Dạy học chương trình mới: “Trò lên thuyền và tự bơi vào bờ”
Thầy cô giờ chỉ giữ vai trò định hướng và gợi mở vấn đề. Học sinh sẽ là người tìm tòi và giải đáp vấn đề đó. Cách dạy học này hoàn toàn mới mẻ với mọi giáo viên.
Năm học 2021-2022, giáo viên (GV) cả nước bước vào dạy học Sách giáo khoa lớp 6 mới. Thời điểm này, cả thầy và trò đã bắt đầu quen dần với cách học. Rất nhiều giáo viên tỏ ra thích thú với lối dạy học mới mẻ này. Cả cô và trò đều vui vẻ, hạnh phúc chứ không áp lực như lúc trước.
Tôi còn nhớ, gần cuối năm học trước, nhiều GV hồi hộp vô cùng khi tới đây lớp 6 sẽ học chương trình giáo dục phổ thông 2018. Không ít thầy cô tỏ ra lo lắng thấy rõ. Bao năm nay, GV đã quen với cách dạy truyền thống. Thầy cô là người truyền đạt kiến thức cho trò. GV sẽ diễn giải mọi kiến thức cho học sinh rồi các em sẽ lắng nghe, ghi chép và học thuộc những kiến thức đó trong đầu. Đây là phương pháp từng mang lại rất nhiều hiệu quả tích cực trong quá trình kiểm tra, thi cử.
Vậy mà giờ đây phải thay đổi hoàn toàn cách dạy học mới. Thầy cô giờ chỉ giữ vai trò định hướng và gợi mở vấn đề. Học sinh sẽ là người tìm tòi và giải đáp vấn đề đó. Cách dạy học này hoàn toàn mới mẻ với mọi GV. Chưa kể các ngữ liệu trong SGK cũng hoàn toàn mới. Chính vì thế mà nhiều trường gần như phải chỉ định thầy cô mới nhận lời rồi tham gia tập huấn.
Chương trình mới đã phát huy được năng lực, phẩm chất của học sinh. (Ảnh: Đức Anh)
Vậy mà sau những chệch choạc ban đầu. Thầy trò bắt đầu quen với nhịp học. Mặc dù thời điểm này vẫn đang dạy học trực tuyến. Thế nhưng phần lớn thầy cô đều tỏ ra thích thú với cách dạy học mới mẻ này. Ai cũng nhận thấy lớp học sôi nổi và hào hứng thấy rõ. Các em được thảo luận rồi trình bày ý hiểu của mình. Có thể nói chương trình mới đã phát huy được năng lực, phẩm chất của học sinh thấy rõ.
Video đang HOT
Cô Đào Thị Thanh Thảo, GV Ngữ văn của huyện Châu Thành (Tây Ninh) tâm sự: “Lúc đầu nhận lớp, cô cảm thấy áp lực vô cùng. Đọc SGK cô từng lo lắng đến mất ăn, mất ngủ. Chẳng biết rồi mình có làm tốt vai trò dạy học không? Rồi còn kết quả của học sinh nữa chứ? Rất may, chỉ hơn 1 tuần là cô đã quen với cách dạy mới. Giờ cô thấy mình thoải mái và vui vẻ hẳn trong những tiết dạy. Riêng trò, cô nhận thấy các em rất tích cực phát biểu xây dựng bài. Nhiều em tỏ ra hào hứng thấy rõ trong quá trình học tập”.
Cô Vũ Thị Thuận, GV huyện Tân Châu (Tây Ninh) thì trải lòng: Chưa bao giờ cô nghĩ đến tình huống cô trò thoải mái, vui vẻ trong dạy và học như bây giờ. Lúc mới tập huấn đổi mới, cô cứ lo lắng liệu áp dụng chương trình này vào trường mình có hợp chăng. Nhưng rồi dạy thực tế mới thấy nhiều ưu điểm của nó. Cả cô trò đều vui vẻ, thoải mái trong mỗi bài giảng. Chương trình mới đã phát huy được tính tích cực, chủ động của học sinh rõ ràng.
Bản thân là một tổ trưởng chuyên môn, tôi cũng từng lo lắng vô cùng vì không biết dạy học kiểu mới này thì kết quả môn Ngữ văn của mình sẽ ra sao. Liệu các có đạt được kết quả như trước không.
Trước đây, chúng tôi phải hò hét khản cổ trò mới chịu học bài. Giờ mà “buông” thì các em sẽ thế nào đây. Vậy mà, thật may mắn và tôi đi dự giờ và hỏi thăm 1 số học sinh lớp 6 thì đa số các em đều tỏ ra vui vẻ và hứng thú vô cùng với phương pháp dạy học mới mẻ này. Tôi thật sự mừng vui.
Giờ thì tôi đã nhận thấy ưu điểm vượt trội của chương trình SGK mới. Có thể ví dạy học theo cách cũ, thầy cô là người đưa trò lên thuyền rồi đẩy chúng vào bờ. Còn dạy theo chương trình mới, thầy cô đưa trò lên thuyền và để các em tìm cách tự bơi vào bờ.
Hy vọng rằng cách dạy và học mới mẻ này sẽ giúp cả cô và trò đều được hạnh phúc. Thầy vui vẻ, trò sẽ hạnh phúc. Mong sao mỗi ngày đến trường của các em là mỗi ngày vui.
Chọn sách giáo khoa lớp 2, lớp 6 - Vì quyền lợi của học sinh
Năm học 2021-2022 là năm học đầu tiên học sinh lớp 2, lớp 6 trên cả nước học sách giáo khoa mới theo Chương trình giáo dục phổ thông mới.
Cùng với nhiều địa phương, thành phố Hà Nội đã hoàn thành việc chọn sách giáo khoa mới theo đúng quy trình, bảo đảm minh bạch, hướng đến học sinh và vì quyền lợi của học sinh.
Giáo viên Trường Tiểu học Tân Lập (huyện Đan Phượng) thảo luận về phương pháp giảng dạy theo sách giáo khoa mới lớp 2 năm học 2021-2022. Ảnh: Đỗ Tâm
Công tâm, minh bạch
Để triển khai Chương trình giáo dục phổ thông mới (năm 2018) đối với lớp 2, lớp 6 từ năm học 2021-2022 theo Nghị quyết số 88/QH13 ngày 28-11-2014 của Quốc hội về đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông, dù có giai đoạn gặp khó khăn do ảnh hưởng của dịch Covid-19, song thành phố Hà Nội đã nỗ lực triển khai công tác chuẩn bị đúng tiến độ, bảo đảm điều kiện dạy, học tốt nhất.
Ngày 20-4, UBND thành phố Hà Nội đã phê duyệt danh mục gồm 19 cuốn sách giáo khoa lớp 2 và 28 cuốn sách giáo khoa lớp 6 để sử dụng trong các nhà trường. Danh mục này cũng được chuyển tới các nhà xuất bản có sách giáo khoa được lựa chọn để các đơn vị chuẩn bị đủ, đúng số lượng sách giáo khoa cần cung ứng.
Phó Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo quận Nam Từ Liêm Nguyễn Thanh Thủy cho biết, tất cả các trường trên địa bàn đã tổ chức cho giáo viên chọn sách giáo khoa mới theo Thông tư số 25/2020/TT-BGDĐT của Bộ Giáo dục và Đào tạo quy định việc lựa chọn sách giáo khoa trong cơ sở giáo dục phổ thông, bảo đảm công tâm, chất lượng; giáo viên chọn sách theo hình thức bỏ phiếu kín. Rút kinh nghiệm từ việc chọn sách lớp 1 năm trước, trong quá trình chọn sách lớp 2, mỗi giáo viên đều cho ý kiến về những thuận lợi, khó khăn khi thực hiện.
Còn theo Hiệu trưởng Trường Trung học cơ sở Quảng An (quận Tây Hồ) Nguyễn Thị Kim Xuân, nhà trường xác định việc chọn sách giáo khoa là khâu rất quan trọng để bảo đảm chất lượng giáo dục. 100% giáo viên đều có trách nhiệm đánh giá từng cuốn sách giáo khoa để chọn ra cuốn phù hợp nhất với thực tế năng lực của học sinh và cơ sở vật chất, thiết bị dạy học.
Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội Phạm Xuân Tiến đánh giá, các nhà trường ý thức rõ việc chọn sách giáo khoa sẽ quyết định đến chất lượng dạy, học, nên dù số lượng sách nhiều, song các thầy, cô giáo đã chủ động nghiên cứu sách và thảo luận kỹ, bằng cả hình thức trực tiếp và trực tuyến. Đến thời điểm này, công tác chuẩn bị các điều kiện triển khai Chương trình giáo dục phổ thông mới đã được thực hiện đúng tiến độ, đúng quy trình, minh bạch và luôn đặt quyền lợi của học sinh lên cao nhất.
Quyết tâm dạy, học chất lượng
Trước diễn biến phức tạp của dịch Covid-19, cùng với việc thực hiện "nhiệm vụ kép" là phòng, chống dịch và dạy, học chất lượng, các đơn vị, trường học trên địa bàn Hà Nội đang khẩn trương triển khai khâu "hậu chọn sách", quyết tâm để cô và trò dạy, học với sách mới chất lượng nhất.
16 trường tiểu học và trung học cơ sở thuộc quận Tây Hồ đang xây dựng bài giảng từng môn học và chuẩn bị tổ chức dạy thử nghiệm. Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo quận Tây Hồ Lê Hồng Vũ cho biết, các tiết dạy tốt sẽ được chọn tham gia kiến tập cấp quận, dự kiến diễn ra vào đầu tháng 5 này. Đây là phương pháp bồi dưỡng hiệu quả, giúp giáo viên hình dung cụ thể về cách thức tổ chức hoạt động trong một giờ học, phát huy tối đa ưu điểm của sách mới...
Trong khi đó, Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Chương Mỹ Nguyễn Đức Hòa thông tin, trên cơ sở rà soát của các nhà trường, phòng đã xây dựng danh mục dự kiến đầu tư trang thiết bị dạy học lớp 2, lớp 6 trình UBND huyện phê duyệt, với kinh phí khoảng 100 tỷ đồng. Trong điều kiện ngân sách còn khó khăn, quy mô giáo dục của huyện khá lớn, phòng đã yêu cầu các nhà trường rà soát, tận dụng tối đa trang thiết bị sẵn có, tránh lãng phí.
Còn cô giáo Lê Thu Lý, dạy môn ngữ văn, Trường Trung học cơ sở Mỗ Lao (quận Hà Đông) chia sẻ: "Công việc cuối năm học rất bận, song chúng tôi cố gắng dành nhiều thời gian cho việc nghiên cứu sách giáo khoa của môn học mình đảm nhận; tăng cường trao đổi trong tổ chuyên môn để hiểu rõ hơn về những yêu cầu mới...".
Liên quan đến vấn đề này, Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội Phạm Xuân Tiến cho biết, năm học 2021-2022, toàn thành phố có 7.000 giáo viên dạy lớp 2; 16.000 giáo viên dạy lớp 6. Để triển khai dạy, học chất lượng, Sở khuyến khích các nhà trường tổ chức dạy thử nghiệm, tạo điều kiện tối đa để giáo viên tự bồi dưỡng, tham gia bồi dưỡng theo quy định. Bên cạnh đó, từng nhà trường phải rà soát kỹ các điều kiện về cơ sở vật chất, ưu tiên tối đa cho học sinh lớp 2 học 2 buổi/ngày; bảo đảm đủ thiết bị dạy học theo danh mục thiết bị dạy học tối thiểu do Bộ Giáo dục và Đào tạo quy định.
Đẩy nhanh mua sắm thiết bị dạy học lớp 2, lớp 6 Ngay sau khi các bộ sách lớp 2, lớp 6 được thành phố chính thức lựa chọn, các đơn vị, trường học Hà Nội bắt tay vào rà soát, đề xuất mua sắm trang thiết bị dạy học. Mua sắm trang thiết bị phù hợp với thực tế dạy học. Để thiết bị không chạy theo sách Rút kinh nghiệm việc triển khai...