Cô giáo tận tâm, nhân hậu
Tận tâm, nhân hậu, không ngừng tự học để đổi mới, sáng tạo về phương pháp giáo dục, là niềm tin cậy của phụ huynh học sinh và niềm tự hào của đồng nghiệp.
Đó là những chia sẻ của đồng nghiệp, phụ huynh học sinh khi nói đến cô giáo Nguyễn Cẩm Ly, giáo viên chủ nhiệm lớp 1H, Tổ trưởng chuyên môn khối lớp 1, Trường Tiểu học Trần Quốc Toản ( quận Hoàn Kiếm).
Cô giáo Nguyễn Cẩm Ly đang hướng dẫn học sinh tự học và chăm sóc sức khỏe qua mạng internet.
Nỗ lực tự học và sáng tạo
Tốt nghiệp Khoa Tiểu học, Trường Cao đẳng Sư phạm Hà Nội năm 1994, cô giáo Nguyễn Cẩm Ly nhận công tác tại Trường Tiểu học Trần Quốc Toản (quận Hoàn Kiếm) và gắn bó với ngôi trường này cho đến nay. Nhớ lại những ngày đầu chập chững vào nghề, cô giáo Nguyễn Cẩm Ly chia sẻ: “Vì còn trẻ, lại chưa có kinh nghiệm, nên tôi lo lắng rất nhiều. Tuy nhiên, tôi luôn nghĩ, mình cứ tận tâm, hết lòng vì học sinh, chắc chắn sẽ thành công. 26 năm qua, tôi luôn tâm niệm điều ấy…”.
Trong suốt chặng đường gắn bó với Trường Tiểu học Trần Quốc Toản, cô giáo Nguyễn Cẩm Ly không ngừng học hỏi, nâng cao trình độ chuyên môn, kỹ năng sư phạm. Ngoài việc hăng hái tham gia các hoạt động bồi dưỡng, chia sẻ, trao đổi về nghiệp vụ với đồng nghiệp, cô giáo Nguyễn Cẩm Ly còn tự đọc và cập nhật kiến thức, phương pháp giáo dục qua sách vở, tài liệu… Năm 2004, tròn 10 năm công tác, cô giáo Nguyễn Cẩm Ly đã vinh dự đem lại thành tích cho ngành Giáo dục quận Hoàn Kiếm và Trường Tiểu học Trần Quốc Toản với danh hiệu giáo viên dạy giỏi cấp quốc gia.
Dù được nhiều đồng nghiệp coi là “cây đa, cây đề” trong chuyên môn và kỹ năng sư phạm, song cô giáo Nguyễn Cẩm Ly vẫn không ngừng phấn đấu về mọi mặt, tìm cách đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin vào các bài giảng, có nhiều sáng kiến kinh nghiệm được xếp loại cấp quận và thành phố…
Năm học 2014-2015, cô đạt giải Nhì cuộc thi thiết kế bài giảng E-Learning cấp thành phố, đạt giải Xuất sắc cuộc thi thiết kế bài giảng E-Learning tại Ngày hội Công nghệ thông tin và Hội thi triển lãm đồ dùng dạy học tự làm lần thứ 3 cấp quận. Các vấn đề thời sự như dịch bệnh, ô nhiễm môi trường… được cô giáo Cẩm Ly đưa vào bài học nhẹ nhàng, tự nhiên và gần gũi, giúp học sinh dễ tiếp thu và dần hình thành ý thức, thói quen tốt trong sinh hoạt như ngủ dậy đúng giờ, tập thể dục thường xuyên, rửa tay trước và sau khi ăn, bỏ rác đúng chỗ…
Video đang HOT
Cũng vì vậy, học trò lớp cô không chỉ có nền nếp học tập, mà còn luôn gương mẫu, tự giác trong nhiều hoạt động bảo vệ môi trường, có nhiều sáng tạo trong việc tái chế các sản phẩm từ rác thải nhựa, giấy báo, bìa cũ…
“Việc lôi cuốn học sinh, nhất là với trẻ vừa qua tuổi mẫu giáo vào các giờ học thực sự khó khăn, nếu để các con chán hoặc sợ học thì sẽ gây ra áp lực với chính học sinh và là gánh nặng với bố mẹ. Vậy mà chỉ sau khi nhập học một thời gian ngắn, tôi thấy hầu hết các con lớp 1H đều đã tự giác và tự lập hơn rất nhiều. Chúng tôi thực sự trân trọng và biết ơn cô giáo Cẩm Ly vì những điều ấy”, anh Bùi Hữu Kỳ, phụ huynh học sinh lớp 1H, Trường Tiểu học Trần Quốc Toản chia sẻ.
Trao gửi yêu thương cho học trò
Tôi biết đến cô giáo Nguyễn Cẩm Ly thật tình cờ. Đó là vào những ngày cuối tháng 2-2020, khi dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, nhiều giáo viên của Trường Tiểu học Trần Quốc Toản đã lồng ghép các kiến thức, kỹ năng về phòng, chống dịch vào việc hướng dẫn các em tự học trong thời gian ở nhà…
“Các con hãy viết một bức thư hoặc vẽ tranh để bày tỏ tình cảm với những bạn nhỏ ở Vĩnh Phúc, nơi đang bị cách ly vì dịch Covid-19″ là một trong những đề bài như thế. Các bức tranh vẽ, những dòng nhắn gửi đầy yêu thương và suy nghĩ ngộ nghĩnh của các cô, cậu học trò ở Thủ đô hướng về các bạn nhỏ ở Vĩnh Phúc được đăng tải trên mạng xã hội nhanh chóng thu hút sự chú ý và cũng khiến nhiều người ấm lòng… Khi ấy, chúng tôi đã liên hệ để phỏng vấn cô giáo chủ nhiệm của những tác phẩm trên, đó chính là cô giáo Nguyễn Cẩm Ly.
Gặp lại cô giáo Nguyễn Cẩm Ly vào những ngày cuối tháng 4-2020, mặc dù học sinh vẫn đang trong thời gian tạm nghỉ học để phòng, chống dịch Covid-19, song cùng với các đồng nghiệp của trường, cô giáo Cẩm Ly vẫn tích cực triển khai nhiều hình thức hỗ trợ học sinh duy trì nếp tự học tại nhà. Do đối tượng là học sinh lớp 1, nên việc thông tin, hướng dẫn các em về việc thực hiện và duy trì vệ sinh cá nhân, chăm sóc sức khỏe được cô giáo Cẩm Ly đặc biệt lưu tâm.
Cô giáo Nguyễn Cẩm Ly còn là một giáo viên chủ nhiệm tận tâm, luôn gần gũi, chăm sóc chu đáo, hết lòng vì học sinh. Cô dành tình yêu thương nhiều hơn cho các học sinh có hoàn cảnh khó khăn, động viên bằng cả tinh thần và vật chất, giúp các em vượt qua bệnh tật và hoàn cảnh để học tập.
Câu chuyện của cậu học trò bị ung thư máu B.Đ.N.A là một trong nhiều trường hợp như thế. Năm học 2015-2016, cậu bé B.Đ.N.A vừa nhập học lớp 1 do cô giáo Cẩm Ly chủ nhiệm chưa được bao lâu, thì phải nhập viện truyền hóa chất trong lúc gia đình vô cùng khó khăn, bố ốm nằm viện, mẹ mang thai em bé…
Phong trào “Trao gửi yêu thương” đã được cô giáo Nguyễn Cẩm Ly phát động và nhanh chóng lan rộng toàn trường, được cán bộ, giáo viên, nhân viên, phụ huynh học sinh ủng hộ. Sự động viên kịp thời về vật chất và tinh thần đã giúp cậu bé B.Đ.N.A hồi phục, vượt qua được giai đoạn khó khăn và hiện đang học lớp 4 tại trường. Không chỉ quan tâm các học trò mình trực tiếp giảng dạy, cô giáo Nguyễn Cẩm Ly còn dành sự yêu thương hết mực cho những học trò có hoàn cảnh khó khăn trong trường.
Nhắc đến đồng nghiệp của mình, cô giáo Nguyễn Hải Đường, giáo viên chủ nhiệm lớp 1E, Chủ tịch Công đoàn Trường Tiểu học Trần Quốc Toản cho biết: Mỗi giờ học, mỗi hoạt động do cô giáo Cẩm Ly tổ chức cho học sinh là một sự sáng tạo, nên luôn lôi cuốn học sinh. Cô giáo Cẩm Ly còn là một đồng nghiệp sống chân thành, giàu tình cảm, luôn chia sẻ.
Còn cô giáo Trần Thị Bích Liên, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Trần Quốc Toản không giấu nổi niềm tự hào: Nhà trường vinh dự khi có một đội ngũ nhà giáo giàu tâm huyết, là những tấm gương về đạo đức, tự học và sáng tạo, trong đó có cô giáo Nguyễn Cẩm Ly. Sự nỗ lực không ngừng về mọi mặt và tấm lòng nhân hậu của cô giáo Nguyễn Cẩm Ly luôn khiến học trò, phụ huynh kính trọng và đồng nghiệp tin yêu, nể phục.
Với những thành tích đóng góp vào thành công chung của Trường Tiểu học Trần Quốc Toản và tấm lòng nhân ái, tình cảm yêu thương hết mực dành cho các học trò thân yêu, cô giáo Nguyễn Cẩm Ly, giáo viên chủ nhiệm lớp 1H đã vinh dự được Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội tặng danh hiệu Người tốt – Việc tốt năm 2020.
Giáo viên vào buôn giao bài tập cho học sinh
Gần tháng nay, các giáo viên trường Tiểu học Bùi Thị Xuân cứ một tuần lại vào ba buôn đặc biệt khó khăn để giao, thu bài tập cho học sinh.
19h ngày 21/4, cô Vũ Thị Nhung, giáo viên trường tiểu học Bùi Thị Xuân, xã Ea Mdoh, huyện Cư M'gar, cùng chồng trở về nhà sau khi giao bài tập môn Toán và Tiếng Việt cho 9 học sinh ở buôn Cuôr, Ea Mdroh và thôn Hòa Hợp.
Đối với những cháu theo bố mẹ lên nương rẫy, chưa gặp được, cô cố gắng ngày hôm sau sẽ thức dậy sớm hơn, vào buôn "bắt" học sinh nhận bài mới và thu bài tập đã giao trước đó. "Công việc tuy vất vả nhưng vì thương những các em vùng sâu, không có điều kiện học trực tuyến trong thời gian nghỉ chống dịch", cô nói.
Cô Nhung (áo đỏ) giao và hướng dẫn học sinh ở buôn Cuôr làm bài tập. Ảnh: Ngọc Oanh.
Vào đầu tháng 4, cứ ba ngày đầu tuần, buổi sáng từ 7 đến 9h cô Nhung tranh thủ thời gian photo tài liệu, soạn sẵn bài tập mang lên buôn cho học sinh. Buổi chiều từ 16 đến 19h, đêm hôm nguy hiểm, cô nhờ chồng là thầy giáo Mai Văn Chuyền, trường THCS Ngô Mây, xã Ea Mdoh, đi cùng. Ngày chủ nhật cô lại vào thu bài.
Lớp một cô Nhung dạy có 28 học sinh, trong đó 25 em là người dân tộc. Học sinh ở buôn chưa có điều kiện học trực tuyến như các bạn ở thành phố, ngày nghỉ các em còn phải theo bố mẹ lên nương rẫy, đi chăn bò thuê, đời sống vất vả. Nhiều phụ huynh vẫn không chú trọng việc học hành.
Lo sợ học trò quên mất con chữ, nữ giáo viên 32 tuổi phải vào tận nhà cách trường hơn 3 km, để giao bài tập, hướng dẫn các em và nhờ phụ huynh kèm cặp trong thời gian này. "Tôi sẽ cố gắng duy trì việc này đến khi trường mở cửa trở lại", cô Nhung nói.
Trường tiểu học Bùi Thị Xuân có hơn 842 học sinh, trong đó gần 94% là người đồng bào thiểu số, cuộc sống rất khó khăn nên tất cả giáo viên trong trường đều tham gia bổ trợ kiến thức cho các em bằng nhiều hình thức khác nhau.
Cô Nhung kèm một học sinh tại nhà. Ảnh: Nhân vật cung cấp.
Tương tự như nữ giáo viên Vũ Thị Nhung, thầy Nguyễn Văn Tuấn, Hiệu trưởng trường Tiểu học Trần Quốc Toản, huyện Cư M'gar cũng tranh thủ đến nhà một số học sinh để kiểm tra, nắm tình hình tự học của các em.
Trong thời gian nghỉ dịch, thầy Tuấn phân công giáo viên của trường đến tận nhà giao bài cho học sinh. Để theo dõi việc triển khai, thầy luôn theo dõi số lượng đề bài phát ra, thu về mỗi tuần để có đánh giá chung về các học sinh.
Ông Phạm Đăng Khoa, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Đăk Lăk cho biết, tỉnh có khoảng 400.000 học sinh, số học sinh người đồng bào thiểu số chiếm 30%. Bậc tiểu học số lượng học sinh tham gia học trực tuyến chỉ đạt 15-20% .
Vì vậy, việc triển khai học trực tuyến và học trên truyền hình đối với học sinh ở vùng xa rất khó để tiếp cận. Thời gian qua, các giáo viên tiểu học ở hai huyện Buôn Đôn và Cư M'gai đã rất vất vả, đi đến buôn làng xa xôi, hẻo lánh để hướng dẫn trực tiếp cho các em.
Việc giáo viên tới nhà giao bài, hướng dẫn cho các học sinh vùng sâu là hình thức phù hợp, sáng tạo thể hiện tinh thần trách nhiệm của quý thầy cô. "Sở rất hoan nghênh cách dạy này để giúp học sinh không quên kiến thức", ông Khoa nói.
Trần Hóa
Yếu tố nào quyết định chất lượng bài giảng trực tuyến? Theo nhiều giảng viên, bài giảng trực tuyến cần kết hợp hoạt động vui chơi với phương pháp giáo dục để cuốn người học vào dòng thời gian của khóa học. Đồng thời cũng tăng tính tương tác giữa các thành viên trong lớp. Ông Nguyễn Minh Trí, giảng viên Trường ĐH Nguyễn Tất Thành, trong một buổi dạy trực tuyến tại nhà...