Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc thông qua hai nghị quyết mới về Gaza, Mỹ bác bỏ
Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc ngày 11.12 đã bỏ phiếu về việc yêu cầu ngừng bắn ngay lập tức, vô điều kiện và vĩnh viễn giữa Israel và Hamas ở Dải Gaza và trả tự do cho tất cả các con tin.
Yêu cầu ngừng bắn nói trên nằm trong nghị quyết được thông qua với 158 phiếu thuận trong số 193 thành viên của Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc. Yêu cầu này được diễn đạt bằng ngôn ngữ cấp bách hơn so với kêu gọi ngừng bắn nhân đạo ngay lập tức ở Gaza mà Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc “kêu gọi” vào tháng 10.2023 và sau đó “yêu cầu” vào tháng 12.2023, theo Reuters.
Những nghị quyết của Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc không mang tính ràng buộc nhưng có sức nặng chính trị, phản ánh quan điểm toàn cầu về cuộc xung đột Hamas-Israel.
Đa số thành viên LHQ đòi hỏi ngừng bắn ở Gaza, Mỹ phản đối
Mỹ, Israel và 7 quốc gia khác đã bỏ phiếu chống lại nghị quyết ngừng bắn, trong khi 13 quốc gia bỏ phiếu trắng.
Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc cũng bày tỏ sự ủng hộ đối với cơ quan cứu trợ Palestine của Liên Hiệp Quốc UNRWA, thông qua nghị quyết thứ hai với 159 phiếu thuận để lên án luật mới của Israel mà sẽ cấm các hoạt động của UNRWA tại Israel từ cuối tháng 1.2025.
Những ngôi nhà bị phá hủy trong cuộc tấn công quân sự của Israel tại thành phố Khan Younis thuộc miền nam Dải Gaza. ẢNH: AFP
Nghị quyết yêu cầu Israel tôn trọng nhiệm vụ của UNRWA và “cho phép các hoạt động của UNRWA diễn ra mà không bị cản trở hay hạn chế”. Mỹ, Israel và 7 quốc gia khác cũng đã bỏ phiếu chống, trong khi 11 quốc gia bỏ phiếu trắng.
“Cả hai nghị quyết này đều có những vấn đề đáng kể. Một nghị quyết là phần thưởng cho Hamas và hạ thấp nhu cầu thả các con tin, còn nghị quyết kia hạ thấp Israel mà không đưa ra con đường tiến tới tăng cường hỗ trợ nhân đạo cho dân thường Palestine”, Phó đại sứ Mỹ tại Liên Hiệp Quốc Robert Wood phát biểu trước Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc.
Xung đột ở Gaza bắt đầu sau khi các tay súng Hamas ngày 7.10.2023 xông vào các cộng đồng ở miền nam Israel, giết chết khoảng 1.200 người và bắt khoảng 250 con tin trở về Gaza, theo số liệu của Israel.
Kể từ đó, quân đội Israel đã san bằng nhiều vùng đất ở Gaza, khiến gần như toàn bộ 2,3 triệu người dân phải rời bỏ nhà cửa, gây ra nạn đói và bệnh tật chết người, đồng thời giết chết hơn 44.800 người, theo Reuters dẫn số liệu mới từ Cơ quan Y tế Gaza.
Những con số kỷ lục của năm 2023
2023 là năm của vô số kỷ lục, từ nhiệt độ trái đất tăng cao, số người phải rời bỏ nhà cửa vì xung đột cho đến dân số của Ấn Độ.
Cuộc đại dịch chuyển
Số người trên khắp thế giới phải di tản do xung đột hoặc khủng hoảng nhân đạo đã ở mức cao kỷ lục trước khi cuộc xung đột Hamas - Israel bắt đầu vào ngày 7.10.
Người dân từ miền bắc Dải Gaza di chuyển xuống miền nam để tránh chiến sự hôm 10.11. Ảnh AFP
Theo Cơ quan tị nạn của Liên Hiệp Quốc (UNHCR), tính đến cuối tháng 9, khoảng 114 triệu người đã phải rời bỏ nhà cửa do xung đột ở Ukraine, Sudan, Myanmar và Cộng hòa Dân chủ Congo cũng như cuộc khủng hoảng nhân đạo ở Afghanistan, cùng nhiều yếu tố khác. Kể từ đó, ít nhất 1,9 triệu người dân tại Dải Gaza đã bổ sung vào con số trên.
Năm nóng nhất
Một người nhúng đầu xuống nước để giải nhiệt tại đài phun nước ở Rome (Ý) hồi tháng 7. Ảnh REUTERS
Theo Cơ quan giám sát khí hậu Copernicus của Liên minh châu Âu, 2023 là năm nóng nhất được ghi nhận khi lần lượt hết kỷ lục nhiệt độ này đến kỷ lục nhiệt độ khác bị phá vỡ.
Bắc bán cầu có mùa hè nóng nhất từ trước đến nay và các kỷ lục nhiệt độ cũng bị phá vỡ vào mùa đông ở nam bán cầu, trong đó thủ đô Buenos Aires của Argentina trải qua ngày 1.8 ấm nhất được ghi nhận với nhiệt độ 30 độ C.
Ấn Độ vượt Trung Quốc trở thành quốc gia đông dân nhất
Ấn Độ đã vượt qua Trung Quốc để trở thành nước có dân số đông nhất thế giới. Ảnh REUTERS
Theo Vụ Kinh tế và Xã hội của Liên Hiệp Quốc, Ấn Độ đã vượt qua Trung Quốc để trở thành quốc gia đông dân nhất thế giới vào giữa năm 2023, chiếm gần 1,43 tỉ trong tổng số 8 tỉ người trên trái đất.
Sau khi đạt đỉnh vào năm 2022 ở mức 1,426 tỉ người, dân số Trung Quốc đã bắt đầu giảm lần đầu tiên sau 6 thập niên. Các chuyên gia cho rằng đến năm 2100, dân số nước này có thể chỉ bằng một nửa dân số Ấn Độ.
Tiêu thụ than cao nhất mọi thời đại
Khói bốc lên từ nhà máy điện than tại tỉnh Mpumalanga, Nam Phi. Ảnh REUTERS
Tin xấu đối với khí hậu thế giới là mức tiêu thụ than toàn cầu, loại nhiên liệu hóa thạch ô nhiễm nhất, đạt mức cao nhất mọi thời đại là 8,5 tỉ tấn vào năm 2023, theo Cơ quan Năng lượng quốc tế (IEA).
Song trong một diễn biến đầu tiên, các quốc gia tham gia hội nghị thượng đỉnh về khí hậu hằng năm của Liên Hiệp Quốc đã đồng ý "chuyển đổi" năng lượng, loại bỏ dần than, dầu và khí đốt.
Mức phạt kỷ lục đối với Meta
Biển hiệu của Meta tại trụ sở công ty ở Mountain View, bang California (Mỹ). Ảnh REUTERS
Liên minh châu Âu (EU) năm nay đã bắt đầu mạnh tay với các gã khổng lồ công nghệ về quyền riêng tư và các vi phạm khác. Meta, công ty mẹ của Facebook, đã phải chịu mức phạt kỷ lục 1,2 tỉ euro (1,3 tỉ USD) ở Cộng hòa Ireland vì chuyển dữ liệu cá nhân bất hợp pháp từ châu Âu sang Mỹ, vi phạm các quy định của EU yêu cầu phải có sự đồng ý của người châu Âu về cách sử dụng dữ liệu của họ.
Chú chó sống thọ nhất
Bobi và tấm bảng chứng nhận kỷ lục được trao tặng. Ảnh SÁCH KỶ LỤC GUINNESS THẾ GIỚI
Chú chó chăn cừu Bồ Đào Nha được yêu quý có tên Bobi được Sách Kỷ lục Guinness thế giới ghi nhận là chú chó già nhất thế giới vào tháng 2.
Bobi thuộc giống chó Rafeiro thuần chủng, giống chó có tuổi thọ thường từ 12 - 14 năm. Tuổi thọ của Bobi được ghi nhận là 31 tuổi 165 ngày, vượt qua kỷ lục 29 tuổi của một chú chó qua đời tại Úc hồi năm 1939. Ông Leonel Costa, chủ nhân của Bobi, nói rằng thú cưng của mình sống thọ đến vậy một phần là nhờ chế độ ăn "như người".
Nhiều nước Trung Đông lên án Israel tiến quân vào Syria, Mỹ bảo vệ Qatar, Iraq và Ả Rập Xê Út lên án việc Israel kiểm soát một số khu vực tại Syria, trong khi Mỹ cho rằng hành động của Tel Aviv nhằm ngăn nguy cơ khủng bố. Bộ Ngoại giao Qatar ngày 9.12 ra tuyên bố nhấn mạnh cuộc tấn công của Israel là "một diễn biến nguy hiểm và tấn công vào chủ quyền...