Dân Tây Nguyên vỡ mộng với ‘vua của các loại hạt’
Vừa phải bỏ vốn, lại bỏ công chăm sóc với mong muốn cây Sachi mang lại nguồn thu nhập cho gia đình, thế nhưng nhiều nông dân vỡ mộng khi hạt Sachi không ai mua.
Đổ xô trồng cây Sachi, lúc thu hoạch lại không bán được
Nghe giới thiệu cây Sachi là “vua các loại hạt”, dễ làm giàu vì không phải đầu tư nhiều, nhanh cho trái, giá thành cao nên gia đình chị Nguyễn Thị Mỹ (thôn 5, xã Ea Kiết, huyện Cư M’gar, tỉnh Đắk Lắk) không ngần ngại phá bỏ 5 sào tiêu để chuyển sang trồng cây Sachi .
Cây Sachi được nhiều nông dân Tây Nguyên chọn trồng.
Chị Mỹ cho biết: “Tôi phải sang tận thị xã Buôn Hồ để mua cây giống với giá 4.000 đồng/cây, nghe chủ vườn ươm nói loại cây này trồng xuống là mọc, không sợ đã chết, nên tôi quyết định lấy nhiều về để trồng. Đợt đó tôi nghe nói hạt Sachi bán ra ngoài thị trường tới mấy trăm nghìn/kg nên cũng ham”.
Quả nhiên đúng như lời đồn, sau 4 tháng trồng, vườn Sachi của gia đình chị Mỹ ra trái tốt, chị cho biết cứ thấy quả nào đổi màu thì hái về. Tuy nhiên, dù thu hoạch được nhiều nhưng chị Mỹ lại chẳng thấy ai tới mua hay hỏi về loại hạt này.
Nhiều người bảo phải xuống tận huyện Ea Kar bán, nhưng giá chỉ tầm 25.000-35.000 đồng/kg. Giá rẻ không đủ tiền xăng và vận chuyển nên gia đình chị Mỹ sau khi thu hoạch xong đành cất kho, tự mang đi ép dầu hoặc rang lên cho hàng xóm ăn.
Chị Mỹ cho hay: “Tết năm ngoái, gia đình tôi rang hạt Sachi lên ăn dần, chứ không biết làm gì. Tôi định phá đi để trồng cà phê, nhưng cây Sachi cứ xanh tươi mặc dù không hề chăm bón nên thấy tiếc, đành để vậy cho cây tự mọc”.
Chị Mỹ bên vườn Sachi.
Cũng như gia đình chị Mỹ, anh Võ Văn Minh (thôn 8, xã Ea Kiết, huyện Cư M’gar, tỉnh Đắk Lắk) đã phá bỏ 3 sào tiêu chết để trồng cây Sachi. Nhờ tận dụng trụ tiêu đã chết nên người dân không phải bỏ vốn đầu tư hệ thống giàn leo cho Sachi. Vì vậy anh Minh cũng như nhiều nông dân đã tranh thủ tận dụng điều kiện có sẵn để trồng loại cây này.
Video đang HOT
Thế nhưng thật đáng buồn, khi tới ngày thu hoạch, anh Minh không biết mang hạt Sachi bán cho ai mà cũng chẳng thấy ai tới hỏi mua.
“Tôi nghe người ta nói cây này cho hạt bán giá cao lắm, 600.000 đồng/kg, cao gấp mấy lần cà phê và tiêu nên mua về trồng thử, ai ngờ trồng cho thu hoạch nhưng lại không tiêu thụ được. May mà tôi chưa phá hết vườn cà phê để trồng Sachi, nếu không nhà tôi chết đói hết rồi”, anh Minh than.
Cẩn trọng khi mở rộng diện tích cây Sachi
Tiến sĩ Phạm Công Trí – Trưởng bộ môn Hệ thống nông lâm nghiệp (Viện khoa học Kỹ thuật Nông lâm nghiệp Tây Nguyên) – cho biết, cây Sachi là cây trồng mới, khảo nghiệm ở Việt Nam chỉ vài năm trở lại đây, các nghiên cứu chủ yếu đánh giá ban đầu, quy mô nhỏ. Những nghiên cứu trên diện tích lớn ở các vùng khí hậu khác nhau chưa nhiều.
Hạt Sachi sau khi sấy khô.
Thực tế, cây Sachi chưa có quy trình sản xuất, chưa có công nghệ chế biến sau thu hoạch và chưa có thị trường ổn định nên việc người nông dân tự phát trồng loại cây này tiềm ẩn nhiều rủi ro.
Tại Đắk Lắk, cây Sachi đã được người dân trồng phổ biến từ năm 2017. Đặc biệt cây được trồng nhiều tại các huyện Krông Búk, Krông Pắk, Krông Năng, Ea Kar, thị xã Buôn Hồ… với tổng diện tích hơn 200 hecta. Riêng các huyện Krông Năng đã có hơn 100 hecta cây Sachi do người dân trồng tự phát.
Do thị trường tiêu thụ chưa ổn định nên nông dân mở rộng diện tích ồ ạt đã gặp nhiều khó khăn, sản phẩm sau khi thu hoạch không tiêu thụ được khiến người nông dân chịu nhiều thiệt hại.
“Cần nghiên cứu một cách hệ thống về cây trồng, chế biến và tiêu thụ Sachi ở Tây Nguyên, để mở ra hướng đi mới có triển vọng, góp phần chuyển đổi cơ cấu cây trồng hiệu quả, xây dựng vùng chuyên canh Sachi gắn với thị trường tiêu thụ. Những nghiên cứu đó sẽ làm cơ sở để khuyến cáo nhân rộng vào sản xuất, giúp cải thiện đời sống nông dân, đa dạng hóa cây trồng nông nghiệp ở Tây nguyên và các vùng lân cận”, Tiến sĩ Phạm Công Trí chia sẻ.
Vừa qua, cây Sachi đã có “giấy thông hành” khi được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn công nhận đặc cách giống dược liệu mới cho giống Sachi S18. Đây là tin vui với người nông dân và là cơ sở pháp lý rất quan trọng trong việc phát triển cây Sachi, đặc biệt phải gắn khâu sản xuất với thị trường tiêu thụ sản phẩm.
Theo soha
Giá heo hơi ở Trung Quốc lên tới 74.000đ/kg
Giá heo hơi tiếp tục ghi nhận sự sụt giảm đáng kể ở các tỉnh miền Nam; trong khi ở miền Bắc giữ ổn định.
Hiện, dịch tả heo châu Phi vẫn diễn biến phức tạp ở nhiều địa phương, đàn heo giảm đáng kể và rất có thể từ nay đến cuối năm, giá heo hơi sẽ phi mã, như Trung Quốc đang phải chịu mức giá lên tới 74.000 đồng/kg.
Giá heo hơi ở miền Nam: Giảm sâu
Theo khảo sát, giá heo hơi hôm nay ở nhiều tỉnh khu vực miền Nam tiếp tục giảm sâu do người dân lo ngại dịch tả heo châu Phi lan rộng đã bán tống bán tháo đàn heo ra ngoài thị trường.
Cụ thể, giá heo hơi tại Đồng Nai đạt 30.000 đồng/kg, giảm nhẹ so với mức 31.000 đồng/kg mấy ngày trước đó. Giá heo hơi tại TP.HCM ổn định ở mức 35.000 đồng/kg.
Tại miền Tây Nam Bộ, giá heo hơi ở nhiều địa phương tiếp tục có xu hướng giảm, cụ thể tại Long An và Trà Vinh, giá heo hơi giảm 1.000 đồng/kg, lần lượt đạt 31.000 đồng/kg và 29.000 đồng/kg.
Giá heo hơi hôm nay ở toàn miền giao động trong khoảng 28.000 - 35.000 đồng/kg.
Giá heo hơi ở miền Trung, Tây Nguyên: Ít biến động
Như nhiều ngày trước đó, giá heo hơi hôm nay khu vực miền Trung, Tây Nguyên ít có sự biến động nhưng mức giá vẫn ở mức thấp. Cụ thể, giá heo hơi ở Thanh Hóa, Nghệ An, Bình Thuận tiếp tục ổn định ở mức 38.000 - 40.000 đồng/kg, cao nhất vùng.
Giá heo hơi ở Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên không có nhiều cải thiện so với những ngày qua, chỉ đạt bình quân 32.000 - 33.000 đồng/kg.
Giá heo hơi hôm nay khu vực miền Trung ghi nhận quanh mức 32.000 - 40.000 đồng/kg.
Giá heo hơi hôm nay 28/7 ở miền Nam giảm nhẹ; trong khi giá heo hơi hôm nay ở miền Bắc, miền Trung vẫn ổn định.
Giá heo hơi ở khu vực miền Bắc: Ổn định
So với miền Trung, miền Nam, giá heo hơi hôm nay 28/7 ở miền Bắc vẫn đạt được sự ổn định, một phần do dịch tả heo châu Phi đã vào giai đoạn cuối, phần vì số lượng đàn heo đã giảm đáng kể.
Cụ thể, giá heo hơi hôm nay ở Hải Dương đạt 38.000 đ/kg; giá heo hơi ở Hưng Yên, Hà Nội, Thái Bình đạt 40.000 - 41.000 đồng/kg.
Trong khi đó, giá heo hơi ở Lào Cai, Thái Nguyên, Bắc Giang đạt 37.000 - 38.000 đồng/kg.
Nhìn chung, giá heo hơi hôm nay tại miền Bắc giao động ở mức 38.000 - 42.000 đồng/kg.
Giá heo ở Trung Quốc: 74.000 đồng/kg
Bên lề buổi lễ trao Quyết định niêm yết của CTCP Tập đoàn Dabaco Việt Nam (Mã:DBC), ông Nguyễn Như So, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn cho biết, dịch tả heo châu Phi đã tác động khủng khiếp đến ngành chăn nuôi châu Á. Tại Trung Quốc, dịch xảy ra từ năm 2018, khiến đàn heo sụt giảm, đẩy giá heo hiện tại lên mức 74.000 đồng/kg.
Tại thị trường Việt Nam, dịch tả heo diễn ra từ đầu năm nên ngành chăn nuôi cũng bị ảnh hưởng. Hiện, giá bình quân ở thị trường phía Nam khoảng 28.000 -35.000 đồng/kg, còn phía Bắc khoảng 38.000 - 42.000 đồng/kg.
Theo ông So, mức giá trên chưa phản ánh hết và thấp hơn so với giá thành nhưng chỉ trong một thời gian ngắn nữa giá heo hơi sẽ tăng do tổng đàn heo trong nước đã giảm đáng kể.
Người đại diện của Dabaco dự đoán, giá heo hơi sẽ sớm phục hồi, tăng mạnh trong thời gian tới và có thể kéo dài trong năm 2020, giúp người chăn nuôi bớt thiệt hại.
Theo thegioitiepthi
Giá heo hơi ngày hôm nay 5/7: Cả 3 miền tăng nhẹ Giá heo hơi hôm nay 5/7: Nhìn chung giá heo cả 3 miền hôm nay đều tăng nhẹ so với phiên giao dịch hôm qua 4/7. Giá heo hơi hôm nay 5/7 tại miền Bắc: Có nơi tăng 1.000 đồng/kg Theo ghi nhận, giá heo hơi hôm nay 5/7 tại miền Bắc tiếp tục tăng nhẹ so với phiên giao dịch hôm qua...