Dấu hiệu nhận biết sớm tăng đường huyết
Ở bệnh nhân đái tháo đường type 2, tăng đường huyết thường phát triển từ từ âm thầm, vì vậy, ở giai đoạn đầu thường không nhận thấy triệu chứng điển hình nào. Đây có thể là lý do nhiều người bị đái tháo đường nhiều năm mà không được phát hiện.
Đối với người mắc bệnh đái tháo đường, nếu lượng đường trong máu tăng cao trong thời gian dài có thể ảnh hưởng đến các mạch máu nhỏ và lớn của cơ thể, dẫn đến các biến chứng ở mắt, tim, não, thận và chi. Vì vậy, việc nhận biết các triệu chứng của đường huyết tăng có thể giúp chẩn đoán sớm bệnh đái tháo đường, ngăn ngừa biến chứng cấp cứu do bệnh gây ra.
Triệu chứng thường gặp
Các triệu chứng tăng đường huyết phổ biến có thể là dấu hiệu cảnh báo cho những người đái tháo đường chưa được chẩn đoán. Nếu bạn biết mình mắc bệnh đái tháo đường, những triệu chứng cũng có thể là dấu hiệu cho thấy bạn cần điều chỉnh kế hoạch điều trị.
Kiểm tra đường huyết.
Khát quá mức: Trong nỗ lực để khôi phục sự cân bằng đường trong máu, cơ thể sẽ cố gắng thải trừ đường dư thừa qua nước tiểu. Do đó, thận phải tăng cường hoạt động hơn để thải lượng glucose dư ra khỏi cơ thể, kéo theo mất chất lỏng từ các mô cơ thể cùng với lượng đường dư thừa. Do mất nhiều chất lỏng làm thúc đẩy cảm giác khát và uống nhiều nước. Nếu bạn uống liên tục và không cảm thấy hết cơn khát hoặc bạn bị chứng khô miệng nghiêm trọng có thể là dấu hiệu của tăng đường huyết.
Tăng cảm giác đói: Quá nhiều đường trong máu có nghĩa là các tế bào của cơ thể bị đói vì thiếu năng lượng và tất nhiên bạn sẽ cảm thấy đói. Nhưng bạn càng ăn nhiều carbohydrate thì lượng đường trong máu càng cao.
Tăng tiểu tiện: Đi tiểu thường xuyên, đặc biệt vào ban đêm có thể là dấu hiệu của đường trong máu cao. Đây là kết quả của việc thận lấy thêm nước ra khỏi các mô để làm loãng đường thừa trong máu và loại bỏ đường qua nước tiểu.
Tầm nhìn mờ: Mức đường cao buộc cơ thể kéo và thải chất lỏng từ các mô của cơ thể, bao gồm cả dịch của mắt làm ảnh hưởng đến thị lực dẫn tới nhìn mờ.
Video đang HOT
Mệt mỏi: Khi đường trong máu cao nhưng ít được đưa vào bên trong tế bào để tạo năng lượng, tế bào sẽ trở nên thiếu ăn khiến bạn cảm thấy chậm chạp hoặc mệt mỏi. Điều này thường xảy ra sau bữa ăn, đặc biệt là bữa ăn giàu carbonhydrate.
Triệu chứng nặng
Những triệu chứng nặng có xu hướng xảy ra khi bị tăng đường máu trong một thời gian dài hoặc khi lượng đường trong máu đột ngột tăng lên rất cao. Những triệu chứng nặng dưới đây thường là dấu hiệu cấp cứu, cần đặc biệt quan tâm.
Đau bụng: Tăng đường huyết mạn tính có thể gây tổn thương dây thần kinh chi phối dạ dày. Đau dạ dày cũng có thể là một dấu hiệu của nhiễm toan ceton do đái tháo đường gây ra – một trường hợp cần cấp cứu ngay.
Giảm cân: Giảm cân không chủ ý là một dấu hiệu quan trọng, đặc biệt ở trẻ em. Nhiều trẻ được chẩn đoán mắc bệnh đái tháo đường type 1 có dấu hiệu giảm cân trước khi được chẩn đoán. Điều này thường xảy ra do cơ thể không thể sử dụng đường trong máu để tạo năng lượng.
Rối loạn tiêu hóa và hô hấp: Buồn nôn, nôn, thở sâu và nhanh, mất ý thức là dấu hiệu cho thấy bạn cần tìm sự trợ giúp khẩn cấp nếu không được điều trị kịp thời có thể gây tử vong.
Triệu chứng hiếm gặp
Một số triệu chứng hiếm gặp hơn cũng có thể xảy ra ở những người bị tăng đường máu.
Tê tay chân: Tổn thương dây thần kinh ở các chi gọi là bệnh lý thần kinh ngoại vi xảy ra theo thời gian và có thể xuất hiện triệu chứng như tê, ngứa ran hoặc đau ở bàn tay, bàn chân hoặc chân.
Rối loạn da: Da khô hoặc ngứa, vết thương da chậm phục hồi, nếp nhăn thâm đen của vùng da cổ có thể là dấu hiệu tăng đường máu.
Nhiễm nấm thường xuyên và rối loạn cương dương: Đây là những biểu hiện ảnh hưởng đến phụ nữ và nam giới bị tăng đường huyết và mắc đái tháo đường.
Hội chứng tăng áp lực thẩm thấu do tăng đường máu không nhiễm ceton: Đây là một biến chứng cực kỳ nghiêm trọng có thể xảy ra ở những người bị đái tháo đường type 1 hoặc 2 nhưng thường xảy ra ở những người đái tháo đường type 2. Hội chứng bệnh có đặc điểm là lượng đường trong máu trên 600mg/dl và thường do các yếu tố nguy cơ nhiễm trùng như viêm phổi, nhiễm trùng đường tiểu hoặc không có khả năng kiểm soát lượng đường trong máu một cách hiệu quả. Các triệu chứng thường gặp gồm: khát nặng, khô miệng, mệt mỏi, đi tiểu quá mức, đau ở vùng bụng, nôn và buồn nôn, thở nhanh, hơi thở có mùi trái cây. Nếu không được điều trị kịp thời có thể dẫn đến tình trạng hôn mê và thậm chí tử vong.
Nhiễm toan ceton do đái tháo đường: Tăng đường máu có thể dẫn tới một tình trạng nguy hiểm khác gọi là nhiễm toan ceton do đái tháo đường, xảy ra phổ biến nhất ở những người bị đái tháo đường type 1. Nhiễm toan ceton do đái tháo đường gây ra khi cơ thể có ít hoặc không có insulin để sử dụng và kết quả lượng đường trong máu tăng lên mức nguy hiểm, máu trở nên có tính axit. Tổn thương tế bào có thể xảy ra và nếu tiếp tục tiến triển có thể gây ra hôn mê hoặc tử vong. Nhiễm toan ceton do đái tháo đường cần cấp cứu với truyền dịch, chất điện giải và insulin.
Lời khuyên của thầy thuốc
Nếu bạn cảm thấy bản thân có những dấu hiệu không bình thường và nghi ngờ bị tăng đường huyết, hãy đi kiểm tra để chẩn đoán sớm.
Trường hợp bạn không bị đái tháo đường và tăng đường máu chỉ mang tính nhất thời, bạn nên điều chỉnh lối sống theo tư vấn của bác sĩ.
Trường hợp bạn đang bị đái tháo đường, cần kiểm tra đường huyết nếu có bất kỳ dấu hiệu nào trên đây. Bạn nên tăng cường đi bộ hoặc tập thể dục nhẹ, dinh dưỡng hợp lý, uống thêm nước và điều chỉnh thuốc theo chỉ định của bác sĩ.
Bạn có thể cần điều trị khẩn cấp trong trường hợp bạn gặp bất kỳ triệu chứng của hội chứng tăng áp lực thẩm thấu do tăng đường huyết không nhiễm ceton hoặc nhiễm toan ceton do bệnh đái tháo đường.
BS. Thanh Hoài
Theo SK&ĐS
Khuyến cáo người dân đề phòng bệnh Whitmore
Từ đầu năm đến ngày 27/9, tại bệnh viên Đa Khoa tỉnh Yên Bái phát hiện 6 bệnh nhân mắc bệnh Whitmore, trong đó đã cứu chữa thành công được 2 người, 4 trường hợp trước đó đã tử vong do vào viện quá muộn.
Một bệnh nhân có tiền sử bị bệnh đái tháo đường type II, biến chứng loét ngón 2 bàn chân phải mà vẫn làm việc đồng áng và tiếp xúc với bùn đất mà không có phương tiện bảo hộ nên đã bị vi khuẩn Burkholderia pseudomallei xâm nhập qua vết loét mà không biết. Ảnh: TTXVN phát
Trước thông tin về bệnh Whitmore đang được lan truyền trên mạng xã hội khiến cho người dân hoang mang, ngành y tế tỉnh Yên Bái có chủ trương đẩy mạnh công tác tuyên truyền cho người dân hiểu biết về căn bệnh này.
Thạc sĩ, bác sĩ Lê Hồng Vân, Phó Giám đốc sở Y tế tỉnh Yên Bái cho biết: Bệnh Whitmore do trực khuẩn Gram âm Burkholderia pseudomallei tồn tại trong môi trường tự nhiên gây ra. Con người có thể mắc bệnh Whitmore khi tiếp xúc trực tiếp với đất và nước bề mặt bị nhiễm vi khuẩn này. Đây là bệnh ít gặp, khó lây từ người sang người, không gây thành dịch nhưng bệnh cảnh thường phát hiện muộn nên tiến triển nặng, có tỉ lệ tử vong cao, đặc biệt ở những người mắc các bệnh mạn tính. Khi người bệnh không được điều trị kịp thời bằng thuốc kháng sinh sẽ gây ra hoại tử các tổ chức. Vi khuẩn Gram âm Burkholderia pseudomallei không có khả năng ăn các tế bào nên không thể gọi là vi khuẩn "ăn thịt người" như nhiều người nhầm tưởng.
Đến thời điểm hiện tại, y học chưa ghi nhận được trường hợp nào lây nhiễm bệnh Whitmore từ người sang người, côn trùng cũng chưa được tìm thấy là tác nhân truyền bệnh. Vi khuẩn gây bệnh được tìm thấy trong nước và đất. Do đó, các con đường nhiễm bệnh là 3 trường hợp sau: Hít phải bụi bẩn có chứa vi khuẩn; ăn thức ăn hoặc uống nước bị nhiễm khuẩn; tiếp xúc với đất hoặc nước bị nhiễm khuẩn, hay gặp nhất là qua các vết trầy xước trên da. Bệnh gặp ở tất cả các độ tuổi, ở cả nam và nữ nhưng gặp nhiều hơn ở người có nghề nghiệp tiếp xúc trực tiếp, thường xuyên với đất, nước bị ô nhiễm.
Cũng theo bà Vân, để phòng tránh bệnh người dân nên thực hiện nghiêm túc theo 5 khuyến cáo của Bộ Y tế là: hạn chế tiếp xúc với đất hoặc nước bùn, đặc biệt là những nơi bị ô nhiễm nặng; sử dụng giày, dép và găng tay đối với những người thường xuyên làm việc ngoài trời, tiếp xúc với đất và nước bẩn, đặc biệt đối với những người có nguy cơ cao; khi có vết thương hở, vết loét hoặc vết bỏng cần tránh tiếp xúc với đất hoặc nước có khả năng bị ô nhiễm.
Nếu bắt buộc phải tiếp xúc thì sử dụng băng chống thấm và cần được rửa sạch đảm bảo vệ sinh; những người có bệnh mãn tính như tiểu đường, suy giảm miễn dịch cần được chăm sóc, bảo vệ các tổn thương để ngăn ngừa nhiễm khuẩn; khi nghi ngờ nhiễm bệnh cần đến cơ sở y tế để được tư vấn, khám phát hiện, xét nghiệm xác định nhiễm vi khuẩn Burkholderia pseudomallei và điều trị kịp thời.
Thời gian tới, ngành y tế Yên Bái sẽ tập trung công tác tuyên truyền giáo dục sức khỏe về chủ đề này, đồng thời phối hợp với các cơ quan thông tin đại chúng để tuyên truyền tới người dân, đảm bảo người dân biết cách phòng bệnh mà không hoang mang lo sợ; triển khai công tác đào tạo lại, cập nhật kiến thức cho cán bộ y tế các tuyến để sớm nhận biết các dấu hiệu đầu tiên nghi ngờ bệnh để chẩn đoán và điều trị kịp thời; tăng cường phát triển kỹ thuật xét nghiệm chẩn đoán vi sinh vật gây bệnh.
Đặc biệt, Yên Bái sẽ tiếp tục củng cố việc hướng dẫn kỹ thuật lấy mẫu, bảo quản, vận chuyển mẫu bệnh phẩm đúng quy định cho y tế tuyến cơ sở; chuẩn bị sẵn sàng thuốc, hóa chất và các trang thiết bị phục vụ điều trị để hạn chế thấp nhất tử vong cho bệnh nhân, trong đó có bệnh nhân Whitmore.
Đức Tưởng
Theo TTXVN
7 tác dụng phụ không ngờ của bệnh tiểu đường bạn cần phải biết Bên cạnh những triệu chứng thường gặp như tăng mức đường huyết, mệt mỏi, giảm cân..., vẫn còn một số tác dụng phụ của bệnh tiểu đường có thể bạn chưa biết. Tiểu đường là một bệnh lý rất phổ biến hiện nay. Theo ước tính, Ấn Độ có số bệnh nhân tiểu đường cao nhất, và cho tới năm 2040, số bệnh...