Đăng ký thi đại học: Tăng giảm không quy luật
Hồ sơ đăng ký dự thi ĐH, CĐ năm 2014 giảm trên toàn quốc. Tuy nhiên, việc hồ sơ giảm chưa hẳn là một dấu hiệu minh chứng cho thấy những nỗ lực về hướng nghiệp, phân luồng đã thực sự đúng hướng.
Học sinh dự một buổi tư vấn tuyển sinh. Ảnh: Văn Chung
Từ vài năm nay công tác phân luồng học sinh đã được đẩy mạnh hơn ở nhiều địa phương.
Sở GD-ĐT Bắc Ninh đã thực hiện phân loại theo năng lực học tập như chia ra 3 nhóm trường, các trường chất lượng cao, các trường Trung bình và khá, các trường tư thục. Học sinh cũng được xếp lớp theo định hướng khối thi đại học, trong từng khối thi lại được chia ra các đối tượng có trình độ tương đương. Các trường phổ thông tổ chức tư vấn chọn trường, chọn ngành thi cho cả phụ huynh và học sinh.
Tại Bắc Giang, thống kê của Sở GD-ĐT cho thấy số lượng hồ sơ thi ĐH,CĐ của tỉnh 5 năm trở lại đây liên tục giảm, từ hơn 45 nghìn bộ năm 2009 giảm xuống chỉ còn trên 25.000 bộ năm 2014. Theo Sở GD-ĐT Bắc Giang, tỉnh đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền về phân luồng học sinh bằng nhiều hình thức. Các trường phổ thông thường xuyên tổ chức thi thử, họp phụ huynh học sinh để thông báo kết quả học tập, rèn luyện của con em học, đồng thời tư vấn việc chọn ngành nghề phù hợp với khả năng của từng học sinh.
Bên cạnh đó, các trường nghề hiện nay rất tích cực đi “săn” học sinh. Tại Thái Bình năm nay số lượng hồ sơ ĐKDT ĐH, CĐ giảm tới hơn 8 nghìn bộ. Ông Phạm Hùng Bản, Sở GD-ĐT Thái Bình cho biết ngoài các nguyên nhân như số lượng học sinh giảm, kinh tế khó khăn, các trường thực hiện tốt công tác tuyên truyền định hướng phân luồng, thì có nguyên nhân quan trọng là các trường nghề, trường trung cấp tràn xuống địa bàn để tuyên truyền tuyển sinh chứ không còn ngồi chờ thí sinh tự đến như trước nữa.
Cũng vì lý do này mà số học sinh tốt nghiệp THPT không tham gia dự thi ĐH,CĐ mà chuyển sang học trung cấp nghề, trung cấp chuyên nghiệp hoặc đi làm sau đó học theo con đường vừa học vừa làm ở Bắc Giang ngày càng tăng. Hàng năm, toàn tỉnh Bắc Giang có gần 3 nghìn học sinh tốt nghiệp THPT đi học trung cấp chuyên nghiệp, trung cấp nghề và khoảng trên 4nghìn học sinh tốt nghiệp THPT đi làm tại các doanh nghiệp, công ty trên địa bàn tỉnh…
Hướng nghiệp theo… cảm tính
Nếu như nói nguyên nhân hồ sơ ĐKDT giảm là do công tác phân luồng đã được làm tốt hơn căn cứ trên cơ sở học lực của các em, thì việc định hướng nghề nghiệp cho học sinh của các địa phương cho thấy đây chỉ là công việc được làm theo cảm tính.
Video đang HOT
Một loạt thông tin về nhu cầu nhân lực đã được công bố trước kỳ tuyển sinh năm 2014. Theo quy hoạch phát triển của Chính phủ, nhu cầu nhân lực của các ngành xuất bản, thể dục – thể thao, kỹ nghệ thực phẩm, dược, thủy sản… đến năm 2020 sẽ rất cao. Tuy nhiên, dường như thí sinh chưa thực sự tận dụng những thông tin này để “đón đầu” việc làm trong tương lai.
Bằng chứng là sự tăng – giảm hồ sơ vào các ngành nghề rất khác nhau giữa các địa phương.
Số lượng hồ sơ của thí sinh vào ngành y dược chiếm tới 21% tổng hồ sơ của thí sinh Thái Bình, tăng vọt so với năm trước. Trong khi đó tại Thanh Hoá, ĐH Y Hà Nội lại ra khỏi “top 10″ những trường được thí sinh nộp nhiều hồ sơ nhất.
Nếu như ở Phú Thọ lượng hồ sơ ĐKDT vào các trường sư phạm vẫn tương đương năm 2013, thì ở Thái Bình số thí sinh muốn theo học ngành sư phạm giảm hẳn, với lượng hồ sơ ĐKDT chỉ còn một nửa so với năm trước, và chỉ chiếm khoảng 4,5% tổng hồ sơ.
Mặc dù nhu cầu nhân lực ngành sư phạm không nằm trong bất cứ dự báo nào nhưng đáng ngạc nhiên là số lượng hồ sơ vào nhiều trường sư phạm lại tăng vọt.
Nhiều Sở địa phương tỏ ra khá ngạc nhiên vì năm nay học sinh lại đăng ký nhiều vào sư phạm. Ông Lê Duy Dân – Trưởng phòng Giáo dục chuyên nghiệp Sở GD-ĐT Tiền Giang cho biết mặc dù tỉnh đã thừa giáo viên nhưng không hiểu sao các em lại đăng ký vào sư phạm tăng: Hồ sơ vào ĐH Sư phạm TPHCM năm ngoái là 400 hồ sơ thì năm nay gần 800 hồ sơ. Số lượng hồ sơ vào sư phạm của các trường ĐH Đồng Tháp, ĐH Cần Thơ, ĐH Sài Gòn cũng đều tăng hơn.
Tại Long An, hồ sơ vào trường ĐH Sư phạm TPHCM đứng hàng thứ 2 với 1.721 hồ sơ. Sở GD-ĐT Tây Ninh cũng cho biết mặc dù hồ sơ năm nay giảm nhưng số lượng đăng ký và sư phạm lại tăng. Cụ thể là học sinh của tỉnh đăng ký nhiều nhất là trường CĐ Sư phạm Tây Ninh với 1.382 hồ sơ, vào ĐH Sư phạm TPHCM được 700 hồ sơ, tăng hơn năm 2013. Ông Nguyễn Đức Hoài – Trưởng phòng GDCN Sở GD-ĐT Ninh Thuận cho biết năm nay Sở nhận được 11.246 hồ sơ thì nhiều nhất là đăng ký vào hai trường ĐH Nông lâm TPHCM và Sư phạm TPHCM.
Ông Lê Ngọc Tứ – Trưởng phòng đào tạo trường ĐH Sư phạm TPHCM cho biết: Tổng lượng hồ sơ trường nhận được gần 24.000 hồ sơ, tăng khoảng 300 bộ so với năm trước, trong đó đa phần các ngành đào tạo về sư phạm chiếm nhiều nhất. Ngành Sư phạm Tiểu học có hồ sơ cao nhất với 6.967 hồ sơ, kế đến là ngành Sư phạm Mầm non 2.707 hồ sơ.
Tương tự như vậy, nhóm ngành kinh tế lâu nay được khuyến cáo về nhu cầu nhân lực, nhưng lượng hồ sơ vào nhóm ngành này không có dấu hiệu giảm nhiệt, tuy nhiên việc tăng giảm khôg đồng đều ở các địa phương. Trong khi hồ sơ ĐKDT vào nhóm ngành kinh tế – tài chính của thí sinh Sơn La giảm 30%, thì tại Hải Phòng nhóm ngành này lại dẫn đầu.
Bà Lê Thị Thu Thủy – trưởng phòng đào tạo trường ĐH Ngoại thương, số lượng hồ sơ ĐKDT vào trường năm nay tương đương với năm trước là gần 11 nghìn bộ. Theo bà Thủy, mặc dù đã có khuyến cáo về thừa nhân lực ngành kinh tế nhưng số lượng hồ sơ ĐKDT vào trường vài năm trở lại đây luôn ổn định. Như vậy, các thí sinh ĐKDT vào trường đã có định hướng nghề nghiệp từ trước bởi vì điểm chuẩn của trường hàng năm luôn cao. Bên cạnh đó, có thể thí sinh cũng tính đến tương lai lâu dài mới thi vào ngành kinh tế.
Số lượng hồ sơ trường ĐH Kinh tế Quốc dân nhận được năm nay khoảng 18 nghìn bộ, giảm 4 nghìn bộ so với năm trước. Ông Nguyễn Quang Dong – trưởng phòng đào tạo nhà trường nhận định: “Số hồ sơ giảm chỉ là số hồ sơ “ảo”, là việc rất bình thường, nhưng cũng cho thấy thí sinh đã phần nào định hướng được ngành nghề của mình. Phải chờ số thí sinh đến dự thi mới là con số thực”.
Theo VNN
Tỷ lệ chọi nhiều trường đại học giảm
Theo ghi nhận của VietNamNet tính đến ngày 15/5, nhiều trường ĐH khu vực phía Nam có tỷ lệ chọi giảm so với năm 2013.
Năm nay ĐHQG TP.HCM nhận được 53.330 hồ sơ, giảm 13.300 bộ so với năm trước (năm 2013 với 66.606 bộ) với chỉ tiêu 13.400 chỉ tiêu (12.400 chỉ tiêu bậc ĐH và 750 chỉ tiêu bậc CĐ) dự kiến tỷ lệ chọi chung của ĐH này là , giảm so với năm trước.
Ngoài ra, một số trường thành viên của ĐHQG TP.HCM có tỷ lệ chọi giảm so với năm trước như: Trường ĐH Bách khoa chỉ nhận được 10.553 hồ sơ, giảm hơn 5.000 bộ với chỉ tiêu là 3.950, tỷ lệ chọi 1/2,6.
Chỉ tiêu tuyển sinh Trường ĐH Kinh tế - Luật năm nay là 1.300. So với số lượng hồ sơ đăng ký là 6.554 bộ giảm hơn 3.500 hồ sơ do đó tỷ lệ chọi năm nay sẽ chỉ 1/5, giảm so với năm 2013 (1/8).
Khoa y ( ĐHQG TP.HCM) có lượng hồ sơ thu được chỉ 798 bộ giảm 45% so với 2013 là 1452 bộ. Mặc dù khoa y chỉ tuyển riêng duy nhất một ngành Y đa khoa với chỉ tiêu 100, như vậy tỉ lệ chọi vào khoảng 1/8 giảm so với năm trước.
Chỉ tiêu tuyển sinh Trường ĐH Khoa học Tự nhiên TP.HCM năm 2014 là 2.800. Với số lượng hồ sơ đăng ký dự thi là 14.418, tỷ lệ chọi dự kiến là 1/5. So với năm ngoài tỷ lệ chọi năm nay sẽ giảm.
Một số ngành của Trường ĐH Tài chính - Marketing nhận được ít hồ sơ như: Quản trị khách sạn nhận 236 giảm 4.648 hồ sơ so với năm trước; Kinh doanh quốc tế nhận 1.900 giảm 1200 hồ sơ...
Với chỉ tiêu 3.760 trong khi thu được 12.793 hồ sơ, dự kiến năm nay tỉ lệ chọi của Trường ĐH Tôn Đức Thắng là 1/3,4. So với năm ngoái tỷ lệ chọi của trường là 1/4. Tỷ lệ chọi năm nay có giảm nhẹ.
Trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật TP.HCM năm nay nhận được 18.942 hồ sơ, giảm 9.457 hồ sơ so với năm ngoái nên tỷ lệ chọi của trường sẽ giảm.
Tỷ lệ chọi Kinh tế, Y tăng
Ngược lại một số trường có lượng hồ sơ nộp như ĐH Quốc tế tăng thêm 6,8% với 4.143 bộ, Trường ĐH Công nghệ thông tin cũng tăng 5,2% với 3.904 bộ dự kiến tỷ lệ chọi sẽ tăng nhẹ.
Trong khi đó, Trường ĐH Tài chính - Marketing nhận được hơn 23.298 hồ sơ đăng ký, tăng 2,785 hồ sơ. Khối D1 có lượng hồ sơ nhiều nhất, chiếm 40,58%, khối A1 với 30,15% và khối A chiếm 29,28%.
Một số ngành có lượng hồ sơ tăng vọt so với năm ngoái như Quản trị dịch vụ ăn uống nhận 4.417 tăng 4.278 hồ sơ; Ngôn ngữ Anh nhận 2.133 tăng 1.618 hồ sơ; Quản trị dịch vụ du lịch và lữ hành nhận 2.534 tăng 1.981 hồ sơ; Kế toán nhận 2040 hồ sơ tăng hơn 1000 hồ sơ.
Với chỉ tiêu chung của toàn trường là 3.900 (chưa có chỉ tiêu từng ngành cụ thể) dự kiến tỷ lệ chọi toàn trường là 1/6.
Năm nay Trường ĐH Y khoa Phạm Ngọc Thạch nhận được 7.000 hồ sơ, tăng 1000 hồ sơ so với năm ngoái, với chỉ tiêu tuyển sinh hệ ĐH là 1.280. Tỷ lệ chọi sẽ là 1/5,47.
Năm nay Trường ĐH Kinh tế TP.HCM thu được 14.201 hồ sơ, tăng 2.500 bộ so với năm ngoái trong khi trường tuyển 4.000 chỉ tiêu dự kiến tỉ lệ chọi của trường năm nay là 1/3,5. So với năm ngoái tỷ lệ chọi là 1/3, tỷ lệ chọi năm nay tăng nhẹ.
Theo VNN