Củ nghệ – gia vị làm nên những món ăn ngon
Theo Đông y, củ nghệ là một loại dược liệu có tên gọi khác là Khương Hoàng, vị cay, đắng, có tác dụng hành khí, hoạt huyết, làm tan ứ, giảm đau…
Không chỉ có thế, nghệ còn là một trong những gia vị tuyệt vời cho rất nhiều món ăn, đặc biệt là món ăn của miền Bắc. Từ cá kho, thịt kho, canh chua, bún bung… nếu muốn ngon thì khó có thể thiếu nghệ được.
Bài thuốc dân gian
Trong rất nhiều các nghiên cứu gần đây chỉ ra rằng, chất curcumin chống ôxy hóa trong nghệ chữa được nhiều loại bệnh như rối loạn tiêu hóa, giảm hàm lượng cholesterol trong máu, lưu thông lọc máu, giải độc gan, mau lành vết thương, liền sẹo, giảm nguy cơ nhiễm trùng, hiệu nghiệm nhất là chữa bệnh viêm loét dạ dày.
Trong dược mỹ phẩm, củ nghệ cũng đóng vai trò quan trọng, rất an toàn không sợ hỏng da hay phản ứng phụ. Nghệ còn giúp quý bà quý cô làm đẹp một cách kỳ diệu, bởi trong nghệ có chất chống ôxy hóa, chống lão hóa, giảm các nếp nhăn, chậm hình thành các nếp nhăn mới, ngăn ngừa mụn. Hỗn hợp bột nghệ, mật ong, sữa không đường hoặc sữa chua, vài giọt nước chanh hòa trong cái chén nhỏ cho sền sệt đắp mặt nạ và thư giãn khoảng 30 phút cho hỗn hợp thấm vào da rồi rửa sạch bằng nước ấm. Có rất nhiều công ty mỹ phẩm sử dụng nghệ cho các sản phẩm hóa mỹ phẩm. Ngoài kem dưỡng da có chứa nghệ, xịt kháng khuẩn nghệ thì còn có cả kem đánh răng cũng bằng nghệ.
Phụ nữ sau sinh coi nghệ là “thần dược”, khoa học chứng minh là nghệ có tác dụng làm sạch khí huyết ứ và đau bụng sau sinh. Nhiều người còn rỉ tai nhau, tận dụng nghệ theo kiểu “trong uống ngoài xoa”, tức là nghệ tươi rửa sạch, cạo vỏ, giã nát, ngâm rượu rồi xoa từ đầu đến chân sẽ có làn da mịn màng. Người viết bài này cũng đã từng được xúi “nhuộm vàng da” bằng nghệ sau khi sinh để được làn da đẹp, nhưng nỗi sợ hãi khi phải mang khuôn mặt vàng vọt đó cả tuần trời mạnh hơn. Thành ra không dám thử.
Phụ nữ sinh nở xong thường phải kiêng nhiều thứ (đó là các tục lệ có từ xa xưa, chứ y học bây giờ, bác sĩ khuyên nên ăn đủ chất, chỉ cần ăn sạch uống sạch là được) và đó là lý do, nếu chăm con dâu, con gái, các bà mẹ thường nấu món gì cũng cho nghệ. Thịt rang nghệ là một ví dụ. Thịt thăn thái to bản, mỏng, nghệ hoặc là giã nhỏ, hoặc là thái miếng vừa ăn ướp lẫn với nhau cùng chút nước mắm rồi mang rim, thịt chín, nghệ chín là được. Cứ ăn một miếng thịt kèm một miếng nghệ.
Video đang HOT
Trăm kiểu chế biến
Nhiều người ăn nghệ xong có cảm giác tê tê ở khoang miệng. Đó là do tinh dầu nghệ gây cay. Canh nghệ được nấu từ sườn thăn hoặc thịt lợn băm nhỏ theo tỷ lệ một nghệ, một thịt. Đảo qua với chút dầu rồi đổ thịt, nghệ vào xào nên nước, đun liu riu đến khi cả thịt và nghệ chín mềm, múc ra bát, ăn nóng. Tiếp nữa là gà rang nghệ, cách chế biến không khác món gà rang gừng là mấy nhưng lại cho vị riêng. Món này, cả nhà có thể ăn được chứ không nhất thiết là món ăn dành riêng cho “bà đẻ”.
Ở đầu phố Yên Phụ, buổi sáng có hàng bún móng giò rất ngon. Thịt chân giò được bó chặt, ướp đậm nghệ. Móng giò cũng được ướp nghệ khá kỹ rồi mới luộc chín mềm. Nhà hàng chọn mua toàn nghệ cái, củ to, miếng nghệ thái vừa ăn, ninh cùng sườn, rồi được vớt ra để riêng trên đĩa. Khách có nhu cầu ăn thêm nghệ thì cứ gọi. Nhiều hôm, thịt còn nhưng nghệ thì đã hết từ đời nào.
Có rất nhiều loại món ăn cần có nghệ. Cà tím bung đương nhiên phải có nghệ, nghệ làm dậy mùi đậu phụ bung với cà. Canh ốc nấu chuối đậu, đương nhiên phải có nghệ. Nghệ khiến miếng chuối, miếng ốc thơm hơn, đậm vị mẻ. Ra chợ mà mua được cân chạch, ngoài rán giòn chấm nước mắm tỏi ớt ra thì còn làm được món gì khác? Chạch đem kho nghệ cũng rất đưa cơm, cá kho nghệ cũng vậy. Nếu cá biển thường được kho với giềng, thì cá sông, cá đồng không gì thích hợp hơn là kho với nghệ.
Ví như cá mòi chẳng hạn. Muốn chế biến ngon thì khi làm cá phải khía dăm đường trên thân để cá rán được giòn hơn, trước khi rán nên ướp chút nghệ sẽ thơm ngon vô cùng. Cá mòi nhất thiết phải kho với nghệ, với lá gừng chứ chẳng ai đem ra kho giềng sả cả.
Người Huế có một món đặc sản là bún xào nghệ. Nguyên liệu gồm có bún, nghệ, lòng già lợn, gan, tiết, hẹ, răm… Lòng, gan sau khi được làm sạch với muối hoặc dấm thì chần qua nước sôi, thái miếng vừa ăn. Phi thơm hành tím băm, cho lòng, gan, vào xào xăn rồi nêm nếm mắm muối cho vừa miệng. Cho nghệ nghệ giã nát vào đảo đều, rồi bỏ hành tây, rau răm, lá hẹ thái nhỏ, cuối cùng là đổ bún, tiết vào đảo đều tay. Trút ra ăn nóng sẽ ngon hơn khi cho thêm vài lát ớt.
Món lòng xào của người Bắc cũng tương tự, nhưng không có bún. Lòng được làm sạch, chần qua nước nóng già, thái miếng vừa ăn, ướp thêm tỏi, gừng, nghệ đập dập băm nhỏ (hoặc giã nát nghệ lọc lấy nước ướp lòng). Phi thơm tỏi, hành khô với mỡ, đổ lòng xào chín tới rồi thêm hành răm. Khi xào phải to lửa, nếu không lòng sẽ dai. Có nhiều nơi, người ta không xào lòng với hành răm mà xào với lá nghệ non. Lá nghệ thơm nồng, rất hợp. Không chỉ kho cá với nghệ, nhiều nơi còn kho cá với lá nghệ.
Theo Anninhthudo
Nồi cá kho làng Vũ Đại có gì mà khiến bao người "nao lòng" đến thế !
Nếu đã từng có cơ hội nếm thử nồi cá kho làng Vũ Đại một lần, hẳn là bất kỳ ai cũng phải "xao xuyến" khi nghĩ tới. Từng khúc cá kho thoảng vị riềng, chanh, gừng, nước cốt cua đồng khiến bao người nghĩ đến bữa cơm đoàn viên trong ngày Tết đến.
Đặc sản nức tiếng của vùng đất chiêm trũng:
Thứ quan trọng tạo nên nét đặc trưng của món cá kho làng Vũ Đại bao gồm: cá trắm đen, niêu đất và củi nhãn. Anh Nguyễn Bá Toàn, chủ một cơ sở sản xuất cá kho truyền thống cho biết: "Cá trắm đen là nguyên liệu chính để chế biến món cá kho làng Vũ Đại. Trước đây, cá kho được nấu từ nguyên liệu sẵn có của địa phương. Ngày nay, chúng tôi mua cá từ nhiều vùng khác nhau nhưng nhất thiết phải là cá trắm đen. Đặc biệt, để niêu cá kho ngon đúng vị, người làm bếp phải chọn lựa kỹ những con cá thon dài, bụng bé, nặng từ 3-12kg. Nếu cá chưa đạt 3kg, thịt sẽ nhão, còn to quá thịt lại xơ và mất chất dinh dưỡng".
Niêu đất được sử dụng làm nồi kho cá vì có thể giữ được nhiệt lâu, niêu càng già lửa, cá càng thơm ngon hơn. Thường, anh Toàn đặt mua niêu đất từ các tỉnh miền trung như Nghệ An, Hà Tĩnh,... Niêu đất có kích thước to nhỏ khác nhau, tùy thuộc vào số lượng cá trắm đen khách đặt mua.
Để nồi cá giữ được hương vị đặc trưng, dân làng Vũ Đại kho cá bằng củi nhãn với vỏ chấu. Khi đốt củi nhãn, ngọn lửa sẽ đượm, đều và tỏa ra hương thơm khiến mùi đất nung biến mất. Bên cạnh đó, làng Vũ Đại có rất nhiều củi nhãn. Vì vậy, dân làng đã tận dụng củi nhãn làm nhiên liệu kho cá.
Món ăn được tạo từ 10 loại gia vị đồng quê:
Hiện nay, món cá trắm đen kho đã có mặt tại nhiều địa phương song, cá kho làng Vũ Đại có vị rất riêng, thịt cá thơm ngon và không có mùi tanh. "Có một niêu cá kho đúng chuẩn, chúng tôi phải nêm nếm đủ các loại gia vị đồng quê: riềng, nước cốt chanh, ớt, gừng, hành khô, nước dừa, nước cốt cua đồng, nước mắm, mì chính và hạt tiêu. Chỉ cần thiếu 1 trong 10 loại gia vị trên, niêu cá kho đã không mang hương vị vốn có của nó", anh Toàn nói.
Tẩm ướt với 10 loại gia vị đồng quê, cá trắm đen được đưa vào niêu đất. Dưới đáy niêu, anh Toàn dải một lớp riềng thái miếng, phía trên là riềng giã nhỏ. Sau đó, anh đặt niêu cá lên bếp củi, kho suốt 16 tiếng. Trong quá trình đó, niêu cá cạn nước sẽ cần châm thêm nước đun sôi, tránh trường hợp cá bị cháy đen.
Cá kho "chính hiệu" làng Vũ Đại chín phải có màu nâu cánh gián và thoảng vị riềng, chanh, gừng, nước cốt cua đồng,... Đặc biệt, cá không có mùi tanh, thịt chắc, xương cá nhừ.
Một niêu cá kho làng Vũ Đại có giá dao động từ 500 nghìn -1 triệu đồng/niêu, tùy thuộc vào cân nặng của cá trắm đen. "Chúng tôi đang hướng tới một sản phẩm mới để những người thu nhập tầm trung có thể thưởng thức món cá kho làng Vũ Đại. Đó là một niêu cá kho chỉ nặng 0,5kg với giá 240 nghìn đồng", anh Toàn cho hay.
Theo Iunauan
Mưa rét, xì xụp mâm cơm toàn các món đậm đà, nóng hôi hổi trôi cơm phải biết Thời tiết mưa rét thật lý tưởng để tưởng thức những món ăn đậm đà gia vị và đặc biệt là phỉa ăn khi đang còn nóng hôi hổi, ấm nực cả người. 1. Cá hấp xì dầu Nguyên liệu - 1 con cá tầm 7-8 lạng cho 4 người ăn - Gừng, thì là, hành lá, ớt - Hành tỏi - Giấy...