Còn chạy theo điểm, bằng cấp thì không thể có học thật, thi thật, nhân tài thật
Nhiều người không xác định được học để làm gì, chúng ta đang học vì điểm số, bằng cấp mà không ý thức học để phát triển bản thân, đáp ứng nhu cầu xã hội.
“Học thật, thi thật để có nhân tài thật” là một trong những nội dung quan trọng được Thủ tướng Chính phủ đặt cho cho Bộ Giáo dục và Đào tạo trong buổi làm việc ngày 6/5 vừa qua.
Những ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Phạm Minh Chính tại cuộc họp rất chi tiết, cụ thể vào các vấn đề của ngành giáo dục. Nhiều chuyên gia giáo dục bày tỏ sự ủng hộ cao với các ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng.
Trong cuộc trao đổi mới nhất với Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, Tiến sĩ Nguyễn Tùng Lâm – nguyên Chủ tịch Hội Tâm lý giáo dục Hà Nội nhận định: “Ngành giáo dục đang bị cuốn vào vòng xoáy ngụy thành tích, đó là một trong những nguyên nhân dẫn tới học không thật, thi không thật.
Tuy nhiên, nguyên nhân gốc rễ của vấn đề này là do chúng ta đang xác định sai về mục tiêu học tập, chưa có phương pháp giáo dục đúng đắn và chưa thay đổi về quản lý, kiểm tra, đánh giá học sinh”.
Tiến sĩ Nguyễn Tùng Lâm cho rằng, “học thật thi thật” là vấn đề cấp thiết của ngành giáo dục (Ảnh: Phạm Minh)
Theo đó, muốn đi đến “học thật thi thật” thì cần phải xác định được 3 vấn đề, tìm đáp án cho 3 câu hỏi: Học tập để làm gì?; Học tập như thế nào để đạt mục tiêu đề ra và quản lý, kiểm tra đánh giá như thế nào?
Trên thực tế, câu chuyện về bệnh thành tích đã được bàn luận rất nhiều nhưng vẫn chưa có một liều thuốc nào trị căn bệnh này dứt điểm. Tiến sĩ Nguyễn Tùng Lâm cho rằng, trong quan niệm của nhiều người, học hết lớp này đến lớp khác, học hết cấp này sang cấp khác cũng chỉ để lấy điểm số cao, nhận bằng cấp.
Nhiều trường hợp điểm số cao vì đã bớt xén yêu cầu, vì gian dối chứ không phản ánh năng lực thực sự của các em. Và một khi chạy theo thành tích, con người ta sẽ hình thành thói quen, những gì mong muốn không cần cố gắng mà vẫn muốn đạt được.
Trong khi đó, bố mẹ áp đặt con cái về thành tích, muốn con vào trường chuyên, lớp chọn, rồi quyết định luôn cả việc chọn nghề nghiệp cho con.
Ngay cả cuộc thi khoa học kỹ thuật cho học sinh, về mục tiêu là rất tốt, khuyến khích học sinh sáng tạo, nghiên cứu nhưng vẫn còn hiện tượng khiến dư luận đặt rất hoài nghi về kết quả thực.
Chính sách giáo dục cũng đang chạy theo cuộc đua đó, chạy theo nhu cầu, mong muốn của người dân, chú trọng đầu tư, phát triển trường chuyên. Điều đáng nói là, chính ở các trường chuyên, chương trình học tập bị cắt xén, học sinh chỉ tập trung vào môn chuyên đã chọn để thi học sinh giỏi quốc gia. Như vậy là giáo dục đã không vì mục tiêu phát triển con người toàn diện.
“Trên thực tế, bố mẹ kỳ vọng con học giỏi, thành tài là chính đáng. Nhưng phải nhìn nhận vào năng lực của con, phải để con phát triển lĩnh vực sở trường con yêu thích, không nên chỉ biết chạy theo thành tích.
Tất cả những câu chuyện nêu trên đã cho thấy một điều rằng, chúng ta đang sai lầm trong việc xác định mục tiêu học tập. Những kỳ thi áp lực mà học sinh phải trải qua, học sinh đỗ đại học rồi không quan tâm việc học, chỉ quan tâm đến một tấm bằng.
Học để làm gì? Không phải vì điểm số, không vì bằng cấp, học là để phát triển bản thân, đáp ứng được những nhu cầu xã hội đặt ra. Học để nâng tầm tri thức, hiểu biết nhưng phải nâng tầm được giá trị bản thân, phải đóng góp gì cho xã hội.
Học là để vận dụng kiến thức vào giải quyết các vấn đề. Nếu chỉ có tấm bằng nhưng không có năng lực thực sự thì tương lai chúng ta sẽ chẳng thể làm được gì. Muốn học thật, thi thật để có những nhân tài thật thì trước hết cần phải xác định đúng mục tiêu học tập”, Tiến sĩ Nguyễn Tùng Lâm khẳng định.
Vấn đề thứ hai cần lưu tâm là phương pháp giáo dục. Trong thời đại ngày nay, người học chủ động học tập bất cứ nơi đâu, học bất lúc nào nhưng giáo dục vẫn chú trọng dạy học kiến thức, kiểm tra kiến thức.
Theo Tiến sĩ Nguyễn Tùng Lâm, đây là sai lầm cần thay đổi, nếu sai phương pháp sẽ khiến chúng ta thực hiện sai mục tiêu cơ bản của giáo dục.
Thầy cô không nên dạy theo cách truyền đạt kiến thức mà phải dạy học phát triển năng lực, vận dụng kiến thức tạo ra sản phẩm, vận dụng kiến thức để giải quyết vấn đề.
Video đang HOT
Đa số thầy cô hiện nay dạy học nhưng chưa căn cứ vào năng lực, sở trường của từng học sinh. Mỗi em sẽ có năng lực riêng, tất cả học sinh không thể như nhau, chúng ta cần nhìn thẳng, nhìn thật điều này, với học sinh gặp khó khăn, yếu hơn thì cần có phương pháp phù hợp, cần được giúp đỡ.
Bên cạnh đó, việc tự học và tự rèn của học sinh là vô cùng quan trọng. Cần phải có phương pháp đúng đắn để các em tự học, tự chiếm lĩnh tri thức và rèn luyện bản thân.
Cuối cùng, đổi mới đánh giá, thi cử cũng là một yêu cầu quan trọng được Tiến sĩ Nguyễn Tùng Lâm nêu ra để ngành giáo dục thực hiện “học thật, thi thật”.
Nếu vẫn kiểm tra kiến thức thì người học vẫn sẽ học theo cách đối phó, thi cử chỉ là cách để chạy đua điểm số, thành tích.
Đánh giá cần đánh giá cả quá trình, đánh giá sản phẩm, thực hành, đánh giá sự phát triển của học sinh, đạo đức, lối sống. Mục đích của đánh giá là để giúp học sinh phát triển, khuyến khích và ghi nhận sự cố gắng, nỗ lực của các em, không phải chúng ta đánh giá để xếp hạng cao thấp.
Ở nhiều quốc gia trên thế giới, học sinh học theo từng chuyên đề, các em được thi nhiều lần để lấy số điểm cao nhất. Đó là một cách khuyến khích sự cố gắng của học sinh.
Cũng theo Tiến sĩ Nguyễn Tùng Lâm, Bộ Giáo dục đã có những đổi mới tích cực để phát triển giáo dục. Chương trình giáo dục phổ thông mới định hướng dạy học phát triển phẩm chất, năng lực học sinh. Quy định mới về giảm số bài kiểm tra, đổi mới đánh giá giúp giảm áp lực học tập, thi cử.
Tuy nhiên, quá trình thực hiện vẫn còn nhiều vướng mắc và chưa đạt được mục tiêu đề ra.
Muốn giáo dục phát triển, muốn giải quyết bài toán “học thật, thi thật” thì toàn ngành cần phải cố gắng, cần phải thay đổi nhận thức về mục tiêu học tập. Học sinh, phụ huynh phải tự giác, thầy cô giáo phải nỗ lực học tập, thay đổi phương pháp dạy và toàn xã hội phải có trách nhiệm phát triển giáo dục.
Tiến sĩ Nguyễn Tùng Lâm cho rằng, nhiều chủ trương giáo dục đã đi đúng hướng nhưng thực hiện chưa đạt kết quả như mong đợi một phần vì chưa tháo gỡ về mặt cơ chế.
“Thủ tướng Phạm Minh Chính đã đặt ra vấn đề cho giáo dục là tháo gỡ về mặt cơ chế, tức là nói đến vai trò tự chủ của mỗi nhà trường, tự chịu trách nhiệm xã hội.
Tuy nhiên, thực tế các cấp quản lý đang làm thay công việc của các trường, do đó cần trả lại quyền cho các trường để có người thật, việc thật.
Ví dụ khi giao cho quan chức địa phương tuyển giáo viên. Nói thẳng là nhiều người chạy để có một suất giáo viên tiểu học, trung học mất rất nhiều tiền. Chúng ta đã không làm tốt việc tuyển dụng theo năng lực thật.
Với các trường ngoài công lập, họ thiết lập cơ chế đánh giá giáo viên, trả lương giáo viên tương xứng và thu hút được người tài vào làm việc, nâng cao chất lượng giáo dục. Trường công lập cũng cần được tháo gỡ cơ chế để hoạt động dạy học đi đúng vào thực chất.
Bên cạnh đó, cần xây dựng, chọn lọc đội ngũ nhà giáo chất lượng, nhiệt huyết. Đầu tiên là hiệu trưởng, nhà quản lý phải biết cách tổ chức hoạt động trong nhà trường để đảm bảo chất lượng.
Bên cạnh đó cần nghiên cứu để có cơ chế trả lương theo kết quả giáo dục, tuyển chọn giáo viên có tài, có tâm để cùng toàn ngành đưa nền giáo dục cất cánh”, Tiến sĩ Nguyễn Tùng Lâm nhấn mạnh.
Chúng ta vẫn đang quay cuồng với thi cử, bằng cấp, thành tích
Đổi mới giáo dục đang hướng tới việc giảm áp lực thi cử nhưng hiện nay chúng ta vẫn đang quay cuồng với áp lực về bằng cấp, điểm số, thành tích,...
Theo mục tiêu của Chương trình giáo dục phổ thông mới, người học sẽ làm chủ kiến thức, biết vận dụng hiệu quả kiến thức vào đời sống và tự học suốt đời; có định hướng lựa chọn nghề nghiệp phù hợp; biết xây dựng và phát triển hài hòa các mối quan hệ xã hội; có cá tính, nhân cách và đời sống tâm hồn phong phú; nhờ đó có được cuộc sống có ý nghĩa và đóng góp tích cực vào sự phát triển của đất nước và nhân loại.
Với mục tiêu đã nêu, chúng ta đang bước đầu triển khai chương trình mới, sách giáo khoa mới, đồng thời có những thay đổi về môn học, phương pháp dạy học, đổi mới nhận xét, đánh giá học sinh,...
Cùng với đó, việc thay đổi thi cử, đổi mới thi cử là một vấn đề cần thiết, quan trọng được nhiều người đặt ra hiện nay.
Trao đổi với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, cô giáo Tô Thụy Diễm Quyên - Tổng giám đốc Innedu, giảng viên các chương trình đổi mới giáo dục của Bộ Giáo dục và Đào tạo khẳng định: Đổi mới về thi cử chính là đòn bẩy mạnh mẽ để làm thay đổi kết quả đầu ra cho ngành giáo dục, để thực hiện thành công mục tiêu của đổi mới giáo dục.
Không thể có kết quả mới theo cách làm cũ
Theo cô Tô Thụy Diễm Quyên, giáo dục Việt Nam đang trên con đường đổi mới, còn gặp nhiều khó khăn, thách thức.
Quá trình đổi mới cần được triển khai từng bước, từng giai đoạn nhưng vẫn phải đảm bảo sự đồng bộ trên tất cả các phương diện, trong đó có thi cử.
"Hiện nay, nội dung đề kiểm tra, đề thi vẫn còn nặng về kiểm tra kiến thức. Đây là một trong những nguyên nhân dẫn tới việc học sinh học thuộc lòng, học vẹt", cô Quyên cho biết.
Ngoài ra, cách ra đề kiểm tra ghi nhớ cùng với quan niệm coi trọng thành tích, điểm số, sự đỗ đạt sẽ xảy ra hiện tượng quay cóp trong thi cử, vấn nạn học thêm, dạy thêm càng gia tăng.
Để đạt điểm số cao, đỗ vào trường học, ngành học theo kỳ vọng của người lớn, nhiều học sinh sẽ phải học thêm, tham gia vào các lò luyện thi. Các em trải qua những kỳ thi với áp lực quá lớn, thậm chí là những ảnh hưởng về sức khỏe, đời sống tình cảm, tinh thần,...
Hiện nay, thành tích, điểm số, bằng cấp vẫn được coi trọng trong ngành giáo dục. (Ảnh minh họa: Thùy Linh)
"Một sinh viên ra trường với nhiều bằng cấp, điểm số cao chưa hẳn đã là một người thành công. Ai cũng hiểu rõ điều đó nhưng chúng ta vẫn đang quay cuồng với thi cử, bằng cấp, thành tích.
Hiện nay, vẫn có những trường học lấy số lượng học sinh đậu đại học mỗi năm làm cơ sở để đánh giá thành tích, chất lượng của nhà trường.
Trường học báo cáo 100% học sinh đậu đại học nhưng không tìm hiểu trong con số đó, bao nhiêu phần trăm học sinh học đúng ngành, đúng trường, đúng năng lực, nhu cầu. Vấn đề việc làm sau đào tạo có đảm bảo không?
Nếu mục tiêu của trường học chỉ là quy hoạch hết số học sinh vào đại học thì sẽ gây ra sự lãng phí rất lớn cho nhà trường và xã hội", cô Quyên khẳng định.
Một trong những mục tiêu của đổi mới giáo dục là phát triển năng lực, phẩm chất; tăng khả năng tư duy, sáng tạo của học sinh. Nếu trong thi cử, học sinh vẫn học thuộc lòng, vẫn quay cóp thì chứng tỏ mục tiêu đó không đạt được.
Cô Tô Thụy Diễm Quyên nhấn mạnh: "Không thể có kết quả mới theo cách làm cũ. Nếu vẫn giữ cách thi cũ như trước đây thì không thể có những kết quả đột phá trong cuộc cải cách, đổi mới giáo dục.
Việc thay đổi khung chương trình, phương pháp dạy học, thay đổi tiêu chí đánh giá học sinh thì phải đồng bộ với việc thay đổi về thi cử, cách ra đề kiểm tra cũng như thay đổi quan niệm về thành tích trong giáo dục".
Cô Tô Thụy Diễm Quyên (ngoài cùng bên trái). Ảnh: NVCC
Đổi mới từ việc thay đổi cách ra đề thi
Theo quan điểm của cô Tô Thụy Diễm Quyên, muốn có những đổi mới tích cực trong thi cử thì cần phải thay đổi quan điểm, tư duy, cần nhận thức đúng mục tiêu của kiểm tra, thi cử.
Bộ Giáo dục và Đào tạo đã đưa ra 5 phẩm chất, 10 năng lực gắn với mục tiêu cụ thể của chương trình giáo dục phổ thông, quá trình đổi mới trong học tập, đánh giá, kiểm tra, thi cử đều phải hướng tới đạt được mục tiêu đó.
Thay đổi thi cử không chỉ giúp giảm áp lực học hành, thi cử mà còn góp phần định hướng để thay đổi sản phẩm của giáo dục - yếu tố con người.
Theo tinh thần của chương trình giáo dục mới, dạy học không phụ thuộc vào sách giáo khoa, hướng đến phát triển năng lực, rèn luyện phẩm chất. Do đó, không được đặt nặng kiến thức trong thi cử như trước đây.
Theo cô Quyên, việc quan trọng đầu tiên cần thực hiện là thay đổi cách ra đề thi.
Thứ nhất , nội dung đề thi cần phải hướng học sinh việc vận dụng kiến thức, hoặc tìm ra những giải pháp để giải quyết vấn đề.
"Cần ra đề thi phát triển năng lực chứ không phải kiểm tra kiến thức, một đề thi tốt là đề thi có tính phân hóa cao, kiểm tra kiến thức, kỹ năng, tư duy, quan điểm, sự sáng tạo, tư duy phản biện,... của học sinh; là đề thi phát triển mặt tư duy của học sinh.
Điều quan trọng là cách học sinh tư duy trước một vấn đề chứ không phải kiểm tra các em đang nhớ những gì", cô Quyên phân tích.
Thứ hai , đề thi phải gắn liền với thực tế cuộc sống, hướng đến việc giải quyết những vấn đề thực tiễn đặt ra.
Thứ ba , câu hỏi trong đề thi phải đảm bảo thể hiện ở cả 6 bậc tư duy, bao gồm: Câu hỏi ở bậc nhận biết, câu hỏi bậc hiểu, câu hỏi vận dụng, câu hỏi phân tích, câu hỏi tổng hợp và câu hỏi đánh giá.
Việc thay đổi cách ra đề, thay đổi cách đánh giá học sinh được quyết định bởi quan điểm, tư duy và năng lực của người ra đề thi. Đó cũng chính là nhiệm vụ của các Sở, Phòng Giáo dục ở mỗi địa phương.
Cô Tô Thụy Diễm Quyên chia sẻ: "Thời gian qua, Sở Giáo dục và Đào tạo Thành phố Hồ Chí Minh đã có những đổi mới tích cực, sáng tạo trong cách ra đề thi, đặc biệt thể hiện rõ nhất ở môn Ngữ văn.
Nội dung đề thi môn ngữ văn sử dụng những bài văn hoàn toàn không có trong sách giáo khoa, ngữ liệu làm đề thi rất thực tế, có thể lấy từ đời sống hằng ngày, trên báo chí, trên truyền hình,...
Ngữ liệu dùng trong đề thi không còn đóng khung trong sách giáo khoa mà được mở rộng từ nhiều nguồn, phát huy năng lực tư duy và sự sáng tạo của học sinh".
Bên cạnh đó, theo cô Quyên, việc ra đề thi còn tùy thuộc vào đặc điểm từng tỉnh/thành, vùng miền. Theo đó, dựa vào điều kiện học tập, điều kiện phát triển kinh tế - xã hội, nhu cầu định hướng nghề nghiệp,... ở mỗi địa phương mà nội dung đề thi cũng khác nhau.
Ngoài ra, một vấn đề cực kỳ quan trọng quyết định đến đổi mới thi cử hiện nay chính là việc thay đổi quan niệm về thành tích.
Cô Quyên chia sẻ: "Thành tích không phải được tính bằng điểm số, bằng cấp hay số lượng học sinh giỏi, số lượng học sinh đậu đại học,... mà thành tích được đo theo chỉ số hạnh phúc của học sinh trong học tập, là kết quả về việc chọn ngành, chọn nghề phù hợp, về công việc của các em sau khi ra trường.
Học sinh có được đào tạo trong môi trường phù hợp, có được học đúng ngành nghề, đúng năng lực, sở trường, sở thích của các em hay không? Điều đó mới thực sự quan trọng".
Việc thay đổi quan niệm về thành tích sẽ góp phần xây dựng hạnh phúc trong trường học, giúp học sinh có cơ hội phát triển toàn diện, tích cực, giảm áp lực học tập, cuộc sống.
Về lâu dài, sự thay đổi nhận thức này còn thúc đẩy sự phát triển ở những lĩnh vực quan trọng khác như kinh tế, văn hóa, xã hội.
Bộ Giáo dục cho phép học sinh tiểu học được học vượt lớp Từ năm học 2020-2021, học sinh tiểu học có thể lực tốt và phát triển sớm về trí tuệ có thể học vượt lớp trong phạm vi cấp học. Đây là quy định mới vừa được Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành. (Ảnh minh họa: PM/Vietnamplus) "Học sinh được học rút ngắn thời gian thực hiện chương trình, học ở độ...