Cô giáo Trần Thúy Nga – Người đồng nghiệp tâm huyết, gương mẫu
Đối với cô giáo Trần Thúy Nga – giáo viên giảng dạy bộ môn Ngữ văn – Lịch sử, tổ trưởng tổ Xã hội trường THCS Mai Động (Hoàng Mai – Hà Nội), nghề giáo như một cơ duyên…!
“Có một nghề bụi phấn bám đầy tay
Người ta bảo đó là nghề trong sạch nhất
Có một nghề không trồng cây vào đất
Mà mang lại cho Đời đầy trái ngọt hoa tươi”!
Đối với cô giáo Trần Thúy Nga – giáo viên giảng dạy bộ môn Ngữ văn – Lịch sử, tổ trưởng tổ Xã hội trường THCS Mai Động (Hoàng Mai – Hà Nội), nghề giáo như một cơ duyên vậy. Ngay từ khi bước chân vào giảng đường đại học, cô sinh viên ngày ấy đã ý thức được cái cao cả, cái thiêng liêng của nghề.
Cô tâm sự: Nhìn thấy sự cố gắng, nỗ lực không ngừng nghỉ của học trò mình, cộng với sự tin tưởng, ủng hộ, yêu thương của phụ huynh, học sinh, cô biết mình phải có trách nhiệm dạy dỗ những đứa trẻ ấy, không chỉ về kiến thức mà còn là đạo đức, là nhân cách để chúng nên người. Điều đó đã biến thành động lực để cô vượt qua khó khăn trong công tác, hoàn thành nhiệm vụ và gắn bó với nghề cầm phấn.
Cô giáo Trần Thúy Nga
Là tổ trưởng tổ Xã hội, cô không chỉ chuyên môn vững vàng mà còn nhiệt huyết, say mê, chỉn chu trong từng tiết dạy, luôn cầu thị, sẵn sàng góp ý chân thành, thẳng thắn. Nếu ai đã từng dự qua tiết Ngữ văn hoặc Lịch sử của cô, chắn chắn rằng sẽ nhớ mãi. Những văn bản dài dằng dặc, những cột mốc lịch sử khô khan, khó nhớ trở nên dễ dàng, gần gũi với học sinh.
Đó là nhờ cô đã ứng dụng thành thạo công nghệ thông tin vào giảng dạy, hướng dẫn, tổ chức nhiều hoạt động đố vui, vẽ tranh, thảo luận, sân khấu hoá, hùng biện, … để tăng tính chủ động, tích cực của học sinh. Bởi lẽ, cô quan niệm ” học tập là cả một quá trình dài, không nên áp đặt, gây áp lực cho học sinh, không khí thoải mái, cởi mở, vui tươi mới giúp học sinh tiếp thu bài hiệu quả, học rồi lần sau vẫn có thể học tiếp được “. Trong các giờ chuyên đề, hội giảng của Tổ, nhóm chuyên môn, cô đều tham gia và góp ý chân thành trên tinh thần xây dựng, hỗ trợ hết mình.
Mỗi một kì cuộc thi thố của Tổ, nhóm, cô luôn lăn xả, ” kề vai sát cánh ” cùng anh chị em, là người kết nối các đồng nghiệp trong tổ để cùng xây dựng những bài giảng hay, chất lượng. Rất nhiều tiết giảng dạy hội giảng, thi giáo viên dạy giỏi, thành công của tổ, nhóm, trường đều có sự đóng góp, tham mưu ý tưởng của cô.
Cô giáo Trần Thúy Nga (áo đỏ) bên cạnh các em học sinh lớp mình chủ nhiệm
Ngoài công tác chính giảng dạy, cô Thúy Nga còn đảm nhận nhiều vai trò, nhiệm vụ khác trong nhà trường. Và ở vị trí, nhiệm vụ nào, cô cũng đều hoàn thành tốt nhiệm vụ, nhận được sự yêu mến, ủng hộ của đồng nghiệp. Là Nguyên tổng phụ trách Đội, cô đã có nhiều đóng góp cho phong trào Thiếu nhi, Đội TNTP của trường. Là Thư ký hội đồng sư phạm, cô nhanh nhẹn, nhạy bén, hoàn thành tốt công việc Ban giám hiệu phân công.
Là Ủy viên Ban chấp hành Công đoàn, cô quan tâm đến đời sống, tâm tư nguyện vọng của đoàn viên công đoàn, luôn động viên giúp đỡ những đoàn viên có khó khăn hoặc sẻ chia khi các gia đình có việc hiếu – hỉ. Với vai trò cố vấn cho Chi đoàn – Ban Thiếu niên, cô luôn đề xuất những ý tưởng mới trong việc tổ chức hoạt động rèn nếp – giáo dục học sinh… Chính sự năng nổ, tích cực đó của cô đã truyền kinh nghiệm, cảm hứng cho nhiều bạn đoàn viên trẻ.
Với những cống hiến đó, nhiều năm liền, cô Thúy Nga đạt danh hiệu ” Lao động tiên tiến cấp Quận “, đạt danh hiệu ” Chiến sĩ thi đua cấp cơ sở ” (năm học 2013 – 2014) và vinh dự được xét gia đình CBVC Lao động tiêu biểu quận Hoàng Mai năm học 2020 – 2021.
Như Brad Henry từng nói: ” Một giáo viên giỏi là người biết khơi gợi hy vọng, thổi bùng trí tưởng tượng và thấm nhuần niềm đam mê học hỏi”. Và, ở cô Thuý Nga đã hội tụ đầy đủ những tố chất mà một người giáo viên cần có./.
Nỗi lo sau giảng đường của đôi bạn mồ côi
Biết tin cả hai cùng đậu đại học, đôi bạn Phạm Hoàng Anh và Châu Thủy mừng reo, nhưng phía sau là nỗi lo dài mà cả hai đang phải đối mặt.
Đôi bạn từ làng SOS nắm tay nhau vào đại học - Video: ĐOÀN NHẠN - HOÀNG LONG - HUỲNH VY
Châu Thủy và Hoàng Anh giúp các em nhỏ trong Làng SOS học tập, chia sẻ với các em nhỏ - Ảnh: ĐOÀN NHẠN
Khi cả hai rời Làng trẻ em SOS Đà Nẵng, hành trình bước chân vào giảng đường đại học sẽ khó khăn bội phần. Một mình các em phải tự bươn chải để theo đuổi ước mơ.
Hai chị cả của các em mồ côi
Hoàng Anh có một ước mơ, nếu không theo ngành du lịch sẽ quay lại dạy tiếng Anh cho những đứa trẻ khó khăn - Ảnh: ĐOÀN NHẠN
Một chiều Đà Nẵng mưa rả rích, trong mái nhà ấm áp ở Làng trẻ em SOS Đà Nẵng, nơi nhận nuôi dưỡng những đứa trẻ mồ côi, đôi bạn Hoàng Anh và Châu Thủy đang kiên nhẫn dạy cho các em nhỏ học bài. Thoạt nhìn, ai cũng ngỡ mấy đứa nhỏ là em ruột của hai "cô giáo" bởi sự kiên nhẫn, tận tình của đôi bạn.
Những ngày cuối ở lại làng, Hoàng Anh và Thủy dành nhiều thời gian hơn cho mấy đứa nhỏ, chăm chỉ giúp đỡ các mẹ nuôi chăm sóc các em. Ít hôm nữa, khi tình hình dịch bệnh ổn hơn, cả hai phải khăn gói rời nơi đã cưu mang mình, ra ở trọ và bắt đầu cuộc sống tự lập.
Năm nay Hoàng Anh đậu vào ngành ngôn ngữ Anh, Trường ĐH Ngoại ngữ Huế để thực hiện ước mơ được làm hướng dẫn viên du lịch. Còn Thủy vẫn một giấc mơ trở thành cô giáo mầm non, lên vùng cao dạy trẻ em nghèo.
Hoàng Anh bị cha mẹ bỏ rơi từ năm em 2 tuổi. Một người tốt bụng đã đưa em vào Làng trẻ em SOS Đà Nẵng. Từ đó Hoàng Anh bắt đầu có giấy khai sinh và được cưu mang như những đứa trẻ cùng cảnh.
Cô gái trầm tính, cả khi cười thì trong đôi mắt em cũng thoáng nét buồn. Hoàng Anh bảo rằng chưa lúc nào em thôi ước mơ có một gia đình hạnh phúc. Em tâm sự: "Em chỉ muốn mỗi lúc em buồn đều được có ba mẹ để tâm sự, kể hết lòng ra nhưng lần nào cũng là về phòng ngồi một mình. Chính bản thân phải trải qua cảm giác đó, nên em muốn mình sẽ là người lắng nghe các em trong làng tâm sự, giúp đỡ, chia sẻ những điều vui buồn nhỏ nhặt với các em".
Cuộc sống của cô bé mồ côi Hoàng Anh được tô thêm gam màu tươi sáng khi gặp Thủy. Vào cuối hè lớp 5, Hoàng Anh thấy Thủy khóc thút thít khi lần đầu đặt chân vào làng. Cả hai cùng tuổi, lại thấy người bạn mới đến cứ khóc suốt, thế là Hoàng Anh rắn rỏi đến động viên bạn. Sau này thân thiết, cùng chơi, cùng học và tâm sự. Đôi bạn cùng lớn lên từ sự đồng cảm, sẻ chia và vòng tay chở che của làng SOS.
Đôi bạn thân ở làng SOS luôn là điểm tựa tinh thần của nhau, cùng học tập, nỗ lực trong cuộc sống - Ảnh: ĐOÀN NHẠN
Học để giúp mình, giúp đời
Châu Thủy yêu trẻ con và luôn mong muốn sẽ được lên dạy học cho trẻ vùng cao - Ảnh: ĐOÀN NHẠN
Thủy quê ở Quảng Nam, được sinh ra trong một gia đình nhà nông nghèo gồm năm anh chị em. Khi em được ba tháng tuổi thì ba mẹ bị bệnh nặng và qua đời. Từ đó em sống với gia đình anh Bốn. Từ nhỏ, ý thức được gia cảnh anh Bốn khó khăn, hai vợ chồng anh chị cũng làm nông vất vả lại phải nuôi con nhỏ, nuôi em gái nên ngoài giờ học, Thủy lại đi giữ bò và phụ giúp chị dâu làm việc nhà.
Biến cố chưa dừng lại, năm Thủy học lớp 4 thì anh Bốn bị bệnh ung thư gan và qua đời. Chẳng nỗi đau nào bằng chịu cảnh lần lượt mất đi những người thân thiết khi còn quá nhỏ. Nhưng Thủy vẫn kiên cường một buổi học, một buổi giữ bò để nương tựa chị dâu.
Nhưng sau khi anh Bốn mất, sức khỏe của chị dâu không tốt, lại còn hai đứa con nhỏ, đèo thêm khoản nợ vay mượn để chạy chữa bệnh tình cho chồng khi anh còn sống nên chị đành gửi Thủy vào làng SOS, mong em có cuộc sống tốt hơn.
Thủy tâm sự, em luôn biết ơn người thân đã không bỏ rơi mình, càng biết ơn mái nhà thứ hai đã cho em cuộc sống mới. Lòng biết ơn đó luôn thôi thúc Thủy nỗ lực học tập và theo đuổi ước mơ.
Chia sẻ về ước mơ của mình, cô gái nói: "Em thấy hiện nay trên vùng cao có rất nhiều em nhỏ vẫn chưa được biết chữ. Em lại rất thích trẻ con nên luôn mong sau khi ra trường sẽ được lên vùng cao dạy học. Em mong là ở thế giới bên kia, ba mẹ và anh Bốn sẽ vui khi biết em đậu đại học, vui vì lựa chọn của em".
Ngoài giờ học, Hoàng Anh (trái) và Thủy lại phụ giúp việc nhà với các mẹ nuôi trong làng SOS - Ảnh: ĐOÀN NHẠN
Năm nay cả hai đã tròn 18, phải rời xa nhau, xa mái nhà cưu mang mình, những lo lắng lại bủa vây. Bốn năm đại học, làng sẽ hỗ trợ một phần rất nhỏ chi phí sinh hoạt, còn lại hai cô gái nhỏ phải tự bươn chải để lo cho sự học. Đôi bạn tính, khi tình hình dịch bệnh lắng xuống, việc đầu tiên phải làm là tìm ngay một công việc làm thêm để lo chi phí ăn ở và đóng học phí. Cùng với đó là đăng ký tham gia hoạt động tình nguyện giúp đỡ cho các em nhỏ có hoàn cảnh khó khăn như mình ngày xưa.
Thầy Bùi Hữu Tiên, nhân viên giáo dục của làng SOS, cho biết dù mồ côi từ nhỏ nhưng Hoàng Anh từng giành nhiều giải thưởng học sinh giỏi ở các môn học. Thủy cũng rất nỗ lực học hành. Cả hai cùng đậu đại học đúng ngành mà các em mong muốn là niềm vui lớn đối với các thầy cô giáo trong làng.
"Trước ngày nhập học, tôi đã kêu gọi hỗ trợ được một phần học phí cho Hoàng Anh nhập trường. Trước mắt em là cả hành trình dài đang đón đợi. Cả Hoàng Anh và Thủy để đến được với ước mơ phải nỗ lực gấp nhiều lần so với bạn bè cùng trang lứa. Nhưng tôi tin với nghị lực của hai em, chắc chắn sẽ làm được" - thầy Tiên nói.
Học bổng Tiếp sức đến trường 2021 - Video: TRẦN MẠNH
Nhà nước hỗ trợ học phí tân sinh viên sư phạm, các trường vẫn thu vì... chưa có hướng dẫn Chính phủ quy định sinh viên trúng tuyển vào ngành sư phạm năm học 2021 - 2022 được Nhà nước hỗ trợ tiền đóng học phí, tiền chi phí sinh hoạt nhưng hiện các trường vẫn thu vì... chưa có hướng dẫn. Trường ĐH Sài Gòn tạm thời vẫn chưa thu học phí đối với sinh viên sư phạm - Ảnh: TRẦN HUỲNH...