Đầu não tình báo quân sự Syria bị tấn công
Một vụ đánh bom tự sát đã xảy ra ngay tại trụ sở cơ quan tình báo quân sự Syria ở thành phố phía nam Suweida hôm 6/11, khiến ít nhất 8 nhân viên an ninh thiệt mạng và làm bị thương hàng chục người khác. Cùng lúc đó, ở thủ đô Damascus, một vụ nổ khác cũng đã cướp đi sinh mạng của 8 người.
Phe nổi dậy Syria
Tổ chức Giám sát Nhân quyền Syria có trụ sở ở Anh cho biết, vụ nổ bom xe hơi ở Suweida là rất hiếm hoi bởi khu vực này phần lớn không phải hứng chịu tình trạng bạo lực dù cuộc nội chiến ở đất nước Syria đã kéo dài gần 3 năm qua và đã cướp đi sinh mạng của khoảng 120.000 người.
Theo các nhà hoạt động địa phương, một kẻ đánh bom tự sát đã phóng xe qua một chốt chặn an ninh bên ngoài trụ sở tình báo quân sự của Lực lượng Không quân ở Suweida và cho nổ tung khối chất nổ mang theo trong xe. Các chiến binh nổi dậy sau đó đã cố tìm cách xông vào tòa nhà và một cuộc giao tranh ác liệt đã nổ ra. Nhiều chiến binh phe nổi dậy đã bị thiệt mạng.
Một bức ảnh được các nhà hoạt động tung lên mạng cho thấy hình ảnh một cột khói đen kịt bốc lên trời từ tòa nhà ở Suweida.
Hãng thông tấn chính thức của Syria – SANA cho biết, vụ tấn công tự sát ở Suweida đã cướp đi sinh mạng của 8 nhân viên an ninh. Người đứng đầu Tổ chức Giám sát Nhân quyền Syria – ông Rami Abdelrahman, cho biết, trong số những người thiệt mạng có một sĩ quan cấp cao và một vị thiếu tá – trước đó được xác định là đại tá. Ông này được tin là người đứng đầu chi nhánh tình báo quân sự của Không quân Syria trong khu vực. Ngoài ra, vụ đánh bom tự sát còn làm bị thương 41 người khác.
Khu vực Suweida hiện vẫn đang nằm trong quyền kiểm soát của chính phủ và đây là nơi sinh sống chủ yếu của người Druze. Những người này phần lớn đứng trung lập trong cuộc nổi dậy ở Syria mặc dù một số họ đã tham gia vào lực lượng bán quân sự ủng hộ Tổng thống Assad.
Trước đó cùng ngày, SANA còn đưa tin, một vụ đánh bom cũng đã xảy ra ở Quảng trường Hejaz thuộc khu vực trung tâm đông đúc của thủ đô Damascus. Vụ tấn công này đã cướp đi sinh mạng của 8 người và làm bị thương ít nhất 50 người khác.
Trong khi đó, Tổ chức Giám sát Nhân quyền Syria dựa vào mạng lưới thông tin của các nhà hoạt động trên khắp đất nước cho rằng, con số người chết là 7 và số bị thương là 20. Tuy nhiên, tổ chức này cũng không biết vụ tấn công trên là do bom nổ hay đạn súng cối gây ra.
Người dân thủ đô Damascus còn cho biết, họ đã thấy một quả đạn súng cối được bắn vào trụ sở Tổng tham mưu Quân đội Syria ở Quảng trường Umayyad Square nhưng không có báo cáo nào về tình trạng thương vong ở đây.
Ngoài các vụ đánh bom tự sát, ngày hôm qua còn chứng kiến có tới 25 đợt tấn công bằng đạn súng cối nhằm vào một loạt quận trong thủ đô Damascus.
Những vụ nổ và các cuộc tấn công bằng đạn súng cối đã dồn dập xảy ra trên khắp đất nước trong ngày hôm qua, đúng một ngày sau khi hội nghị hòa bình quốc tế được chờ đợi lâu nay lại một lần nữa bị trì hoãn vì sự mâu thuẫn, chia rẽ trong nội bộ phe nổi dậy Syria. Thêm một lần nữa, các cường quốc lại bất lực trước cuộc chiến ở Syria và đây có thể là lý do khiến tình trạng bạo lực, giao tranh lại được dịp trỗi dậy mạnh mẽ.
Phe nổi dậy đã chiếm được một loạt các khu vực ngoại ô bao quanh thủ đô Damascus nhưng quân đội trung thành với Tổng thống Bashar al-Assad đã phong tỏa, bao vây những khu vực đó nhằm giữ cho thủ đô Damascus – thành trì chính của chính quyền, được an toàn. Trong tình thế đó, các chiến binh nổi dậy gần đây đang áp dụng chiến thuận đánh bom tự sát để tấn công vào các mục tiêu chính trị và an ninh trong những khu vực của chính phủ.
Video đang HOT
Al Qaeda đang đè bẹp phe nổi dậy chính thống?
Trong lúc này, tình hình nội bộ phe nổi dậy Syria tiếp tục căng thẳng và chia rẽ. Giới các nhà hoạt động và các chuyên gia phân tích cho biết, các nhóm chiến binh nổi dậy có liên quan đến tổ chức khủng bố khét tiếng Al-Qaeda đang dần chiếm quyền thống trị ở khu vực phía bắc Syria và lực lượng này đang tìm cách áp đặt tư tưởng Hồi giáo hà khắc lên những vùng chiếm đóng.
Các nhóm chiến binh được Al-Qaeda hậu thuẫn như nhóm Quốc gia Hồi giáo Iraq và Syria (ISIS) đang đóng vai trò là lực lượng quân sự chủ chốt, có vai trò áp đảo ở phía bắc Syria – nơi phần lớn lãnh thổ đang nằm trong tay phe nổi dậy. Từ đó, lực lượng này cũng đang có ảnh hưởng rất mạnh đến đa số người dân ở khu vực này.
Ông Rami Abdul Rahman thuộc Tổ chức Giám sát Nhân quyền Syria cho biết: “ISIS là nhóm mạnh nhất ở phía bắc Syria – 100% là như vậy và bất kỳ ai nói với bạn về một điều khác thì rõ ràng họ đang nói dối”.
Nhiều người Syria ở phía bắc đã bí mật tiết lộ thông tin về ảnh hưởng và quyền lực ngày càng gia tăng của các nhóm nổi dậy có liên quan đến Al-Qaeda ở nơi họ sinh sống. Tuy nhiên, những người này không dám tiết lộ tên thật vì sợ làm ISIS nổi giận. Họ cho biết, ở một số nơi, chỉ cần nói tên của mình cũng bị ISIS coi là một tội lỗi và trừng phạt bằng cách đánh roi.
Sự mở rộng ảnh hưởng và quyền lực nhanh chóng của Al-Qaeda ở Syria đang đặt ra tình thế tiến thoái lưỡng nan cho Mỹ và các đồng minh Châu Âu trong việc ứng xử thế nào với phe nổi dậy Syria mà lâu nay họ vẫn đang ủng hộ.
Theo_VnMedia
12 phát ngôn nổi tiếng của nữ sinh suýt được Nobel Hòa bình
Dù không nhận được giải thưởng Nobel Hòa bình 2013 song nữ sinh Malala Yousafzai (16 tuổi) - người từng bị Taliban giết hụt vì đấu tranh giành quyền học tập cho các bé gái, đã chiếm trọn trái tim của hàng triệu người trên khắp thế giới.
Malala Yousafzai phát biểu trước Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc
Trước khi Hội đồng trao giải Nobel Hòa bình công bố tên người chiến thắng, khắp các trang mạng Internet đã đồn đoán về sự bứt phá của ứng cử viên nặng ký Malala - một cô gái Pakistan kiêm nhà hoạt động giáo dục tại quốc gia Hồi giáo, sẽ trở thành nhân vật nhỏ tuổi nhất giành giải trong lịch sử Nobel.
Giải Nobel Hòa bình 2013 có tổng cộng 259 ứng cử viên song Malala nhận được nhiều đề cử nhất. Ủy ban Nobel gồm 5 thành viên đã chọn lọc danh sách này và quyết định người chiến thắng từ danh sách rút gọn không được công bố trước dư luận.
Ngoài Malala, những ứng cử viên được đề cử trao giải Nobel Hòa bình năm nay còn có Denis Mukwege - bác sĩ phụ khoa chuyên giúp đỡ những nạn nhân bị bạo lực tình dục và Bradley Manning - một lính Mỹ bị buộc tội tiết lộ bí mật quân sự cho WikiLeaks.
Tới phút cuối, chiến thắng Nobel Hòa bình đã bất ngờ thuộc về Tổ chức Cấm Vũ khí Hoá học (OPCW) vì "những nỗ lực lớn nhằm loại bỏ vũ khí hóa học", Viện Khoa học Hoàng gia Thụy Điển công bố hôm 11/10. Tuy nhiên, cho tới nay, cái tên Malala vẫn là một trong những chủ đề nhận được sự quan tâm đặc biệt của giới báo chí cũng nhưdư luận quốc tế.
Đôi nét tiểu sử về nhà hoạt động nhân quyền Malala:
Bằng nghị lực phi thường, Malala đã dần hồi phục sau khi bị Taliban bắn trọng thương
Malala Yousafzai sinh ngày 12/7/1997, tại thị xã Mingora, huyện Swat, tỉnh Khyber Pakhtunkhwa, Pakistan. Malala được biết đến với tư cách nhà hoạt động nữ quyền tại thung lũng Swat - nơi Taliban từng cấm nữ giới đi học.
Đầu năm 2009, khi mới 11 tuổi, Malala đã thu hút sự chú ý của giới truyền thông quốc tế khi tham gia viết blog cho kênh BBC và kể về cuộc sống hà khắc, cấm nữ giới đi học dưới chế độ Taliban. Xuất hiện với tần suất ngày càng lớn trên các tờ báo và truyền hình, Malala dần trở nên nổi tiếng và trở thành Chủ tịch hội đồng trẻ em huyện Swat.
Desmond Mpilo Tutu - nhà hoạt động người Nam Phi kiêm tổng giám mục Anh giáo nghỉ hưu, từng nổi tiếng khắp thế giới trong thập niên 1980 chống lại chủ nghĩa phân biệt chủng tộc, đã đề cử Malala nhận giải thưởng Hòa bình trẻ em quốc tế và nữ sinh nhỏ tuổi đã giành giải Hòa bình trẻ quốc gia tại Pakistan.
Cuộc đời Malala đã rẽ sang một trang mới đầy sóng gió vào ngày 9/10/2012 khi hai sát thủ chặn xe buýt chở Malala gần một trạm kiểm soát quân sự và xả súng bắn vào đầu và cổ của cô bé.
Cảnh sát Pakistan đã bắt giữ một số nghi phạm trong vụ ám sát hèn hạ này. Trong những ngày sau cuộc tấn công, Malala đã rơi vào trạng thái bất tỉnh, tính mạng gặp nguy hiểm. Tới ngày 15/10, Malala được chuyển tới Anh để tiếp tục điều trị và với nghị lực phi thường, cô bé dần hồi phục. Thậm chí, lực lượng Taliban còn tái khẳng định ý định giết Malala và cha cô - ông Ziauddin Yousafzai.
Vụ ám sát đã biến Mala trở thành biểu tượng toàn cầu. Cả đất nước Pakistan phẫn nộ, làn sóng dư luận lan sang cả Afghanistan và các quố gia Hồi giáo khác. Chính phủ Mỹ, Tổng thư ký Liên Hiệp Quốc - Ban Ki Moon, UNICEF, Quỹ Phụ nữ toàn cầu... đều lên án hành vi tàn bạo của Taliban. Trên các mạng xã hội như Twitter, Facebook và nhiều trang mạng khác, Malala được cư dân mạng thế giới tôn vinh là một vị anh hùng.
Hồi tháng Bảy năm nay, các đại biểu tham dư Đại Hội đồng Liên Hiệp Quốc đã đồng loạt đứng lên dành tràng pháo tay cho Malala sau khi cô hoàn thành bài diễn văn vượt qua số phận, với lời khẳng định không bao giờ im lặng trước thê lưc nào.
Tuy không giành giải Nobel Hòa bình 2013, nhưng Malala đã vượt qua hai ứng cử viên sáng giá là cựu điệp viên Edward Snowden - người tiết lộ chương trình giám sát điện thoại và Internet của Cơ quan An ninh quốc gia Mỹ (NSA) trước dư luận và hiện đang bị Washington truy nã cùng một nhóm phản đối chính quyền Belarus đang bị cầm tù, trở thành người chiến thắng nhận giải thưởng Nhân quyền châu Âu Sakharov trị giá 50.000 euro (65.000 USD).
Trước Malala, giải thưởng Sakharov từng được trao cho cựu Tổng thống Nam Phi - Nelson Mandela và nhà hoạt động đối lập tại Myanmar - Aung San Suu Kyi.
"Nghị viện châu Âu công nhận sức mạnh phi thường của nữ sinh Malala. Malala đã dũng cảm đứng lên bảo về quyền học tập của trẻ em. Trong đó, quyền của các bé gái thường bị phớt lờ", Martin Schulz - chủ tịch cơ quan lập pháp châu Âu nói.
12 phát ngôn thay đổi thế giới của Malala
Malala trở thành biểu tượng đấu tranh cho quyền học tập của các bé gái trên thế giới
1. "Tại sao tôi phải chờ một ai đó? Tại sao tôi phải trông chờ chính phủ, quân đội giúp đỡ chúng tôi mà không tự giúp chính mình? Tại sao tôi không dám lên tiếng? Tại sao chúng tôi không đòi quyền cho chính mình?" Chương trình The Daily Show with John Stewart, 2013.
2. "Tôi nghĩ cách tốt nhất để giải quyết vấn đề và đấu tranh nên thông qua đối thoại, thông qua phương pháp hòa bình. Đối với tôi, cách tốt nhất để chống lại chủ nghĩa khủng bố và cực đoan đơn giản là: giáo dục thế hệ tương lai", Phỏng vấn trên BBC, 2013.
3. "Tôi sẽ nói với tay súng bắn tôi rằng trước hết hãy lắng nghe tôi nói. Tôi sẽ nói rằng học tập là quyền của tôi và giáo dục là quyền của con trai và con gái tôi, và tôi đang đấu tranh cho lũ trẻ. Tôi đang đấu tranh cho hòa bình", Phỏng vấn trên kênh CBC Radio, 2013.
4. "Tôi tin rằng cách tốt nhất chúng ta có thể tạo nên một thế giới hòa bình không chỉ qua thu nhận kiến thức mà còn từ trái tim và tâm hồn", Phát biểu tại lễ khai trương Thư viện Birmingham, 2013.
5. "Họ không thể ngăn cản tôi. Tôi sẽ tiếp tục đi học dù ở nhà, ở trường hay bất cứ nơi nào khác", Phim tài liệu mang tên "Classed Dismissed in Swat Valley" do New York Times thực hiện năm 2012.
6. "Nếu chúng ta muốn đạt được mục tiêu của mình, hãy nắm lấy vũ khí kiến thức và tự bảo vệ mình bằng sự hợp nhất và đồng lòng", Phát biểu tại Hội đồng Thanh thiếu niên Liên Hiệp Quốc, 2012.
7. "Không nên đối xử với đồng loại bằng sự hung bạo và cay nghiệt, hãy đấu tranh theo phương pháp hòa bình cũng như thông qua đối thoại và giáo dục", Chương trình The Daily Show with John Stewart, 2013.
8. "Họ chỉ có thể bắn vào cơ thể mà không thể bắn tan giấc mơ của tôi", Phỏng vấn của hãng tin CNN, 2013.
9. "Tôi nghĩ cuộc sống luôn đầy rẫy nguy hiểm. Một số người lo sợ vì điều đó. Mmột số người không dám tiến lên phía trước. Nhưng đối với một số người, nếu muốn đạt được mục tiêu, họ phải tiếp bước, phải di chuyển...", Phỏng vấn của hãng tin ABC, 2013.
10. "Tôi có quyền được đi học. Tôi có quyền được vui chơi. Tôi có quyền được hát. Tôi có quyền được trò chuyện. Tôi có quyền đi tới siêu thị. Tôi có quyền đưa ra ý kiến của mình", Phỏng vấn của hãng tin CNN, 2011.
11. "Tôi nghĩ cuộc sống hiện tại của tôi không như quá khứ. Đây là cuộc sống thứ hai của tôi. Mọi người đã cầu Chúa phù hộ cho tôi và tôi đang dùng chính cuộc đời mình để giúp đỡ mọi người", Phỏng vấn trên hãng tin ABC, 2013.
12. "Một đứa trẻ, một thầy giáo, một quyển sách và một cây bút có thể thay đổi cả thế giới. Giáo dục là giải pháp duy nhất. Giáo dục là ưu tiên số 1", Phát biểu tại Hội đồng Thanh thiếu niên Liên Hiệp Quốc, 2012.
Theo Infonet
Trung Quốc được gì từ việc Chính phủ Mỹ đóng cửa? Việc Chính phủ Mỹ đóng cửa tuy mang lại nhiều nỗi lo và tác động tiêu cực cho cả nước Mỹ và nhiều bộ phận khác trên thế giới. Thế nhưng, Trung Quốc lại đang rình lợi từ sự kiện này. Bế tắc giữa Tổng thống Barack Obama và Hạ viện về dự luật trần nợ công đã khiến Obama phải hủy chuyến...