“Cô ơi cho con tôi ở lại lớp”
Trong các trường học hiện nay, hiện tượng học sinh ngồi nhầm lớp không hiếm. Xung quanh vấn đề này có khá nhiều câu chuyện mà chỉ những người trong ngành mới hiểu tường tận.
Ảnh minh họa
Cô ơi cho con tôi ở lại lớp
Đang bước đi giữa sân trường, cô giáo H. (xin được dấu tên) nghe tiếng nói sau lưng: “Cô ơi! Cho tôi xin cho cháu Tuấn ở lại lớp”. Quay lại, cô giáo H. nhận ra đó là mẹ của Tuấn, một học sinh có lực học yếu nhất lớp. Cũng vì cậu học sinh này, cô đã gây mâu thuẫn với Ban Giám hiệu nhà trường về việc lên lớp và ở lại của em, nhưng cuối cùng chính cô cũng phải nhượng bộ.
Lên lớp 2 nhưng Tuấn không thể đọc được chữ vì không nhớ chữ cái, không thuộc âm vần nên không thể đọc được. Thương Tuấn, cô giáo H. đã phải vừa dạy cho học sinh cả lớp vừa phải kiếm bộ sách lớp 1 để hướng dẫn cho Tuấn học.
Tuy nhiên dù cố gắng cả năm nhưng cuối năm Tuấn vẫn chưa thể đọc thông viết thạo. Em vẫn đọc ngắc nga ngắc ngứ mà chúng tôi thường nói “đọc tháng năm một tiếng, tháng mười một tiếng”.
Cô H. đã cho Tuấn ở lại lớp 2 nhưng khi danh sách nộp về trường, cô đã được Ban Giám hiệu mời lên phòng làm việc. Không lấy quyền để ra lệnh buộc giáo viên phải cho học sinh lên lớp mà phó hiệu trưởng nhà trường nói rằng, giáo viên phải dạy kèm trong 2 tháng hè rồi tổ chức thi. Nếu thi lần đầu không đỗ thì thi lần hai, nếu lần hai không đỗ thì thi lần ba…
Cô H. nói đây là cách nhà trường gây áp lực cho giáo viên nhưng chính nhà trường không phải chịu trách nhiệm. Dạy cả năm trời em vẫn không tiến bộ thì 2 tháng hè có nghĩa lý gì?
Vậy là, cô H. đành cho em lên lớp thẳng và dẫn đến việc mẹ em chạy theo xin cho con ở lại lớp.
Muốn con ở lại lớp thì phải chuyển trường
Một phụ huynh có con học lớp 2 một trường tiểu học thấy con học yếu mà vẫn được lên lớp nên đã đến trường xin cho con được ở lại lớp. Giáo viên không dám giải quyết đã chỉ lên nhà trường. Chị phụ huynh sau khi trình bày nguyện vọng muốn cho con được học lại cho chắc kiến thức. Bất ngờ, hiệu trưởng nhà trường nói rằng, nếu muốn cho con ở lại lớp thì phải chuyển trường vì trường chuẩn quốc gia, học sinh không thể ở lại lớp.
Video đang HOT
Nhưng chuyển trường thì con chị phải đi học rất xa nên cuối cùng phụ huynh đành chấp nhận để con lên lớp. Chị nói trong xót xa, lên lớp thì dễ sao ở lại lớp lại khó đến thế?
Học sinh ngồi nhầm lớp và những tiếng thở dài của người thầy!
Điều mà giáo viên sợ nhất bây giờ là một bộ phận học sinh không có động lực học tập mà còn có thái độ bất cần, hỗn láo với thầy cô...
Nếu như cấp Trung học phổ thông thì học sinh đã có một kỳ thi tuyển sinh 10 để tuyển đầu vào nên khi đỗ vào cấp học này dù yếu nhưng học trò vẫn có một nền tảng về kiến thức cơ bản.
Học sinh Tiểu học và Trung học cơ sở hiện nay từ lớp 1 đến lớp 8 không phải trải qua một kỳ thi nào nên một số em dù có học lực yếu nhưng cứ hết năm là gần như được lên lớp bình thường.
Vì thế, hiện nay có một bộ phận học sinh lên lớp đều đều nhưng không có kiến thức cơ bản, hỏi cái gì cũng không biết và đến lớp chỉ ngồi chơi, không hề có động lực học tập dù thầy cô giảng dạy, ôn tập học kỳ nhưng có em cũng chẳng đoái hoài gì đến chuyện học hành.
Một nỗi buồn mà hàng ngày nhiều thầy cô giáo đang phải chứng kiến nhưng lực bất tòng tâm.
Tình trạng học sinh ngồi nhầm lớp hiện nay không hiếm ở các nhà trường - (Ảnh minh họa: VTV online)
Nhiều giáo viên bất lực trước thái độ học tập của học trò...
Nếu có một cuộc khảo sát về hiện tượng học sinh ngồi nhầm lớp, chúng tôi tin rằng nếu không phải là trường chuyên, không phải là lớp chọn thì tỉ lệ học sinh ngồi nhầm lớp hiện nay tương đối nhiều chứ không phải một vài hiện tượng cá biệt mà thỉnh thoảng báo chí phản ánh.
Một cô giáo đang dạy Văn lớp 9 đã tâm sự với chúng tôi như sau: "Năm nay, tôi được phân công dạy 2 lớp Ngữ văn 9 mà thấy cực vô cùng so với các năm trước.
Có nhiều em gọi đọc bài mà đọc ấp a ấp úng, khi làm bài kiểm tra thì không biết viết câu văn. Mỗi lần giáo viên kiểm tra bài cũ, gọi phát biểu xây dựng bài thì có một số em nhất quyết không lên trả bài và thậm chí không nói không rằng.
Bài kiểm tra định kỳ, thường xuyên cũng chỉ được 2-3 điểm mà phải nương tay. Vậy mà không hiểu sao các thầy cô lớp dưới vẫn cho các em này lên được đến lớp 9 không biết nữa?"
Có những hôm động viên, nhắc nhở học trò học tập vì năm nay cuối cấp còn phải xét tốt nghiệp, thi tuyển sinh 10 nữa thì có học sinh còn cáu lại giáo viên: "em đậu hay em rớt tốt nghiệp thì mắc mớ gì đến cô mà hôm nào dạy cô cũng cứ nhắc nhở em".
Một cô dạy Toán thì nói: "Năm nay là năm thi tuyển sinh 10 mà các lớp 9 tôi dạy có nhiều em không biết gì luôn. Hỏi gì cũng không biết, thậm chí là kiểm tra thì nộp giấy trắng. Những trường hợp như vậy không biết xử lý ra sao.
Nhưng, những em nộp giấy trắng thì thường ngồi ở bàn đầu còn những em ngồi ở bàn sau thường nhìn bài của bạn nên có em lại có điểm cao bất ngờ. Bởi, trong lớp có một số em học được và chịu khó học nên chính những em này là cứu cánh cho các em học sinh khác.
Giờ kiểm tra, lớp học thì đông, giáo viên không thể nào quan sát hết lớp được vì mỗi bàn có 2 học sinh mà các dãy bàn kê sát với nhau.
Trong khi, học trò thì có trăm phương ngàn kế để các em truyền bài cho nhau. Em này làm được là em khác chép được.
Nhiều khi điểm bài kiểm tra cao chót vót mà ngày mai trả bài cũng hỏi chỗ đó thì một số học sinh tắc tị không thể trả lời được.
Nói thật, nhiều khi giáo viên dạy các môn học mà dính dáng đến thi tuyển sinh hay thi trung học phổ thông quốc gia đôi lúc phải bất lực trước học trò mà không biết xoay sở như thế nào cho hợp lý."
Các lớp dưới thì cứ đẩy lên trên nhưng lớp cuối cấp thì rất khó mà "đẩy" được nữa. Nhất là đối với học sinh lớp 9 nhưng mà cuối cùng cũng phải đành buông tay cho học sinh qua bởi không cho qua thì cũng khổ cho nhà trường, học sinh mà ngay cả với giáo viên đang giảng dạy. Nhưng, cho qua rồi thì nỗi lo lắng, buồn phiền còn kéo dài dai dẳng hơn.
Rất nhiều những ràng buộc, khó khăn hiện nay mà đôi lúc giáo viên phải bất lực trước việc học trên lớp của một số học trò.
Giáo viên rất khó để đánh giá thật kết quả học tập của học trò nên nhiều em có học lực yếu, cuối năm tổng kết loại yếu nhưng cứ kiểm tra lại là nghiễm nhiên lên lớp bình thường. Vì thế, nhiều em cứ ỷ lại từ năm này qua năm khác mà coi thường việc học tập của mình.
Có một bộ phận học sinh hiện nay không có động lực học tập
Chuyện trong một lớp học thì có những em học giỏi, học yếu là rất bình thường vì ai cũng biết rằng những trường không chuyên thì không thể nào đòi hỏi học sinh trong lớp đều có thái độ học tập tốt và có học lực giỏi.
Học sinh yếu nhưng có cố gắng, có động lực học tập vẫn giúp cho giáo viên truyền lửa đam mê cho học trò...
Điều mà giáo viên sợ nhất bây giờ là một bộ phận học sinh không có động lực học tập mà còn có thái độ bất cần, hỗn láo với thầy cô và lôi kéo bạn bè trong lớp cùng nghịch ngợm, quậy phá với mình.
Khi có một học sinh trong lớp không học tập, nghịch ngợm, giáo viên lên tiếng nhắc nhở thì học sinh đó chối bay, chối biến, các học sinh khác cũng lên tiếng bênh vực cho sai phạm của bạn mình.
Học sinh vi phạm trong lớp không được phê bình, học sinh vi phạm trong trường thì nhà trường không được nêu tên. Học sinh hư thì nhiều người lên tiếng là giáo viên dạy sao học trò mới vậy.
Học sinh đánh nhau dù trong trường, ngoài trường hoặc trong ngày nghỉ thì vẫn có người cho rằng nhà trường không giáo dục đến nơi, đến chốn.
Nhưng, giáo viên, nhà trường bây giờ lấy quyền gì mà giáo dục học sinh đến nơi đến chốn khi mà hàng loạt văn bản, hướng dẫn của ngành đang bó buộc người thầy.
Các văn bản hướng dẫn bây giờ đều hướng tới việc giáo dục tích cực là nhắc nhở và phối hợp với gia đình để giáo dục học trò. Nhưng, có phải những học sinh thường xuyên vi phạm thì nhắc nhở các em đều nghe đâu.
Có phải phụ huynh nào phối hợp giáo dục cũng chung tay đâu vì "con tôi ở nhà nó ngoan lắm"...Nhiều phụ huynh còn không hợp tác với giáo viên, với nhà trường khi được liên hệ thì phối hợp thế nào đây?
Tâm huyết, lòng nhiệt tình của thầy cô và nhà trường dù nhiều đến đâu cũng phải có một giới hạn nhất định. Thầy cô cũng còn gia đình, cũng còn công việc của họ nên họ cũng phải suy nghĩ, đắn đo khi xử lý học trò vi phạm.
Xử lý nghiêm, không khéo bị kỷ luật như chơi nên nhiều giáo viên buông xuôi. Họ vào lớp dạy bình thường, học sinh nào không học thì cũng chỉ nhắc nhở một vài lần nếu không nghe, không tiến bộ thì thôi cứ ai dại gì mà quát nạt, lớn tiếng làm gì.
Tương lai của những học sinh ngồi nhầm lớp, tương lai của một bộ phận học sinh hỗn láo, quậy phá thầy cô, bạn bè trong lớp rồi sẽ đi về đâu...khi mà đang tuổi ăn, tuổi học thì lại không tập trung cho chuyện học hành, rèn luyện nhân cách?
Đôi lúc, một số thầy cô phải buông tiếng thở dài vì thái độ hỗn láo của học sinh, vì sự thờ ơ, thiếu động lực học tập của một bộ phận học trò bây giờ!
Học sinh không đi học thêm và nỗi lo con bị giáo viên 'trù dập' của phụ huynh Nhiều phụ huynh phản ánh con bị giáo viên dùng từ ngữ nặng nề, bạo hành tinh thần chỉ vì lý do không đi học thêm. Chị V.T.M (quận Thanh Xuân, Hà Nội) suýt chút nữa mất đi đứa con gái H.K.V (7 tuổi) từ chuyện học thêm, dạy thêm. V có thành tích học tập tốt, gia đình đã thuê gia sư...