Cử nhân có công việc lương 8 con số nhờ thực tập nghiêm túc
Dù chỉ là sinh viên thực tập, nhiều bạn nghiêm túc trong công việc, tích cực học hỏi, cống hiến và có công việc ngay sau khi kết thúc kỳ thực tập.
Đặng Dũng (23 tuổi) là cựu sinh viên ĐH Kinh tế Quốc dân. Tháng 7/2021, Dũng nhận bằng tốt nghiệp. Nhưng trước đó 4 tháng, anh đã có công việc với mức thu nhập 8 con số.
“Sau 4 tháng thực tập nghiêm túc, mình may mắn nhận đề nghị vào làm việc chính thức mà không cần tham gia thi tuyển hay thực hiện phỏng vấn thêm. Mức lương khởi điểm cũng được đánh giá cao hơn so với mặt bằng chung của sinh viên mới ra trường”, Đặng Dũng chia sẻ.
Với nhiều sinh viên, thực tập là bước đà quan trọng để họ nhận lương cao sau khi ra trường. Ảnh minh họa: Maxx Potential.
Tận dụng cơ hội
Năm thứ 4 đại học, Đặng Dũng làm thực tập sinh tại chi nhánh ở Việt Nam của một công ty kiểm toán có quy mô và uy tín trên thế giới. Dũng chia sẻ được làm việc tại công ty này rất khó. Chính vì vậy, anh tận dụng cơ hội thực tập để thể hiện năng lực bản thân, hy vọng vào làm chính thức sau khi kỳ thực tập kết thúc.
Đặng Dũng tự đánh giá mình là người thích nghi nhanh, tiếp thu tốt, tinh thần cầu thị cao. Trong công việc, chàng trai 23 tuổi tự tin giao tiếp, trao đổi và làm việc cùng các anh chị đi trước. Trong giai đoạn đó, Dũng chủ yếu hỗ trợ nhân viên chính thức trong các phân đoạn chính của cuộc kiểm toán. Ngoài ra, anh được sếp giao phụ trách thêm một số công việc đơn giản.
Dũng thừa nhận công việc bận rộn và khó hơn anh tưởng tượng. Dù vậy, anh xác định đây là khoảng thời gian giúp bản thân trưởng thành hơn rất nhiều. Mặc dù có vốn ngoại ngữ, kỹ năng tin học văn phòng, thời gian đầu, Dũng vẫn phải ôn lại, tìm hiểu thêm rất nhiều khi trực tiếp làm công việc thực tế.
Kết thúc 4 tháng thực tập, Dũng dễ dàng có được cơ hội làm việc chính thức mà không cần tham gia thi tuyển hay thực hiện phỏng vấn thêm. Ảnh: NVCC.
Dũng cho biết thời gian anh tham gia thực tập trùng với thời điểm kiểm toán viên bận nhất do có rất nhiều hợp đồng kiểm toán báo cáo tài chính cuối năm. Như vậy đồng nghĩa với việc mặc dù là thực tập sinh, Dũng cũng phải đối mặt với khối lượng công việc lớn. Nhiều hôm, anh làm thêm cả buổi tối mới đảm bảo tiến độ công việc. Nếu không cân bằng và quản lý thời gian tốt, Dũng không thể hoàn thành công việc được giao.
Bên cạnh đó, anh cũng gặp khó khăn khi làm việc với khách hàng. Song nhờ từng tham gia nhiều hoạt động cộng đồng, Dũng gạt bỏ cảm giác lo sợ, thiếu tự tin để vận dụng kiến thức chuyên ngành, kỹ năng của mình vào công việc đàm phán. Từ đó, cậu sinh viên lúc ấy trở nên tự tin hơn.
Kết thúc 4 tháng thực tập, Dũng được cấp trên đánh giá là người có khả năng làm việc tốt, kiến thức, kỹ năng đảm bảo, thái độ làm việc rất nghiêm túc, chịu khó học hỏi, cẩn thận trong công việc. Cậu dễ dàng có được cơ hội làm việc chính thức mà không cần tham gia thi tuyển hay thực hiện phỏng vấn thêm.
Thái độ hơn trình độ
Video đang HOT
Trần Nam (24 tuổi), cựu sinh viên Khoa Luật, ĐH Quốc gia Hà Nội, cũng tạo đà tốt từ bước thực tập. Khi còn học đại học, Nam ấp ủ sẽ làm công việc viết lách về thể thao và làm freelancer mảng thiết kế sau khi ra trường. Điều đó có nghĩa khác với Dũng, Nam không xác định làm việc đúng ngành hay sẽ ở lại công ty anh thực tập.
Tuy nhiên, sau một tháng thực tập tại công ty luật trên địa bàn Hà Nội, được công ty trao cho cơ hội, Nam dần định hình lại công việc và lĩnh vực mình theo đuổi sau này.
Nam bắt đầu kỳ thực tập một tháng do trường tổ chức vào cuối năm 3 đại học. Anh cho biết khi mới đến thực tập, công ty đưa ra quan điểm rất rõ ràng về việc công việc của thực tập sinh.
Theo đó, công ty mong muốn thực tập sinh phải có được thứ gì đó để “mang về” sau một tháng thực tập. Đây cũng là điều khiến Nam ấn tượng và coi trọng kỳ thực tập này. Được tạo điều kiện làm việc thoải mái tại văn phòng, anh chị đi trước nhiệt tình hướng dẫn, Nam nghiêm túc trong công việc với tinh thần học hỏi, cầu thị.
Khi được giao việc, dù chỉ là những công việc nhẹ nhàng như làm danh mục tài liệu, xếp hồ sơ, chuẩn bị giấy giới thiệu, viết bài tư vấn, Nam vẫn cố gắng làm việc tích cực, tỉ mỉ, tạo dựng lòng tin với mọi người xung quanh.
Kết thúc kỳ thực tập một tháng, Nam được nhận ở lại tiếp tục thực tập tại đây. Do cơ chế, chính sách của công ty, 2 tháng đầu, Nam chưa nhận trợ cấp thực tập từ công ty bởi anh mới chỉ dừng ở mức học việc. Dẫu vậy, Nam không cảm thấy quá áp lực hay bất công bởi anh quan niệm được tiếp xúc vụ việc thực tiễn đã là may mắn đối với người trẻ.
“Bản thân mình chẳng nề hà gì, có việc là lăn xả vào làm. Tất nhiên, yếu tố cốt lõi giữ được mình ở lại là môi trường làm việc chuyên nghiệp, thân thiện, tạo cơ hội của công ty”, Nam chia sẻ với Zing.
Đến tháng thứ ba, Nam bắt đầu có trợ cấp xăng xe và cơm trưa. Số tiền không lớn nhưng là sự khích lệ lớn đối với Nam khi nỗ lực, đóng góp của anh được ghi nhận.
Nam sinh lúc đó bắt đầu được tiếp cận hồ sơ, vụ việc cụ thể, đi cùng luật sư gặp gỡ khách hàng… Anh không nề hà bất cứ công việc gì từ việc hành chính nhỏ nhất như chuẩn bị phòng họp, sắp xếp tài liệu, làm danh mục tài liệu, dán bìa hồ sơ đến công việc phức tạp hơn như soạn thảo phân tích pháp lý, thư tư vấn, luận cứ, kế hoạch hỏi…
Sau một năm thực tập, tại thời điểm Nam nhận bằng tốt nghiệp, anh được công ty đề xuất ký hợp đồng lao động đầu tiên mà không phải trải qua phỏng vấn hay các bài kiểm tra chuyên môn. Nam nhận định cơ hội này đến từ nhiều yếu tố, trong đó quan trọng nhất là năng lực và thái độ.
“Với bất kỳ công ty nào, thái độ của nhân viên luôn được đề cao lên hàng đầu, kiến thức, kỹ năng có thể bổ túc và thu nhận được nhưng thái độ rất khó sửa”, Nam khẳng định.
Trần Nam cho biết không ít lần anh nhìn thấy hay nghe được quan niệm đi thực tập chỉ cần đến cho có, cuối kỳ xin được dấu là xong. Ảnh: NVCC.
Đi thực tập chỉ để xin dấu xác nhận?
Trần Nam cho biết không ít lần anh nhìn thấy hay nghe được quan niệm đi thực tập chỉ cần đến cho có, cuối kỳ xin được dấu xác nhận là xong.
Nam cho hay một số sinh viên chia sẻ với anh việc không định theo nghề luật nên đi cho đủ tín chỉ để ra trường hay cơ sở thực tập không rộng rãi, chỉ cho sinh viên đến vài buổi, còn lại, họ thực tập online vì căn bản đến cũng không làm được gì, chỉ vướng víu thêm.
Nam cho rằng những quan điểm trên đều xuất phát từ ý chí chủ quan của mỗi người. Theo anh, thực tập là quãng thời gian không dài, sinh viên nên tận dụng thật tốt để có thêm trải nghiệm, kinh nghiệm. Các bạn có định hướng nghề nghiệp rõ ràng càng cần cố gắng vì đây là phép thử giúp họ hình dung công việc mình sẽ làm trong tương lại.
Bên cạnh đó, sinh viên đi thực tập còn phần nào thể hiện bộ mặt của ngôi trường họ theo học. Các bạn thể hiện thái độ thiếu tích cực, làm cho có phần nào sẽ ảnh hưởng đến danh tiếng của trường, ảnh hưởng đến khóa sau.
Ngoài ra, đơn vị thực tập tạo điều kiện tiếp nhận sinh viên, cho họ đến làm quen môi trường, mất thời gian chỉ dạy, hướng dẫn, sinh viên cũng nên thể hiện tinh thần cầu thị, cố gắng hết mình.
Cùng chung quan điểm với Trần Nam, Đặng Dũng cho rằng việc lấy dấu thực tập rất cần thiết bởi đây là thủ tục cần thiết để tốt nghiệp. Tuy nhiên, sinh viên khi đi thực tập không nên mang tư tưởng “chỉ để lấy dấu”.
“Bản thân mình coi trọng việc mình cần làm gì và những kết quả mình đạt được sau quá trình thực tập hơn”, Dũng chia sẻ.
Theo Dũng, trước khi thực tập, anh trải qua giai đoạn rất dài ngồi trên ghế nhà trường, chưa có kinh nghiệm làm việc thực tế. Do đó, thời gian thực tập như bước đệm giúp bản thân trải nghiệm và áp dụng các kiến thức, lý thuyết được học vào thực tế. Từ đó, anh nhìn ra được điểm mạnh, điểm yếu cần khắc phục của bản thân.
Cả Dũng và Nam đều nhận thấy sinh viên nên tham gia thực tập khi thấy sẵn sàng và muốn trải nghiệm. Tuy nhiên, hiện nay, rất nhiều doanh nghiệp chỉ nhận sinh viên từ năm ba trở lên và cũng nhiều sinh viên lựa chọn đi thực tập vào năm ba, năm tư. Đây là thời điểm phù hợp vì lúc này, người học đã tích lũy kha khá kiến thức chuyên ngành cùng với kỹ năng, kinh nghiệm sống.
“Trước đó, trong năm nhất và năm hai, sinh viên có thể đăng ký tham gia các hoạt động hội nhóm, câu lạc bộ ngoại khóa hay các cuộc thi có tính chuyên môn. Qua đó, họ hiểu bản thân cần gì, muốn gì, nên làm gì để có định hướng, mục tiêu phù hợp sớm nhất có thể”, Đặng Dũng đưa ra lời khuyên.
Con là sinh viên Đại học, người cha 53 tuổi vẫn dự thi tốt nghiệp THPT
Trong hơn 1 triệu thí sinh đăng ký dự thi tốt nghiệp THPT 2022 trên cả nước và hơn 6.800 thí sinh dự thi tốt nghiệp THPT ở tỉnh Đắk Nông, có lẽ ông Nguyễn Quang Giáp là thí sinh đặc biệt nhất.
Dù đã 53 tuổi và có khiếm khuyết ở hai tay nhưng ông Giáp vẫn quyết tâm học tập rồi dự thi tốt nghiệp THPT để nêu cao tinh thần học tập cho con cháu sau này.
Ông Giáp tự mình ôn luyện tại nhà để chuẩn bị cho kỳ thi. (Ảnh: Báo Lao động)
Ông Nguyễn Quang Giáp là thí sinh lớn tuổi nhất tham gia dự thi tốt nghiệp THPT tại tỉnh Đắk Nông. Hiện nay, ông đang là nhân viên của Đội quản lý học viên số 1 của Trường Giáo dục và Giải quyết việc làm số 1 (xã Đắk R'tih, huyện Tuy Đức, Đắk Nông).
Ông Giáp được tặng bằng khen vì có thành tích xuất sắc ở đơn vị đang công tác. (Ảnh: Báo Lao động)
Được biết, gia đình ông Giáp từ Hà Tĩnh vào Đắk Nông lập nghiệp cách đây khoảng 30 năm nên ông chỉ học đến lớp 9 thì phải tạm dừng. Sau đó, tại Đắk Nông, Trường Giáo dục và Giải quyết việc làm số 1 đã tuyển ông Giáp vào làm nhân viên từ năm 2001. Hiện tại, ông vẫn đang công tác tại đây.
Đến năm lớp 9, Ông Giáp phải tạm dừng công việc học tập. (Ảnh: Báo Thanh niên)
Dự thi tốt nghiệp THPT 2022, ông Giáp đã lựa chọn 4 môn là Toán, Ngữ văn, Lịch sử và Địa lý. Chia sẻ về lý do tham gia kỳ thi này với Báo Thanh niên, ông Giáp cho biết: "Mục đích của việc đi thi là để hoàn thiện hồ sơ phục vụ cho công việc, ngoài ra để làm gương tạo động lực cho con cháu sau này tích cực học tập hơn".
Vì tuổi đã cao và có những vấn đề về sức khỏe, ông Giáp gặp nhiều khó khăn trong quá trình ôn luyện. Tuy nhiên, tất cả những điều đó không thể khiến ông bỏ cuộc. Ông Giáp hạ quyết tâm đạt được kết quả tốt nhất có thể tại kỳ thi này. "Tuổi cao nên khả năng tiếp thu rõ ràng là chậm hơn những học viên trẻ, nhưng tôi quyết tâm khắc phục, chịu khó học hỏi, trao đổi với thầy cô giáo trên trường. Tuy nhiên khó khăn lớn nhất của tôi là cả hai bàn tay đều không thể cử động linh hoạt, cầm bút rất khó, mất cả tiếng đồng hồ mới viết được một trang giấy. Tôi chỉ lo lúc vào thi mà tâm lý không bình tĩnh thì không thể cầm được bút." - ông Giáp chia sẻ nỗi lòng của mình với Báo Dân trí.
Đôi bàn tay của ông Giáp không thể duỗi thẳng được vì căn bệnh từ 10 năm trước. (Ảnh: Dân trí)
Tuy gặp nhiều khó khăn nhưng với những kiến thức đã được học và vốn sống tích lũy hơn 50 năm qua, ông Giáp rất tự tin để bước vào kỳ thi này. Bên cạnh đó, sự ủng hộ và động viên của vợ, con, những người đồng nghiệp tại nơi ông đang công tác cũng đã tiếp thêm sức mạnh để ông Giáp có thể chinh chiến với kỳ thi quan trọng này.
Ông Giáp chuẩn bị hồ sơ để dự thi tốt nghiệp THPT 2022. (Ảnh: Dân trí)
Theo đó, con trai của ông Giáp là Nguyễn Quang Nguyên (sinh viên năm 2 của một trường Đại học ở TP.HCM) khi chứng kiến sự nỗ lực không ngừng của cha mình cũng đã tranh thủ thời gian để giúp bố ôn luyện lại kiến thức. Từ những kinh nghiệm đã có khi tham gia kỳ thi năm trước, Quang Nguyên hướng dẫn bố những bí kíp để làm bài thật tốt, đặc biệt là môn Toán và Ngữ Văn.
Ông Giáp được con trai hỗ trợ trong việc ôn luyện lại kiến thức. (Ảnh: Dân trí)
Chia sẻ về sự quyết tâm ôn luyện của cha mình với Báo Dân trí, Quang Nguyên cho biết: "Cháu rất vui và hãnh diện khi ba vượt qua những khó khăn, rào cản để đi thi THPT. Thế mạnh của cháu là toán nên cháu đã hướng dẫn ba giải một số dạng bài cơ bản, hy vọng ba sẽ vận dụng tốt để hoàn thành tốt bài thi."
Ông Giáp quyết tâm tham dự kỳ thi tốt nghiệp THPT 2022. (Ảnh: Dân trí)
Ngoài ông Nguyễn Quang Giáp tại điểm thi Đắk Nông, theo lãnh đạo của Sở Giáo dục và đào tạo Hà Nội, còn có 2 thí sinh lớn tuổi khác cũng tham dự kỳ thi Tốt nghiệp THPT năm nay. Đó là cụ ông sinh năm 1940 (82 tuổi) và một phụ nữ sinh năm 1969 (53 tuổi). Hai thí sinh lớn tuổi này đều đang theo học tại Trung tâm Giáo dục thường xuyên - giáo dục nghề nghiệp quận Thanh Xuân (Hà Nội).
Tại Hà Nội, có 2 thí sinh đã lớn tuổi cũng tham gia dự thi. (Ảnh minh họa: Báo Lao động)
Theo Dân Việt đưa tin, ông Trần Thế Cương - Giám đốc Sở GD&ĐT Hà Nội chia sẻ rằng 2 thí sinh đã cao tuổi nhưng vẫn học tập và đăng ký dự thi để lấy bằng xét tốt nghiệp là những tấm gương về tinh thần hiếu học, học tập suốt đời cho thế hệ sau này. Bà Tô Thị Trà Ly - Giám đốc Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên quận Thanh Xuân cũng chia sẻ: "Hai bác là tấm gương học tập suốt đời, nỗ lực, ham học. Tuy tuổi cao nhưng 2 bác đều học tập nghiêm túc, đăng ký dự thi với mục tiêu xét tốt nghiệp trong kỳ thi năm nay."
Những thí sinh lớn tuổi tham gia dự thi chính là tấm gương sáng về tinh thần học tập cho thế hệ mai sau. (Ảnh minh họa: Báo Tuổi trẻ)
Bạn có thấy ngưỡng mộ tinh thần học tập của những sĩ tử đặc biệt này không? Hãy để lại ý kiến của mình bên dưới phần bình luận để mọi người cùng biết nhé!
Giáo viên KHTN nói gì nếu phải kiêm nhiệm công việc khác vì ít HS chọn học? Việc điều chuyển giáo viên khoa học tự nhiên sang dạy thêm các môn học khác cần ưu tiên đảm bảo chất lượng đào tạo lên hàng đầu. Vừa qua, tại Hội nghị Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo năm 2022, nhiều lãnh đạo Sở bày tỏ lo ngại việc quá nhiều học sinh chọn tổ hợp khoa học xã hội...