Đại biểu Quốc hội Hà Ánh Phượng: Người làm giáo dục phải không ngừng học hỏi để tránh bị tụt hậu
Khi thầy cô thay đổi, học sinh sẽ thay đổi. Nếu một người hờ hững về chuyên môn, không có kiến thức sẽ mờ nhạt, không có điểm nhấn trong xã hội…
Cô giáo Hà Ánh Phượng tâm niệm, người làm giáo dục không bao giờ ngừng học. (Ảnh: NVCC)
Biến thách thức thành cơ hội
Là một đại biểu Quốc hội trẻ, đạt được nhiều thành tựu trong giáo dục cả trong nước lẫn quốc tế. Có khi nào cô phải chịu sức ép từ chính những giải thưởng của mình?
Bản thân tôi luôn muốn biến thách thức thành cơ hội. Được ghi nhận những giải thưởng quốc tế đối với tôi là một niềm vinh dự lớn lao. Bởi những giải thưởng này thể hiện được phần nào vị thế giáo dục của Việt Nam trên trường quốc tế.
Với tôi, dĩ nhiên cũng có áp lực, sức ép nào đó. Nhưng thách thức đó là một yếu tố để giúp tôi hoàn thiện hơn, phát triển hơn, đem lại nhiều giá trị tích cực hơn cho cộng đồng.
Cô luôn đột phá, tìm kiếm cái mới và cứ mải miết chinh phục chính mình. Thực tế, cô đang đi con đường khác mọi người?
Tôi không nghĩ mình đang đi con đường khác với mọi người. Trong lĩnh vực giáo dục, có rất nhiều thầy cô đang ngày đêm thầm lặng cống hiến và đem lại những giá trị tích cực cho cộng đồng. Tôi chỉ may mắn được biết đến và là đại diện cho rất nhiều thầy cô giáo ở Việt Nam được nhận những giải thưởng, danh hiệu ấy mà thôi.
Với công việc của một giáo viên, tham gia ở nhiều diễn đàn giáo dục quốc tế, có khi nào cô bị quá tải?
Có lẽ nhiều người sẽ thắc mắc tại sao tôi có thể làm được nhiều như thế nhưng lý do thì đơn giản lắm, chỉ là tôi luôn làm việc với đam mê và lòng yêu nghề chứ không phải bắt buộc phải làm. Những năng lượng tích cực đôi khi nảy sinh từ đó.
Đối với tôi, việc tham gia các diễn đàn quốc tế là cơ hội tốt để đem lại những giá trị tích cực cho bản thân, giúp tôi có thể hoàn thiện hơn.
Tôi coi đó là động lực nên cảm thấy không có nhiều sức ép. Tôi nghĩ, giải thưởng còn là cơ hội để thấy mình không bao giờ được ngừng sáng tạo, ngừng phấn đấu. Thực tế bản thân tôi đã từng trải qua giai đoạn khó khăn nhưng tôi vẫn tràn đầy năng lượng tích cực mỗi khi đến lớp.
Bên cạnh công việc của một giáo viên, tôi còn là một đại biểu Quốc hội, sẽ phải thực hiện những nhiệm vụ chính trị. Do đó, nhà trường đã sắp xếp để công việc của tôi phù hợp hơn.
Một trong những nguyên tắc khi tôi làm việc là, cái gì có thể làm từ một đến năm phút thì tôi làm luôn để tránh việc thời gian trôi qua một cách phí hoài.
Khó ở đâu, gỡ ở đó
Với không ít giải thưởng cả trong nước lẫn quốc tế, có bao giờ cô nghĩ mình xuất chúng?
Chưa bao giờ tôi nghĩ mình là một người xuất chúng. Bản thân tôi tự nhận thấy mình còn nhiều thiếu sót, cần trau dồi hơn nữa để có thể hoàn thiện hơn. Tôi luôn đặt ra những kế hoạch phát triển bản thân trong rất nhiều lĩnh vực như làm một cô giáo dạy tiếng Anh thì kiến thức về ngôn ngữ học với tôi là chưa đủ.
Ngoài giảng dạy trên lớp và thực hiện những dự án cho học sinh, tôi còn dành nhiều quỹ thời gian để tìm hiểu thêm về những lĩnh vực khác nhau trong cuộc sống như kinh tế, văn hóa, các chủ đề mà xã hội đang quan tâm… Bởi với tôi, những kiến thức đó không bao giờ thừa với một công dân ở thế kỷ XXI. Tôi luôn trên tinh thần học hỏi từ chính những đồng nghiệp, bạn bè xung quanh và ngay chính từ học sinh của mình.
Con đường sự nghiệp của cô có suôn sẻ?
Tôi không nghĩ con đường sự nghiệp của mình suôn sẻ. Khi bắt đầu về trường, tôi cũng gặp thách thức từ việc môi trường của học sinh ở đó còn khó khăn, nhận thức về vai trò của tiếng Anh rất hạn chế.
Bản thân tôi có lúc cũng cảm thấy cô đơn nhưng nhờ sự giúp đỡ, hỗ trợ, ủng hộ của đồng nghiệp và bạn bè, ban giám hiệu nhà trường giúp tôi vượt “bão” thành công.
Video đang HOT
Tôi đã thay đổi theo hướng đổi mới sáng tạo, khó ở đâu thì gỡ ở đó, do đó tôi mới có thể đi lên được. Nếu chỉ có một mình thì tôi khó có thể làm được những dự án quốc tế hay những sản phẩm đem lại giá trị cho cộng đồng đến vậy.
Nhớ lại, lúc mới bắt đầu về trường dạy, tôi chuẩn bị sinh cháu đầu tiên. Tôi sinh non nên gắn liền với bệnh viện và khoảng thời gian đó tôi phải sắp xếp công việc để đi chữa bệnh cho con di chuyển từ Phú Thọ – Hà Nội và từ Hà Nội – Phú Thọ trong suốt hai năm đầu.
Thực sự thời gian đó, tôi đã nỗ lực và quyết tâm đến cùng để thu xếp việc nhà và việc trường. Tôi vẫn nhớ ngày đi thi giáo viên dạy giỏi cấp tỉnh, con tôi còn thức trắng đêm, hôm sau vẫn quyết tâm lên giảng đường để thi.
Dạo đó, con tôi mắc bệnh nan y, có những lúc tôi đã cảm thấy rất suy sụp. Việc vừa nuôi con, con thường xuyên ốm, đi viện và việc lên lớp đúng là quá vất vả. Nghĩ lại, tôi cảm thấy nếu không có sự hỗ trợ của gia đình, nhà trường, đồng nghiệp thì tôi khó có thể vượt qua. Nhưng “thép đã tôi thế đấy”, dường như những khó khăn đã giúp tôi mạnh mẽ hơn.
Có những lúc cuộc sống đã thử thách tôi, suy cho cùng đó lại là những bài học trong hành trang trưởng thành của mình.
Cô giáo Hà Ánh Phượng xem việc tham gia các diễn đàn quốc tế là cơ hội tốt để đem lại những giá trị tích cực cho bản thân.
Luôn trong tâm thế chia sẻ kiến thức
Vừa qua, cô trò được mời làm báo cáo viên tại hội nghị của UNICEF 2021. Cô đã chia sẻ những gì tại hội nghị này?
Trong tháng 12 vừa qua, cô trò chúng tôi rất vinh dự khi được trở thành diễn giả của Hội nghị thượng đỉnh UNICEF 2021, cũng là hai cô trò người Việt duy nhất được mời để báo cáo tại hội thảo. Trong phiên hội thảo này, là một giáo viên, tôi chia sẻ về phương pháp và những kỹ thuật dạy học tích cực, gắn liền với công nghệ để giúp học sinh có kết quả tốt hơn, truyền cảm hứng hơn đến học sinh.
Đó là mô hình lớp học xuyên biên giới, phương pháp dạy học bằng phim… Tôi cũng đã chia sẻ những dự án dạy học quốc tế của mình đã tạo được một giá trị rất lan tỏa trong cộng đồng, như Dự án phòng chống bạo lực trong không gian mạng, Dự án nói không với ống hút nhựa, Dự án thư viện hạnh phúc.
Theo cô, cần làm gì để học sinh Việt có thể bước ra thế giới một cách dễ dàng hơn?
Giáo dục là vũ khí mạnh nhất thay đổi được thế giới. Với tôi, giáo dục không chỉ dạy kiến thức mà hướng đến phát triển năng lực và phẩm chất của một con người. Bản thân tôi luôn tâm niệm, người làm giáo dục phải không ngừng học để tránh bị tụt hậu. Ngoài ra, tôi luôn trong tâm thế chia sẻ kiến thức.
Học sinh thế kỷ XXI sẽ gặp nhiều thách thức và cả những cơ hội, quan trọng là các em cần phải tự tin, linh hoạt trong mọi tình huống. Đồng thời, các em phải không ngừng học hỏi, trau dồi và phát triển bản thân.
Giáo viên cũng vậy, giống cái mốc định vị của mỗi người với thế giới này. Nếu một người hờ hững về chuyên môn, không có kiến thức sẽ mờ nhạt, không có điểm nhấn trong xã hội, trong đám đông.
Tôi quan niệm, khi thầy cô thay đổi, học sinh sẽ thay đổi. Do đó, tôi luôn nỗ lực hết mình để dạy học bằng các phương pháp sáng tạo. Tôi mong các em luôn chủ động, tự tin, để sẵn sàng bắt kịp và hòa nhập với sự phát triển tri thức toàn cầu.
Thành tích tiêu biểu của cô giáo Hà Ánh Phượng:
Giải thưởng Top 10 giáo viên xuất sắc nhất toàn cầu, Quỹ Varkey- Đối tác của UNESCO bầu chọn
Giải thưởng Công chúa Thái Lan dành cho 11 giáo viên xuất sắc nhất khu vực Đông Nam Á
Giải thưởng 10 Gương mặt trẻ Việt Nam tiêu biểu năm 2020
Được ghi nhận là chuyên gia giáo dục sáng tạo của Microsoft
Học bổng toàn phần Bộ Ngoại giao Mỹ, chương trình SEAYLP…
Trường THPT chuyên: Cần đổi mới mô hình và triết lý đào tạo
Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn cho rằng cần tiếp tục nhìn nhận sự phát triển của trường chuyên trong đổi mới giáo dục và đào tạo nói chung, là khâu quan trọng trong phát hiện, đào tạo và bồi dưỡng nhân tài.
Mô hình trường Trung học phổ thông chuyên đã giúp phát hiện và bồi dưỡng nhiều học sinh giỏi, giành được nhiều giải thưởng quốc tế . (Ảnh: TTXVN)
Trong những năm qua, có thể nói, việc phát triển mô hình trường Trung học phổ thông chuyên đã trở thành cú hích, đóng góp chung vào sự nghiệp đổi mới giáo dục-đào tạo.
Chất lượng giáo dục của các trường chuyên đã phần nào trở thành những điển hình, có vai trò tiên phong cho các trường Trung học phổ thông khác học tập.
Tuy nhiên, vẫn có không ít ý kiến trái chiều, băn khoăn về hiệu quả của mô hình này cũng như coi việc ra đời của trường chuyên chỉ để bồi dưỡng học sinh giỏi đi ứng thí, giành giải thưởng, huy chương...
Mới đây, tại hội nghị tổng kết 10 năm thực hiện Đề án "Phát triển hệ thống trường Trung học phổ thông chuyên giai đoạn 2010-2020," đa số ý kiến từ các chuyên gia, các địa phương, nhà trường đều khẳng định sự cần thiết của trường Trung học phổ thông chuyên trong hệ thống giáo dục phổ thông.
Song, trong giai đoạn phát triển mới, cần đổi mới mô hình và triết lý đào tạo để các trường chuyên thực sự là nơi bồi dưỡng nhân tài, đào tạo tinh hoa cho đất nước.
Không phải nơi đào tạo "gà nòi"
Sau 10 năm thực hiện Đề án "Phát triển hệ thống trường Trung học phổ thông chuyên giai đoạn 2010-2020," hệ thống trường chuyên đã có sự phát triển mạnh mẽ về quy mô, chất lượng giáo dục và đạt được nhiều kết quả nổi bật.
Hệ thống trường chuyên được củng cố và phát triển từ 68 trường chuyên năm 2010 tăng lên 77 trường năm 2020, đảm bảo mỗi tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có ít nhất một trường chuyên, có nơi có 2 trường chuyên phù hợp với điều kiện và mục tiêu phát triển của địa phương.
Quy mô học sinh đã tăng, tổng số học sinh chuyên chiếm khoảng 2,7% số học sinh Trung học phổ thông trên toàn quốc.
Các trường chuyên được đầu tư, nâng cấp thành các trường đạt chuẩn quốc gia, đến năm 2020 là 60 trường (năm 2010 có 21 trường); 15 trường trọng điểm quốc gia phát triển, trở thành hình mẫu của các vùng.
Ông Phạm Duy Hương, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Bắc Kạn chia sẻ sau 10 năm, Trường Trung học Phổ thông chuyên Bắc Kạn từ một trường quy mô nhỏ, đã thay đổi gần như toàn bộ với đầy đủ phòng học, phòng bộ môn, phòng ngoại ngữ, phòng đa năng...
Số lượng học sinh của trường so với năm 2010 đã tăng đến 50%. Chất lượng đào tạo chuyển biến tích cực, trong đó, học sinh giỏi quốc gia tăng dần qua các năm.
Cũng trong điều kiện còn nhiều khó khăn như Bắc Kạn, ông Lưu Hồng Phương, Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Lai Châu cho biết Trường chuyên của tỉnh mới được thành lập hơn 10 năm nên so với mặt bằng chung của cả nước, kết quả và quy mô còn khiêm tốn nhưng đây thực sự là hình mẫu của các trường trên toàn tỉnh.
Trường Trung học phổ thông chuyên Lê Quý Đôn tỉnh Lai Châu đã được xây dựng, nâng cấp, củng cố; chất lượng giáo dục và bồi dưỡng học sinh có nhiều tiến bộ; chất lượng đội ngũ cũng được nâng lên...
Nhìn lại kết quả sau 10 năm phát triển của Trường Trung học phổ thông chuyên Nguyễn Du (Đắk Lắk), bà H'Yim Kđoh, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Đắk Lắk cho hay với những nỗ lực của trường chuyên, kết quả thi chọn học sinh giỏi quốc gia trong những năm qua của tỉnh xếp thứ hạng đáng tự hào trong số 63 tỉnh, thành phố của cả nước.
So với 10 tỉnh trong khu vực duyên hải miền Trung và Tây Nguyên, thành tích học sinh giỏi của tỉnh Đắk Lắk luôn giữ vững ở những vị trí tốp đầu.
Trao thưởng cho các học sinh đỗ điểm cao nhất các lớp chuyên khối 10 tại Lễ khai giảng của Trường THPT chuyên Chu Văn An, thành phố Lạng Sơn. (Ảnh: Anh Tuấn/TTXVN)
Tuy nhiên, một số ý kiến cũng cho rằng, trường chuyên cần khẳng định được vị trí, vai trò của mình, thực sự là môi trường đào tạo tinh hoa theo đúng nghĩa. Trường chuyên không phải nơi đào tạo "gà nòi" mà phải đào tạo nhân tài có đầy đủ kiến thức, kỹ năng, có ước mơ, đam mê, hoài bão...
Khẳng định đề án phát triển trường chuyên là một chủ trương rất tốt, Giáo sư-Tiến sỹ Nguyễn Đình Đức, Trưởng ban Đào tạo Đại học Quốc gia Hà Nội chia sẻ nhờ có Đề án phát triển trường chuyên, từ một lớp A0, Đại học Quốc gia Hà Nội đã thành lập được 3 trường chuyên.
Các trường chuyên trong hệ thống Đại học Quốc gia Hà Nội phát triển vượt bậc cả về quy mô, số lượng và chất lượng. Học sinh của Trường Trung học phổ thông chuyên Khoa học tự nhiên dẫn đầu cả nước về giải thưởng quốc tế. Cũng nhờ Đề án này, nhiều địa phương, kể cả địa phương khó khăn đã có giải thưởng quốc tế.
Theo Giáo sư Nguyễn Đình Đức, trường chuyên cần phải thể hiện rõ triết lý đặt ra. Đây không phải chỉ là nơi bồi dưỡng học sinh để có giải thưởng mà là nơi tạo nguồn cán bộ chủ chốt, nguồn nhân lực chất lượng cao.
Học sinh tốt nghiệp từ trường chuyên có nhiều em điểm cao nhưng lại gặp các vấn đề như ngoại ngữ không tốt, thiếu các kỹ năng, khó hòa nhập. Muốn đào tạo nhân tài, không phải tập trung "luyện" cho học sinh giỏi một môn để đi thi thố mà trước hết, phải đào tạo toàn diện, trong đó, chú trọng kỹ năng mềm, ngoại ngữ, tin học.
Tiếp đến phải có môi trường để khơi dậy, nuôi dưỡng đam mê, khát vọng. Đây là điểm cốt yếu trong việc đào tạo, bồi dưỡng người tài.
Tăng cường giáo dục toàn diện
Là người gắn bó với việc triển khai đề án phát triển trường chuyên từ những ngày đầu tiên, ông Nguyễn Vinh Hiển, nguyên Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo cho rằng mục tiêu của trường chuyên là thống nhất với cả hệ thống nhưng trường chuyên có vai trò dẫn dắt đi đầu, là nơi sáng tạo dành cho những người sáng tạo nhất.
Nhờ có hệ thống trường chuyên, các tỉnh miền núi khó khăn mới phát hiện, bồi dưỡng được nhiều học sinh giỏi, đảm bảo sự công bằng trong giáo dục.
Theo ông Nguyễn Vinh Hiển, thời gian qua, hệ thống trường chuyên đã có nền tảng đào tạo tốt, nhưng chưa có tiếng nói đầy đủ. Hệ thống trường chuyên cần phải có thống kê để biết học sinh chuyên thành người như thế nào, ra đời phục vụ đất nước ra sao, từ đó, định hướng phát triển chương trình giáo dục riêng.
Trường chuyên phải làm những việc mà trường khác không làm được. Muốn làm được như vậy, không nên áp dụng một chương trình cứng với trường chuyên, bởi nếu để chương trình cứng sẽ dễ ổn định, trường chuyên không phải để ổn định mà để phát triển.
Ông Mai Tấn Linh, Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Đà Nẵng cũng đề xuất Bộ Giáo dục và Đào tạo cần sớm có định hướng phát triển trường Trung học phổ thông chuyên giai đoạn tiếp theo.
Đồng thời, có cơ chế huy động các nguồn lực vào phát triển trường chuyên để xây dựng cơ sở vật chất, tăng cường phương tiện, trang bị dạy học hiện đại, bồi dưỡng giáo viên...; tăng cường kết nối hơn nữa giữa trường chuyên với các trường đại học hàng đầu.
Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Bắc Kạn Phạm Duy Hương mong muốn Bộ Giáo dục và Đào tạo sẽ xây dựng cơ chế chung để đào tạo, bồi dưỡng; đồng thời, có chính sách đãi ngộ, thu hút với giáo viên các trường chuyên.
Hàng năm, Bộ cũng nên tổ chức các hội thảo, hội nghị trao đổi kinh nghiệm giữa các trường chuyên; tổ chức trại hè hay các hoạt động tương tự để học sinh trường chuyên có cơ hội tiếp cận với các chuyên gia đầu ngành trong đào tạo, bồi dưỡng học sinh giỏi.
Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn. (Ảnh: TTXVN phát)
Về phía Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn cho rằng cần tiếp tục nhìn nhận sự phát triển của trường chuyên trong đổi mới giáo dục và đào tạo nói chung, là khâu quan trọng trong phát hiện, đào tạo và bồi dưỡng nhân tài. Đồng thời, câu chuyện học thật, thi thật, nhân tài thật cần triển khai đầu tiên phải là ở các trường Trung học phổ thông chuyên.
Bộ trưởng cũng đề cập tới áp lực tuyển sinh trường chuyên mà ở đó, không ít phụ huynh còn chưa suy nghĩ thấu đáo, còn chạy theo trường chuyên vì mong muốn của bản thân, dẫn tới học sinh có lựa chọn không phù hợp.
Nếu vào học không phù hợp sẽ là nỗi khổ của học sinh, nỗi vất vả của thầy cô và nỗi lo của xã hội. Phải tránh tiêu cực trong tuyển sinh, tránh "ngồi nhầm trường." Nhân tài không phải là câu chuyện của nhiều người nên phải có cách thức phù hợp.
Một trong những phương hướng phát triển hệ thống trường Trung học phổ thông chuyên giai đoạn tiếp theo được Bộ Giáo dục và Đào tạo xác định là đổi mới tổ chức, quản lý hoạt động của trường chuyên phù hợp với xu thế thời đại mới.
Cụ thể, xây dựng kế hoạch giáo dục của nhà trường đảm bảo ngoài việc phát triển giáo dục mũi nhọn cần tăng cường giáo dục toàn diện cho học sinh, đổi mới quản lý tổ chức hoạt động của nhà trường để các trường chuyên trở thành hình mẫu về phát huy quyền, trách nhiệm tự chủ chuyên môn của nhà trường và giáo viên; vai trò tự chủ của học sinh/tập thể học sinh gắn với các câu lạc bộ khoa học của học sinh.
Bộ Giáo dục và Đào tạo sẽ xây dựng Khung chương trình nâng cao cho các trường chuyên trên cơ sở phát triển Chương trình giáo dục phổ thông mới 2018, bảo đảm đáp ứng các yêu cầu cần đạt của chương trình, phù hợp với điều kiện và mục tiêu của từng trường chuyên nhằm thực hiện giáo dục toàn diện và phát huy cao nhất tiềm năng, khả năng sáng tạo của từng học sinh./.
Một năm "đi ra biển lớn" với 10 đại diện nổi bật nhất 2021: HCV Olympic quốc tế, cô giáo toàn cầu, sinh viên cũng xuất sắc toàn cầu nốt! Năm 2021 dần khép lại, dù có nhiều khó khăn, thách thức với ngành Giáo dục, song vẫn có những điểm sáng khiến chúng ta không khỏi tự hào. Năm 2021 là một năm khó khăn với nhiều ngành nghề, nhiều lĩnh vực, trong đó có giáo dục. Nhưng gác lại những thách thức ấy, giáo dục Việt Nam tự hào vì tiếp...