Coi cách ly như trò đùa, những buổi gặp gỡ sinh ra ổ dịch Covid-19 mới
Bên cạnh những công dân chấp hành cách ly xã hội, nhiều người lại đang khao khát các cuộc gặp mặt với người thân. Đây chính là cơ hội để virus corona lan rộng trong cộng đồng.
Zing trích dịch bài viết trên South China Morning Post, đề cập đến nguy cơ lây nhiễm chéo Covid-19 trong cộng đồng thông qua các cuộc gặp mặt đông người.
Một trong những ổ dịch lớn nhất ở Singapore là Nhà thờ Grace Assembly of God – gồm 23 người. Nguồn phát tán bệnh là từ một buổi họp mặt gia đình nhân dịp năm mới ở Mei Hwan Drive.
Ngày 25/1, một cặp vợ chồng Singapore đã mang virus đến bữa tiệc. Khi đó, một trong hai người không có triệu chứng, người còn lại cảm thấy không được khỏe.
Hôm 19/1, cặp vợ chồng này đã đến nhà thờ và gặp gỡ một đôi vợ chồng người Trung Quốc, đến từ Vũ Hán. Họ không biết nhau từ trước.
Các buổi họp mặt gia đình có thể là nguồn phát tán Covid-19. Ảnh: Straits Times.
Cặp vợ chồng Vũ Hán sau đó được xác nhận dương tính với Covid-19 vào ngày 27/1. Theo đó, vợ chồng Singapore cũng bị nhiễm bệnh.
Video đang HOT
Trong buổi gặp mặt gia đình, người vợ không biết mình mang virus đã vô tình truyền bệnh cho một chàng trai 28 tuổi. Việc này đánh dấu sự khởi đầu của một ổ dịch Covid-19 lớn.
Chàng trai trẻ làm việc tại Nhà thờ Grace Assembly of God và là một trong bảy người đầu tiên tham gia buổi tiệc năm mới có dấu hiệu bị cúm. Sau đó không lâu, anh được xác nhận là trường hợp thứ 66 nhiễm Covid-19 ở Singapore.
Bệnh nhân này đã truyền virus cho những người khác tại nhà thờ. Tổng cộng, thông qua cặp vợ chồng người Singapore, 23 người đã bị nhiễm bệnh trong ổ dịch Nhà thờ Grace Assembly of God.
Đối với cặp vợ chồng địa phương, người đã mang virus đến Mei Hwan Drive, trường hợp của người chồng chỉ được xác nhận vào ngày 19/2. Vào thời điểm đó, người vợ đã hồi phục.
Mô hình lây nhiễm qua các cuộc gặp mặt xã hội này đã trở nên quen thuộc ở Singapore.
Một ví dụ khác là bữa tối tại nhà hàng Joy Garden ở Safra Jurong vào ngày 15/2. Bữa tiệc mừng năm mới được tổ chức bởi một giáo viên âm nhạc đã dẫn đến tổng cộng 47 trường hợp mắc Covid-19, bao gồm cả nguồn lây.
Nhà hàng, quán bar, trung tâm mua sắm có thể là những ổ dịch nguy hiểm ở bất cứ đâu. Ảnh: The Best Singapore.
Một số ổ dịch khác dẫn đến lây nhiễm chéo trong cộng đồng phải kể đến: Câu lạc bộ Cricket Singapore với 6 trường hợp dương tính, một trong số họ đã chết; Hero’s – một quán bar thể thao ở Boat Quay – nơi 9 người bị nhiễm Covid-19.
Giáo sư Dale Fisher, chuyên gia về bệnh truyền nhiễm cấp cao tại Bệnh viện Đại học Quốc gia (NUH) cho biết: “Sẽ thật xấu hổ nếu bạn truyền virus cho người khác vì bạn đã gặp họ khi không nên”.
Hiện tại, có rất ít lý do để ai đó vô tình phát tán virus cho người khác. Những chính sách phong toả hay giãn cách xã hội ở các nước trong suốt nhiều tuần đã ngăn thành viên trong một gia đình tiếp xúc với nhau.
Giáo sư Fisher cho biết vấn đề là mọi người hầu như không xem mình là “mắt xích sống còn” trong cuộc chiến chống dịch. “Tôi nghĩ thật vô trách nhiệm nếu ra ngoài khi không cần thiết. Mỗi cá nhân phải tuân thủ luật phong toả, giãn cách và ở nhà nhiều nhất có thể”, ông nói.
“Hãy tự hỏi mình có cần ra ngoài không? Việc bạn thấy khỏe không có nghĩa là bạn không mang virus trong người. Những người bạn gặp cũng có thể là nguồn lây nhiễm”, giáo sư Fisher khuyên.
Một cộng đồng tuân thủ ở nhà trong thời gian giãn cách sẽ có khả năng phá vỡ chuỗi lây lan dịch bệnh.
Phó giáo sư Hsu Li Yang, một chuyên gia về bệnh truyền nhiễm khác thuộc Trường Y tế công cộng Saw Swee cho biết cần áp dụng các biện pháp nghiêm ngặt hơn, không riêng gì Singapore mà ở tất cả các quốc gia.
Cuộc chiến chống dịch chỉ có thể thành công nếu mọi người đều ý thức tuân thủ quy định được chính phủ ban hành.
Ánh Nguyệt
ĐH Đà Nẵng thưởng nóng sáng chế robot phục vụ khu cách ly
Giám đốc ĐH Đà Nẵng vừa trao khen thưởng nóng 10 triệu đồng cho sáng chế robot phục vụ khu cách ly của Trường ĐH Bách khoa.
Sáng 30/3, PGS.TS. Nguyễn Ngọc Vũ - Giám đốc ĐH Đà Nẵng đã trao khen thưởng nóng 10 triệu đồng đến khoa Cơ Khí, Trường ĐH Bách khoa-ĐH Đà Nẵng, về kết quả nghiên cứu chế tạo thành công robot vận chuyển nhu yếu phẩm cho khu cách ly ở Bệnh viện Phụ sản - Nhi TP Đà Nẵng.
PGS.TS. Nguyễn Ngọc Vũ - Giám đốc ĐH Đà Nẵng trao khen thưởng nóng đến đại diện Khoa Cơ khí, Trường ĐH Bách khoa-ĐH Đà Nẵng
Phát biểu tại buổi trao khen thưởng, lãnh đạo ĐH Đà Nẵng ghi nhận: "Sản phẩm này có ý nghĩa thực tiễn lớn, giúp bảo vệ nhân viên y tế tránh tiếp xúc trực tiếp với người cách ly, bệnh nhân nhằm hạn chế lây nhiễm chéo Covid-19. Sản phẩm được nghiên cứu, chuyển giao rất kịp thời, tiện dụng, đáp ứng đầy đủ các yêu cầu ứng dụng trong các bệnh viện, phục vụ y tế".
Robot vận chuyển của Trường ĐH Bách khoa - ĐH Đà Nẵng đã được chuyển giao đến Bệnh viện Phụ sản - Nhi TP
PGS.TS. Lưu Đức Bình - Trưởng khoa Cơ khí, Trường ĐH Bách khoa - ĐH Đà Nẵng chia sẻ: Nhận được góp ý qua sử dụng thực tế ở Bệnh viện, nhóm nghiên cứu chế tạo đã hoàn thiện robot vào cuối tuần vừa qua. Hiện robot đã "vận hành ngon lành" ở khu cách ly phòng, chống Covid-19 tại Bệnh viện Phụ sản - Nhi TP. Hiện có một số nơi đã "đặt hàng" robot vận chuyển của Khoa.
Khánh Hiền
Tránh nguy cơ lây nhiễm chéo trong khu cách ly Nguy cơ lây nhiễm chéo Covid-19 trong các nơi cách ly tập trung là điều các chuyên gia lo ngại, nhất là một số người được cách ly không tuân thủ quy tắc... TP HCM đang cách ly gần 9.170 trường hợp tại các khu cách ly tập trung của TP, trong đó riêng Khu ký túc xá Đại học Quốc gia TP...