Công chức “cắp ô” vì chưa quản chặt
Công chức sáng cắp ô đi, chiều cắp về là do phương pháp tổ chức, quản lý bộ máy công chức chưa chặt chẽ.
Đó là ý kiến của GS Tạ Ngọc Tấn Giám đốc Học viện Chính trị – Hành chính Quốc gia Hồ Chí Minh. GS Tấn đã có cuộc trao đổi với PV bên lề Lễ ký Biên bản thỏa thuận: “Dự án nâng cao năng lực của Học viện Chính trị – Hành chính quốc gia Hồ Chí Minh trong đào tạo cán bộ lãnh đạo và công chức”, chiều tối ngày 13/3, tại Hà Nội.
Ông Tạ Ngọc Tấn đồng tình với ý kiến của Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho rằng, có tới 30% số công chức làm việc không hiệu quả. Họ làm việc theo kiểu “sáng cắp ô đi, tối cắp về”.
Lễ ký kết “Dự án nâng cao năng lực của Học viện Chính trị – Hành chính quốc gia Hồ Chí Minh trong đào tạo cán bộ lãnh đạo và công chức”
Theo Giám đốc Học viện Chính trị – Hành chính Quốc gia Hồ Chí Minh, năng lực cán bộ công chức của chúng ta cũng chưa đáp ứng yêu cầu phát triển của xã hội, vì năng lực và phương pháp tổ chức bộ máy công chức của nước ta chưa chặt chẽ.
Để giải quyết vấn đề này, cần xác định lại nhiệm vụ, chức năng của từng cán bộ công chức để bố trí công việc hợp lý. Từ đó củng cố và hoàn thiện bộ máy công chức.
Video đang HOT
GS Tạ Ngọc Tấn nói: “Để tăng năng suất lao động công chức, cần kết hợp nhiều khía cạnh khác nhau trên cơ sở kiểm tra giám sát từng nhiệm vụ và công việc của từng người. Bản thân mỗi cán bộ công chức cần phấn đấu, đẩy mạnh hơn nữa hiệu quả làm việc để đáp ứng yêu cầu xã hội”.
Nhà nước cũng cần hoàn thiện hệ thống pháp lý, quy chế về quản lý chặt chẽ đối với công chức. Bên cạnh đó, tiếp tục đào tạo, bồi dưỡng nâng cao năng lực, trình độ nhận thức của cán bộ công chức.
Không chỉ công chức, Việt Nam cũng đang rất cần quan chức giỏi. Ông Tạ Ngọc Tấn nói: “Người lãnh đạo có tầm nhìn thời đại, tư duy khoa học, kỹ năng dẫn dắt, thuyết phục người dân. Có ý tưởng sáng tạo và bản lĩnh vượt khó, có đức, có tâm phục vụ nhân dân và đất nước. Đó là người lãnh đạo mà Việt Nam đang rất cần”.
Theo ông Tạ Ngọc Tấn, chiến lược phát triển kinh tế xã hội của Việt Nam đến năm 2020, nhấn mạnh một trong những khâu đột phá là nhân lực chất lượng cao. Trong đó, xây dựng nguồn nhân lực chất lượng cao cùng hệ thống lãnh đạo quản lý có vai trò đặc biệt quan trọng. Đó là yêu cầu của Nhà nước đặt ra cho Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh thông qua việc tổ chức các khóa học bồi dưỡng nguồn cho các cán bộ lãnh đạo cao cấp.
Nâng cao năng lực cán bộ công chức
Chiều 13/3, Dự án nâng cao năng lực của Học viện Chính trị – Hành chính quốc gia Hồ Chí Minh trong đào tạo cán bộ lãnh đạo và công chức được ký kết giữa học viện này và Cơ quan Hợp tác Quốc tế Nhật Bản (JICA).
Dự án nhằm tăng cường năng lực cho cán bộ giảng dạy của Học viện trong việc thiết kế, quản lý và thực hiện chương trình bồi dưỡng cán bộ lãnh đạo. Các học giả và chuyên gia đến từ Tổng cục Nhân sự Nhật Bản sẽ chia sẻ kinh nghiệm và kỹ năng xây dựng tài liệu, áp dụng quy trình quản lý đào tạo cũng như phố hợp giảng dạy cho các khóa học.
Một loạt các hội thảo, tọa đàm khoa học sẽ được tổ chức nhằm nâng cao chất lượng chương trình đào tạo. Dự án sẽ được triển khai từ tháng 5/2013 đến năm 2016.
Theo 24h
"Cơ quan nào cũng có người nhàn rỗi"
Ở Văn phòng Chính phủ, có chuyên viên làm việc cả thứ 7, chủ nhật mà không hết việc, nhưng có người nhàn rỗi - Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP Vũ Đức Đam chia sẻ.
Tại một hội nghị mới đây, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã đưa ra con số 30% công chức "có cũng như không".
Chiều 29/1, trả lời báo chí về con số này, Bộ trưởng Vũ Đức Đam cho hay, bộ máy hành chính có nhiều việc còn đáng bàn. Ngay trong mỗi cơ quan còn có người chưa phát huy hết khả năng của mình. "Tôi đã công tác qua nhiều cơ quan từ Trung ương đến địa phương. Cơ quan nào cũng có người như vậy. Tôi đã nói chuyện với họ, nhưng họ đều rất khát khao được làm việc, được tạo điều kiện để làm việc, chứ không phải họ muốn ngồi không để ăn lương. Có trường hợp những người như vậy, trong lòng họ có khát khao cống hiến rất lớn".
Bộ Nội vụ tổ chức thi tuyển công chức ngày 6/1. Ảnh: Lê Anh Dũng
Cũng theo ông Đam, ngay tại VPCP cũng có những chuyên viên làm cả thứ 7, chủ nhật mà không hết việc. Trong khi lại có những người rất nhàn rỗi. Có người lâu ngày không được làm việc nhiều thì kỹ năng bị hạn chế. "Ai cũng muốn cống hiến. Có người khát vọng cháy bỏng. Có người tỏ ra bức xúc, chán nản", Bộ trưởng Vũ Đức Đam bình luận.
Liên quan đến thông tin chạy công chức 100 triệu, Bộ trưởng Vũ Đức Đam cho biết: Chính phủ không có chỉ đạo riêng về chuyện này nhưng đã chỉ đạo ngành nội vụ các cấp chú ý đến hai vấn đề: chất lượng đội ngũ cán bộ hiện tại; tinh giản bộ máy hành chính những nơi thừa, nơi thiếu để tổng thể bộ máy hành chính phải làm được tất cả các việc, không có lỗ hổng.
Cũng theo ông Đam, nếu tất cả các lĩnh vực liên quan đến "chạy" hiểu theo nghĩa tiêu cực thì phải lên án và đấu tranh, ở đâu có hiện tượng ấy thì phải nghiêm trị.
"Mỗi vị trí trong hệ thống đều có thước đo rõ ràng, chuẩn mực chính xác thì khi đó tất cả hiện tượng tiêu cực như chuyện chạy công chức sẽ không còn", ông Đam nói. Tuy nhiên, để có một nền hành chính hiện đại, chuyên nghiệp thì phải có một quá trình phấn đấu.
Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP cho biết thêm trong phiên họp vừa qua, Chính phủ cũng đã thảo luận xem xét tăng cường chỉ đạo thực hiện tốt chương trình cải cách hành chính, trong đó có cải cách thể chế, hiện đại hóa công sở. Ngoài câu chuyện tài chính công, Chính phủ còn thảo luận các vấn đề nâng cao chất lượng đội ngũ công chức.
Theo 24h
"30% công chức: Sáng cắp ô đi, tối cắp về" "Tình trạng chạy công chức vẫn diễn ra do chế độ thi cử đầu vào bất cập. Trong bộ máy chúng ta có tới 30% số công chức không có cũng được, bởi họ làm việc theo kiểu sáng cắp ô đi, tối cắp về, không mang lại bất cứ thứ hiệu quả công việc nào". Đó là phát biểu của Phó Thủ...