Công dân tiêu biểu tỉnh Tuyên Quang và chuyện dạy phụ đạo miễn phí cho học sinh
Mỗi buổi chiều, sau khi hết giờ dạy chính khóa, cô Hiền cùng các giáo viên trong trường ở lại để dạy phụ đạo miễn phí cho học sinh.
Xuân Vân (Yên Sơn, Tuyên Quang) là xã vùng cao, nơi sinh sống của nhiều người dân tộc thiểu số như Dao, Tày, Mông, Cao Lan…
Thuở còn đường đất trơn trượt khi mưa, học sinh đến trường phải buộc dây thừng vào lốp xe đạp. Giờ đây, khi có đường bê tông, con đường đến trường vẫn chưa hết gian nan.
Có những hôm đò mắc cạn hay đập tràn dâng cao, học sinh liền gọi điện cho cô giáo chủ nhiệm Lê Thị Thu Hiền (giáo viên môn Giáo dục công dân, trường Trung học phổ thông Xuân Vân): “Cô ơi, em bị nhỡ đò, em xin cô đến muộn”.
Cô giáo Lê Thị Thu HIền (bên phải ngoài cùng) chụp ảnh cùng các em học sinh trong trường. (Ảnh: NVCC)
Thương các em thiếu thốn về điều kiện học tập, cô Hiền tổ chức dạy phụ đạo miễn phí cho các em học sinh học lực yếu vào mỗi buổi chiều (4h-5h). Đến tối cô lại giao bài tập cho các em làm với mục tiêu “tuần tới phải giúp em đạt 7,5 điểm”.
Trong mắt học sinh và đồng nghiệp, nữ giáo viên này được nhiều người mến phục với bảng thành tích dày đặc như “Công dân tiêu biểu của tỉnh Tuyên Quang” năm 2021, giáo viên dạy giỏi cấp tỉnh.
Để có được sự thành công trên, cô Lê Thị Thu Hiền đã dành trọn tình yêu thương cho trường Trung học phổ thông Xuân Vân trong suốt 14 năm qua.
Vượt lên gian khó
Lê Thị Thu Hiền sinh ra trong một gia đình thuần nông với 7 anh chị em. Nhà đông miệng ăn trong khi điều kiện gia đình khó khăn, miếng thịt lợn nạc cũng trở thành niềm mơ ước của cô gái này khi xưa.
Khi nữ sinh này chuẩn bị vào đại học, anh trai của cô Hiền khi đó đang học đại học y năm cuối. Điều này khiến bố mẹ cô lo lắng nếu cô con gái út mà học đại học thì không biết chạy vạy kiểu gì. Và rồi các anh chị, bố mẹ cùng nhau đồng lòng chung sức để cho Hiền đi học.
Ngày nhận giấy báo trúng tuyển trường Đại học Sư phạm, Hiền phấn khởi vì đã chạm tay vào ước mơ làm cô giáo, cô tự hứa với bản thân sẽ cố gắng học tập và tự bươn chải đi làm gia sư để phụ giúp bố mẹ. Đến năm ba đại học, Hiền không đi dạy gia sư để tập trung hơn vào việc học.
Video đang HOT
Dù hoàn cảnh gia đình khó khăn nhưng với sự cố gắng, nỗ lực, nữ giáo viên đã đạt được những thành tích khiến nhiều người nể phục (Ảnh: NVCC)
Tốt nghiệp đại học, năm 2008, cô Hiền về công tác tại trường Trung học phổ thông Xuân Vân, cô đảm nhiệm dạy môn Giáo dục công dân. Với sự năng nổ, nhiệt tình của tuổi trẻ, Hiền tham gia vào các hoạt động của đoàn trường và các hoạt động thiện nguyện.
Những năm mới về công tác, đường đi lên thôn bản còn đường đất, bùn lầy trơn trượt, dốc thẳng đứng, có những chuyến thiện nguyện cô Hiền cùng đoàn không thể vào trong bản để tặng quần áo cho các cháu bé, mọi người phải thuê xe của người dân địa phương
Đối với những học sinh trong lớp cô chủ nhiệm, cô cũng dành sự quan tâm đặc biệt đến những em có hoàn cảnh khó khăn, học lực yếu.
Một trong những kỉ niệm mà cô Hiền không bao giờ quên, là buổi tổ chức cho học sinh trong lớp đến phụ giúp đào đót (củ đao để về làm miến dong) cho nhà bạn học sinh có hoàn cảnh khó khăn.
Cô Hiền tham gia hoạt động thiện nguyện, trao quần áo cho các em học sinh vùng khó khăn. (Ảnh: NVCC)
“Khi đào xong củ đót, phụ huynh mời cô trò ở lại ăn cơm nhưng tôi từ chối vì hoàn cảnh gia đình họ quá nghèo khó. Sau đó tôi đưa các em bánh mỳ, đồ ăn vặt chuẩn bị trước. Khuôn mặt ai cũng đầm đìa mồ hôi, ăn bánh ngon lành. Đó là kỉ niệm khó quên đối với tôi”, cô Hiền chia sẻ.
Thành tích đáng nể
Nữ giáo viên môn Giáo dục công dân cũng rất tích cực tham gia vào các cuộc thi của ngành như năm 2015 cô đạt giải Ba Hội thi “Tự làm thiết bị, đồ dùng dạy học dành cho giáo viên các môn Đạo đức và Giáo dục công dân” cấp tỉnh. Năm học 2018-2019 và 2019-2020; cô tham gia cuộc thi “An toàn Giao thông cho nụ cười ngày mai” đạt giải Nhì, giải Ba cấp quốc gia, đồng thời hướng dẫn 2 em Trần Văn Tùng (Lớp 11B5), Đồng Khánh Linh (Lớp 11B6) đạt giải Khuyến Khích cấp Quốc gia tại cuộc thi này;đạt giải Nhất Hội thi “Tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật giỏi” cấp tỉnh năm học 2020-2021…
Để có được những thành tích đó, cô đã phải gồng mình để làm tốt việc nhà lẫn việc trường. Có những hôm đang ngủ, cô bỗng nghĩ ra ý tưởng về tuyên truyền phổ biến pháp luật hay về an toàn giao thông là cô bật dậy để viết.
Cô Hiền (bên trái ảnh) tại Hội thi tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật giỏi cấp tỉnh năm 2020. (Ảnh: NVCC)
“Thi không chỉ đơn giản về kiến thức mà còn bao gồm các kĩ năng khác, làm sao để chạm đến trái tim của người nghe và muốn biết điều mình muốn truyền tải tới. Tôi luôn đặt công việc, nhiệm vụ lên hàng đầu, nhưng mình cũng không để lơ là công việc con cái”, cô Hiền chia sẻ.
Với những nỗ lực, cố gắng của nữ giáo viên công tác tại vùng cao, cô Hiền là một trong 10 cá nhân vinh dự được Uỷ ban nhân dân tỉnh trao tặng danh hiệu cao quý: “Công dân tiêu biểu của tỉnh Tuyên Quang” năm 2021.
Chia sẻ thêm về bản thân, cô Lê Thị Thu Hiền cho hay, hiện cô đang là giáo viên chủ nhiệm lớp 10, đảm nhiệm dạy môn Giáo dục Công dân. Ngoài ra, cô còn là Tổ phó tổ chuyên môn môn Giáo dục Công dân – Sử – Địa.
Thông tin thêm về cô giáo viên Lê Thị Thu Hiền, thầy Nguyễn Ngọc Trinh – Hiệu trưởng trường Trung học phổ thông Xuân Vân cho hay, cô Hiền có thành tích rất nổi bật trong công tác bồi dưỡng ôn tập cho học sinh tốt nghiệp Trung học phổ thông quốc gia, điểm thi đều đạt chỉ tiêu của trường và Sở Giáo dục.
“Ngoài dạy ôn tập chính khóa, cô Hiền cùng các thầy cô khác ở lại trường để dạy phụ đạo miễn phí ca 2 cho học sinh, để các em có kết quả tốt hơn”, thầy Trinh chia sẻ.
Trong kì thi, đặc biệt là cuộc thi An toàn giao thông cho nụ cười ngày mai vào năm học 2018-2019, 2019-2020 và 2020-2021, cô đều tích cực tham gia và cô có đạt được giải Nhì quốc gia. Năm học 2020-2021, cô Hiền tham gia kì thi tuyên truyền pháp luật cấp tỉnh khối trung học phổ thông đạt giải Nhất.
Trong công tác đoàn, thanh niên, cô là cán bộ đoàn gương mẫu của đoàn trường, tận tụy với công việc của trường, lớp, xốc vác trong mọi công việc của nhà trường.
“Cô Hiền vinh dự được bầu chọn là một trong 10 công dân tiêu biểu của tỉnh Tuyên Quang năm 2021, chúng tôi cũng rất vui”, thầy Trinh chia sẻ.
Thấu hiểu trò để đưa ra phương pháp giáo dục phù hợp
Với mong muốn thấu hiểu, sẻ chia để đem đến cho học sinh niềm vui từ học tập, nhiều thầy cô giáo tại Tuyên Quang đã đặt mình vào hoàn cảnh của trò, dạy học với tất cả tâm huyết và trách nhiệm.
Cô Đặng Thị Hà (trường PTDT nội trú THCS và THPT huyện Na Hang, Tuyên Quang) đến nhà hướng dẫn trò học bài .
Muốn chia sẻ, cần lắng nghe
Tại trường tiểu học Hồng Thái (TP Tuyên Quang), hòm thư "Điều em muốn nói" đang là một địa chỉ được các bạn nhỏ rất yêu mến, tin cậy. Rất nhiều câu chuyện, mong muốn, suy ngẫm được học trò viết ra trang giấy để thầy cô có thể hiểu các em hơn.
Cô giáo Nguyễn Thị Minh Huế, Tổng Phụ trách Đội, trường Tiểu học Hồng Thái là người trăn trở để xây dựng ý tưởng và đề xuất nhà trường "mở" hòm thư. Theo cô Huế, những bày tỏ của học sinh thông qua hòm thư tưởng chừng giản đơn, nhưng chính là một cơ sở quan trọng để thầy cô thấu hiểu và có những phương pháp giáo dục phù hợp.
"Mô hình được triển khai đã giúp nhà trường nắm bắt được tâm tư, tình cảm, nguyện vọng của học trò, kịp thời chia sẻ và giải quyết những khó khăn mà các em khó nói", cô Huế chia sẻ.
Các cô giáo trường Tiểu học Hồng Thái (TP Tuyên Quang) đọc thư của học trò để hiểu thêm điều các em muốn nói.
Từ đầu năm học 2021 - 2022 đến nay, nhà trường đã nhận được hơn 800 lượt thư của học sinh, với những tâm tư, tình cảm mà các em cảm thấy khó nói trực tiếp với thầy cô hay gia đình. Học sinh nhà trường rất hưởng ứng mô hình này, nhiều em còn dành thời gian để trang trí, vẽ lên những bức thư trước khi gửi đi.
Hòm thư không chỉ giúp các em được bày tỏ tâm tư, tình cảm của mình mà còn thực sự cần thiết cho nhà trường và gia đình trong giáo dục học sinh. Sự ngây thơ, trong sáng của các em được thể hiện qua những lá thư xinh xắn, giúp cho tình thầy, trò trở nên gần gũi, thân thiết hơn.
"Mẹ đi chống dịch tại Hà Nội, em ở nhà với bố và ông nội. Dù rất nhớ mẹ nhưng em không dám khóc để mẹ có thể yên tâm hoàn thành tốt nhiệm vụ của mình. Em gửi những mong ước của mình vào lời viết, em mong dịch bệnh sẽ qua đi, mong mẹ sớm trở về nhà" - Nguyễn Bảo Ngọc( học sinh lớp 5B) bày tỏ về những điều mình viết gửi vào hòm thư đặc biệt của nhà trường.
Sát sao hỗ trợ học trò
Tại trường Phổ thông dân tộc nội trú THCS và THPT huyện Na Hang, giáo viên nhà trường luôn xác định ngoài dạy học trên lớp còn cần sát sao hỗ trợ các em nhiều vấn đề trong đời sống hằng ngày. Một trong những giáo viên luôn hết lòng trong việc quan tâm giúp đỡ học trò là cô giáo Đặng Thị Hà.
Dạy học trong một ngôi trường đặc thù với nhiều học trò hoàn cảnh khó khăn, trong quá trình giảng dạy, cô Hà luôn hết mực quan tâm, yêu thương chăm sóc học sinh, đặc biệt là các em người dân tộc thiểu số thuộc địa bàn gặp nhiều thiệt thòi.
Cô Đặng Thị Hà (trường PTDT nội trú THCS và THPT huyện Na Hang) tặng chăn ấm cho học trò
"Tôi luôn nghĩ rằng, công tác chăm sóc, nuôi dưỡng học sinh, phối hợp cùng đồng nghiệp và phía gia đình để có phương pháp giáo dục phù hợp, hiệu quả là điều đặc biệt quan trọng. Có những em rất thiệt thòi, vất vả, nếu mình không đặt vào hoàn cảnh cụ thể từng học trò thì khó có thể giúp các em học tập tốt", cô Hà bộc bạch.
Ngoài việc truyền đạt một cách thân thiện, giản dị, dễ hiểu trên lớp để học sinh tiếp cận bài học thuận lợi, cô Hà còn chủ động, tự nguyện bố trí thêm thời gian để hướng dẫn, bổ trợ thêm ngoài giờ cho những em chưa nắm vững kiến thức. Với những trường hợp gia đình chưa sát sao việc học của con, cô Hà đến tận nhà để tìm hiều, trao đổi, tháo gỡ.
Biết gia đình còn khó khăn, cô Hà dành tặng những khoản hỗ trợ kịp thời. Khi là chiếc chăn ấm mùa đông, khi là khoản tiền nhỏ mua thêm sách vở học tập. Những món quà của cô giáo là niềm động viên lớn, là tình cảm yêu thương mà học trò chính là người cảm nhận được rõ nhất.
"Em được cô Hà đến tận nhà cho thêm tài liệu, hướng dẫn cách học bài, dạy cho những chỗ em còn thấy khó. Nếu không có những buổi như thế, chắc em sẽ khó theo được hết các bài học", Bàn Tứ Quý (học sinh lớp 9A) cảm động nói về cô giáo của mình.
Chia sẻ về cô giáo Hà, em Bàn Thị Anh Thư (học sinh lớp 8A) kể lại: "Biết gia đình em khó khăn, cô mua chăn ấm tặng và còn đông viên em yên tâm cố gắng học tập. Cô luôn lo lắng cho chúng em, cả việc học tập cũng như những chuyện hằng ngày".
Thật sự nguy hại nếu học sinh mới lớp 3 làm cán bộ lớp được phạt bạn bằng roi Giáo dục không thể dùng một đứa trẻ để trị những đứa trẻ khác, không thể cho phép và khuyến khích hành động dùng bạo lực với bạn bè ngay trong môi trường giáo dục Thông tin ba học sinh lớp 3 của Trường Tiểu học Ngũ Đoan (huyện Kiến Thuỵ, Hải Phòng) bị cô giáo đánh tím mông được người nhà chia...