Cứ 5 giây thế giới có một em bé tử vong
6,3 triệu trẻ em và thanh thiếu niên trên thế giới tử vong trong năm 2017, tập trung ở các nước châu Phi.
Tổ chức Y tế thế giới (WHO) và Quỹ Nhi đồng Liên Hợp Quốc (UNICEF) vừa công bố tình hình tử vong ở trẻ em trên toàn thế giới. Ước tính năm 2017 cứ mỗi 5 giây có một trẻ dưới 15 tuổi tử vong. 85% là trẻ chết trong năm đầu đời, 5,4 triệu trẻ dưới 5 tuổi và 0,9 triệu trẻ từ 5 đến 14 tuổi.
Tỷ lệ trẻ tử vong trên toàn cầu tuy giảm nhưng vẫn còn cao. Ảnh: Lê Phương.
Tỷ lệ tử vong trẻ em theo các độ tuổi không đồng đều giữa các khu vực trên thế giới. Quốc gia có tỷ lệ tử vong trẻ dưới 5 tuổi cao nhất chênh gấp 60 lần với quốc gia có tỷ lệ thấp nhất. Khu vực các nước châu Phi cận Sahara vẫn là vùng nhiều trẻ chết.
Hầu hết trẻ em dưới 5 tuổi chết vì các nguyên nhân có thể phòng ngừa hoặc điều trị được như biến chứng trong khi sinh, viêm phổi, tiêu chảy, nhiễm trùng huyết sơ sinh và sốt rét. Trẻ ở độ tuổi từ 5 đến 14, tai nạn thương tích là nguyên nhân gây tử vong chính, đặc biệt là chết đuối và tai nạn giao thông đường bộ.
Video đang HOT
Ông Laurence Chandy, Giám đốc Phụ trách Dữ liệu, Nghiên cứu và Chính sách của UNICEF nhấn mạnh nếu không hành động khẩn trương, từ nay đến năm 2030 sẽ có 56 triệu trẻ em dưới 5 tuổi tử vong, một nửa trong số đó là trẻ sơ sinh.
Mỹ Lê
Theo Vnexpress
Báo động tình trạng tử vong ở trẻ dưới 15 tuổi
Báo cáo mới đây của Liên Hợp quốc cho thấy, trên thế giới, cứ 5 giây lại có một trẻ dưới 15 tuổi tử vong.
Tháng đầu tiên sau sinh là giai đoạn rủi ro nhất với trẻ
Ước tính trong năm 2017, thế giới có tới 6,3 triệu trẻ em dưới 15 tuổi tử vong, hoặc mỗi 5 giây lại có 1 trẻ tử vong. Đây là con số ước tính tỷ lệ tử vong mới nhất do UNICEF, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), Ban Dân số Liên Hợp Quốc và Ngân hàng Thế giới công bố.
Một nửa số ca tử vong của trẻ dưới 5 tuổi xảy ra ở vùng Châu Phi cận Sahara và 30% ở Nam Á. Cụ thể, ở khu vực Châu Phi cận Sahara, cứ 13 trẻ em thì có 1 em tử vong trước khi các em được 5 tuổi. Ở các nước thu nhập cao, con số này là 1/185. Còn tại Việt Nam, năm 2016, cứ 45 trẻ em thì có 1 em tử vong trước khi 5 tuổi (22/1.000 trẻ sinh sống).
Tai nạn thương tích thường gặp ở trẻ từ 5-14 tuổi
Đối với trẻ em ở khắp mọi nơi, giai đoạn rủi ro nhất của cuộc đời chính là tháng đầu tiên sau khi sinh. Trong năm 2017, 2,5 triệu trẻ sơ sinh đã tử vong trong tháng đầu tiên. Một em bé sinh ra ở khu vực châu Phi cận Sahara hoặc ở Nam Á có nguy cơ tử vong trong tháng đầu tiên cao hơn 9 lần so với một em bé sinh ra ở một nước có thu nhập cao.
Điều đáng nói ở chỗ, hầu hết trẻ em dưới 5 tuổi bị tử vong do những nguyên nhân có thể phòng ngừa hoặc điều trị được như biến chứng trong khi sinh, viêm phổi, tiêu chảy, nhiễm trùng huyết sơ sinh và sốt rét. Trong nhóm trẻ em từ 5 đến 14 tuổi, tai nạn thương tích là nguyên nhân chính gây tử vong, đặc biệt là tử vong do đuối nước và tai nạn giao thông đường bộ.
Hơn sáu triệu trẻ em tử vong trước khi tròn 15 tuổi là một cái giá quá đắt. Chấm dứt tử vong ở trẻ vì những nguyên nhân có thể phòng tránh được và đầu tư cho sức khỏe của những người trẻ tuổi là nền tảng cơ bản để xây dựng nguồn nhân lực của các quốc gia, từ đó thúc đẩy tăng trưởng và thịnh vượng đối với tương lai của các em.
(Timothy Evans, Giám đốc cấp cao và Giám đốc phụ trách dinh dưỡng sức khỏe và dân số toàn cầu thực hiện tại Ngân hàng Thế giới).
Tiến sĩ Princess Nono Simelela, Trợ lý Tổng giám đốc phụ trách sức khỏe gia đình, phụ nữ và trẻ em (Tổ chức Y tế Thế giới) cho biết: Hàng triệu trẻ sơ sinh và trẻ em đáng lẽ không bị tử vong mỗi năm chỉ vì không được tiếp cận với nước, vệ sinh, dinh dưỡng hợp lý hoặc dịch vụ y tế cơ bản.
Còn theo Giám đốc Phụ trách Dữ liệu, Nghiên cứu và Chính sách của UNICEF- Laurence Chandy, nếu chúng ta không hành động khẩn trương, từ nay đến năm 2030 sẽ có 56 triệu trẻ em dưới 5 tuổi tử vong - một nửa trong số đó là trẻ sơ sinh. Với những giải pháp đơn giản về y tế, nước sạch, điện và vắc-xin, chúng ta có thể thay đổi điều này cho mọi trẻ em.
Mặc dù tỉ lệ tử vong ở trẻ còn cao nhưng tính chung trên trên toàn thế giới đã giảm đi. Số trẻ em tử vong dưới 5 tuổi đã giảm đáng kể từ 12,6 triệu năm 1990 xuống còn 5,4 triệu vào năm 2017. Số ca tử vong ở trẻ lớn từ 5 đến 14 tuổi giảm từ 1,7 triệu xuống dưới một triệu trong cùng thời kỳ.
Kiều Thanh
Theo giaoducthoidai.vn
Vì sao bệnh nhân suy tim nên ăn nhiều đạm? Một nghiên cứu trên hơn 2.000 người châu Âu đã xem xét, và so sánh, sức khỏe tim mạch của một người với lượng đạm ăn vào của họ. Nghiên cứu phát hiện ra rằng những người ăn ít protein nhất có khả năng tử vong cao hơn 46% so với những người ăn nhiều nhất. Các chuyên gia tin rằng chế độ...