Con nuôi đồn biên phòng
Không chỉ thực hiện sứ mệnh bảo vệ biên cương Tổ quốc, những người lính đồn biên phòng Leng Su Sìn (Bộ chỉ huy Bộ đội biên phòng tỉnh Điện Biên) còn đảm trách nhiệm vụ không kém phần cao cả, đó là chăm lo cho những đứa con nuôi.
Tết này con đã có một gia đình lớn!
Trong chuyến công tác Tây Bắc những ngày cuối năm, chúng tôi bắt gặp hai cậu bé vóc người nhỏ nhắn, đeo khăn quàng đỏ thắm hì hụi đạp xe ngược dốc rồi rẽ vào cổng đồn biên phòng Leng Su Sìn. Đó là Hù Chà Ngọi (học sinh lớp 6) và Hàng A Sơn (HS lớp 7, trường phổ thông dân tộc bán trú THCS Leng Su Sìn).
Cả hai đều có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, cuộc sống ăn không đủ no, mặc không đủ ấm, thậm chí, việc học tập cũng trở nên thật gian nan… Nhưng từ sau khi trở thành con nuôi đồn biên phòng, hai đứa trẻ đã bước vào một cánh cửa mới với tương lai tươi sáng.
“Điều mà con thích nhất khi vào đây là con có một gia đình thật lớn, con có thêm những người thân mới, luôn quan tâm và dạy bảo chúng con điều đúng đắn. Ở đây, chúng con cũng được ăn cơm ngon hơn ở nhà. Khi Tết đến, còn được nhận nhiều quà nữa…” – Hù Chà Ngọi thỏ thẻ.
Sau những tháng ngày bỡ ngỡ đầu tiên, hai cậu bé đang tuổi ăn, tuổi lớn đã dần quen với môi trường của đồn biên phòng, coi đây là ngôi nhà thứ hai của mình. Từ những đứa trẻ sống bản năng như cỏ dại giữa núi rừng, hai cậu bé dần học được tính tự lập, chủ động mọi sinh hoạt cá nhân theo giờ giấc khoa học.
Ngọi và Sơn biết thức dậy đúng giờ khi kẻng báo thức điểm, tự giác gấp chăn gối phẳng phiu như những quân nhân nhí. Sau khi tập thể dục và vệ sinh cá nhân, cả hai cùng ăn sáng theo nhịp sinh hoạt của các cha nuôi, rồi tự rửa bát đũa trước giờ đi học.
Sau giờ học, hai cậu cùng phụ giúp cha nuôi làm việc nhà hoặc xuống vườn tăng gia sản xuất. Đây cũng là những bài học kỹ năng sống cần thiết trong hành trình khôn lớn.
Trực tiếp kèm cặp việc học tập hằng ngày cho Ngọi và Sơn, Thiếu úy Nguyễn Minh Vương chia sẻ: “Khi mới vào đơn vị, cả hai còn nhiều bỡ ngỡ từ ngoại hình, tác phong sinh hoạt, ăn uống đến học tập… Sau vài tuần, được chúng tôi hướng dẫn như đối với một tân binh, đến nay, nhịp sinh hoạt đã bắt đầu đi vào nền nếp và kết quả học tập cũng được cải thiện nhiều.
Những ngày đầu, chúng tôi đưa đón các con đi học, sau đó, sắm hai chiếc xe đạp để các con tự đến trường. Chúng tôi mong, các con ở đây sẽ không chỉ được chăm sóc mà còn có thể phát triển toàn diện, trở thành những đứa trẻ tự lập”.
Không còn những tháng ngày chịu khổ, chịu đói, không còn những buổi trốn học, la cà với hoang vu núi rừng, Sơn và Ngọi đang từng bước đến với một tương lai tươi sáng.
Trong suy nghĩ non nớt của Ngọi, ngày Tết này thật khác. “Con đã có hẳn một gia đình lớn. Con thích nhất khi các cha nuôi tổ chức gói bánh chưng và dạy cho chúng con cách làm. Đêm Giao thừa, chúng con còn được nhận lì xì nữa” – niềm hân hoan ánh lên nơi đôi mắt trong veo của cậu bé Si La.
Mở ra tương lai tươi sáng
Nhắc đến kỷ niệm ngày đầu nhận con nuôi, Trung tá Đinh Công Điện – Chính trị viên đồn biên phòng Leng Su Sìn – vẫn còn nhớ: “Hôm các cô giáo đưa Hù Chà Ngọi lên bục làm lễ nhận con nuôi, con òa khóc nức nở, đến nỗi các cô không thể ở lại đơn vị ăn cơm mà phải trốn về.
Lúc đó, chúng tôi cũng rất trăn trở, không biết ngày mai, ngày kia, con có chịu ở lại hay không? Rất may, sau một vài ngày được các cán bộ, chiến sĩ động viên, gần gũi, con đã vui vẻ lại bình thường”.
Trung úy Chang Sơn Hải lại nhớ nhất kỷ niệm khi Ngọi và Sơn ăn cơm trưa xong, bỏ trốn đi chơi: “Hôm đó, sau giờ cơm, canh đúng giờ nghỉ trưa, không bị ai chú ý, hai con lén dắt xe đi chơi từ 11h30 đến hơn 14h mới chịu về, mồ hôi nhễ nhại, mặt đỏ bừng vì nắng nóng. Tôi thức dậy không thấy hai con đâu… Đợi hai anh em về, tôi đưa sẵn một cái roi ra và nghiêm mặt, phân tích để hai con hiểu ra lỗi khi đi chơi mà không báo cáo. Hiểu được cái sai của mình, sau lần đó, cả hai đi đâu, làm gì cũng xin phép”.
“Thời gian đầu, chúng tôi khá băn khoăn, vì không biết khi đưa các con về sinh hoạt ở đồn có hòa nhập được với đơn vị hay không… Thật mừng là đến thời điểm này, các con đã dần tự lập và hòa mình với nhịp sống ở đồn, coi đây là gia đình thứ hai của mình. Hù Chà Ngọi (dân tộc Si La), mồ côi cả cha lẫn mẹ, có một người chị, nhưng đã đi lấy chồng xa, không thể thường xuyên chăm lo cho em trai; Hàng A Sơn (dân tộc Mông) mặc dù có cha mẹ nhưng hoàn cảnh cũng đặc biệt khó khăn. Chúng tôi thường xuyên trao đổi thông tin với gia đình và nhà trường, chính quyền địa phương sở tại để gia đình yên tâm về các con”.
Trung tá Đinh Công Điện – Chính trị viên đồn biên phòng Leng Su Sìn
Qua 2 năm làm con nuôi đồn biên phòng Leng Su Sìn, việc học tập của cả Ngọi và Sơn cũng dần được cải thiện, hai cậu bé đều đứng top đầu của lớp vì được những người cha nuôi chỉ bảo hằng ngày.
Thầy Hiệu trưởng Khoàng Lòng Tư bày tỏ: “Từ khi Ngọi và Sơn được nhận làm con nuôi đồn biên phòng, thành tích học tập của hai con đều tiến bộ rõ rệt. Trước đây, Sơn thường xuyên nghỉ học do hoàn cảnh gia đình, nên cũng bị ảnh hưởng nhiều tới kết quả các môn học.
Nhờ có sự chăm lo, dạy bảo của các cán bộ, chiến sĩ đồn biên phòng, Sơn đã có điều kiện học tập tốt hơn, nhận thức tốt hơn. Ngọi cũng rất thông minh và tiếp nhận kiến thức rất nhanh nhạy… Mô hình con nuôi biên phòng đã và đang mở ra một tương lai tươi sáng hơn cho những đứa trẻ vùng biên…”.
“Nhìn các chú bộ đội biên phòng, con rất thích. Con sẽ cố gắng học tập để sau này được khoác màu áo xanh, phục vụ đất nước và bà con nơi biên giới” – ánh mắt của Ngọi và Sơn cùng hướng về phía bầu trời xanh qua khung cửa sổ với những chiếc bằng khen được treo ngay ngắn.
Quan niệm sống lỗi thời là khởi nguồn của bệnh thành tích
Trong chừng mực nào đó, những phong tục của người Việt Nam có tác động rất lớn đến đời sống cộng đồng. Do ảnh hưởng của những quan niệm sống cứng nhắc cũng như những hủ tục nên thói hư tật xấu cũng bắt nguồn từ đó.
Ảnh minh họa
Việt Nam Phong Tục của Phan Kế Bính hay Việc Làng của Ngô Tất Tố cũng đã từng phê phán nghiêm khắc những quan niệm sống, cũng như những hủ tục như thế, mà thói háo danh là tiêu biểu nhất. Xã hội phát triển, những quan niệm lỗi thời hay những hủ tục lại biến tướng một cách tinh vi với nhiều hình thức khác nhau.
Ngay từ nhỏ, con người đã bị ràng buộc bởi những tập quán lâu đời đã ăn sâu vào tiềm thức. Những tập quán này có đôi khi vô tình là rào cản cho sự phát triển nhân cách con người. Theo truyền thống, cha mẹ lúc nào cũng lo lắng, chăm sóc cho con. Tuy nhiên, sự chăm sóc quá mức sẽ làm cho đứa trẻ ỷ lại, lười biếng và không có tính tự lập. Muốn con thành đạt, nhiều bậc cha mẹ sẵn sàng đút lót, chạy chọt để đạt mục đích mà không hề biết rằng họ đã "bóp chết" ý chí vươn lên của con mình.
Bên cạnh đó, áp lực học tập để có được một chỗ đứng trong xã hội theo nguyện vọng của cha mẹ nên phần lớn thời gian học sinh dành cho việc học tập, không có thời gian để vui chơi, giải trí làm giảm áp lực tinh thần. Nhiều bậc cha mẹ chỉ muốn con em mình đạt điểm tốt chứ không quan tâm đến đời sống tinh thần của các em.
Nhà trường cũng vô tình tạo một áp lực không nhỏ trong việc học tập, chú trọng đến điểm số, vì thế tâm tư nguyện vọng của các em chưa được quan tâm nhiều. Đời sống xã hội ngày càng phức tạp với những biểu hiện hết sức đa dạng và ảnh hưởng rất nhiều đến sự phát triển nhân cách và tâm lý học sinh.
Hàng ngày, giác quan các em thường xuyên bị đủ thứ âm thanh, màu sắc kích động hay những lối ăn chơi hưởng thụ rình rập và ảnh hưởng theo chiều hướng "đe dọa" các em. Chính những hiệu ứng này đã làm cho những bài học làm người và những giá trị truyền thống bị phai mờ. Khi lứa tuổi vị thành niên mất đi những điểm tựa tin cậy từ thầy cô, cha mẹ mình thì dễ dàng phát sinh tâm lý chán nản, ảnh hưởng tiêu cực đến sự phát triển nhân cách của học sinh.
Quan niệm "Một miếng giữa làng bằng một sàng xó bếp" đã phản ánh chân thật thói háo danh của người Việt. Một số người bất chấp tất cả để có được địa vị, chức tước trong xã hội. Ngày xưa, để có được một ngôi thứ trong làng, nhiều người phải đút lót, mở tiệc khao thì mới được làng xã công nhận. Xã hội hiện đại vẫn thế, để có được địa vị xứng đáng thì có bao nhiêu người thực sự đi lên bằng chính năng lực của mình?
Hiện tượng chạy trường, chạy chức, chạy quyền là những minh chứng rõ nét nhất cho vấn đề này. Từ đó, xã hội mới có những người tuy chức cao, địa vị sang trọng nhưng lại bất tài. Những ông quan này cứ noi theo tấm gương phản chiếu của chính bản thân mình mà hành xử công việc hàng ngày; thích được xu nịnh, biếu xén là điều tất nhiên. Nạn tham nhũng, hối lộ cũng bắt đầu từ đây mà có. Hiện tượng "đi cửa sau" đã và đang xuất hiện trong bộ máy công quyền với nhiều hình thức tinh vi và kín đáo hơn.
Trong cuộc sống, ai cũng muốn vươn lên. Đó là một động lực để phấn đấu nhưng cũng tạo ra mặt trái. Tâm lý ganh đua, đố kị cũng phát sinh từ đây. Hiện tượng học giả bằng thật đang tràn lan là một minh chứng cho sự ganh đua không lành mạnh. Ai cũng biết để có được những học vị như cử nhân, thạc sĩ, tiến sĩ bằng chính thực lực của mình thì phải trải qua những tháng ngày miệt mài bên sách vở. Thế mà, có những vị vừa đi học vừa đi làm mà chỉ trong một thời gian ngắn cũng có được một tấm bằng như ai.
Đó là lý do tại sao có nhiều ông thạc sĩ, tiến sĩ nhưng nói tiếng Anh chẳng ra hồn! Những tấm bằng của họ chắc chắn là do chạy chọt, xin điểm để có được một vị thế vững chắc cho chiếc ghế của mình. Ở một góc độ khác, sự đố kị cũng xuất hiện với một ai đó sợ người khác giỏi hơn mình. Họ luôn tìm cách để dèm pha, hạ uy tín của người khác trước mặt mọi người. Những chuyện đời tư, những lỗi lầm nho nhỏ được họ thêu dệt, thổi phồng lên để dư luận cho rằng người đó không xứng đáng có được sự tín nhiệm hay đề bạt.
Suy cho cùng, trong những thói hư, tật xấu của người Việt hiện nay, một phần là do những quan niệm sống sai lệch bắt nguồn từ những hủ tục thời xa xưa mà bệnh thành tích cũng không ngoại lệ. Xã hội hiện đại, chúng ta cũng cần nên loại bỏ đi những quan niệm sống không phù hợp, bởi vì chính những quan niệm sống như thế là rào cản cho sự phát triển trong tương lai và có đôi khi lại làm trò cười trước thiên hạ.
Hải Phòng miễn học phí cho học sinh, nơi khác thì sao? Theo một lãnh đạo Sở GD-ĐT TP.HCM, cách đây vài năm TP.HCM cũng từng có chủ trương miễn học phí cho học sinh THCS. Tuy nhiên, chủ trương này đã không được thực hiện. TP.HCM từng có chủ trương miễn học phí cho học sinh THCS nhưng không thực hiện được do vướng quy định. Trong ảnh: phụ huynh đang đóng học phí...