Dấu hiệu cảnh báo HIV đang phát triển âm thầm trong cơ thể
Ở giai đoạn mạn tính, người nhiễm HIV thường không có triệu chứng. Vì vậy, họ có thể không biết mình mắc bệnh hoặc khi phát hiện đã ở giai đoạn nặng.
HIV/AIDS là căn bệnh khiến nhân loại đau đầu bởi chưa thể tìm ra cách tiêu diệt hoàn toàn. Một khi bị nhiễm, người bệnh sẽ phải chung sống cả phần đời còn lại với virus. Thuốc ức chế virus là thứ duy nhất có thể ngăn HIV nhân lên và hạn chế nguy cơ bệnh chuyển sang giai đoạn cuối – AIDS. Việc phát hiện người bị HIV/AIDS cũng khá khó khăn, nhất là khi nhiều trường hợp phát triển bệnh âm thầm hàng thập kỷ.
Giai đoạn không triệu chứng
Phát hiện người nhiễm HIV gặp khó khăn ở chỗ đa phần ở giai đoạn đầu, bệnh nhân thường không phát hiện mình bị bệnh. Theo Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Mỹ (CDC), các triệu chứng HIV giai đoạn đầu (giai đoạn nguyên phát) có thể xuất hiện từ 2-4 tuần sau khi một người tiếp xúc nguồn lây. Những triệu chứng này có thể kéo dài vài tuần.
Tuy nhiên, một số trường hợp chỉ có biểu hiện trong vài ngày hoặc thậm chí không xuất hiện triệu chứng lâm sàng. Dù vậy, họ vẫn có thể truyền virus cho người khác thông qua các con đường như quan hệ tình dục, máu, lây từ mẹ sang con…
Thống kê từ CDC cho thấy hầu hết (hơn 80%) người bị nhiễm HIV giai đoạn đầu sẽ có triệu chứng tương tự cúm, bao gồm: Sốt, đau họng, phát ban trên cơ thể, sổ mũi, mệt mỏi, đau khớp, đau cơ, viêm…
Đây là dấu hiệu cho thấy hệ thống miễn dịch đang chiến đấu để chống lại virus. Tuy nhiên, điều đó không có nghĩa mọi người có triệu chứng trên đều là bệnh nhân HIV. Những triệu chứng này còn tương đồng với người mắc Covid-19, cảm cúm, nhiễm trùng…
Nếu gặp các triệu chứng trên và cho rằng mình có nguy cơ nhiễm HIV, bạn nên đi xét nghiệm sàng lọc. Bởi sau đó, cơ thể sẽ trải qua giai đoạn không triệu chứng, khiến chúng ta vô tình bỏ sót cơ hội vàng để điều trị.
Ở giai đoạn đầu, nhiều bệnh nhân HIV gặp triệu chứng tương tự cúm như sốt, phát ban trên da, đau người, mệt mỏi… Ảnh: Shutter Stock.
Giai đoạn một trôi qua, hầu hết người nhiễm HIV sẽ trở lại bình thường, cảm thấy khỏe hơn. Nhưng điều đó không có nghĩa virus biến mất. Sự bảo vệ mạnh mẽ của hệ miễn dịch trên mỗi cá thể sẽ làm giảm số lượng các hạt virus trong máu và chuyển sang giai đoạn nhiễm HIV không triệu chứng. Các bác sĩ còn gọi đây là giai đoạn nhiễm HIV mạn tính hay tiềm ẩn.
Theo Tổ chức HIV Mỹ, thời gian lây nhiễm HIV tiềm ẩn có thể kéo dài 10 tới 15 năm. Nhiễm trùng tiềm ẩn về mặt lâm sàng có thể phát triển đến giai đoạn 3 và giai đoạn cuối của HIV – còn gọi là AIDS. Nguy cơ diễn biến nặng là rất cao nếu bệnh nhân không được điều trị.
Trong giai đoạn nhiễm HIV mạn tính, nồng độ virus tăng dần trong cơ thể, nó phá hủy tế bào miễn dịch T-CD4. Số lượng CD4 sụt giảm nhanh chóng, cho thấy tổn thương ngày càng nặng. Bệnh nhân cần phải được điều trị bằng thuốc kháng virus (ART) để ngăn không cho virus tiếp tục tấn công hệ miễn dịch.
Video đang HOT
Nếu không được điều trị, HIV thường phát triển thành AIDS (hội chứng suy giảm miễn dịch mắc phải) sau 8-10 năm. Lúc này, số lượng tế bào CD4 giảm xuống mức dưới 200 tế bào/1 mm3 máu, quá trình miễn dịch bị vô hiệu hóa và xuất hiện các nhiễm trùng do vi sinh vật cơ hội gây ra.
Bệnh nhân sẽ gặp phải triệu chứng sốt, mệt mỏi, sưng hạch bạch huyết, tiêu chảy, sụt cân bất thường, nhiễm trùng miệng (tưa lưỡi, miệng), zona thần kinh (herpes zoster), viêm phổi… Ngoài ra, họ cũng có khả năng bị nhiễm trùng do vi khuẩn, virus, nấm gây ra vì cơ thể không đủ sức chống lại các tác nhân nguy hiểm.
Chúng được gọi là bệnh nhiễm trùng cơ hội, bao gồm sarcoma Kaposi (một dạng ung thư da); nhiễm nấm Cadida species gây nấm miệng hoặc nhiễm vi khuẩn hiếu khí Mycobacterium tuberculosis gây bệnh lao. Sau đó, các virus Herpes tiềm ẩn sẽ được kích hoạt gây tái phát ngày càng nặng những tổn thương do Herpes simplex, bệnh zona thần kinh, ung thư hạch bạch huyết do virus Epstein-Barr hoặc ung thư Kaposis sarcoma.
Theo Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Mỹ, nếu không được điều trị, những người bị AIDS thường chỉ sống sót thêm khoảng 3 năm.
Bệnh nhân HIV càng điều trị sớm, cơ hội kéo dài sự sống và ngăn bệnh chuyển thành AIDS càng cao. Ảnh: Shutter Stock.
Làm gì khi bị nhiễm HIV?
Bất kỳ ai cũng có nguy cơ nhiễm virus HIV khi tiếp xúc một số loại dịch cơ thể mang trùng như máu, tinh dịch, dịch tiền tinh hoàn, dịch âm đạo, dịch trực tràng và sữa mẹ. Rủi ro lớn nhất gây nhiễm HIV là quan hệ tình dục không an toàn hoặc dùng chung kim tiêm với người nhiễm bệnh.
Sau khi phát hiện bị nhiễm HIV, bạn cũng không nên bi quan. Bởi nó chỉ đơn thuần là căn bệnh mà khoa học chưa tìm ra thuốc chữa trị. Kết quả xét nghiệm dương tính với HIV cho thấy đang có virus này ở trong máu của bạn. Thực tế, nhiều người nhiễm HIV vẫn sống hoàn toàn bình thường khỏe mạnh trong nhiều năm.
Theo tài liệu của Cục phòng, chống HIV/AIDS, Bộ Y tế, pháp luật Việt Nam quy định sau khi phát hiện bị nhiễm HIV, bệnh nhân cần có trách nhiệm thông báo cho vợ hoặc chồng về điều này. Tuy nhiên, bạn không có nghĩa vụ phải nói điều đó cho bất kỳ ai khác và vẫn có thể làm việc, tham gia các hoạt động xã hội bình thường, ngoại trừ những trường hợp được quy định trong pháp luật.
Người nhiễm HIV cũng cần chủ động hạn chế một số hoạt động hoặc áp dụng biện pháp phòng ngừa để không làm lây nhiễm HIV/AIDS cho người khác như quan hệ tình dục phải sử dụng bao cao su; không nên có con; khám sức khỏe định kỳ; tham khảo ý kiến bác sĩ để được chỉ dẫn một số loại thuốc như AZT (Zidovudine), DDI (Didanosin), Lamivudine, Indinaviz, có tác dụng làm chậm quá trình phát triển của virus.
Dấu hiệu phát hiện nhiễm HIV ở nam giới
Khi nhiễm virus HIV, nhiều bệnh nhân không có triệu chứng cụ thể, khiến việc phát hiện khó khăn, thậm chí nhầm lẫn sang các tình trạng sức khỏe khác.
Với tỷ lệ người nhiễm HIV được điều trị ARV có tải lượng virus dưới ngưỡng ức chế đạt 96%, Việt Nam là nước điều trị HIV/AIDS thành công trên thế giới, cùng với Anh, Thụy Sĩ, Đức.
HIV là bệnh mạn tính, có thể điều trị lâu dài. Tuy nhiên, số người nhiễm mới có tải lượng cao là mối nguy cơ hàng đầu tại Việt Nam và các quốc gia trên thế giới. Ở nam giới, các triệu chứng nhiễm HIV thường không đặc hiệu. Thậm chí, thường bị nhầm với bệnh cúm hoặc các tình trạng nhẹ khác.
Do đó, nhiều bệnh nhân nhiễm HIV nhưng không phát hiện. Virus diễn biến âm thầm, tình trạng nặng bệnh nhân mới phát hiện và vô tình lây cho nhiều người.
Dấu hiệu nhiễm virus HIV thường không đặc hiệu, có thể bị nhầm sang các bệnh lý khác. Ảnh: Getty.
Triệu chứng ban đầu giống cúm
Nam giới nhiễm HIV có triệu chứng giống cúm, kéo dài từ vài ngày đến vài tuần sau khi tiếp xúc nguồn lây. Theo Medical News Today, các triệu chứng gồm sốt, phát ban, đau đầu, đau họng, mệt mỏi.
Ngoài ra, ngay ở giai đoạn đầu, bệnh nhân có thể gặp một số triệu chứng nghiêm trọng hơn như sa sút trí tuệ, sụt cân, mệt mỏi nặng. Các dấu hiệu cũng có thể gặp phải nhưng ít phổ biến như loét trong miệng, bộ phận sinh dục, đổ mồ hôi ban đêm, buồn nôn hoặc nôn, đau cơ bắp, đau khớp, sưng hạch bạch huyết.
Nhiều nam giới có thể gặp phải tình trạng ham muốn tình dục thấp, liên quan nhiễm HIV. Đây là dấu hiệu của việc tinh hoàn không sản xuất đủ hormone testosterone, gây tình trạng rối loạn cương dương, phiền muộn, mệt mỏi, khô khan, lông - râu mọc ít, phát triển mô tuyến vú.
Dấu hiệu phổ biến khác khi nhiễm virus HIV ở nam giới đó là viêm loét trên "cậu nhỏ". Chúng cũng có thể xuất hiện ở hậu môn hoặc miệng, thực quản, tái phát nhiều lần. Kèm theo đó, bệnh nhân có thể bị đau, rát khi tiểu tiện, viêm tuyến tiền liệt.
Một bệnh nhân nhiễm HIV bị các phát ban trên tay. Ảnh: Medical News Today.
Khi bệnh chuyển sang giai đoạn cuối - AIDS, virus đã phá hủy nghiêm trọng hệ thống miễn dịch. Cơ thể không thể chống lại nhiều bệnh nhiễm trùng. Kết quả, bệnh nhân gặp phải các triệu chứng như mệt mỏi cực độ, tiêu chảy kéo dài hơn một tuần, viêm phổi, loét miệng, hậu môn hoặc bộ phận sinh dục, sốt, đổ mồ hôi ban đêm, mất trí nhớ, có đốm nâu, đỏ, hồng, tím trên da.
Theo WebMD , không phải mọi bệnh nhân nhiễm HIV đều có những triệu chứng giống cúm trong vòng 4 tuần tiếp xúc nguồn lây. Thống kê cho thấy chỉ khoảng 1/3 bệnh nhân có triệu chứng rõ ràng. Đa số họ không cảm thấy khác biệt khi mắc bệnh.
Chuyên gia gọi giai đoạn này là nhiễm HIV cấp tính (hoặc sơ cấp). Khi đó, virus HIV xâm nhập vào một số tế bào bạch cầu, tạo ra hàng tỷ bản sao, lan truyền khắp cơ thể. Trong thời gian này, bệnh nhân vẫn có thể truyền bệnh sang người lành vì tải lượng virus trong dịch cơ thể rất cao.
Tỷ lệ nhiễm HIV ở nam và nữ giới
Nghiên cứu về phòng ngừa, điều trị HIV trong những thập kỷ qua đã có những tiến bộ đáng kể. Tuy vậy, HIV vẫn là vấn đề sức khỏe nghiêm trọng ở hầu hết quốc gia trên thế giới.
Theo Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Mỹ (CDC), năm 2016, ước tính khoảng 39.782 người được chẩn đoán nhiễm HIV. Số ca chẩn đoán mới đã giảm 5% từ năm 2011 đến 2015. Tuy nhiên, đến năm 2015, Mỹ vẫn có 1,1 triệu người sống chung với HIV.
Tại Việt Nam, trong 15 năm qua, chương trình phòng, chống HIV/AIDS của Việt Nam đã giúp cho khoảng nửa triệu người tránh khỏi lây nhiễm HIV. Đồng thời, hơn 150.000 người thoát khỏi tử vong liên quan đến HIV/AIDS.
Ông Hoàng Đình Cảnh - Phó Cục trưởng Cục Phòng chống HIV/AIDS, Bộ Y tế - cho hay Việt Nam hiện có khoảng 230.000 người nhiễm HIV, 153.000 bệnh nhân đang điều trị thuốc ARV. Theo ông Cảnh, Việt Nam đã kiểm soát tỷ lệ nhiễm HIV trong cộng đồng dưới 0,3%.
Trên thế giới, tỷ lệ nhiễm HIV ở nam giới cao hơn nữ giới. Thạc sĩ, bác sĩ Võ Triều Lý, khoa Nhiễm E, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TP.HCM, cho biết trong khoảng 70 bệnh nhân nhiễm HIV giai đoạn cuối điều trị tại khoa Nhiễm E, số nữ chưa đến 10 người. Các trường hợp có nguy cơ cao lây nhiễm HIV gồm nam quan hệ đồng giới (MSM), gái mại dâm, đối tượng tiêm chích ma túy.
Quan hệ tình dục an toàn là cách tránh lây nhiễm HIV và nhiều bệnh lý qua đường sinh dục khác. Ảnh: Getty.
Các bác sĩ chẩn đoán HIV ở nam và nữ bằng cách xét nghiệm mẫu máu hoặc nước bọt. Thử nghiệm này nhằm tìm các kháng thể chống lại virus và mất khoảng 3 đến 12 tuần mới có kết quả.
Một xét nghiệm khác giúp xác định bệnh nhân HIV là tìm kháng nguyên - chất mà virus tạo ra sau khi xâm nhập cơ thể. HIV tạo ra kháng nguyên p24 trong cơ thể, ngay trước khi các kháng thể phát triển.
Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Mỹ khuyến cáo nam giới đang sinh hoạt tình dục nên xét nghiệm HIV ít nhất một lần trong đời. CDC cũng cho rằng tất cả người dân từ 13 đến 64 tuổi nên làm xét nghiệm hoặc khi bị phơi nhiễm, nghi ngờ.
Để phòng ngừa nhiễm HIV/AIDS, chúng ta nên tránh lạm dụng rượu, ma túy; không dùng chung kim tiêm; quan hệ tình dục an toàn; dùng thuốc dự phòng HIV (PrEP) trước phơi nhiễm mỗi ngày, đặc biệt nhóm quan hệ tình dục đồng giới và gái mại dâm.
Cảnh giác với 4 loại trà gây hại cho sức khỏe Uống trà rất có lợi cho sức khỏe nhưng không có nghĩa là bạn có thể uống bất cứ loại trà nào. Các chuyên gia dinh dưỡng đã chỉ ra 4 loại trà có thể gây hại cho sức khỏe mà bạn nên biết. Trà bạc hà Ảnh: Medical News Today Nếu đang uống trà bạc hà thường xuyên, bạn có thể đang...