Cơm hến ở Huế
Người Huế ăn giống như học bài học cuộc đời, phải nếm đủ vị mặn, lạt, chua, cay, ngọt, bùi… không chê vị nào; lại còn tỏ ra thích thú với hai vị mà thiên hạ đều sợ là cay và đắng. Vườn Bắc cũng trồng mướp đắng, chỉ dùng trái chín đỏ độn thịt làm món hầm, còn trái xanh chỉ dùng… xoa sảy cho trẻ con.
Người Huế thích dùng mướp đắng lúc còn xanh; nấu canh phải đuống nồi nước sôi xuống mới thả mướp vào để đảm bảo là đắng, lại còn bóp mướp sống làm món nộm, đắng một cách tuyệt vời! Có hôm tàu dừng ở ga Lăng Cô, thấy nấm tràm bán rẻ như cho không, tôi bèn hí hửng mua luôn một rổ làm quà cho chú bạn tôi ở Đà Nẵng, gọi là đặc sản xứ Huế. Cháo nấm tràm nấu ra ngon đến thế, nhưng chỉ có đám dân Huế sì sụp vừa húp vừa khen, còn bạn nhậu người Quảng đều né hết, vì đắng chịu không nổi. Hóa ra chỉ cách nhau một cái đèo Hải Vân mà thôi mà cách ăn uống của người Huế lạ đời đến thế! Nhưng lạ nhất là thói ăn cay, đến nỗi chính tôi cũng không hiểu sao mình ăn cay đến như vậy. Người Huế có đủ cung bậc ngôn ngữ để diễn tả vị cay, bao gồm hết mọi giác quan, càng nói càng “sướng miệng”: cay phỏng miệng, cay xé lưỡi, cay điếc mũi, cay chảy nước mắt, cay toát mồ hôi, cay điếc tai, cay điếc óc, và hết cỡ là (xin lỗi mọi người) cay thấu… lỗ đít! Có thể nói rằng người Huế bắt đàu thực đơn hàng ngày bằng một tô bún bò “cay dễ sợ”, tiếp theo là một ngày cay “túi mắt túi mũi”, để kết thúc với tiếng rao “Ai ăn chè?”, một chén ngọt lịm trước khi ngủ.
Xin giới thiệu một ngày “hạnh phúc trời hành” của dân Huế tui, bắt đầu bằng món cơm hến. Những món ăn Huế như bún bò, cháo lòng… bây giờ trở thành phổ biến khắp nước (dù đã mất đi bản chất cay của nó), chỉ món cơm hến này không nơi nào có. Hà Nội, Sài Gòn cũng có vài ba quán Huế có cả cơm hến, tôi đã thử xem, đều toàn là nghêu xắt nhỏ, đâu phải là hến! Vậy thì, cơm hến là gì?
Trước hết, nói về cơm. Người Việt mình ăn cơm kiểu nào cũng phải nóng, duy chỉ cơm hến nhất thiết phải là cơm nguội. Hình như người Huế muốn bày tỏ một quan niệm rằng trên đời chẳng có một vật gì đáng phải bỏ đi, nên bày ra món cá lẹp kẹp rau mưng, và món cơm nguội với những con hến nhỏ lăn tăn làm sốt ruột người chế biến món ăn, gọi là cơm hến. Sau này ở Huế người ta bày thêm món bún hến, dùng bún thay cơm nguội. Tôi rất ghét những lối cải tiến tạp nham như vậy. Bún đã có bún bò, ai có giang sơn nấy, việc gì phải cướp bản quyền sáng chế của người khác. Vả lại, người Huế (Huế xưa, không phải bây giờ) rất kiên định trong “lập trường ăn uống” của mình. Tôi nghĩ rằng trong vấn đề khẩu vị, tính bảo thủ la một yếu tố văn hóa hết sức quan trọng, để bảo toàn di sản. Với tôi, một món ăn đặc sản cũng giống như một di tích văn hóa, cứ phải giống y như nghìn xưa, và mọi ý đồ cải tiến đều mang tính phá phách, chỉ tạo nên những “đồ giả”! Xin tiếp tục chuyện cơm hến.
Cồn Hến
Hến ở Huế, ngon nhất là hến cồn, do đó cái gò nổi chiếm vị trí “Tả Thanh Long” rất mực sang trọng trong Dịch Lý của kiến trúc kinh thành, dân chỉ gọi nôm na là Cồn Hến. Đáy sông quanh cồn có một lớp bùn sâu, là môi sinh màu mỡ của loài hến. Điều lạ là con hến, dù không có tay chân, nhưng khi thời tiết thay đổi làm dòng nước chảy mạnh, nó có thể lặn sâu xuống đáy bùn để khỏi bị nước cuốn đi. Dân cồn làm nghề xúc hến mỗi năm đều có lễ cúng hến vào tháng bảy, trên những con đò cờ xí rộn rịp, tiếng trống vang lừng. Người ta luộc hến xong đem ra sông đãi trong những chiếc rỗ lớn, tách vỏ, lấy riêng mặt hến đem đong chén bán cho những người làm cơm hến.
Mặt hến này là vị chủ của cơm hến, xào kèm theo bún tàu (miến), măng khô và thịt heo thái chỉ. Món thứ ba trong cơm hến là rau sống. Chỉ một nhúm thôi, nhưng rau sống này làm bằng thân chuối hoặc bắp chuối xắt mảnh như sợi tơ, trộn lẫn với môn bạc hà, khế và rau thơm thái nhỏ, có khi còn điểm thêm những cánh bông vạn thọ vàng, nhìn tươi mắt và có thêm mùi hương riêng. Nước luộc hến được múc ra từ chiếc nồi bung bốc khói nghi ngút, bằng chiếc gáo làm bằng sọ dừa xinh xắn, cho vào đầy một cái tô đã gồm đủ cơm nguội, hến xào, rau sống và được gia thêm đủ vị đồ màu. Nước hến có giã thêm gừng, màu trắng đùng đục. Vâng, mê nhất cái màu đùng đục ấy, ăn cơm hến mà chê nước đục là… dại!
Bộ đồ màu của cơm hến là nhiêu khê nhất thiên hạ. Đây là bảng liệt kê các món gia vị mà tôi từng quan sát được ở một gánh cơm hến, chắc có thể coi là “lý tưởng”, như sau:
1. Ớt tương,
2. Ớt màu, ớt dầm nước mắm,
Video đang HOT
3. Ruốc sống,
4. Bánh tráng nướng bóp vụn,
5. Muối rang,
6. Hạt đậu phụng rang mỡ, giã hơi thô thô,
7. Mè rang,
8. Da heo rang giòn,
9. Mỡ và tóp mỡ,
10. Vị tinh.
Tất cả được đựng trong những thẩu, những vịm bày trên một cái trẹc, o bán cơm hến lấy ra bằng những chiếc gáo mù-u nhỏ xíu, bàn tay thoăn thoắt mỗi thứ một ít như là rây… nước thánh! Hương vị bát ngát suốt đời người của tô cơm hến là mùi ruốc thơm dậy lên tận óc, và vị cay đến trào nước mắt. Người “máu” cơm hến vẫn chưa vừa lòng với vị cay sẵn có, còn đòi thêm một trái ớt tươi để cắn kêu cái rốp! Nước mắt đầm đìa, mồ hôi ròng ròng nhỏ giọt vào tô cơm, thế mà cứ sì sụp, xuýt xoa kêu “ngon, ngon!”; đi xa nhớ lại thêm tới đứt sợi tóc, ở nước ngoài về bay ra Huế để ăn cho được một tô cơm hến lấy làm hả hê, thế đấy, chao ôi là Huế!
Tôi nhớ lần ấy, chiều mưa râm ri cữ tháng mười một, tôi ngồi ăn cơm hến ở nhà Bửu Ý ở đường Hàng Me. Tôi vừa đi Tây về, suốt hai tuần ở Cung Đại Hội các nhà văn, bữa ăn nào cũng toàn thịt, bơ, phó mát…, đến nỗi tôi thất kinh, nhiều ngày chỉ mang một trái mớ cây về phòng, ăn trừ bữa. Nhiều tuần lễ không có một hột cơm trong bụng, nghe tiếng rao cơm hến, tôi thấy xúc động tận chân răng. Đây là lần đầu tiên, tôi ăn một tô cơm hến bằng tất cả tâm hồn. Thấy chị bán hàng phải cho quá nhiều thứ trong bát cơm nhỏ, công thế mà chỉ bán có năm đồng bạc, tôi thấy làm ái ngại hỏi chị:
- Lời lãi bao nhiêu mà chị phải công kỹ đến thế. Chỉ cần ba bốn thứ, vừa vừa thôi, có đỡ mất công không? Chị nhìn tôi với đôi mắt giận dỗi rất lạ:
- Nói như cậu thì… còn chi mà là Huế!
Chị gánh hàng đi, dáng gầy mỏng manh, chiếc áo dài đen cũ kỹ, chiếc nón cời và tiếng rao lanh lảnh, bây giờ tôi mới phát hiện thêm vị thứ mười lăm, là lửa. Vâng, một bếp lửa chắt chiu, ấp ủ đi trong mưa suốt mùa đông, bền bỉ theo bước chân người…
Hồn Huế từ phần cơm nguội
Người Huế dùng cơm nguội để qua đêm ăn kèm hến, xuất phát từ tính cách cần kiệm và triết lý sống: Không bỏ phí.
Trong các đặc sản Huế, nổi tiếng nhất chắc hẳn là bún bò. Món này được biến tấu theo khẩu vị từng vùng, các món Huế khác cũng có thể gia giảm. Nhưng với cơm hến, khi xa Huế món không còn là cơm hến, bởi mang đậm hồn cố đô đến mức khó có sự thay thế nào.
Cơm hến là sự pha trộn của nhiều nguyên liệu dân dã, nhưng để làm ra nó không hề đơn giản. Hến được dùng để làm tô cơm đúng điệu và cho nước luộc ngon ngọt nhất phải là loại được bắt ở cồn Hến nổi trên sông Hương, thuộc địa phận làng Cồn, phường Vĩ Dạ.
Một người bán cơm hến ở đây cho biết: "Khoảng 4h30 sáng sẽ có mối buôn mang hến đã luộc sẵn qua. Tôi lấy về sau đó phải vắt hến, lọc sao cho sạch. Người ta luộc rồi nhưng cát còn nhiều lắm, mình phải rửa lọc cho kỹ, nhặt cho sạch vỏ, sau đó mới bắc lên bếp nêm nếm để xào".
Nguyên liệu quan trọng không kém để tạo thành tô cơm hến ngon là rau sống, gồm môn bạc hà, bắp chuối xắt mỏng, trộn lẫn với rau má, khế và rau thơm thái nhỏ. Công đoạn làm rau sống rất kỳ công, người bán hàng phải chuẩn bị từ 8h tối hôm trước, không được xắt môn bạc hà quá sớm, nếu không sẽ bị mềm. Sau khi xắt môn xong, đem rửa nhanh qua với nước rồi để ráo. Người bán hàng phải chuẩn 3 - 4 tiếng mới ra được một rổ rau sống hôm sau mang đi bán.
Gia vị ở một gánh cơm hến thường bao gồm: ớt tương, ớt màu, ớt dầm nước mắm, ruốc, muối rang, đậu phộng rang dầu, tóp mỡ, mì chính. Tất cả được đựng trong những hộp nhỏ. Người bán cơm hến lấy gia vị bằng những chiếc thìa nhỏ, bàn tay thoăn thoắt múc mỗi thứ một ít. Ảnh: Ngân Dương.
"Tôi kỹ tính nên tự làm hết chứ không mua nguyên liệu sẵn ở ngoài. Dầu với đậu phộng phải rang vừa tới, chứ đắng hay sống thì sẽ không thơm. Tóp mỡ cũng tự làm, mỗi lần rán tóp dầu mỡ bắn tung tóe. Để làm ra một mẻ tóp như thế này rất công phu và mất công", người bán cơm hến chia sẻ.
Món ăn từng ghi dấu trong tùy bút "Chuyện cơm hến" của nhà văn Hoàng Phủ Ngọc Tường. Ông viết: "Hương vị bát ngát suốt đời người của tô cơm hến là mùi ruốc thơm dậy lên tận óc, và vị cay đến trào nước mắt. Người "máu" cơm hến vẫn chưa vừa lòng với vị cay sẵn có, còn đòi thêm một trái ớt tươi để cắn kêu cái rốp! Nước mắt đầm đìa, mồ hôi ròng ròng nhỏ giọt vào tô cơm, thế mà cứ sì sụp, xuýt xoa kêu "ngon, ngon!"; đi xa nhớ lại thèm tới đứt sợi tóc, ở nước ngoài về bay ra Huế để ăn cho được một tô cơm hến lấy làm hả hê, thế đấy, chao ôi là Huế!".
Một tô cơm hến có giá 7.000 - 10.000 đồng, song để đủ no bạn thường phải ăn 2 - 3 tô vì tô cơm hến rất nhỏ. Ảnh: Ngân Dương.
Mỗi nhà có cách nêm nếm các loại gia vị khác nhau, tạo nên hương vị riêng. Khách hợp khẩu vị ở đâu sẽ trở thành khách quen ở đó. "Khách của tôi đi làm xa về không tìm được hương vị cơm hến ở đâu hết. Đó là vì rau thơm và ruốc phải đúng của Huế mới ngon, mới dậy lên mùi", một người bán nói.
Cơm hến còn là đặc sản hấp dẫn nhiều du khách nước ngoài. Trong show ẩm thực Parts Unknown chiếu trên kênh CNN năm 2014, cố đầu bếp Anthony Bourdain đã rất thích thú khi có dịp thưởng thức cơm hến trên vỉa hè. Ảnh: CNN.
Theo thời gian, ngoài cơm hến người ta còn sáng tạo thêm món bún hến và mì hến. Đây là thức quà sáng quen thuộc của người dân xứ Huế. Những gánh hàng rong thường bán từ 7h đến 12h trưa, còn một số quán lớn cho khách du lịch bán cả ngày.
Một số địa chỉ cơm hến ngon tại Huế:
- Cơm hến Hoa Đông - 64 Kiệt 7 Ưng Bình, Vỹ Dạ, TP Huế
- Quán Nhỏ - 28 Phạm Hồng Thái, TP Huế
- Cơm hến Hàn Mặc Tử - 17 Hàn Mặc Tử, Vỹ Dạ, TP Huế
Bún bò giò heo (Huế) Về ẩm thực của các vùng miền thật đa dạng, phong phú. Mỗi nơi có những món ăn độc đáo, cách chế biến của họ cũng hết sức tinh tế- tinh tế đến mức đạt đến đỉnh cao của nghệ thuật chế biến. Trong phạm vi bài viết này, tôi viết về món bún bò, giò heo Huế. Một món ăn dù ai...