Cô Vũ Uyên và 24 năm nỗ lực để học sinh không sợ môn Toán
Theo cô giáo Vũ Uyên, học sinh cần được xây dựng chủ đề học Toán phù hợp với học lực để có thể phát huy tốt nhất trong kỳ thi vào lớp 10.
Gắn bó 24 năm cùng trường Trung học cơ sở An Dương ( huyện An Dương, Hải Phòng), cô giáo Nguyễn Thị Vũ Uyên (sinh năm 1976) luôn trăn trở, tìm kiếm phương pháp giúp học sinh ngày càng yêu thích và học tập tốt bộ môn Toán.
Trong đó, cô tâm huyết nhất với việc nâng cao chất lượng ôn thi vào lớp 10 đối với học sinh có học lực chưa tốt.
Việc ôn thi đối với học sinh có học lực kém luôn là bài toán khó và đòi hỏi ở giáo viên sự thấu hiểu, nỗ lực gấp đôi trạng thái bình thường.
Theo cô giáo Vũ Uyên, để học sinh chủ động nỗ lực học Toán, điều kiện đầu tiên là các em phải yêu, thực sự có hứng thú với môn học.
Bởi vậy, từ những buổi dạy đầu tiên cho đến hiện tại, cô luôn chú trọng tạo động cơ và hứng thú say mê để học sinh yêu thích bộ môn Toán.
Cô giáo Vũ Uyên tâm huyết với việc nâng cao chất lượng ôn thi vào 10 (Ảnh: CTV)
Cô giáo Vũ Uyên chia sẻ: “Công tác giảng dạy từ năm 1997 đến bây giờ, tôi tâm huyết nhất là nâng cao chất lượng ôn vào lớp 10 đối với học sinh có học lực chưa thực sự tốt.
Ngay từ đầu năm học, thông qua khảo sát đầu năm, học sinh được phân lực học như giỏi, khá, trung bình hoặc yếu kém.
Dựa trên cơ sở trên, tôi chọn ra đối tượng mà khả năng thi vào lớp 10 của các em chưa thật sự chắc chắn để trao đổi với phụ huynh tìm ra giải pháp khắc phục.
Mở đầu môn học tôi thường đưa ra những câu chuyện, ví dụ thực tế cho thấy môn Toán có những ứng dụng trong thực tế như thế nào, có ích với các em trong cuộc sống thực tiễn ra sao!
Tôi thường nhấn mạnh với học sinh, điều quan trọng nhất là các em phải yêu thích và muốn học môn Toán còn phần “khó” cô sẽ đồng hành và giúp đỡ các em.
Từ đó, tôi xây dựng chủ đề dạy học phù hợp với đối tượng học sinh, để những học sinh dù chậm tiếp thu, có học lực yếu nhưng cố gắng vẫn có thể hoàn thành những bài tập mà tôi đưa ra.
Khi đã có nền tảng, tôi sẽ nâng cao dần dần theo nội dung ôn thi vào 10 trên cơ sở bài tập vừa sức.
Ngoài ra, tôi hướng dẫn học sinh tự học thông qua tài liệu và có thể trao đổi với bạn bè trong nhóm để xây dựng đôi bạn cùng tiến, giúp đỡ nhau học tập.
Phương pháp này đã mang lại hiệu quả rõ rệt qua nhiều thế hệ học sinh.
Tôi cũng thường xuyên kiểm tra, đánh giá sự tiến bộ của học sinh nhưng mang tính chất động viên, khích lệ chứ không gây áp lực”.
Video đang HOT
Cô giáo Vũ Uyên cho biết thêm, xuyên suốt quá trình giảng dạy, cô rất coi trọng sự liên kết, tương tác giữa nhà trường, giáo viên và phụ huynh học sinh.
Có được sự phối hợp chặt chẽ giữa nhà trường và gia đình, giáo viên mới hiểu được học sinh của mình đang vướng mắc ở đâu và đưa ra cách dạy, cách học phù hợp và kịp thời.
“Tôi thường quan tâm phù hợp với đối tượng học sinh và kết hợp chặt chẽ với phụ huynh xuyên suốt quá trình học, đặc biệt là giai đoạn cuối cấp.
Nhiều khi đến tối, tôi vẫn gọi trao đổi với phụ huynh xem các con có chịu học không, vướng mắc ở đâu hay không” cô giáo Vũ Uyên cho biết.
Khi được hỏi về kỷ niệm đáng nhớ nhất trong hành trình “trồng người” của mình, cô giáo Vũ Uyên chia sẻ: “Còn nhớ vào năm 2017, tôi có một học sinh nữ tên Đặng Minh Huệ. Do hoàn cảnh gia đình, em phải chuyển về lớp tôi khi chỉ còn 4 tháng là đến kỳ thi vào lớp 10.
Khả năng học các môn khác của Minh Huệ rất tốt nhưng riêng môn Toán em còn nhiều lỗ hổng kiến thức.
Thêm vào đó, việc đổi môi trường học tập vào giai đoạn cuối cấp khiến Minh Huệ bỡ ngỡ và áp lực nhiều hơn.
Rất nhiều lần trong giờ học toán, gặp phải bài nào không hiểu, không làm được Minh Huệ lại khóc.
Lúc này, tôi hiểu được cô bé khát khao học tập tốt môn Toán nhưng vì quá áp lực nên loay hoay không biết mình cần học gì và học như thế nào.
Từ đó, cứ đến cuối giờ, Minh Huệ chủ động ở lại cuối giờ để tôi hướng dẫn thêm bài học hôm đó và muốn giảng cho đến khi hiểu và làm được bài mới thôi.
Minh Huệ nói với tôi: “Bao giờ con hiểu con mới về!”.
Đền đáp công sức ròng rã 4 tháng của cô và trò, kỳ thi vào lớp 10 năm đó, Minh Huệ xuất sắc đạt thủ khoa của trường Trung học cơ sở An Dương.
Dù Minh Huệ đã tốt nghiệp nhưng em và gia đình vẫn thường xuyên chia sẻ cuộc sống và việc học tập của em ở cấp học mới.
Năm ngoái, Minh Huệ vui mừng khoe với tôi em đã thi đỗ ngành Sư phạm Toán của trường Đại học Hải Phòng.
Câu nói “Tương lai em sẽ trở thành một cô giáo giống cô” là món quà trân quý, đáng nhớ nhất đối với tôi”.
Cô giáo Uyên đã đóng góp nhiều thành tích trong công tác giáo dục đại trà và học sinh giỏi của nhà trường (Ảnh: CTV)
Xuyên suốt hành trình gắn bó với trường Trung học cơ sở An Dương, cô giáo Vũ Uyên đã đóng góp nhiều thành tích cho công tác mũi nhọn và kết quả thi vào lớp 10 của nhà trường.
Lớp do cô giảng dạy đạt tỉ lệ 94 % học sinh đỗ vào trường Trung học phổ thông công lập.
Thời gian vừa qua, do các kỳ thi học sinh giỏi của thành phố bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh, cô khuyến khích học sinh tham gia các kỳ thi quốc tế và đạt được thành tích cao.
Năm học 2019 – 2020, cô có 1 học sinh đạt huy chương bạc cuộc thi Toán ASMO; 2 học sinh đạt huy chương bạc và 1 học sinh đạt huy chương đồng cuộc thi Toán AMO.
Đến năm học 2020 – 2021, 2 học sinh của cô đạt huy chương đồng và 9 giải khuyến khích cuộc thi Toán AMC (Úc); 1 học sinh đạt giải vàng và 1 học sinh đạt giải đồng cuộc thi Toán AMC- Hoa Kỳ; 2 học sinh đạt huy chương đồng cuộc thi Toán SASMO – Châu Á.
Cô giáo Hà không ngại khó khi đồng hành cùng những học sinh "đặc biệt"
Thấu hiểu, yêu thương và nỗ lực đồng hành cùng những học sinh "đặc biệt", cô giáo Đoàn Thị Thu Hà giúp các em trở nên tự tin vui chơi và học tập khi tới trường.
Là một giáo viên trẻ những có phong cách làm việc chững chạc và tự tin, ngay khi chuyển công tác về trường Tiểu học An Dương (huyện An Dương, Hải Phòng) cô giáo Đoàn Thị Thu Hà (sinh năm 1994) đã được nhà trường tin tưởng giao nhiệm vụ đón lớp 1.
Cô giáo Hà còn nhận được sự đánh giá cao bởi phương pháp dạy học gọn mà sắc. Cô tổ chức tiết học một cách nhẹ nhàng, tự nhiên và đạt hiệu quả cao.
Mỗi tiết học, cô và học trò luôn phối hợp nhịp nhàng để nắm bắt, vận dụng tốt kiến thức mà không căng thẳng hay áp lực.
Khi nhắc tới cô giáo Đoàn Thị Thu Hà, phụ huynh đều chia sẻ ấn tượng về nghệ thuật giao tiếp tinh tế và cách đối xử công bằng với tất cả học sinh,
Không chỉ vậy, cô còn nỗ lực không ngừng nghỉ để giúp những học sinh có khiếm khuyết về cơ thể, trí tuệ để các em không thiệt thòi và dần trở nên tự tin, hòa đồng cùng các bạn khi tới trường.
Cô giáo Hà tổ chức tiết học một cách nhẹ nhàng, tự nhiên và đạt hiệu quả cao (Ảnh: Phương Linh)
Trao đổi với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, cô giáo Hà cho biết, gắn bó với học sinh lớp 1, lứa tuổi ngây thơ và còn nhiều bỡ ngỡ khi vừa rời bậc học mầm non, đòi hỏi ở giáo viên sự nhẫn nại và luôn đổi mới, sáng tạo trong quá trình dạy học.
Đây cũng là bước ngoặt quan trọng khi trẻ có nhiều thay đổi mặt tâm lý, cảm xúc và phát triển tư duy, logic của bản thân.
Khi chuyển sang môi trường học tập mới, đa số học sinh đều gặp khó khăn nhất định như về khả năng đọc, viết hay cách tiếp thu kiến thức.
Theo đó, học sinh rất cần sự giúp đỡ, đồng hành của giáo viên cũng như gia đình xuyên suốt quá trình học tập.
Đặc biệt, đối với những em học sinh có khiếm khuyết về cơ thể hay trí tuệ mọi nỗ lực của giáo viên và gia đình đều phải nhân đôi.
Cô giáo Hà hướng dẫn học sinh tiếp cận kiến thức mới (Ảnh: Phương Linh)
Nhớ lại năm cô đón lớp 1 trong đó có một bạn học sinh "đặc biệt", cô giáo Hà chia sẻ: "Ngay từ đầu năm học khi tiếp xúc với em Gia Khánh, tôi đã cảm thấy con là một học sinh đặc biệt.
Khi trao đổi cùng gia đình, tôi được biết em có một khối u ở phần má chèn vào dây thần kinh khiến cho việc phát âm của em gặp khó khăn. Em phát âm không chuẩn và bị ngọng phần âm đầu.
Khó khăn hơn nữa, em từ nhỏ đã thiếu thốn sự quan tâm và tình yêu thương của mẹ. Dù đã lên lớp 1 nhưng em chưa thể tự làm việc vệ sinh cá nhân.
Thấu hiểu hoàn cảnh của Gia Khánh, tôi thường xuyên trao đổi để nắm được tâm tư nguyện vọng của gia đình để kịp thời động viên, giúp đỡ em hòa nhập với các bạn.
Tôi đã tìm tòi, học hỏi kinh nghiệm để đưa ra phương pháp học tốt nhất cho Gia Khánh và giúp em không gặp trở ngại khi giao tiếp, học tập cùng các bạn".
Cô giáo Hà đặc biệt quan tâm và giúp đỡ nhiều học sinh có khiếm khuyết hòa đồng khi tới trường (Ảnh: Phương Linh
Để giúp đỡ Gia Khánh hòa nhập, cô giáo Hà từ những giờ buổi đầu tiên đã truyền tải tới các bạn khác trong lớp những thông điệp, câu chuyện về tình yêu thương, đùm bọc lẫn nhau.
Từ đó, các bạn trong lớp hiểu được những khó khăn, thiệt thòi của bạn rồi dần quan tâm, giúp đỡ Gia Khánh chứ không phân biệt hay xa lánh.
Ngay cả khi Gia Khánh đọc bài trước lớp, dù còn ngọng nhưng các bạn chấp nhận khiếm khuyết đó, không nhận xét cách phát âm mà tập trung vào các tiêu chí khác như tốc độ đọc, cách ngắt nghỉ hơi,...
Tới hiện tại, Gia Khánh đã lên lớp 3 nhưng cô giáo Hà vẫn giữ liên hệ với gia đình để em biết rằng mình luôn có một người bạn, người mẹ thứ hai cùng đồng hành.
"Thấy em Gia Khánh dần tự tin hơn, biết nỗ lực để có tiến bộ rõ rệt trong học tập, hăng hái tham gia các hoạt động tập thể cùng các bạn tôi rất xúc động, hạnh phúc.
Bản thân tôi không ngại khó khăn hay vất vả mà chỉ mong có thể giúp học sinh của mình đặc biệt là những bạn không may mắn bị khiếm khuyết được vui vẻ, học tập những điều tốt nhất.
Những trải nghiệm cùng vô vàn kỷ niệm đặc biệt như câu chuyện của Gia Khánh sẽ trở thành động lực để tôi nỗ lực nhiều hơn nữa!" cô giáo Hà chia sẻ.
Bước vào năm học mới 2021 - 2022, lớp 1 do cô giáo Hà chủ nhiệm đón một bạn học sinh không may mắn khi có khối u khiến khả năng nghe của em khó khăn hơn.
Cô giáo Đoàn Thị Thu Hà và học trò của mình lại bắt đầu một hành trình mới dù chông gai nhưng đặc biệt ý nghĩa!
Giáo viên lớn tuổi nỗ lực dạy online Đối với những giáo viên ở độ tuổi sắp nghỉ hưu, việc dạy học online thực sự là một thách thức lớn. Tuy nhiên, với tấm lòng yêu nghề, sự tận tâm với học trò, họ đã vượt qua khó khăn riêng để thích ứng với hình thức dạy học online. Cô Trương Thị Tú, giáo viên Trường tiểu học Nguyễn Huệ (TT.Tân...