Công dân nhập tịch đầu tiên trở thành hoa hậu Nhật Bản gây tranh cãi vì gốc Ukraine
Mặc dù mang quốc tịch Nhật Bản, nhưng tân hoa hậu vẫn gây tranh cãi vì có cha mẹ đều là người Ukraine.
Carolina Shiino đã giành chiến thắng trong cuộc thi Hoa hậu Nhật Bản ngày 22/1/2024. Ảnh: Independent
Carolina Shiino (26 tuổi) đến từ Nagoya, tỉnh Aichi, đã trở thành công dân nhập tịch Nhật Bản đầu tiên giành chiến thắng trong cuộc thi sắc đẹp diễn ra ở Tokyo ngày 22/1 vừa qua.
Tờ Tokyo Weekender đưa tin, Carolina Shiino chuyển đến “đất nước mặt trời mọc” khi mới 5 tuổi sau khi mẹ cô tái hôn với một người đàn ông Nhật Bản.
“Tôi đã phải đối mặt với những rào cản ngăn bản thân được chấp nhận như một người Nhật, vì vậy tôi rất biết ơn khi được công nhận là một người Nhật tại cuộc thi này”, cô nói trong bài phát biểu nhận giải tại cuộc thi Hoa hậu Nhật Bản.
Không những thế, Carolina Shiino tự mô tả mình là người Nhật cả về “lời nói lẫn suy nghĩ” và mong muốn tạo ra một xã hội nơi “con người không bị đánh giá qua vẻ bề ngoài”. Tân hoa hậu cho biết có thể trông mình không giống người Nhật, nhưng tâm trí của cô đã “trở thành người Nhật” vì cô lớn lên ở Nhật Bản. Và việc nhận được cúp Hoa hậu Nhật Bản 2024 như một giấc mơ.
Tuy nhiên, rất nhiều ý kiến trên các nền tảng mạng xã hội vẫn đặt câu hỏi về việc cô đoạt vương miện, trong đó có một số ý kiến thắc mắc làm thế nào một người không có tổ tiên là người Nhật lại có thể trở thành Hoa hậu Nhật Bản.
Một người dùng trên nền tảng X (trước đây là Twitter) nêu thắc mắc: “Người được chọn làm Hoa hậu Nhật Bản này thậm chí không phải là người lai Nhật Bản mà là người Ukraine thuần chủng 100%. Tôi biết là cô ấy xinh đẹp nhưng đây là ‘Hoa hậu Nhật Bản’. Thế nào là người Nhật?”.
Video đang HOT
Một người khác bày tỏ: “Nếu cô ấy mang một nửa dòng máu Nhật Bản thì chắc chắn không có vấn đề gì. Nhưng cô ấy là người Nhật 0% và thậm chí còn không sinh ra ở Nhật Bản”, một bình luận khác viết.
Ngoài ra, còn nhiều người cho rằng chiến thắng của cô đã gửi một “thông điệp sai” tới những người dân trong nước, khi coi “một người có vẻ ngoài thuần châu Âu là người đẹp nhất Nhật Bản”.
Ai Wada, người tổ chức cuộc thi Hoa hậu Nhật Bản nói với BBC rằng ban giám khảo đã hoàn toàn tự tin khi chọn Carolina Shiino là người chiến thắng. Theo ban giám khảo, tân hoa hậu gốc Ukraine nói và viết bằng tiếng Nhật một cách đẹp đẽ và tao nhã. “Cô ấy đậm chất Nhật hơn cả chúng ta”, bà Wada nói.
Đây không phải là lần đầu tiên Hoa hậu Nhật Bản gây tranh cãi. Năm 2015, Ariana Miyamoto có cha là người Mỹ gốc Phi và mẹ là người Nhật, đã trở thành người phụ nữ đầu tiên là con lai đăng quang Hoa hậu Nhật Bản và cũng nhận được nhiều ý kiến trái chiều vào thời điểm đó.
Tổng thống Biden 'chao đảo' trước sức ép từ nhiều mặt trận trên khắp thế giới
Mỹ không có chiến tranh, nhưng việc vướng vào nhiều mặt trận xung đột, cộng với cuộc khủng hoảng người di cư đang diễn ra dọc biên giới Mỹ-Mexico, không phải là môi trường lý tưởng cho Tổng thống Biden khi ông tăng cường chiến dịch tái tranh cử vào tháng 11 tới.
Tổng thống Mỹ Joe Biden phát biểu trong cuộc vận động tranh cử ở Charleston, bang South Carolina ngày 8/1/2024. Ảnh: AFP/TTXVN
Theo bình luận của hãng tin AFP ngày 25/1, đã qua lâu rồi thời điểm Tổng thống Mỹ Joe Biden tự tin dạo bước trên đường phố Kiev vào tháng 2/2023, đóng vai trò là bên ủng hộ mạnh mẽ nhất cho Ukraine liên quan đến cuộc xung đột với Nga.
Gần một năm sau lần xuất hiện đó, Tổng thống Mỹ đang phải đối mặt với thực tế khắc nghiệt trong cuộc đua tái tranh cử khi sa lầy vào một cuộc chiến bế tắc này và chật vật ứng phó với sự biến động của một cuộc chiến khác: cuộc xung đột ở Gaza đe dọa lan rộng ra toàn bộ Trung Đông bất cứ lúc nào.
Trên thực tế, cuộc xung đột Israel - Hamas đã lan ra Biển Đỏ và Vịnh Aden khi lực lượng Houthi ở Yemen liên tục tấn công các tàu trong khu vực và các nhóm vũ trang khác đã nhắm mục tiêu vào quân đội Mỹ ở Iraq ở Syria. Các sự kiện đã châm ngòi cho các cuộc tấn công trả đũa của Mỹ.
Mỹ không có chiến tranh, nhưng việc vướng vào nhiều mặt trận xung đột, cộng với cuộc khủng hoảng người di cư đang diễn ra dọc biên giới Mỹ-Mexico, không phải là môi trường lý tưởng cho Tổng thống Biden khi ông tăng cường chiến dịch tái tranh cử vào tháng 11 tới.
Và thậm chí tình hình còn tệ hơn đối với Tổng thống Biden khi đối thủ sáng giá từ Đảng Cộng hòa, cựu Tổng thống Donald Trump, đã lấy sự bất ổn toàn cầu này làm cái cớ để tấn công ông Biden là "yếu đuối".
Theo cố vấn Đảng Dân chủ Melissa DeRosa, cảm giác bất ổn do những xung đột trên gây ra, chưa nói đến vấn đề an ninh biên giới, sẽ đóng một vai trò nhất định trong cuộc bầu cử này. "Tôi thực sự nghĩ rằng đó sẽ là một vấn đề đối với Tổng thống Biden và là điều mà ông Trump tiếp tục khai thác", bà DeRosa nói, nhấn mạnh về cuộc khủng hoảng di cư, mà bà gọi là "gót chân Achilles" của Tổng thống Biden khi số lượng người di cư kỷ lục đã vào Mỹ trong những tháng gần đây.
Chính sách đối ngoại trước đây chỉ đóng những vai trò nhỏ trong các chiến dịch tranh cử tổng thống Mỹ và, ngoại trừ những diễn biến lớn, những nguyên tắc cơ bản đó khó có thể thay đổi vào năm 2024.
Nhưng ông Trump, người có ưu thế giành được sự đề cử của Đảng Cộng hòa, đang chuyển nỗi lo lắng xung quanh sự bất ổn toàn cầu thành lợi thế của mình - một thông điệp có tác dụng tốt đối với những người ủng hộ ông Trump.
"Các thực thể nước ngoài tôn trọng (Trump) nhiều hơn và sợ ông ấy hơn người hiện đang đứng đầu Nhà Trắng", Tony Ferrantello, kiến trúc sư và là cử tri bang New Hampshire nói với AFP trước cuộc bầu cử sơ bộ của bang hôm 23/1.
Tỷ lệ ủng hộ của ông Biden đối với chính sách đối ngoại đang ở mức thấp: 58% nói rằng họ không tán thành cách ông xử lý các vấn đề quốc tế, so với 36% tán thành, theo cuộc thăm dò từ tháng 12 đến tháng 1 từ trang RealClearPolitics.
Đó là một tín hiệu không tốt đối với Tổng thống Biden, vốn tự cho mình là một người có kinh nghiệm về chính sách đối ngoại, khi có 8 năm làm việc với các nhà lãnh đạo thế giới với tư cách là Phó Tổng thống thời Barack Obama và nhiều nhiệm kỳ với tư cách là Chủ tịch Ủy ban Đối ngoại Thượng viện.
Hơn nữa, ông Biden tự hào vì đã phục hồi các liên minh quốc tế, bao gồm cả NATO và ở châu Á, sau khi dành phần lớn thời gian trong chiến dịch tranh cử năm 2020 để cam kết đưa nước Mỹ "trở lại" sân khấu thế giới sau những năm ông Trump theo chủ nghĩa biệt lập, hỗn loạn.
Nhưng những khó khăn liên quan đến cuộc xung đột ở Ukraine vẫn còn rất lớn, vì ông Biden đã nỗ lực khẳng định mình là người lãnh đạo một liên minh đa quốc gia rộng lớn hỗ trợ Kiev sau khi xung đột nổ ra vào năm 2022, đồng thời tránh đối đầu trực tiếp giữa Washington và Moskva.
Mỹ đang đối mặt với sự mệt mỏi ở Ukraine. Ảnh: UNIAN
Giờ đây, hai năm đã trôi qua, Tổng thống Biden đang phải đối mặt với sự mệt mỏi của các nghị sĩ và cử tri không chắc chắn về việc tiếp tục viện trợ cho cuộc chiến của Ukraine mà không thu được lợi nhuận rõ ràng từ khoản đầu tư của họ.
Tại Quốc hội Mỹ, các nghị sĩ của Đảng Cộng hòa liên kết hai vấn đề này với nhau, đề nghị hỗ trợ viện trợ cho Ukraine để đổi lấy các chính sách nhập cư cứng rắn hơn ở biên giới phía Nam.
Vấn đề phức tạp hơn nữa là sự ủng hộ kiên định của Tổng thống Biden đối với cuộc chiến của Israel với Hamas, điều này đã khiến ông phải hứng chịu sự chỉ trích dữ dội từ những người ủng hộ ông và những người khác thuộc cánh tả.
Những người biểu tình ủng hộ Palestine đã ngắt lời Tổng thống Biden nhiều lần hôm 23/1 trong bài phát biểu về quyền phá thai, một vấn đề mà tổng thống đang coi là trọng tâm trong chiến dịch tái tranh cử của mình.
Sự căng thẳng đó có thể quay trở lại tác động với ông Biden vào tháng 11 tới tại các bang chiến địa quan trọng như Michigan, nơi có đông người Arab và Hồi giáo, cũng như trong số các cử tri trẻ - cả hai nhóm có nhiều khả năng phản đối cách xử lý cuộc chiến của Tổng thống Biden.
Ngoài ra, chưa kể đến tiềm năng của một mặt trận khác: ở bán đảo Triều Tiên, khi mối quan hệ giữa Triều Tiên và Hàn Quốc ngày càng xấu đi. Victor Cha và Andy Lim tại Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế ở Washington cảnh báo: "Triều Tiên có xu hướng gia tăng các hoạt động trong những năm bầu cử ở Mỹ".
Binh sĩ Ukraine trên chiến trường bị 'già hóa'? Độ tuổi trung bình của một binh sĩ thuộc Lực lượng Vũ trang Ukraine là 45 và điều này đặt ra thách thức. Những người lính lớn tuổi không thể có sức chiến đấu như những người trẻ tuổi hơn. Nhiều quân nhân Ukraine đang chiến đấu có độ tuổi trên 40. Ảnh: WSJ Phần lớn binh sĩ Ukraine đang tham gia chiến...