Cô giáo ưu tú vùng biên
Tốt nghiệp khoa Toán Trường Cao đẳng Sư phạm Bình Dương năm 1993, cô giáo Hoàng Thị Mỹ Nhung được phân công về dạy tại Trường THCS Lộc Hưng, huyện Lộc Ninh ( Bình Phước).
Trong giảng dạy và công tác, cô giáo Nhung luôn hết lòng thương yêu học sinh (HS), tận tình giúp đỡ đồng nghiệp, xứng đáng là Nhà giáo ưu tú.
Cô giáo Hoàng Thị Mỹ Nhung xứng đáng là người phụ nữ tiêu biểu nơi vùng biên Lộc Ninh
Bề dày thành tích và sáng kiến
Tận tụy với nghề, gần gũi yêu thương HS, tôn trọng, lắng nghe những ý kiến đóng góp của phụ huynh, chăm lo rèn luyện đạo đức cho HS thông qua việc hình thành những thói quen tốt, kỹ năng sống phù hợp với chuẩn mực đạo đức của xã hội… luôn được cô giáo Nhung đặt lên hàng đầu. Trong giảng dạy, cô luôn tìm tòi, sáng tạo, không ngừng đổi mới phương pháp để truyền thụ kiến thức cho HS.
Chất lượng bộ môn đạt được từng năm học từ 80% trở lên, công tác bồi dưỡng học sinh giỏi, thực hành giải toán bằng máy tính Casio của trường đoạt giải cao ở huyện và ngành giáo dục Bình Phước. Đến nay, cô đã có 10 sáng kiến được áp dụng và đạt hiệu quả cao trong giảng dạy. Trong đó, 3 sáng kiến kinh nghiệm được Hội đồng khoa học Sở GD-ĐT tỉnh xếp loại C và 4 sáng kiến kinh nghiệm được Hội đồng Phòng GD-ĐT huyện Lộc Ninh xếp loại A, 3 xếp loại B. Ngoài ra, cô còn thường xuyên giúp đỡ đồng nghiệp phấn đấu trở thành giáo viên giỏi của trường; tích cực xây dựng trường, lớp thành một khối đoàn kết, thống nhất.
Với 28 năm công tác trong ngành, cô Nhung có 13 năm làm Tổ trưởng chuyên môn Toán, 8 năm làm Hiệu phó Trường THCS Lộc Hưng, 15 năm đạt danh hiệu Chiến sĩ thi đua (12 năm Chiến sĩ thi đua cấp cơ sở, 3 năm Chiến sĩ thi đua cấp tỉnh). Quá trình phấn đấu liên tục trong giảng dạy, công tác của cô giáo Nhung đã được tưởng thưởng bằng 73 bằng khen, giấy khen của Thủ tướng Chính phủ, Bộ GD-ĐT, Tỉnh ủy, UBND tỉnh, Sở GD-ĐT tỉnh Bình Phước… Năm 2011, cô được Nhà nước phong tặng “Nhà giáo ưu tú”; năm 2014 được tuyên dương điển hình “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” tại Đại hội Thi đua yêu nước của tỉnh lần thứ IV (2009-2014) và đến năm 2015, cô vinh dự được mời ra Hà Nội dự Hội nghị giáo viên điển hình toàn quốc do Bộ GD-ĐT tổ chức.
Nghị lực vượt khó
Sinh ra lớn lên trên quê hương xã Triệu Đông, huyện Triệu Hải (Quảng Trị), mảnh đất cằn cỗi đầy nắng gió, thiên nhiên khắc nghiệt đã tôi luyện cô giáo Nhung ý chí nghị lực, vượt bao khó khăn thử thách trong đời sống kinh tế. Ban đầu với mái nhà lụp xụp, tiền lương giáo viên và chồng là bộ đội còn ít ỏi, cô giáo Nhung vừa dạy học, vừa tranh thủ ngoài giờ làm kinh tế để nâng mức sống gia đình, lo cho hai con ăn học. Cô tâm sự: “Tôi đã dốc toàn bộ vốn liếng và vay mượn thêm đầu tư vào mua đất trồng tiêu. Khi tiêu thu hoạch thì giá đang 95.000đ/kg hạ xuống còn 35.000đ/kg, rồi tiêu chết hàng loạt. Nhìn vườn tiêu héo vàng, lòng tôi đau như cắt. Chồng tôi đi học lớp bác sĩ mất 5 năm. Khó khăn chồng chất không lường hết, hai con ăn học, mọi trang trải của gia đình dựa vào đồng lương eo hẹp. Ngoài việc dạy học, tôi phải bươn chải đủ nghề, như làm sữa chua, sinh tố bỏ mối cho căn tin trường học”.
Video đang HOT
Không lùi bước trước những thất bại ban đầu, cô giáo Nhung tiếp tục vay tiền đầu tư vào lĩnh vực chăn nuôi. Lúc đầu vốn ít, cô mua 1 bò mẹ và 1 con bê, sau này đàn bò tăng dần được 8 con, mỗi năm lại sinh sản đông thêm. Sau 5 năm, nhờ phát triển chăn nuôi mà kinh tế gia đình cô đã khấm khá lên nhiều. Từ căn nhà lụp xụp, cô đã xây được ngôi nhà khang trang ở mặt tiền quốc lộ 13, tiện nghi tương đối đầy đủ.
Làm tốt công việc giảng dạy lẫn chăm lo kinh tế gia đình chính là chỗ dựa để chồng yên tâm công tác xa nhà, hoàn thành nhiệm vụ do quân đội phân công. Trung tá, bác sĩ Nguyễn Kim Túy, chồng cô giáo Nhung thổ lộ: “Tôi còn làm bác sĩ ở Đồn biên phòng Chiu Riu, có nhiều tuần thứ bảy, chủ nhật tôi ở lại đồn đi về các thôn, xã biên giới khám bệnh cho bà con. Mọi việc ở nhà tôi yên tâm vì đã có vợ đảm trách. Hai con tôi nhiều năm liền đạt học sinh xuất sắc cấp tỉnh. Tôi rất hạnh phúc vì có người vợ chuyên môn giỏi lại đảm đang việc nhà, nuôi con giỏi, dạy con ngoan”.
Cô giáo rưng rưng kể chuyện 30 năm cắm bản, được dân góp gạo nuôi
Mỗi tháng lúc ấy nhận được 42 đồng, số tiền này chỉ đủ để mua thuốc sốt rét. Dân bản cùng nhau góp gạo nuôi cô giáo.
Cô giáo Nguyễn Thị Lan, nguyên Hiệu phó Trường Tiểu học Tam Quang 2, xã Tam Quang, huyện Tương Dương, tỉnh Nghệ An, vinh dự được Chủ tịch nước ký quyết định trao tặng danh hiệu Nhà giáo ưu tú trong năm học vừa qua.
Nhà giáo ưu tú Nguyễn Thị Lan (Ảnh nhân vật cung cấp)
Đi qua một thời vất vả đầy gian khó
Cô Lan cho biết: "Em tốt nghiệp sư phạm năm 1990 và được phân công giảng dạy tại Trường Tiểu học Nhôn Mai, thuộc xã biên giới xa nhất của huyện Tương Dương.
Thời đó, đến được ngôi trường này là một hành trình đầy gian nan vất vả. Phương tiện duy nhất là đi bộ, men theo những lối mòn tự phát dân mở qua suối, xuyên rừng. Ngày đi, ai cũng phải chuẩn bị tư trang đầy đủ như bộ đội hành quân để vào bản.
Cô Lan được một người dẫn đường đi cùng. Từ thị Trấn Hòa Bình nay là thị trấn Thạch Giám vào tận điểm trường sẽ dạy phải mất gần 6 ngày đường băng rừng, lội suối ròng rã.
Cô giáo Nguyễn Thị Lan với học sinh (Ảnh nhân vật cung cấp)
Cô Lan kể: "Cứ sáng sớm tinh mơ là chúng em dậy để đi. Người dân ở bản này với bản kia ở cách nhau khá thưa nên phải căn thời gian để đến bản tiếp theo dừng chân xin nấu mì tôm chuẩn bị bữa trưa.
Và, buổi chiều cũng phải căn thời gian để khi trời tối đến được một bản nào đó xin ngủ nhờ, nếu không thế phải ngủ giữa rừng. Cứ thế cho hết 5 ngày (dù chân cẳng sưng vù, phồng rộp tưởng không đi nổi nữa) mới tới được điểm trường chính. Từ điểm trường chính, phải đi tiếp nửa ngày nữa mới tới được điểm trường lẻ bản Na Lợt nơi em về nhận công tác.
Dân bản nồng nhiệt chào đón cô giáo mới
Cô Lan cho biết: "Em là cô giáo đầu tiên đến điểm trường này dạy học (trước đó toàn giáo viên nam) nên mới nghe tin, cả bản ùa ra xem cô giáo người Kinh". Do trường không có nhà ở nên cô được phân công về nhà Bí thư bản ở cùng.
"30 năm công tác trong ngành giáo dục, nhiều kỷ niệm mà đến tận bây giờ mỗi khi nhớ những tháng ngày ở với dân bản Na Lợt lòng vẫn không khỏi rưng rưng.
Nhớ lại, kể cho chị nghe mà em vẫn không nén nỗi xúc động". Cô Lan ngậm ngùi cho biết.
Cô Lan kể, mỗi tháng lúc ấy nhận được 42 đồng, số tiền này chỉ đủ để mua thuốc sốt rét. Dân bản cùng nhau góp gạo nuôi cô giáo. Mỗi lần, có gia đình nào trong bản săn bắn được con thú, người dân đều cắt một phần biếu gia đình nơi cô giáo đang ở.
Cảm động nhất là cảnh, bữa ăn họ dọn riêng cho cô một mâm ăn trước. Thời gian này, đèn dầu không có nên đêm tối chủ yếu lấy ánh sáng từ đống lửa đốt trong nhà.
Vậy mà, mỗi lần cô ăn cơm, người nhà đốt bó đuốc đứng soi cho cô giáo ăn, sau đó mới bỏ bó đuốc châm vào đống củi để soi sáng cho cả gia đình cùng ăn.
Đã rất nhiều lần cô đề nghị ăn chung với gia đình nhưng họ nhất định không chịu và nói rằng đó là phong tục của người Khơ mú, thầy cô giáo được xem như thượng khách.
Những tình cảm đặc biệt mà người dân dành cho giáo viên, cô Lan nói có đến chết mình cũng không thể nào quên được.
Đáp lại sự thương yêu của dân bản, cô chỉ biết lao vào dạy học cho các em suốt ngày và suốt tuần (quên luôn thứ bảy và chủ nhật).
Ngoài dạy kiến thức cho học sinh, cô còn dạy các em và người dân bản một kỹ năng sống cần thiết vì lối sống của người dân thời bấy giờ còn rất nhiều lạc hậu.
Ở cương vị nào, cô Lan cũng hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ
Với gần 30 năm công tác trong ngành giáo dục, từ những năm đầu cắm bản nơi vùng xa hen hút đến khi được chuyển về vùng thuận lợi hơn. Cô giáo Lan luôn tận tụy, hết lòng vì sự nghiệp giáo dục.
Cô đã nhận được nhiều giấy khen, bằng khen các cấp. Nhiều năm liền đạt danh hiệu giáo viên dạy giỏi cấp trường, cấp huyện và cấp tỉnh; 15 lần đạt danh hiệu Chiến sĩ thi đua cơ sở.
Cô Võ Thị Tuyết Chinh - Phó Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Tương Dương cho biết: "Cô Nguyễn Thị Lan là giáo viên cốt cán lâu năm của ngành, luôn tâm huyết và trách nhiệm. Giao nhiệm vụ gì cho cô cũng yên tâm. Từ giáo viên đến cán bộ quản lý năm nào cũng hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ".
Điều ước nơi vùng cao Chứng kiến những khó khăn của học sinh vùng cao, nhiều giáo viên là đại sứ của chương trình "Điều ước cho em" luôn mong đón nhận được những món quà, sự hỗ trợ để giảm bớt sự nhọc nhằn cho các em nơi đây. Cô Lê Thị Thu Trang cùng học sinh. Những cô giáo của vùng khó Cô Trang, cô Tiền...