Cô giáo tiểu học 20 năm không ngừng đổi mới phương pháp giảng dạy
Hơn 20 năm làm chủ nhiệm lớp 1, cô giáo Ninh Thị Hiên đã không ngừng sáng tạo, đổi mới phương pháp dạy và học giúp học sinh lớp 1 tiếp thu bài tốt hơn.
Năm 1989, sau khi tốt nghiệp Trường trung học sư phạm Hải Phòng, cô giáo Ninh Thị Hiên về công tác tại Trường Tiểu học Tân Viên (huyện An Lão, Hải Phòng).
Đến nay, cô giáo Hiên đã có 29 năm gắn bó với sự nghiệp trồng người, trong đó có 20 năm cô được Ban giám hiệu nhà trường tín nhiệm phân công chủ nhiệm, dạy khối lớp 1.
Cô giáo Ninh Thị Hiên, Tổ trưởng tổ 1, Chủ tịch Công đoàn Trường tiểu học Tân Viên (huyện An Lão, Hải Phòng) (Ảnh: Lã Tiến)
Cô Hiên chia sẻ: “Lúc đầu cũng không định theo nghề dạy học nhưng do nhiều nguyên nhân mình lại chọn nghề và bây giờ, đó là cái nghiệp, cái duyên rồi, không dứt ra được.
Mỗi ngày không đến lớp gặp các em là thấy nhớ vô cùng. Thấy các em tiếp thu bài khó khăn là tôi lại buồn, trăn trở, tìm ra phương pháp tối ưu nhất để các em học tốt hơn”.
Thế nên, những khó khăn trong nghề nghiệp, trong quá trình công tác không ngăn được tấm lòng cô giáo Hiên dành cho học trò, cho nghề, cô càng ngày càng thêm yêu nghề và càng muốn gắn bó bền chặt hơn.
“Thời điểm tôi mới vào ngành, cũng khó khăn và vất vả lắm, nhưng càng tiếp xúc với các em học sinh tôi càng thấy yêu nghề hơn, mến trẻ hơn nên đã quyết tâm gắn bó với nghề”, cô Hiên nói.
Dù ở đơn vị công tác nào, với tấm lòng yêu trẻ, tất cả vì học sinh thân yêu, cô giáo Ninh Thị Hiên luôn làm tròn trách nhiệm, hoàn thành xuất sắc các nhiệm vụ được giao.
Qua nhiều năm công tác và gắn bó, tôi thấy học sinh lớp 1 rất ngây thơ, ngoan và biết vâng lời nhưng rất hiếu động. Cô giáo Hiên cho biết: “Khối 1 là khối lớp quan trọng nhất ở bậc tiểu học, là nền tảng giáo dục đạo đức và kiến thức cho học sinh.
Sự thay đổi môi trường học tập từ mầm non lên tiểu học với nhiều bỡ ngỡ đòi hỏi người giáo viên chủ nhiệm đặc biệt quan tâm tới học sinh, vừa truyền cảm hứng, vừa dạy dỗ vừa chăm sóc.
Do đó, khi đón nhận các em vào lớp 1, tôi thường tăng cường nhiều hoạt động vui chơi, sau đó giảm dần và đưa các con vào nề nếp học tập”.
Cũng theo cô Hiên, việc giáo dục học sinh, là không phải chỉ dạy chữ, dạy chương trình sách giáo khoa cho các em hàng ngày, mà cần phải dạy bằng cả quá trình học tập và rèn luyện.
Đặc biệt, phải nắm bắt được những tâm tư, tình cảm của mỗi học sinh và phải thật sự tâm huyết với nghề.
Video đang HOT
Trong quá trình giảng dạy, người giáo viên phải quan sát học sinh từ mọi nơi, tổ chức nhiều hoạt động để tất cả các em học sinh cùng được chơi, cùng được tham gia, rồi các em sẽ thích và sẽ hiểu, cái hiểu như thế sẽ sâu sắc và nhớ lâu hơn.
29 năm gắn bó với bục giảng, cô Hiên có 20 năm làm chủ nhiệm lớp 1 (Ảnh: Lã Tiến)
Do vậy, cô Hiên luôn nỗ lực học hỏi, nâng cao năng lực chuyên môn, tìm tòi, đổi mới phương pháp, tích cực ứng dụng công nghệ thông tin vào giảng dạy.
Đến năm 1997, cô giáo Ninh Thị Hiên đã đi học Đại học sư phạm để nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ.
Đồng thời, xây dựng nội dung bài giảng linh hoạt theo hướng học mà chơi, chơi mà học giúp học sinh dễ tiếp thu kiến thức.
Với những học sinh yếu kém, cô Hiên kiên trì hướng dẫn, có nhiều giải pháp giúp học sinh tiến bộ, như: ưu tiên các vị trí ngồi học ở trung tâm lớp, tổ chức hình thức học tập đôi bạn cùng tiến…
Cô giáo Hiên là một trong những giáo viên đi đầu trong việc đổi mới phương pháp dạy học tại huyện An Lão.
Cụ thể, cô Hiên có sáng kiến kinh nghiệm được các cơ quan chức năng đánh giá cao như: Vận dụng những thành tố tích cực của mô hình trường học mới vào dạy hiện hành.
Những thành tố tích cực gồm: tổ chức những tiết học vui, dạy liên môn, dạy học theo nhóm, ứng dụng công nghệ thông tin vào giảng dạy…
Cô giáo Hiên đưa ra ví dụ minh họa trong một tiết dạy tự nhiên xã hội có bài về cuộc sống hàng ngày.
Để tiết dạy có hiệu quả, cô đã đưa học sinh đi trải nghiệm tại nơi mình ở để tìm hiểu về công việc và các hoạt động thường ngày trong cuộc sống của người dân.
Hoặc giới thiệu cho học sinh nắm được những cây cối, con vật ngay trong cuộc sống hàng ngày để tăng cường vốn sống thông qua trải nghiệm…
Trong suốt quá trình công tác, cô Hiên không ngừng sáng tạo, đổi mới phương pháp dạy học (Ảnh: Lã Tiến)
Điều quan trọng nhất, cô giáo Hiên thường xuyên tăng cường các yếu tố trực quan vào giảng dạy, giúp các bé dễ tiếp cận và giải quyết vấn đề một cách nhanh chóng, hiệu quả.
Nhờ đó, kết quả học tập và rèn luyện đạo đức của học sinh các lớp do cô Hiên chủ nhiệm đều đạt tốt, 100% học sinh lên lớp.
Nhận xét về giáo viên của mình, cô giáo Nguyễn Thị Liêm, Hiệu trưởng Trường tiểu học Tân Viên cho biết: “Cô giáo Ninh Thị Hiên là một trong những giáo viên cốt cán của trường và ngành giáo dục huyện An Lão.
Cô luôn tâm huyết với nghề, tận tâm và có trách nhiệm cao trong công việc, được nhiều thế hệ học sinh yêu quý, phụ huynh tin tưởng”.
Theo Hiệu trưởng nhà trường, hiện cô giáo Hiên là Tổ trưởng Tổ 1, Chủ tịch công đoàn Trường tiểu học Tân Viên.
Trong suốt quá trình công tác, cô Hiên luôn đi đầu trong các phong trào của nhà trường, hoàn thành xuất sắc công tác công đoàn.
Về thành tích cá nhân, cô Ninh Thị Hiên có 21 năm là giáo viên giỏi, chiến sĩ thi đua cơ sở; 4 lần đạt giáo viên giỏi thành phố, 1 lần đạt chiến sĩ thi đua cấp thành phố (năm 2007).
Năm 2017, cô Hiên vinh dự là một trong 49 giáo viên được Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Hải Phòng biểu dương trong thực hiện Chỉ thị 03.
Năm học 2017-2018, cô vinh dự nhận bằng khen của Liên đoàn lao động thành phố Hải Phòng về lao động giỏi, sáng tạo.
Đặc biệt, năm học 2018-2019, cô Hiên được nhận bằng khen của Bộ Giáo dục và Đào tạo về thành tích xuất sắc trong phong trào thi đua dạy và học.
LÃ TIẾN
Theo giaoduc.net
Chương trình Giáo dục phổ thông mới: Ngổn ngang mối lo
Chưa đầy 1 năm nữa Chương trình giáo dục phổ thông (GDPT) mới bắt đầu thực hiện từ lớp 1. Đến thời điểm này phần lớn giáo viên vẫn đang lúng túng vì thời gian triển khai đã cận kề nhưng sách giáo khoa mới chưa thấy đâu.
Nhiều địa phương đang triển khai mô hình trường học mới tiệm cận với chương trình GDPT mới sắp tới. Ảnh: Nghiêm Huê
Thầy Trần Ngọc Minh, Hiệu trưởng Trường THCS Lạc Lâm, huyện Đơn Dương, tỉnh Lâm Đồng cho biết, về cơ sở vật chất, trường đã đủ điều kiện để thực hiện dạy và học 2 buổi/ngày, giáo viên đã đạt từ chuẩn trở lên. Một trong những điểm khác biệt khi triển khai chương trình GDPT mới đó là ở bậc THCS có dạy tích hợp liên môn, các hoạt động trải nghiệm sáng tạo.
Từ hai năm qua, thực hiện theo hướng dẫn của Bộ GD&ĐT về định hướng phát triển năng lực và phẩm chất học sinh, đổi mới phương pháp dạy học và kiểm tra, đánh giá, trường đã cho giáo viên dạy những môn như Lý, Hóa, Sinh, Sử, Địa, Giáo dục công dân xây dựng chương trình dạy học chung của nhà trường.
Cùng với đó, trường đưa vào hướng dẫn, tổ chức các hoạt động, tập huấn kỹ năng, thành lập các câu lạc bộ thể dục thể thao, âm nhạc, đưa học sinh đi tham gia các mô hình sản xuất của người dân. Đồng thời bỏ hình thức đọc trả bài như trước, thay vào đó chấm nhiều đầu điểm để đánh giá học sinh qua hoạt động trải nghiệm, bài tập về nhà...
Tuy nhiên, thầy Hà Văn Đồng dạy môn khoa học tự nhiên của trường nêu ra một số khó khăn khi chương trình mới có nhiều yêu cầu đòi hỏi các trường phải có sự đầu tư đồng bộ về cơ sở vật chất.
Chương trình GDPT mới sẽ đưa môn tin học, ngoại ngữ 1 (tiếng Anh) trở thành môn học bắt buộc từ bậc tiểu học nên đội ngũ giáo viên cũng cần phải có sự chuẩn bị kịp thời. Ông Nguyễn Duy Hải, Trưởng phòng Giáo dục Tiểu học (Sở GD&ĐT Lâm Đồng) cho biết, tỉnh thuận lợi là đã có 74% trường tiểu học dạy học được 2 buổi/ngày, các trường đều triển khai dạy tin học và ngoại ngữ nên đội ngũ giáo viên của hai môn này hoàn toàn đủ để đáp ứng yêu cầu mới.
Toàn tỉnh có 62% trường tiểu học, cấp THCS có gần 20% số trường đang triển khai mô hình trường học mới. Cô Phan Thị Liên Nga, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Thạnh Mỹ (Đơn Dương, Lâm Đồng) cho biết, sau khi tìm hiểu các giáo viên, ban giám hiệu nhà trường đều khẳng định mô hình trường học mới rất gần với chương trình GDPT mới.
PGS.TS.Nguyễn Xuân Thành, Giám đốc dự án Hỗ trợ đổi mới giáo dục phổ thông (Bộ GD&ĐT) khẳng định, Bộ sẽ kế thừa những giá trị đã triển khai, thử nghiệm, nhằm hướng đến mục tiêu mới phát triển năng lực, phẩm chất người học trong chương trình mới. Nội dung các môn học sẽ hướng tới việc vận dụng, gần gũi với thực tiễn đời sống. Vì thế các mô hình, phương pháp dạy học tạo cơ hội cho học sinh học chủ động, tích cực, học qua trải nghiệm, thực nghiệm sẽ tiếp tục được phát huy.
Các trường có thể thiết kế thời khóa biểu theo kế hoạch giáo dục phù hợp với đối tượng học sinh từng khối lớp và điều kiện dạy học của địa phương. Trong đó linh hoạt tổ chức các dự án học tập theo chủ đề liên môn. Những thành quả từ các phương pháp này là một trong các cơ sở thực tiễn để xây dựng chương trình GDPT mới.
Vẫn phải vừa chạy vừa xếp hàng
Trong khi đó, tại khu vực miền núi phía Bắc, do những đặc thù riêng nên việc triển khai thực hiện chương trình GDPT khó khăn hơn rất nhiều. Ông Ma Thế Quyên, Giám đốc Sở GD&ĐT Bắc Kạn cho biết, thách thức đầu tiên đối với các tỉnh miền núi đó là địa hình trường lớp chia cắt, quy mô trường lớp đều rất nhỏ. Môn học bắt buộc tăng (môn tin học, ngoại ngữ) nhưng định biên giáo viên không tăng.
"Với thực trạng hiện nay, giáo viên không thể dạy tiết 1 ở trường chính, tiết 2 chạy sang điểm trường để dạy. Vì khoảng cách quá xa. Môn tin học không thể di chuyển máy tính từ điểm trường chính về điểm lẻ dạy cho học sinh. Bắt học sinh chuyển cũng không được. Chúng tôi cũng đang căng mình để chuẩn bị thực hiện chương trình mới nhưng cũng có những cái khó, không biết giải quyết thế nào" - ông Quyên nói.
Cũng theo ông Ma Thế Quyên, cơ sở vật chất để thực hiện học 2 buổi/ngày cũng khó khăn nên phải "liệu cơm gắp mắm, vừa chạy vừa xếp hàng".
Thiếu phòng học cũng là thách thức đối với các thành phố lớn hoặc ở nơi tập trung quá nhiều khu công nghiệp. Hưng Yên mới chỉ có 30% phòng học đáp ứng dạy 2 buổi/ngày, Tuyên Quang 44,5%, Đồng Nai là 30%. Cả nước còn thiếu khoảng 5.000 giáo viên tiếng Anh để thực hiện theo chương trình GDPT mới.
Theo ông Phạm Hùng Anh, Cục trưởng Cục Cơ sở vật chất (Bộ GD&ĐT), để giải quyết bất cập về cơ sở vật chất, Bộ đã chỉ đạo các địa phương xác định nhu cầu xây dựng mới, sửa chữa, cải tạo phòng học, ưu tiên bảo đảm cho giáo dục tiểu học đủ mỗi lớp một phòng học. ối với các thành phố lớn và các địa phương tập trung đông dân cư, thiếu quỹ đất để xây thêm phòng học thì tùy từng trường hợp có thể lập phương án nâng tầng các công trình hiện có.
NGHIÊM HUÊ
Theo Tiền phong
Thầy giáo gây 'nghiện' môn địa lý nhờ sáng tạo trong cách dạy Là một giáo viên dạy môn địa lý của Trường Trung học cơ sở Nguyễn Du, gần 10 năm theo nghề, thầy giáo Bùi Quang Huy (sinh năm 1986) luôn phấn đấu rèn luyện trở thành một nhà giáo mẫu mực, nêu cao tinh thần tự học, tự bồi dưỡng, tận tụy với nghề, tâm huyết, sáng tạo trong từng tiết học, hết...