Cô thay đổi, trò hạnh phúc khi đến trường
Đúng như lời hứa của tôi hồi đầu năm với ban phụ huynh, em học sinh đó đã tiến bộ không ngờ, không còn đánh bạn cũng như tiếp diễn những hành động bất thường.
Thầy cô cùng cán bộ quản lý giáo dục thay đổi vì mái trường hạnh phúc, giáo dục sẽ khởi sắc. Trong hành trình tìm kiếm những tấm gương thầy cô thay đổi để học sinh mỗi ngày đến trường là một ngày vui, trao đổi với phóng viên Báo điện tử Giáo dục Việt Nam, cô Trần Thúy Hà – giáo viên cơ bản của Trường tiểu học Đoàn Thị Điểm, Hà Nội, chia sẻ:
“Cách đây mấy năm tôi đón một em học sinh từ lớp 2 lên và tôi cũng biết được đó là 1 trong nhóm 3 em rất nghịch.
Em này có những hành động khác thường, đang đứng trong lớp bạn ý bỗng tụt quần xuống để trêu các bạn, và cũng hay đánh các bạn rất đau. Mặc dù trước đó tôi đã nắm được tình hình nhưng tôi vẫn bị sốc bởi hành vi khác thường đó.
Nhưng việc mà bản thân tôi cũng không ngờ được là tập thể phụ huynh của lớp đã làm đơn gửi thẳng cho Ban giám hiệu nhà trường, xin chuyển em đó ra khỏi lớp để tránh ảnh hưởng đến các bạn.
Tôi thấy vậy thì tội cho em đó nên đã trao đổi với ban phụ huynh, rằng không thể đẩy bạn đó sang lớp khác được.
Bản thân em học sinh đó cũng cần phải có thời gian, và tôi sẽ nhận trách nhiệm về việc giúp em đó tiến bộ trong 1 học kỳ, rồi sau đó bạn phụ huynh sẽ quyết định”, cô Hà cho biết.
Cô giáo Trần Thúy Hà và các em học sinh Trường tiểu học Đoàn Thị Điểm, Hà Nội.
“Tôi bắt đầu quan tâm và để ý hơn đến mọi hành vi của em học sinh có tính cách đặc biệt này.
Tôi luôn tìm mọi cách để kéo em đó vào các hoạt động, lớp tôi có một chương trình đổi quà cuối tuần, chương trình này có sổ theo dõi thái độ cũng như kết quả học tập của các em trong 1 tuần.
Mỗi học sinh có hành động đẹp, làm việc tốt, hoàn thành bài vở …thì sẽ được phát một phiếu và dùng phiếu đó đổi quà cuối tuần, có nhiều phần quà giá trị khác nhau.
Tôi xếp em học sinh nghịch ngợm đó vào việc bán hàng vì em tính toán rất giỏi, phần cũng là để em có cơ hội khẳng định bản thân, cũng may là cu cậu rất thích và làm đâu ra đấy, rất trách nhiệm.
Bản thân em đó không thích môn Văn, nhưng lại thích vẽ và làm Toán rất giỏi nên tôi cũng phải lựa, và sắp xếp để làm sao vào tiết học Văn em đó phải cảm thấy thoải mái nhất, có như vậy thì em mới chịu ngồi học.
Thỉnh thoảng tôi lại “nhờ” em đó lên thư viện tìm một cuốn sách, nhưng thực ra là để tôi nói chuyện chung với các em trong lớp rằng: Bạn đó là người bình thường như các em, nhưng chỉ hơi nghịch một chút thôi và cô thấy bạn đó cũng đang dần tiến bộ.
Các em đừng xa lánh và phải chơi với bạn, giúp cho bạn không thấy bị đơn độc trong lớp, có như vậy thì bạn sẽ tiến bộ. Tôi cũng yêu cầu cả lớp nói ra những điểm tốt của bạn đó, như vậy các em cũng thấy thoải mái và cởi mở hơn.
Điểm lạ nữa là sau một thời gian, bạn hay nghịch đó lại chơi rất thân với một bạn hiền nhất lớp, nhìn 2 bạn nắm tay nhau chơi dưới sân trường mà tôi cảm thấy rất vui.
Đúng như lời hứa của tôi hồi đầu năm với ban phụ huynh, em học sinh đó đã tiến bộ không ngờ, không còn đánh các bạn cũng như tiếp diễn những hành động bất thường, em đó đã được ở lại cùng với lớp cho đến hết năm học”.
Cô Hà thi đỗ 2 trường là Đại học Ngoại ngữ và Cao đẳng Sư phạm, cũng vì rất thích nghề giáo, yêu quý trẻ con nên cô đã chọn theo học Cao đẳng Sư phạm.
Nhiều người thấy vậy cũng thắc mắc rằng tại sao tôi không học đại học mà lại học cao đẳng?
“Hồi còn học phổ thông, tôi đọc cuốn “Totto Chan – Cô bé bên cửa sổ” và nó có ảnh hưởng khá nhiều đến tôi, nội dung cuốn sách này nói về lớp học ở trên một toa tầu, xung quanh là những khu vườn nở đầy hoa, và tôi cứ hình dung công việc dạy học nó cũng đẹp như vậy.
Tôi tâm niệm mọi việc phải thật nhẹ nhàng, không cần phải căng thẳng, vào lớp bao giờ tôi cũng tươi cười, ôm hoặc vỗ về hỏi thăm các em, nhưng sau năm đầu tiên đi dạy thì tôi thấy nhẹ nhàng quá cũng không đem lại hiệu quả.
Rất nhiều bạn bè cùng khóa và những người đi trước đưa ra lời khuyên là tôi phải tạo được một cái uy ngay từ đầu, làm sao để các em sợ và khi đã sợ thì sẽ tự giác học tập.
Nghe vậy tôi cũng thử và tỏ thái độ nghiêm túc hơn khi vào lớp, nét mặt lạnh, sử dụng thước kẻ dài nhiều hơn, tất cả những việc đó cũng vô tình tạo thói quen, một phong cách nghiêm cho mình.
Video đang HOT
Nhưng độ nghiêm của tôi chưa đủ và có lẽ là bản thân tôi cũng không có tính cách như vậy nên tôi không thể cố làm các em sợ được.
Tôi lại thay đổi, chuyển sang để ý tìm hiểu tính cách của từng em rồi lựa chọn phương pháp cho phù hợp vì mỗi em là một tính cách khác nhau.
Có một học sinh ngay từ đầu năm học là em không chịu nói chuyện hay giao tiếp với thầy cô, khi gọi lên đọc bài thì em đó không đọc, trả lời rất là nhỏ và ngại thể hiện.
Em đó gần như là không tiếp chuyện với người lớn, nhưng khi chơi đùa với các bạn thì em lại hoàn toàn cười nói bình thường.
Chấp nhận để em đó không nói và tôi thay đổi cách tiếp cận, để em nói nhỏ, rồi nói ít, và cứ dần dần động viên khích lệ ở trên lớp, tạo sự gần gũi giữa cô và trò.
Ngày nào tôi cũng cố nói chuyện với em đó một lúc, hoặc trước khi về tôi cũng đến hỏi vài câu, rồi hỏi về sở thích, về gia đình của em…
Cho đến khi gần hết năm học đó, qua giờ kiểm tra của giáo viên khác thì các em học sinh trong lớp nói với tôi rằng: Cô ơi bạn ý đã nói to và rõ ràng rồi cô ạ, lúc đó tôi mừng rơi nước mắt. Khi chia tay lên lớp 2 thì em làm tôi rất xúc động, cứ ôm lấy tôi và khóc nhiều nhất lớp.
Qua sự việc này, tôi bắt đầu tìm hiểu tài liệu và để ý đến tâm sinh lý của trẻ, nhất là bậc tiểu học, từ trước đến nay tôi chỉ dạy theo bản năng, cảm tính”, cô Hà thổ lộ.
Mỗi học sinh đều có tính cách khác nhau nên không thể đánh giá theo một tiêu chí.
Cần chấp nhận tính cách khác biệt của học sinh.
Những kiến thức được học ở trường Sư phạm thì khi đi dạy tôi hầu như không áp dụng được nhiều, và cũng thấy nó khác xa với thực tế, những sự việc mà tôi hình dung ra thì thực tế nó lại khác hoàn toàn.
“Tôi nhớ một học sinh trong lớp khi không vừa ý việc gì đó là em vứt tất cả các thứ từ sách vở, bút, cặp sách… cứ văng tung tóe xuống đất, kể cả trong giờ học, giờ chơi với bạn hay với các thầy cô giáo thì em đó đều có hành động như vậy.
Thấy như vậy thì tôi có dỗ dành nhiều lần nhưng em đó không hợp tác, thậm chí tôi phải nhờ các thầy cô lớp khác sang khuyên giải mà vẫn không được.
Những lần em đó làm loạn trong lớp thì bản thân tôi cũng rất là bực và cũng cáu luôn, nhưng thực sự tôi thấy việc cáu giận của tôi là không nên, nó chỉ như đổ thêm dầu vào lửa.
Từ lần sau rút khinh nghiệm, khi thấy em đó làm um lên thì tôi lại dịu xuống, nhặt mọi thứ rơi tung tóe xếp lại vào cặp sách cho em, sau đó ổn định lớp để các em học tiếp và coi như không có chuyện gì xảy ra.
Tôi cũng suy nghĩ em đó hay nổi xung lên như vậy thì phải có nguyên nhân. Cuối buổi, để em đó dịu lại tôi mới tỉ tê hỏi xem tại sao em lại như vậy? Có việc gì hãy nói và cô hứa sẽ giúp.
Lần khác thì tôi lại đưa cho em đó một tờ giấy với những chữ mà tôi viết sẵn: Chuyện gì xảy ra, hành động của bạn là gì, vấn đề là gì và kết quả bạn gây ra là gì? Em đó sẽ phải lựa chọn, viết vào những phần tương ứng với hành động của mình.
Nếu em có hành động như thế này, thì việc gì sẽ xảy ra và hậu quả của hành động đó sẽ là gì? Cứ như vậy hàng ngày ở trên lớp, tôi cùng đồng hành, quan tâm và động viên, giải thích cho em đó rất nhiều.
Tôi cũng theo em đó lên đến năm lớp 3 và qua một thời gian tôi chú ý kèm cặp thì em học sinh đó đã không còn nổi xung và hung hăng với mọi người nữa.
Thực tế em học sinh đó rất thông minh, nhanh nhẹn, vẽ rất giỏi và cũng chính vì sự thông minh đó nên khi thấy ai áp đặt điều gì là em nổi xung lên, không kìm chế được bản thân.
Dần dần tôi cũng hiểu rằng trẻ con có hành động như vậy là đều có nguyên do, vì thế tôi cũng không vội vàng kết luận mọi sự việc.
Qua sự việc của em đó, tôi cũng thay đổi suy nghĩ với tất cả các em học sinh, cách tiếp cận mọi sự việc, tự thấy mình phải dịu đi, cần để ý đến tâm lý và yêu thương các em nhiều hơn”, cô Hà nêu quan điểm.
Giáo viên phải làm sao cho các em học sinh thấy thật thoải mái trong từng tiết học.
Có nhiều em học rất giỏi nhưng cách học cũng rất khác người, vào giờ học thì có em chỉ ngồi nghe giảng một lúc là lại đứng dậy chạy vòng quanh, có em thì lại lôi giấy ra vẽ…
Lúc đầu tôi cũng bực mình muốn ép các em vào quy định, nhưng sau đó tôi nhận thấy là các em đó vẫn hoàn thành được phần kiến thức và làm bài tập rất tốt, nên có một vài trường hợp là tôi tôn trọng sự khác biệt của các em, miễn là các em không được làm ảnh hưởng đến việc học tập của các bạn.
“Có lần vào giờ thể dục, một em học sinh cứ nằng nặc không đi theo quy định, tôi biết kiểu như vậy nên vẫn để các em khác đi bình thường và hoàn toàn không chú ý đến bạn đó.
Thấy tôi và các bạn không để ý đến, em đó ra ngồi ở một góc sân trường, lúc này tôi mới lại gần và nói chuyện chứ hoàn toàn không mắng, tôi phân tích rằng nếu em không tôn trọng các bạn, không nghe lời cô thì sự việc sẽ như thế nào?
Em có thấy như vậy là rất phí thời gian, không được học cùng với các bạn. Nghe phân tích, tôi thấy em đó có vẻ xấu hổ nhưng tôi cũng lờ đi coi như không biết.
Tôi và các giáo viên trong nhà trường thường xuyên được theo học các khóa về phương pháp dạy học tích cực, trong đó tôi nhớ nhất là phương pháp không để cho não của mình quá tràn, phải thay đổi hoạt động thường xuyên.
Nếu ai nói nhanh và đúng kết quả của phép nhân đó thì được về chỗ và bạn mới lên đứng lên thay thế.Vào đầu giờ học, thôi thường xuyên bắt đầu bằng việc khởi động các em, ví dụ học bảng tính nhân thì tôi sẽ thách đố và mời 2 em đứng lên.
Có lúc tôi tổ chức một trò chơi ngắn vui nhộn để các em cảm thấy thoải mái, có lúc lại chia nhóm…và tôi cứ linh hoạt như vậy.
Tất cả những việc đó giúp các em có một tình thần hứng khởi, thoải mái trước khi bước vào tiết học, mà điều này tôi thấy hầu hết các giáo viên trong trường đều áp dụng chứ không phải chỉ có mình tôi.
Ngoài ra tôi cũng áp dụng rất nhiều phương pháp từ các nền giáo dục tiên tiến mà tôi đã được theo học, để đưa vào giờ chơi, giờ học cũng như trong nhiều hoạt động của các em ở trên lớp, và rất được các em hưởng ứng”, cô Hà chia sẻ.
Tùng Dương
Theo giaoduc.net
Tha hồ giật tít, câu view, hình ảnh thầy cô trở thành 'đao phủ'
Bàn về trường học hạnh phúc, tất nhiên học sinh phải là trung tâm, học sinh phải được hạnh phúc, được vui vẻ khi đến trường. Nhưng những người được giao nhiệm vụ chính để đem đến những điều hạnh phúc đó cho học sinh thì sao?
Cô trò Trường THCS Lê Văn Tám (Q.Bình Thạnh, TP.HCM) trong một tiết học tiếng Anh vui nhộn - Ảnh: NHƯ HÙNG
Câu trả lời là: nhà giáo cũng cần được hạnh phúc. Tuổi Trẻ giới thiệu ý kiến từ chính các nhà giáo.
Thất bại trong việc xây dựng hình ảnh người thầy
Thời gian gần đây, ngành giáo dục luôn phải đối diện với những tin tức "động trời" về bạo lực học đường từ phía giáo viên. Thế là người làm giáo dục lao đao, khốn khổ nhưng giới truyền thông, cộng đồng mạng tỏ ra phấn khích, hào hứng tha hồ giật tít câu view; hình ảnh người thầy bỗng chốc trở thành những "tên đao phủ", nhưng...
Nhìn lại, khi có bài viết về tấm gương nhà giáo hi sinh, hết lòng tận tụy với học sinh cũng chẳng nhận được nhiều sự quan tâm của cộng đồng. Nhiều người dửng dưng, ai đó có thiện chí bấm vào và lướt nhanh. Vì thế, những nội dung này cũng chẳng được "share" hoặc "xào nấu" thêm như các tin tiêu cực. Điều này có tác hại vô cùng lớn với xã hội, mà đặc biệt với lớp trẻ, với những học trò còn ngây thơ trong trắng.
Khi lòng yêu thương, sự tôn trọng không còn, người thầy làm sao có thể rao giảng đạo đức? Làm sao có thể hướng thiện cho học sinh của mình? Và lúc đó mọi sự dạy dỗ đều trở nên vô nghĩa.
Giáo viên có hàng triệu người, sao có thể tránh khỏi một số người làm điều xấu? Nhưng một người xấu được hàng trăm tờ báo quan tâm, hàng chục diễn đàn "bình loạn" sôi nổi, hỏi sao những hình ảnh xấu ấy không được nhân bản gấp nhiều lần?
Chuyện giáo viên làm điều xấu chắc chắn chẳng phải mình xứ ta mới có. Thế nhưng thế giới họ không hành xử để hình ảnh người thầy mất dần vị trí tôn kính trong lòng mọi người. Còn chúng ta thì sao? Chúng ta có thất bại trong việc xây dựng hình ảnh người thầy chưa?
Để "lắng nghe và chia sẻ" được cùng với học sinh, nhà giáo cũng rất cần được "lắng nghe và chia sẻ". Trong ảnh: cô trò Trường THCS Cửu Long (Q.Bình Thạnh, TP.HCM) trò chuyện cùng nhau trong giờ ra chơi - Ảnh: NHƯ HÙNG
Ai bảo vệ giáo viên?
Ngược với hình ảnh giáo viên gây ra bạo lực, thời gian gần đây liên tục xuất hiện những hình ảnh bạo lực xảy ra trong trường học mà chính phụ huynh dùng vũ lực tấn công giáo viên. Người bị đâm gây thương tích, người bị tát vào mặt, người bị đập mũ bảo hiểm vào đầu đến nhập viện. Và gần đây nhất là phụ huynh nghi con bị cô giáo bạo hành đã xông thẳng vào trường tát 3 cô giáo và bắt cô quỳ ở cửa lớp.
Sự việc xảy ra không chỉ gây nên sự bất bình trong xã hội, gây hoang mang lo sợ cho giáo viên, mà nguy hại nhất là làm vấy đục những tâm hồn ngây thơ trong sáng của chính các em học sinh. Chưa bao giờ giáo viên lại sống trong tâm trạng bất an vì những hành xử thô bạo thiếu văn hóa của phụ huynh đến thế.
Việc này có nguyên nhân từ thực tế trong rất nhiều trường hợp, cứ khi giáo viên bị phụ huynh đưa đơn tố cáo thì ngành giáo dục thường trấn an dư luận bằng cách bắt giáo viên xin lỗi (cái người vừa đánh mình) và nặng hơn là kỷ luật giáo viên. Cứ có nhà giáo trong bất kỳ câu chuyện nào đó là sự việc được đẩy lên khá căng khi báo chí vào cuộc, khi các "anh hùng bàn phím" thi nhau phân tích, trong khi mấy ai biết thực tế thế nào.
Giáo viên cảm thấy bất an, hoang mang với cách hành xử của phụ huynh. Điều đau lòng và buồn tủi nhất là thầy cô luôn đơn độc ngay trong chính ngôi trường của mình. Trước thực trạng đáng buồn đó, nhiều thầy cô bảo vệ mình bằng cách truyền tai nhau "bí kíp mackeno" để dạy. Nhưng những giáo viên chân chính sẽ bị lương tâm cắn rứt. Nhiều giáo viên bị giằng xé giữa lương tâm và trách nhiệm.
Chúng tôi đề nghị ngành giáo dục phải lên tiếng để bảo vệ giáo viên của mình, để họ yên tâm giảng dạy. Đề nghị cơ quan chức năng cần có biện pháp nghiêm khắc với những ai xúc phạm, hành hung các nhà giáo.
* Thầy TRƯƠNG MINH ĐỨC (giáo viên Trường THPT Lê Quý Đôn, quận 3, TP.HCM):
Giáo viên vui vẻ khi đi dạy là chuyện rất quan trọng!
Tôi cho rằng một trường học hạnh phúc thì trong đó không chỉ có học sinh hạnh phúc, mà giáo viên cũng cảm thấy hạnh phúc. Những nhà giáo hạnh phúc, vui vẻ thì họ sẽ truyền tải tinh thần ấy cho học sinh và ngược lại.
Nhìn ra bên ngoài, tôi thấy nhiều đồng nghiệp của mình hiện đang phải chịu rất nhiều áp lực. Họ đến trường không chỉ lo giảng dạy mà còn phải đối phó với ban giám hiệu nhà trường, đối phó với đồng nghiệp hay săm soi, bắt bẻ những sơ hở của họ; đối phó với phụ huynh, với những quy định khắt khe của ngành...
Vì vậy, để có trường học hạnh phúc, trước hết lãnh đạo nhà trường cần xây dựng văn hóa làm việc cởi mở, thân thiện, hòa đồng. Ở đó, giáo viên được ban giám hiệu nhà trường ủng hộ, hỗ trợ để sáng tạo trong giảng dạy. Ở đó có những giáo viên không giấu nghề mà sẵn sàng chia sẻ, góp ý những cái hay, cái mới cho đồng nghiệp của mình cùng tiến bộ.
Ở đó đảm bảo được mức thu nhập cho nhà giáo để ổn định cuộc sống mà không phải quay quắt với nỗi lo cơm áo gạo tiền. Dĩ nhiên mức thu nhập này ở mức tương đối đầy đủ, chứ tôi không dám nói đến mức giàu sang vì tôi hiểu nếu mong muốn một cuộc sống xa hoa phú quý thì không nên theo nghề giáo.
* TS NGUYỄN THỊ HOA PHƯỢNG:
Trường học hạnh phúc là nơi thầy cô, học sinh đều được hạnh phúc
Trước hết, trong nhà trường, thầy cô giáo là nhân tố quan trọng trong sự nghiệp giáo dục. Thời đại 4.0 đem lại nhiều lợi ích cho giáo dục, nhưng điều đó không có nghĩa là robot và Internet có thể thay thế vai trò, vị trí của người thầy.
Có thể nói hiện nay đa số đội ngũ nhà giáo tâm huyết, có tinh thần trách nhiệm, tận tụy với công việc, sáng tạo và có nhiều đóng góp cho sự nghiệp giáo dục và đào tạo. Vì thế, xây dựng những tập thể nhà giáo, các cơ sở giáo dục đó đủ năng lực làm thay đổi kết quả giáo dục hành vi, nhân cách của học sinh, xây dựng môi trường giáo dục an toàn, lành mạnh, khắc phục những biểu hiện tiêu cực hiện nay trong đội ngũ nhà giáo là vấn đề bức bách, được xã hội hết sức quan tâm. ( HOÀNG HƯƠNG ghi)
Chúng tôi cảm thấy mình đơn độc quá...
Cô giáo cũ của tôi vừa chúc sớm "đàn con" đeo đuổi nghề "gõ đầu trẻ" nhân ngày 20-11 rằng luôn bình tĩnh, mạnh mẽ và may mắn trên con đường trồng người đã chọn. Nghề giáo đã trở thành nghề nguy hiểm từ bao giờ?
Đâu phải người thầy nào cũng bạo hành trò mỗi ngày đến trường, sao nỡ xát muối vào lòng người bằng những câu từ phản cảm? Đâu phải người thầy nào cũng phạt trò vì ghét bỏ, bạo hành thể chất lẫn tinh thần người học, sao nỡ quy chụp cả một giáo giới cần "theo dõi", "giám sát" và "đuổi thẳng cổ những người không xứng đáng"?
Tôi, một cô giáo cấp II, lại lo vô cùng khi xoay xở ứng biến với lứa tuổi "ẩm ương". Việc dạy kiến thức không đến mức nhọc nhằn nhưng thú thật để làm tốt nhiệm vụ "dạy người", chúng tôi cảm thấy mình đơn độc quá...
Nếu không phải là nhà giáo, có lẽ bạn sẽ chẳng bao giờ tưởng tượng được cái cảm giác bất lực khi thấy trò làm sai, nói sai vẫn phải nhắm mắt làm ngơ, tự dằn lòng mình xuống, bởi chỉ "quá tay" chút xíu thôi sẽ biến mình thành "kẻ tội đồ" hứng trọn "đá" của dư luận.
Bao nhiêu lúc "mềm nắn rắn buông", "lạt mềm buột chặt"... chúng tôi phải kể công hết ra sao? Những người thầy quanh tôi cũng dâng trào nhiệt tâm dạy dỗ trò lắm chứ, nhưng rồi dần buông lơi việc dạy người khi đơn thư tố cáo lẫn lời đe dọa, hành động đến trường dằn mặt của phụ huynh diễn ra ngay trước mắt.
Ai sẽ chịu thiệt trong cuộc chiến "săm soi", "dè chừng", "nghi kỵ" lẫn nhau giữa giáo viên và phụ huynh? Học sinh sẽ ngoan hơn và ý thức hơn trong hành động, lời nói của mình ư? Tôi nghĩ hoàn toàn ngược lại. Các con đang dần có thái độ bất hợp tác với thầy cô bởi các con được bố mẹ chống lưng, o bế. Xin đừng khiến người thầy "mất lửa" trên hành trình gieo tri thức, uốn tâm hồn... ( THANH NGUYỄN)
Theo tuoitre
4 năm liền viết tự kiểm, con tôi 'lột xác' khi gặp cô giáo lớp 5 Con tôi trải qua 5 năm tiểu học với rất nhiều kỷ niệm. Hồi con học lớp 1, cô giáo chủ nhiệm có thâm niên 30 năm đứng lớp ấn tượng về con tới mức thốt lên: 'Không biết bố mẹ bạn ấy ra sao mà bạn ấy quá nghịch!'. Minh họa: NGỌC NHI Con bướng bỉnh, hiếu động, luôn chân tay và...