Đa số trường trung học tại thủ đô Campuchia mở cửa trở lại theo đúng kế hoạch
Theo phóng viên TTXVN tại Campuchia, trước thời điểm mở cửa trở lại các trường trung học tại thủ đô Phnom Penh theo đúng kế hoạch vào ngày 15/9, chính quyền thành phố này đã làm vệ sinh và khử khuẩn xong toàn bộ 68 trường công lập trong ngày 13/9, trong khi công tác này tại các cơ sở giáo dục tư nhân đã được hoàn tất từ 2 ngày trước đó.
Kiểm tra thân nhiệt để phòng dịch COVID-19 tại một trường học ở Phnom Penh, Campuchia. Ảnh tư liệu: AFP/TTXVN
Sau thời gian dài đóng cửa do dịch COVID-19, chính quyền thủ đô Phnom Penh khẳng định công việc làm vệ sinh và khử khuẩn toàn bộ các cơ sở giáo dục là vô cùng quan trọng để bảo vệ sức khỏe cho các giáo viên, nhân viên ngành giáo dục và học sinh. Phát biểu với báo giới, Giám đốc Sở Giáo dục Phnom Penh, ông Hem Sinareth cho biết công tác khử khuẩn một số trường cần được tiến hành kỹ lưỡng bởi một số cơ sở từng được sử dụng làm trung tâm điều trị bệnh nhân COVID-19 hoặc địa điểm tiêm chủng vaccine. Ông Hem Sinareth nhấn mạnh: “Đa số các trường học tại Phnom Penh đã sẵn sàng để mở cửa trở lại trong ngày 15/9, trong khi một vài trường khác sẽ được mở theo lộ trình bởi họ cần phải tuân thủ triệt để các tiêu chuẩn phòng dịch COVID-19, trong đó có việc dọn dẹp, làm vệ sinh và khử khuẩn”.
Sau khi đã đánh giá kỹ công tác chuẩn bị của các trường trên địa bàn, Đô trưởng Phnom Penh, ông Khuong Sreng nhấn mạnh rằng các trường phải thực hiện nghiêm ngặt những tiêu chuẩn phòng dịch, hoặc sẽ không được phép mở cửa trở lại bởi ưu tiên cao nhất của chính quyền thủ đô Phnom Penh là an toàn sức khỏe cho các thầy cô, nhân viên ngành giáo dục và các học sinh. Ông Khuong Sreng lưu ý thêm rằng toàn bộ ban giám hiệu các trường trung học phải được sự chấp thuận của chính quyền sở tại trước khi mở cửa đón học sinh.
Trong khi đó, tại tỉnh Kandal giáp ranh thủ đô Phnom Penh, Tỉnh trưởng Kong Sophon đã yêu cầu tất cả các cơ quan hữu quan phải đảm bảo làm công tác vệ sinh, khử trùng ở tất cả các phòng học, cũng như khuôn viên trường khi mở cửa theo đúng kế hoạch. Tại tỉnh này, theo ông Kong Sophon, 95 trường trong tổng số 101 trường trung học sẽ được mở cửa. Ở tỉnh Preah Sihanouk vùng Tây Nam Campuchia, một trong những nơi dịch COVID-19 từng bùng phát mạnh, việc mở cửa trường học sẽ được thực hiện trước tiên với 5 trường thuộc 5 huyện/thị.
Tính đến ngày 12/9, sau hơn 7 tháng thực hiện chiến dịch tiêm phòng cho người từ 18 tuổi trở lên, 9.737.885 người tại Campuchia đã được tiêm ít nhất một mũi vaccine Sinopharm, Sinovac, AstraZeneca hoặc Johnson & Johnson, trong đó 8.600.167 đã hoàn thành hai mũi tiêm. Bên cạnh đó, Campuchia đã tiêm phòng cho hơn 1.708.535 thanh thiếu niên từ 12-17 tuổi, tương đương 86,86% trong tổng số 1.966.931 thanh thiếu niên dự kiến được tiêm phòng COVID-19 bằng vaccine Sinovac của Trung Quốc.
Theo phóng viên TTXVN tại Bangkok, Thái Lan đang xem xét lại mô hình mở cửa khi tiến tới áp dụng chính sách một tiêu chuẩn, một hệ thống (OSOS) nhằm dỡ bỏ cách ly bắt buộc với tất cả các khu vực thử nghiệm trong năm nay và cắt giảm một nửa chi phí xét nghiệm COVID-19.
Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch Thái Lan (TAT) Yuthasak Supasorn cho biết kế hoạch mở cửa trở lại cho 5 khu vực tiếp theo là Pattaya, Chiang Mai, Hua Hin, Cha-am và Bangkok sẽ được trình lên Trung tâm Xử lý Tình hình COVID-19 (CCSA) vào tuần tới để có thể bắt đầu tiếp nhận khách du lịch từ 1/10, trong khi chương trình Samui sẽ đồng thời trở thành một điểm đến không cách ly. Theo kế hoạch này, các tỉnh sẽ áp dụng các quy trình vận hành tiêu chuẩn (SOP) giống nhau để cho phép du khách tự do đi lại trong các khu vực được chỉ định ở mỗi tỉnh. Khách du lịch chỉ cần tuân theo các hướng dẫn, như kích hoạt ứng dụng Mor Chana và được kiểm tra hàng ngày ở khách sạn, thay vì bị cách ly hoặc chỉ được đi lại theo chương trình du lịch.
TAT cũng đang thảo luận với các nhà chức trách y tế về việc giảm giá cho 3 xét nghiệm RT-PCR, vốn được coi là một trở ngại cho chương trình mở cửa trở lại ở cả mô hình Hộp cát Phuket lẫn chương trình Samui trong vài tháng qua. TAT sẽ cố gắng giảm một nửa giá xét nghiệm RT-PCR và cho phép khách du lịch sử dụng bộ xét nghiệm kháng nguyên cho lần xét nghiệm thứ hai và thứ ba. Giá trọn gói sẽ được áp dụng chung cho các tỉnh từ tháng 10, bao gồm cả Phuket.
Thái Lan sáng 14/9 thông báo ghi nhận thêm 11.786 ca nhiễm mới và 136 ca tử vong, nâng tổng số ca nhiễm ở nước này từ đầu dịch lên 1.406.542, trong đó có 14.631 người không qua khỏi. Bộ Giáo dục Thái Lan cho biết các trường học sẽ nối lại việc học tại chỗ vào tháng 11 với điều kiện là có đủ vaccine ngừa COVID-19 cho học sinh vào tháng tới. Dự kiến, Thái Lan sẽ sử dụng vaccine Pfizer để tiêm chủng cho trẻ em trong độ tuổi từ 12-17 trong tháng 10. Cho đến nay, 70% giáo viên trên toàn quốc đã được tiêm vaccine, trong khi tất cả nhân viên trong các trường học cũng sẽ được tiêm chủng.
Video đang HOT
Bài học chống dịch COVID-19 từ Israel và Hà Lan khi mở cửa trở lại
Nhiều quốc gia đang gặp khó khăn trong quyết định chính xác thời điểm mở cửa trở lại sau thời gian dài chịu ảnh hưởng nặng của đại dịch COVID-19, với nguyên nhân chủ yếu là do biến thể Delta dễ lây lan.
Tờ Straits Times đã đề cập đến câu chuyện mà hai quốc gia là Israel và Hà Lan đang đối diện sau quyết định mở cửa trở lại.
Israel
Israel là quốc gia tiêm chủng ngừa COVID-19 nhanh nhất thế giới. Tel Aviv mở chiến dịch tiêm chủng mở rộng từ tháng 12/2020 và đến ngày 20/3 năm nay, trên một nửa số dân 9 triệu người của nước này đã tiêm chủng đầy đủ.
Israel và Hà Lan đều đang chứng kiến biến thể Delta thống trị các ca mắc COVID-19 mới. Ảnh: AFP
Trong khi phần lớn thế giới đang vật lộn để có vaccine do tình trạng thiếu hụt toàn cầu, Israel cố gắng đảm bảo nguồn cung ổn định hàng tuần với ít nhất 400.000 liều Pfizer-BioNTech.
Quốc gia này đã trả giá cao hơn cho mỗi liều vaccine, ở mức khoảng 23 euro (khoảng 630.000 đồng), tức là nhiều hơn 11 euro so với mức giá Liên minh châu Âu trả. Israel cũng cung cấp dữ liệu sức khỏe của các công dân đã tiêm vaccine cho Pfizer để phục vụ mục đích nghiên cứu.
Thành công trong tiêm chủng giúp làm giảm số ca nhiễm mới mỗi ngày giảm đáng kể, từ đỉnh điểm gần 12.000 ca mắc mới vào tháng 1 xuống dưới 100 ca vào tháng 4. Đây cũng là thời điểm lần đầu tiên quốc gia này không có trường hợp tử vong hàng ngày nào sau 10 tháng.
Các biện pháp giới hạn dần dần được nới lỏng. Những địa điểm công cộng như quán cà phê và rạp chiếu phim nhanh chóng kín chỗ. Một quan chức y tế tuyên bố đây là lần cuối phải tháo bỏ khẩu trang trong cuộc phỏng vấn trên truyền hình vào tháng 6 như một cách báo hiệu mang tính tượng trưng cho sự trở lại bình thường.
Sau đó, biến thể Delta bắt đầu xuất hiện.
Ngay sau khi gỡ bỏ các lệnh hạn chế, tình trạng lây nhiễm COVID-19 tăng nhanh với số ca nhiễm mới trung bình là trên 1.000 ca/ngày vào tuần trước (21/7), mức cao kỷ lục tính từ tháng 3 năm nay.
Quy định bắt buộc đeo khẩu trang được ban bố trở lại. Một ngày ngay sau đó, chính phủ đã tái áp đặt yêu cầu giữ khoảng cách khi tiếp xúc gần trong vòng 14 ngày đối với người mắc COVID-19. Các biện pháp phòng ngừa trên được áp dụng trở lại trong bối cảnh biến chủng Delta chiếm đến 90% số ca nhiễm mới tại nước này.
Một số nghiên cứu chỉ ra rằng biến thể Delta là nhân tố chính dẫn đến bùng phát lây nhiễm ở những người đã được tiêm vaccine. Số liệu nghiên cứu cũng cho thấy vaccine Pfizer-BioNTech chỉ đạt hiệu quả 41% trong ngăn ngừa mắc COVID-19 có triệu chứng.
Israel đang chìm trong làn sóng lây nhiễm virus, với 153 bệnh nhân trong tình trạng nguy kịch vào ngày 27/7, so với số lượng chỉ ở mức một con số cách đây 1 tháng.
Nhưng thay vì siết chặt giới hạn, Thủ tướng Naftali Bennett lại ưu tiên sử dụng các biện pháp mềm mỏng để ngăn chặn virus.
Dựa trên những thành công tiêm chủng trước đó, Israel đã tái giới thiệu Hộ chiếu xanh để phân biệt những người đã được tiêm vaccine hoặc đã khỏi COVID-19 và cho phép những người thuộc nhóm này đến các địa điểm như nhà hàng hoặc nơi thờ tự tôn giáo.
Quy định sử dụng Hộ chiếu xanh được đưa ra từ tháng 2, sau đó được chính phủ gỡ bỏ từ ngày 1/6 do số ca lây nhiễm giảm.
Ngày 30/7, Israel đã bắt đầu tiêm bổ sung mũi vaccine thứ 3 cho nhóm đối tượng trên 60 tuổi.
Hà Lan
Cảnh sát Hà Lan tuần tra thành phố Utrecht trong giờ giới nghiêm. Ảnh: AFP
Hà Lan cũng vấp phải thất bại nặng nề chỉ sau một tháng tái mở cửa, trở thành một nước có tỷ lệ lây nhiễm COVID-19 đứng đầu thế giới.
Các quy định hạn chế vừa được nới lỏng từ ngày 26/7, nhưng số liệu của chính phủ Hà Lan cho thấy chỉ trong một tuần bắt đầu từ ngày 12/7 đã có 52.000 ca mắc mới, tăng gấp 5 lần so với một tuần trước đó.
Tình trạng lây nhiễm đột biến đã khiến Thủ tướng Hà Lan Mark Rutte phải lên tiếng xin lỗi vì quyết định thiếu chín chắn khi gỡ bỏ các lệnh hạn chế quá sớm.
Việc cố ý không chấp hành các quy định, điển hình việc những người trẻ tuổi tổ chức tiệc tùng đình đám, là nguyên nhân chính dẫn đến sự bùng phát dịch gần đây.
Số ca lây nhiễm ở người trong độ tuổi từ 18-24 tăng đến 262%. Theo số liệu của truyền thông địa phương, 40% số ca mắc mới xảy ra tại các hộp đêm. Rất nhiều người đã sử dụng giấy xét nghiệm âm tính giả để được vào các quán bar và câu lạc bộ.
Mặc dù tái áp đặt một số quy định hạn chế, trong đó có làm việc tại nhà, nhưng chính phủ không thể hoàn toàn chấm dứt sự lây lan nhanh chóng của dịch bệnh.
Nhà hàng và quán bar vẫn được cho phép mở cửa với điều kiện tuân thủ quy định về giãn cách như ngồi ăn tại chỗ cố định và không được bật nhạc mạnh. Tuy nhiên, việc thực thi các quy định trên không thực sự nghiêm túc.
Các lễ hội âm nhạc kéo dài quá 24 giờ đều bị cấm tổ chức cho đến tháng tới, sau khi một sự kiện ở thành phố Utrecht đã biến thành siêu lây nhiễm với hơn 1.000 người liên quan.
Giống như Israel, biến thể Delta đang là nhân tố chính dẫn tới làn sóng dịch COVID-19 ở Hà Lan, với 91% ca nhiễm mới ở thủ đô Amsterdam liên quan đến biến thể này.
Hiện tại, trên 48% dân số Hà Lan đã được tiêm vaccine đầy đủ. Làn sóng mắc COVID-19 mới gần đây không dẫn đến gia tăng số lượng người tử vong, với số người chết chỉ ở mức một con số mỗi ngày.
Lần gần nhất Hà Lan ghi nhận số ca tử vong tại ở mức 100 người/ngày là vào giữa tháng 1, khi đó mới chỉ có chưa tới 1% dân số Hà Lan được tiêm chủng và số ca nhiễm là khoảng 8.000 người/ngày.
Phnom Penh tăng cường trợ giúp người dân trong thời gian phong tỏa chống dịch Tòa thị chính Phnom Penh vừa cho đóng cửa toàn bộ các khu chợ của nhà nước và chợ tạm trong thành phố từ 24-4 đến 7-5-2021. Quyết định trên được đưa ra sau khi trên địa bàn có nhiều tiểu thương, nhân viên Ban Quản lý chợ và người tham gia mua bán, vận chuyển hàng hóa được phát hiện dương tính...