói giọng dở ghê!”… Đó là còn chưa kể tiếng nói chuyện, tranh cãi của phụ huynh cứ dội oang oang vào lớp khiến thầy trò không thể tập trung.
Ngôn ngữ, phong cách giảng dạy của người thầy không chỉ hướng về phía đối tượng học sinh mà còn phải chỉn chu hơn trong lời nói, ngữ điệu. Bởi giáo viên đang giảng bài cho cả gia đình học sinh cùng nghe. Thỉnh thoảng muốn pha trò đôi ba câu cho không khí buổi học bớt căng thẳng hay lân la chuyện trò, thăm hỏi tình hình học sinh cũng chẳng thể thực hiện bởi nếu không khéo léo sẽ bị đánh giá “toàn nói chuyện tầm phào”!
Cái khó đối với người thầy chúng tôi hiện tại là hoàn toàn bị động trong hành trình dạy học online còn dài phía trước. Thú thật, chúng tôi chưa hề được chuẩn bị kỹ càng cho việc chuyển đổi từ lớp học truyền thống sang lớp học ảo.
Mọi thứ đều manh nha bắt đầu trong hoang mang và áp lực. Các phần mềm miễn phí trên mạng được tận dụng, ngoài 1 buổi trường tập huấn thì chủ yếu mày mò qua các clip hướng dẫn. Chương trình dạy trực tuyến kéo dài bao lâu, giảm tải thế nào, kỹ năng kết nối với học sinh và phụ huynh… đều còn bỏ ngỏ.
Mãi đến ngày 13-9, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT vừa ban hành công điện số 905 chỉ đạo một số nội dung dạy học ứng phó dịch Covid-19. Và việc tập huấn kỹ năng sử dụng các phần mềm để dạy học trực tuyến được Bộ lên kế hoạch thực hiện từ ngày 21-9 như một giải pháp “gỡ rối” cho giáo viên trong quá trình lên lớp ảo.
Trong khi đó, việc dạy học trực tuyến ở các tỉnh thành đã tiến hành từ ngày 6-9. Giáo viên đã “xoay như chong chóng” cho những bài dạy online lại còn phải chịu vô số áp lực trước cảnh “trăm dâu đổ đầu tằm”. Thương thay…
Nở rộ học thêm trực tuyến
Học thêm trực tuyến không còn xa lạ với nhiều học sinh bởi trong bối cảnh dịch bệnh, thầy cô, trung tâm đã chuyển sang hình thức này cho phù hợp thực tế.
Giáo viên đóng vai trò quan trọng tạo nên thành công cho dạy học trực tuyến. Ảnh minh họa
Tuy nhiên, làm sao để học thêm trực tuyến hiệu quả, tìm được giáo viên tốt đòi hỏi các bậc phụ huynh tìm hiểu và lựa chọn phù hợp.
Có còn hơn không?
Vào năm học mới gần như ngày nào chị Hà Thị Thoa có con học lớp 5 Trường Tiểu học Thịnh Liệt (Hoàng Mai - Hà Nội) cũng nhận được điện thoại, tin nhắn giới thiệu, quảng bá các khóa học online với đủ môn học: Tiếng Anh, Toán, Văn... Thậm chí, trung tâm còn tổ chức lớp học trải nghiệm STEM, vẽ, lập trình trực tuyến với nội dung phong phú. Dù muốn cho con học, song gia đình lại phân vân về hiệu quả, chất lượng của dạy học thêm trực tuyến.
Trên mạng xã hội, các nhóm hội làm cha mẹ... những quảng cáo về học trực tuyến của các trung tâm hoặc cá nhân cũng cung cấp thông tin đầy đủ về các khóa học. Thời gian học từ 1 - 3 tháng với mức học phí từ 1,5 - 6 triệu đồng tùy theo tiêu chuẩn giáo viên và sĩ số học sinh/lớp; Khi phụ huynh đăng ký và nộp phí, trung tâm sẽ cấp tài khoản và mật khẩu để các em vào lớp. Để thu hút người học, giáo viên, trung tâm thường miễn phí buổi học đầu tiên để học sinh và gia đình yên tâm và làm quen.
Anh Nguyễn Trung Kiên (Đống Đa - Hà Nội) bày tỏ: Trong bối cảnh dịch kéo dài, học thêm trực tuyến dù không đạt hiệu quả như trực tiếp nhưng "kéo" trẻ vào hoạt đông học tập mỗi ngày 1 - 2 giờ còn tốt hơn để chơi với máy tính, điện thoại. Do đó, anh đã tìm hiểu và đăng ký cho con học lớp Tiếng Anh giao tiếp trực tuyến 3 buổi/tuần với một trung tâm ngoại ngữ.
"Sau buổi học thử miễn phí, nếu không ưng ý trung tâm sẽ giới thiệu giáo viên khác để gia đình lựa chọn. Nhưng khi đã học thử, hầu hết bố mẹ đều đăng ký ít nhất 1 khóa ngắn hạn. Chất lượng chỉ là điều kỳ vọng chứ không nói chắc bởi thực tế giáo viên dạy học ra sao? Bằng cấp tới đâu, kinh nghiệm giảng dạy bao lâu thì trung tâm có giới thiệu nhưng cha mẹ không thể khẳng định đã đúng hay chưa..." - anh Kiên trao đổi.
Chị Lê Thúy Quỳnh (Thanh Xuân - Hà Nội) lại không đặt niềm tin vào các lớp học thêm trực tuyến bởi dịp hè vừa qua đăng ký cho con học lớp Tiếng Anh có hỗ trợ thêm Tin học miễn phí (theo trung tâm quảng bá). Song tìm hiểu kĩ thì khoản học phí đó đã bao hàm cả môn Tin học. Đáng nói "sau thời gian học, con phản ánh thầy cô dạy không hay như ở trường, nhiều buổi học chỉ giao bài làm luôn tại lớp mà không tương tác, giao tiếp với học sinh...".
Để học trực tuyến hiệu quả, cha mẹ học sinh cần lựa chọn phù hợp về môn học, nội dung, thời lượng... Ảnh minh họa
Cẩn trọng với học thêm trực tuyến
Cô Nguyễn Thị Thủy - Hiệu trưởng Trường Tiểu học Phong Khê (thành phố Bắc Ninh, Bắc Ninh) - cho rằng, kết quả học trực tuyến nói chung, học thêm trực tuyến nói riêng phụ thuộc không nhỏ vào tinh thần tự giác của trẻ. Nếu bị bố mẹ "ép" học thêm trực tuyến quá đà, trẻ dễ nảy sinh cảm giác chán nản, áp lực. Một số trường hợp còn lợi dụng thời gian học thêm trực tuyến để chơi game, truy cập trang web độc hại, tán gẫu qua mạng...
Đặc biệt, cô Lê Thị Kim Ngọc - giáo viên Trường Tiểu học An Hòa (Cầu Giấy, Hà Nội) - cảnh báo: Những khóa, lớp học thêm online được tổ chức, chào mời nhiều nhưng lại không ít trung tâm thiếu bề dày kinh nghiệm đào tạo, đường truyền lớp học không bảo đảm, nhiều người không đủ tiêu chuẩn giảng dạy, nội dung, chất lượng bài giảng chưa đạt yêu cầu...
Theo cô Ngọc, bố mẹ cần xác định rõ mục tiêu học tập của trẻ khi tham gia học thêm trực tuyến là gì? Những thầy cô dạy có đủ bằng cấp, năng lực sư phạm không? Đường truyền tốc độ cho lớp học trực tuyến ra sao?... Trên cơ sở đó hãy lựa chọn lớp học, thầy cô dạy thêm trực tuyến phù hợp. Nếu chỉ "ép" cho trẻ học để "có hơn không", tránh thời gian rảnh rỗi thì việc học sẽ thiếu sự chủ động, không phù hợp với mong muốn, yêu cầu của trẻ. Thậm chí "tiền mất, tật mang" với học thêm trực tuyến.
Trước sự nở rộ của dạy học thêm trực tuyến, TS Nghiêm Xuân Huy - Viện trưởng Viện Đảm bảo chất lượng giáo dục (Đại học Quốc gia Hà Nội) - lưu ý cha mẹ cần cân nhắc kỹ lưỡng trước khi quyết định để đăng ký cho con học thêm trực tuyến.
Bởi các trung tâm chủ yếu quảng cáo online, đăng ký và nộp phí học tập online, cha mẹ không biết trụ sở trung tâm ở đâu; giáo viên có đủ tiêu chuẩn, bảo đảm chất lượng không? Mặt khác, cần tìm hiểu kỹ nội dung chương trình, thời gian, cách thức... giảng dạy trực tuyến. Đặc biệt phải dựa vào năng lực, sở trường của con để lựa chọn khóa học, môn học, thời gian học phù hợp...
TS Nghiêm Xuân Huy khẳng định: Quan trọng nhất của dạy học trực tiếp hay trực tuyến là yếu tố giáo viên sau đó hạ tầng cơ sở. Như vậy, với hoạt động dạy thêm trực tuyến (dù đã có sự thỏa thuận, đồng ý của cha mẹ), các trung tâm tổ chức, thầy cô dạy thêm phải chuẩn hóa các điều kiện giảng dạy.
Cụ thể, với các trung tâm tổ chức dạy thêm thay vì đến giờ học mở phần mềm Zoom, Teams để giáo viên giảng dạy nhưng không kiểm soát người học (có theo dõi tập trung không? Làm gì?) cần hướng tới mô hình dạy học trực tuyến như: Đưa video bài giảng, bài tập, giao nhiệm vụ học tập cho người học lên hệ thống LMS (video bài giảng đã được biên tập, chỉnh sửa chuẩn; Nhiệm vụ học tập không nhất thiết phải dính tới máy tính).
Như vậy, trẻ có thể học cùng với bố mẹ, học vào thời điểm phù hợp. Học thêm trực tuyến không nhất định phải bắt buộc các em ngồi triền miên với màn hình máy tính, điện thoại, cần giảm thời gian online để tránh hỏng mắt và ảnh hưởng sức khỏe...
Đối với giáo viên tham gia dạy học trực tuyến nói chung có thể giỏi về chuyên môn nhưng chưa chắc đã dạy online hiệu quả. Như vậy, đòi hỏi thầy cô giáo phải nâng cao kĩ năng dạy học trực tuyến. Làm sao phải duy trì được sự chú ý của người học, tạo động lực và khuyến khích việc học diễn ra chủ động thông qua phương pháp khác nhau (tăng cường trò chơi mà học; chấm điểm bằng sao, có phần thưởng...).
Nhà trường, thầy cô cần phân biệt giữa việc dạy học trực tuyến và trực tuyến hóa dạy học trực tiếp. Điều này sẽ quyết định tới ý thức, sự thay đổi, sáng tạo, đổi mới phương pháp dạy học của giáo viên để tạo ra giờ dạy học trực tuyến chất lượng, hiệu quả... - TS Nghiêm Xuân Huy
Thêm giải pháp dạy học trực tuyến miễn phí Ngày 28/9, Tập đoàn Giáo dục EQuest công bố MegaSchool - giải pháp dạy và học trực tuyến tổng thể trên một nền tảng duy nhất - cung cấp miễn phí cho mọi trường phổ thông công lập cả nước trong năm học 2021-2022. MegaSchool là sản phẩm mới nhất của Khối công nghệ giáo dục (EdTech) thuộc EQuest, đã được triển khai...